Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có cần đi khám?

Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu là một hiện tượng thường gặp, không đáng lo ngại. Vậy nên, khi thấy bé bị chảy máu ở rốn, bố mẹ và người trông coi cần bình tĩnh, tìm cách cầm máu và chăm sóc rốn cho bé đúng cách. Bên cạnh đó, bố mẹ cần lưu ý đến dấu hiệu nhiễm trùng rốn thường gặp để phát hiện sớm và đưa trẻ thăm khám kịp thời.

1. Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu nguyên nhân vì sao?

Dây rốn chính là nguồn sống, giúp cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho em bé và loại bỏ chất thải trong thời kỳ bé còn ở trong bụng mẹ. Sau khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn của bé trong vòng vài phút đầu sau sinh và để lại phần cuống rốn (phần này dài khoảng 2 – 3 cm). Phần cuống rốn này sẽ rụng tự nhiên trong khoảng vài tuần sau đó hoặc có thể lâu hơn tùy vào cơ địa mỗi bé.

Trong quá trình rụng rốn cho đến khi rốn của liền lại hoàn toàn, trẻ sơ sinh có thể có hiện tượng bị chảy máu rốn.

Chảy máu ở rốn trẻ sơ sinh là hiện tượng thường gặp, có thể xảy ra trong thời gian trẻ rụng rốn hoặc 1 tuần sau đó. Rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng thường bị chảy máu có thể là do trong quá trình rụng rốn bị bong tróc vảy và rỉ máu, sau đó sẽ tự khỏi và liền lại.

Những nguyên nhân khiến rốn trẻ sơ sinh chưa rụng mà bị chảy máu:

  • Rốn của trẻ bị trầy xước do mặc tã cọ xát với phần rốn hoặc do người chăm sóc vô tình cọ xát quá mạnh khi vệ sinh rốn cho bé.
  • Do chăm sóc không đúng cách khiến vi khuẩn, virus có điều kiện tấn công, gây ra tình trạng viêm nhiễm ở rốn của trẻ. Tình trạng này thường xảy ra khi bố mẹ hoặc người chăm sóc băng rốn của bé quá kín hay băng rốn bị ẩm ướt.

2. Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu phải làm sao?

Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu sau khi rụng? là băn khoăn lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. Theo chuyên gia, trong trường hợp rốn trẻ sơ sinh chỉ bị chảy máu nhẹ, không có triệu chứng bất thường nào khác như tiết dịch hay chảy mủ thì bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ chỉ cần cầm máu và chú ý chăm sóc, vệ sinh rốn đúng cách thì chỗ chảy máu sẽ tự liền lại.

Cách xử trí tại nhà khi rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu không có dấu hiệu nhiễm trùng:

  • Cầm máu ở rốn trẻ bằng tăm bông hoặc miếng gạc sạch. Thao tác nhẹ nhàng, tránh gây đau hoặc tổn thương cho vùng rốn, da của bé.
  • Giữ cho vùng da xung quanh rốn của trẻ luôn sạch sẽ và khô thoáng để tránh bị nhiễm khuẩn.
  • Cho bé mặc đồ rộng rãi, thoáng mát để rốn tiếp xúc nhiều với không khí giúp rốn nhanh lành, tránh băng rốn của trẻ quá kín.
  • Thay tã cho trẻ thường xuyên, luôn giữ tã khô, sạch sẽ, mặc tã nằm dưới rốn tránh tã cọ xát khiến rốn của bé trầy xước hoặc bị nhiễm khuẩn từ phân và nước tiểu.
  • Khi tắm cho bé, cần nhanh gọn tránh để rốn tiếp xúc quá lâu với nước. Lau cho thật khô sau khi tắm, tránh sự ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển và gây viêm nhiễm.
  • Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa vấn đề chảy máu ở rốn trẻ sơ sinh thì trong quá trình chăm sóc rốn cho trẻ, bố mẹ nên dùng khăn mềm thấm với nước lau nhẹ nhàng chất bẩn hoặc phần dịch chảy ra, tránh dùng xà phòng, cồn hoặc bất kỳ dung dịch nào khác.
  • Khi thấy rốn của trẻ có dấu hiệu sắp rụng thì cần để rốn rụng tự nhiên, không nên tự ý tác động hoặc bứt cuống rốn vì điều này có thể khiến rốn của bé bị chảy máu và gây đau đớn hoặc nhiễm trùng.
  • Sau quá trình rụng rốn sẽ là khoảng thời gian để rốn lành lại, bố mẹ cũng không nên cạy các mảng bám trên rốn hoặc tự ý dùng các bài thuốc dân gian được cho là có thể giúp rốn mau lành.

3. Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu cần phải khám khi nào?

Tình trạng rốn bị chảy máu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhiễm trùng rốn không phổ biến, tỷ lệ mắc phải chỉ 1/200 nhưng đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới các cơ quan ở trong ổ bụng và gây ra các bệnh liên quan tới mạch máu nên bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Trường hợp trẻ có các dấu hiệu sau đây, có thể trẻ đã bị nhiễm trùng và bạn cần phải đưa trẻ đi khám ngay:

  • Sưng đỏ vùng rốn của trẻ.
  • Chảy máu ở rốn nhiều và kéo dài (sau 10 phút đè chặt vẫn còn chảy máu hoặc bị chảy máu hơn 3 lần/ngày)
  • Vùng da xung quanh rốn bị đỏ, rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có mùi hôi, bị rỉ dịch hoặc mủ
  • Trẻ sơ sinh bị sốt trên 38 độ C, có dấu hiệu bỏ bú, quấy khóc khi chạm vào rốn, ngủ nhiều li bì...

Phần lớn các trường hợp trẻ bị chảy máu rốn thường không đáng lo ngại. Bố mẹ chỉ cần chú ý cầm máu, chăm sóc rốn trẻ đúng cách thì rốn của trẻ sẽ rất nhanh lành lại. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào nghi ngờ nhiễm trùng nào phụ huynh nên cho trẻ đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời và hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan