Kiến thức cơ bản về chăm sóc người bệnh hậu Covid-19

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng, đe dọa tính mạng trực tiếp của con người. Sau khi điều trị khỏi, người bệnh vẫn có thể gặp một số dị chứng hậu Covid-19. Do đó, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để chăm sóc người bệnh hậu Covid-19 thật tốt.

1. Các thuật ngữ và các giai đoạn hồi phục sau khi bị COVID 19?

Trong đại dịch coronavirus 2019 (COVID-19) đã có một số lượng lớn người bệnh phục hồi sau giai đoạn bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cấp. Những bệnh nhân này có thể gặp một loạt các triệu chứng sau khi hồi phục từ giai đoạn cấp tính, được gọi bằng một số thuật ngữ bao gồm "hội chứng COVID kéo dài", "tình trạng hậu COVID" và "di chứng sau nhiễm cấp tính của SARS-CoV-2". Một số đặc điểm bệnh lý trong giai đoạn hồi phục này có thể chỉ gặp ở bệnh nhân COVID-19, nhưng cũng có nhiều đặc điểm giống với sự phục hồi sau khi bị nhiễm các loại vi rút khác, sau khi bị tình trạng bệnh nặng hoặc sau khi bị nhiễm trùng huyết (sepsis).

Chủ đề này, chúng ta sẽ thảo luận về những điểm cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh trong giai đoạn phục hồi sau giai đoạn cấp của COVID 19.

Trong giai đoạn đầu bị COVID-19 (giai đoạn cấp) thì việc điều trị tập trung vào việc phát hiện và điều trị các biến chứng cấp tính liên quan đến COVID-19. Trong giai đoạn mãn (sau khi đã vượt qua giai đoạn cấp tính), một số bệnh nhân cần được đánh giá và xử trí nếu có các triệu chứng tồn tại dai dẳng hoặc mới xuất hiện.

2. Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng hậu COVID?

Biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng hậu COVID cũng chính là ngăn ngừa bị COVID-19 (ví dụ như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, vệ sinh tay và tiêm chủng vắc - xin Covid-19). Các biện pháp này giúp giảm tỷ lệ mắc hoặc mức độ nặng khi bị nhiễm COVID-19 và sẽ giúp làm giảm tỷ lệ bị và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hậu COVID.

Đã có nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân được tiêm chủng trước khi bị COVID 19 thì sẽ giảm được độ nặng của các triệu chứng trong tuần đầu của bệnh và giảm được các triệu chứng dai dẳng (là các triệu chứng kéo dài hơn 28 ngày) so với những bệnh nhân không được tiêm chủng. Ngoài ra, những người đã được tiêm chủng thì có nhiều khả năng sẽ không có triệu chứng.

3. Các triệu chứng có thể xảy ra trong giai đoạn hậu COVID?

Các triệu chứng dai dẳng: Thường gặp sau giai đoạn COVID-19 cấp, bao gồm: mệt mỏi, khó thở, đau ngực và ho. Ngoài ra, bệnh nhân hậu COVID-19 cũng có thể có các triệu chứng tâm lý (ví dụ như lo lắng, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương [posttraumatic stress disorder - PTSD]) và các triệu chứng về nhận thức (ví dụ: trí nhớ kém và tập trung kém). Tương tự như các hội chứng mà bệnh nhân mắc phải trong giai đoạn hồi phục sau các bệnh hiểm nghèo khác như hội chứng sau chăm sóc tích cực (post-intensive care syndrome).

Các triệu chứng kéo dài này có thể xuất hiện sau khi bị COVID 19 mức độ nhẹ hoặc nặng.

Các triệu chứng cơ năng: trên 1/3 số bệnh nhân hậu COVID 19 có thể bị nhiều hơn 1 triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi (13 đến 87%)
  • Khó thở (10 đến 71%)
  • Đau tức ngực (12 đến 44%)
  • Ho (17 đến 34%)

Các triệu chứng dai dẳng ít gặp hơn bao gồm mất khứu giác, đau khớp, đau đầu, viêm mũi, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, chóng mặt, đau cơ, mất ngủ, rụng tóc, đổ mồ hôi và tiêu chảy.

Triệu chứng về tâm lý/ nhận thức: khá phổ biến ở bệnh nhân hậu covid và thường gặp nhiều hơn khi so với những người hồi phục sau các bệnh lý tương tự khác.

Có nghiên cứu trên bệnh nhân bị COVID-19 cấp tính sau xuất viện ghi nhận có 24% bị PTSD, 18% có vấn đề về trí nhớ và 16% có vấn đề về khả năng tập trung. Tỷ lệ này gặp cao hơn ở nhóm bệnh nhân từng nằm khoa ICU trong quá trình điều trị COVID 19 cấp. Trong nghiên cứu khác ghi nhận có gần 50% số người sống sót sau COVID-19 có chất lượng cuộc sống trở nên tồi tệ hơn, 22% mắc chứng lo âu / trầm cảm và 23% bệnh nhân có các triệu chứng tâm lý kéo dài dai dẳng sau ba tháng. Trong số những người bệnh còn sống sau khi nằm ICU thì 23% bị rối loạn lo lắng, 18% bị trầm cảm và 7% có các triệu chứng PTSD. Trong số những bệnh nhân covid 19 mức độ nhẹ không cần nhập viện thì 21% bị suy giảm trí nhớ.

Những rối loạn về tâm lý hậu COVID có thể gặp phổ biến hơn khi so với những người đang hồi phục sau những căn bệnh tương tự. Các triệu chứng dai dẳng có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Một nghiên cứu hồi cứu 1300 bệnh nhân COVID-19 nhập viện và sau khi được xuất viện về nhà 30 ngày thì chỉ có 40% bệnh nhân có khả năng độc lập trong các sinh hoạt

Trong nghiên cứu khác thì gần 40% bệnh nhân không thể trở lại các hoạt động bình thường sau 60 ngày kể từ ngày ra viện.

4. Người bệnh COVID 19 không triệu chứng có bị các triệu chứng hậu COVID không?

Để trả lời câu hỏi này thì hiện tại các dữ liệu nghiên cứu còn rất hạn chế. Trong một phân tích dưới nhóm từ các nghiên cứu quan sát lớn ghi nhận có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng bị các triệu chứng hậu COVID (ví dụ như: mệt mỏi). Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.

5. Trẻ em có bị các triệu chứng hậu COVID không?

Trẻ em cũng có thể bị hậu COVID nhưng triệu chứng hậu covid ở trẻ em có tỷ lệ thấp hơn khi so với người lớn. Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu trên trẻ em còn hạn chế. Một nghiên cứu hồi cứu trên đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên (tuổi trung bình là 11 tuổi) đã ghi nhận ở 4% nhóm đối tượng này có ít nhất một triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần. Các triệu chứng được báo cáo thường gặp nhất là mệt mỏi (3%) và kém tập trung (2%).

6. Các triệu chứng dai dẳng có thể bị nặng hơn sau khi tiêm vắc xin Covid-19 ở giai đoạn hậu COVID không?

Các triệu chứng dai dẳng trên không nặng thêm (và cũng có thể cải thiện) sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Điều này đã được thấy trong một nghiên cứu trên 163 bệnh nhân có các triệu chứng hậu COVID ở tháng thứ 8, những người này được tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc vắc xin AstraZeneca. Một tháng sau khi tiêm vắc xin, các triệu chứng tồn tại trước khi tiêm chủng ở phần lớn bệnh nhân đã được cải thiện hoặc không thay đổi, chỉ có 5% là trở nên xấu hơn.

7. Thời gian phục hồi dự kiến?

Thời gian để bệnh nhân hậu COVID hết các triệu chứng phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ như mức độ nặng của bệnh trong giai đoạn cấp tính và các triệu chứng mà bệnh nhân đã trải qua. Một số nghiên cứu cho thấy thời gian phục hồi ngắn hơn (ví dụ, hai tuần) đối với những người bị bệnh nhẹ và thời gian phục hồi lâu hơn (ví dụ, từ hai đến ba tháng hoặc lâu hơn) đối với những người bị bệnh nặng hơn.

Dữ liệu ban đầu cho thấy quá trình phục hồi lâu hơn ở những bệnh nhân cần nhập viện, những bệnh nhân lớn tuổi có các bệnh đi kèm từ trước, những bệnh nhân có biến chứng (ví dụ: viêm phổi do vi khuẩn thứ phát, huyết khối tĩnh mạch) và những bệnh nhân phải nằm viện hoặc nằm ICU kéo dài. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy ngay cả những bệnh nhân mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn chưa từng nằm viện, bao gồm cả những bệnh nhân tự báo cáo COVID-19 cũng có các triệu chứng kéo dài và dai dẳng.

Một số triệu chứng hết nhanh hơn những triệu chứng khác. Ví dụ, sốt ớn lạnh và các triệu chứng khứu giác / tiết dịch thường hết trong vòng hai đến bốn tuần, trong khi mệt mỏi, khó thở, tức ngực, suy giảm nhận thức và ảnh hưởng tâm lý có thể kéo dài trong nhiều tháng (ví dụ, từ 2 đến 12 tháng).

8. Bệnh nhân hậu COVID có nguy cơ phải tái nhập viện không?

Hầu hết bệnh nhân nhập viện do COVID-19 đều được xuất viện thành công, mặc dù khoảng 10% phải nhập viện lại trong vòng 30 ngày và 20% phải nhập viện lại trong vòng 60 ngày.

Ví dụ:

Trong một nghiên cứu hồi cứu trên 100.000 bệnh nhân nhập viện tại Hoa Kỳ bị COVID-19, trong số những bệnh nhân đã xuất viện thì 9% được nhập viện lại trong vòng hai tháng tại cùng một bệnh viện. Trong số những bệnh nhân tái nhập viện này thì 1,6% có nhiều lần phải tái nhập viện. Thời gian trung bình cho lần tái nhập viện đầu tiên là 8 ngày. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến việc tái nhập viện bao gồm: tuổi ≥65, xuất viện và được đưa đến các cơ sở chăm sóc điều dưỡng hoặc cần có các dịch vụ y tế tại nhà hoặc có một hoặc nhiều bệnh đi kèm (ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, đái tháo đường có biến chứng, bệnh thận mãn, béo phì với BMI ≥30 kg/m2).

Trong một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu khác gồm 1409 bệnh nhân nhập viện do COVID-19 thì 10% bệnh nhân bị tái nhập viện. Nguy cơ phải nhập viện lại hoặc tử vong cao hơn ở bệnh nhân nam, bệnh nhân da trắng, suy tim, tiểu đường, thường xuyên đến phòng cấp cứu trong vòng sáu tháng trước, đau hàng ngày, suy giảm nhận thức hoặc phụ thuộc chức năng.

Trong một nghiên cứu khác trên 1775 bệnh nhân được xuất viện sau COVID-19, 20% phải nhập viện trong vòng 60 ngày; Nguy cơ tái nhập viện tăng ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Các chẩn đoán khi tái nhập viện thường gặp là COVID-19 (30%), nhiễm trùng huyết (8,5%), viêm phổi (3,1%) và suy tim (3,1%). Hơn 20% phải nhập vào khoa ICU và tỷ lệ tử vong là 9%. Tỷ lệ tái nhập viện hay tử vong xảy ra cao nhất trong vòng 10 ngày đầu tiên sau khi xuất viện.

9. Bệnh nhân hậu COVID 19 khi nào có thể quay lại làm việc hay tập thể dục?

Khả năng trở lại làm việc hoặc tập thể dục của bệnh nhân nên được đánh giá trên cơ sở cá nhân và có thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng chức năng cơ bản trước khi bị COVID-19, mức độ nghiêm trọng của bệnh, loại biến chứng và mức độ nghiêm trọng của các biến chứng mà bệnh nhân mắc phải. Nói chung, đối với hầu hết bệnh nhân đang hồi phục sau cơn bệnh cấp tính, chúng tôi khuyến khích tập luyện tăng dần cường độ sao cho phù hợp với cơ địa. Bắt đầu tập ở mức cường độ thấp và tăng dần hoạt động trong vài tuần.

  • Những bệnh nhân có các triệu chứng mới hoặc có triệu chứng tiến triển nặng thêm trong lúc hoạt động thể chất hay gặp khó khăn trong việc khôi phục lại mức hoạt động như trước khi bị COVID-19 thì nên được khám lâm sàng và cân nhắc làm nghiệm pháp gắng sức.
  • Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng, chúng tôi khuyên bạn nên tập thể dục với cường độ tăng dần về mức như trước khi bị COVID-19. Bệnh nhân cần được theo dõi xem có triệu chứng mới xuất hiện hay không.

Những bệnh nhân có kế hoạch trở lại tập các môn thể thao cường độ cao hoặc một công việc đòi hỏi thể lực sau khi bị viêm cơ tim/ covid 19 thì nên được bác sĩ tim mạch đánh giá trước. Các vận động viên cường độ cao bị viêm cơ tim chỉ về mặt cận lâm sàng thì nhu cầu đánh giá này là không rõ ràng.

Một nghiên cứu từ Trung Quốc báo cáo có 88% bệnh nhân bị COVID-19 đã có thể trở lại làm việc sau 12 tháng.

Biến chứng hậu COVID-19 tồn tại ở mỗi người khác nhau nhưng có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Bệnh nhân khi thăm khám sớm có thể kịp thời phát hiện và điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Mark E Mikkelsen, và cộng sự, COVID-19: Evaluation and management of adults following acute viral illness, Last updated: Dec 03, 2021.
    https://www.uptodate.com/contents/covid-19-evaluation-and-management-of-adults-following-acute-viral-illness
  2. Evaluating and Caring for Patients with Post-COVID Conditions: Interim Guidance https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/clinical-care/post-covid-index.html (Accessed on June 15, 2021).
  3. World Health Organization. A clinical case definition of post-COVID-19 condition by a Delphi consensus, 6 October 2021. https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-Post_COVID-19_condition-Clinical_case_definition-2021.1 (Accessed on October 11, 2021).
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

471 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan