Chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu để khảo sát những bệnh lý nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Và Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu là một xét nghiệm hình ảnh học sử dụng một máy có nam châm mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của cơ quan nằm trong khu vực giữa khung xương chậu. Các cấu trúc này bao gồm bàng quang, tuyến tiền liệt ở nam, buồng trứng và tử cung ở nữ, các hạch bạch huyết, ruột già, ruột non và xương chậu. Do bị che lấp bởi khung xương, chụp cộng hưởng từ là phương tiện lý tưởng cho việc khảo sát các bệnh lý tại đây.

1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu là gì?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một xét nghiệm không xâm lấn được sử dụng để chẩn đoán các tình trạng bệnh lý. MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng radio và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong cơ thể mà không sử dụng năng lượng bức xạ (tia X) như chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).

Hình ảnh MRI chi tiết cho phép bác sĩ kiểm tra các nội tạng và phát hiện bất thường. Hình ảnh có thể được xem ngay trên màn hình máy tính hay cũng có thể được gửi dưới dạng điện tử, in hoặc sao chép vào đĩa CD, in thành phim. Bất kỳ khu vực nào trên cơ thể, nếu không mắc phải chống chỉ định, thì đều có thể chụp MRI.

Khu vực chụp MRI khung chậu thường thực hiện kèm theo với ổ bụng, với các tạng đặc và rỗng trong bụng, gồm: Gan, đường mật, thận, lá lách, ruột, tuyến tụy và tuyến thượng thận; trong khung chậu, gồm bàng quang, đại tràng và các cơ quan sinh sản như tử cung và buồng trứng ở nữ và tuyến tiền liệt ở nam, mạch máu, hạch bạch huyết.

MRI tử cung
Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác, an toàn

2. Những ưu điểm khi chụp MRI khung chậu

  • MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn và không liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ.
  • Hình ảnh MRI có khả năng phản ánh rất tốt các cấu trúc mô mềm trong khung chậu — chẳng hạn như buồng trứng, tử cung, đại tràng và nhiều cơ quan khác — nên có nhiều khả năng xác định và mô tả chính xác bệnh hơn các phương pháp hình ảnh khác. Điều này làm cho MRI ngày càng trở thành một công cụ hữu ích trong chẩn đoán và đánh giá sớm nhiều tổn thương và khối u khu trú trong vùng bụng chậu.
  • MRI đã được chứng minh là có giá trị trong việc chẩn đoán một loạt các bệnh, bao gồm ung thư, bệnh tim và mạch máu cũng như các bất thường về cơ và xương.
  • MRI có thể phát hiện các bất thường có thể bị che khuất bởi xương bằng các phương pháp hình ảnh khác.
  • Chất cản quang của MRI là dùng gadolinium có tỷ lệ gây ra phản ứng dị ứng thấp hơn so với chất cản quang i-ốt được sử dụng để chụp X-quang và CT.
  • MRI cung cấp một giải pháp thay thế không xâm lấn cho X-quang, chụp mạch và CT để chẩn đoán các vấn đề của mạch máu.
chup-ct-mri-trong-chan-doan-viem-ruot-thua-3
Chụp cộng hưởng từ có nhiều đặc điểm ưu việt hơn các phương pháp chẩn đoán khác

3. Khi nào cần phải chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu?

Các bác sĩ cần sử dụng hình ảnh từ MRI khung chậu, có hay không có kèm theo MRI ổ bụng, để giúp chẩn đoán hoặc theo dõi điều trị cho các tình trạng như:

  • Khối u thuộc vùng bụng hoặc xương chậu
  • Các bệnh về gan, chẳng hạn như: Xơ gan, các bất thường của đường mật và tuyến tụy
  • Các tình trạng viêm ruột mạn tính như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
  • Các mạch máu bất thường và các mạch bị viêm (do viêm mạch)
  • Bào thai trong tử cung của một phụ nữ mang thai
  • Bất thường về sản phụ khoa mà không giải thích được bằng các phương tiện hình ảnh học khác
Gan nhiễm mỡ không do rượu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xơ gan
Bệnh nhân xơ gan được chỉ định chụp MRI khung chậu

4. Cách thức thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu như thế nào?

Việc chụp cộng hưởng từ (MRI) khung chậu cũng tương tự như tại khác khu vực khác trên cơ thể, có thể được thực hiện trên bệnh nhân ngoại trú hoặc nội trú.

Đầu tiên, người bệnh cần mặc áo choàng của bệnh viện hoặc có thể được phép mặc quần áo của riêng mình nếu rộng rãi và không có dây buộc, chi tiết bằng kim loại. Các hướng dẫn về việc ăn uống trước khi chụp MRI sẽ tùy vào chỉ định thực hiện của bác sĩ; theo đó, nếu có dùng thuốc cản từ, người bệnh cần nhịn ăn nhưng việc dùng thuốc định kỳ trong ngày vẫn được chấp nhận. Song song đó, người bệnh cũng cần được hỏi tiền căn có bị hen suyễn hoặc dị ứng với chất cản quang i-ốt, thuốc, thức ăn, hoặc môi trường hay không.

Đối với người bệnh mắc chứng sợ không gian kín hoặc cảm giác lo lắng, bác sĩ cần chỉ định thêm một loại thuốc an thần nhẹ trước khi thực hiện để người bệnh cảm thấy dễ chịu và hợp tác tốt hơn.

Cần để tất cả đồ trang sức và các phụ kiện khác ở nhà hoặc tháo chúng ra trước khi chụp MRI. Các vật dụng bằng kim loại và điện tử có thể gây nhiễu từ trường của thiết bị MRI nên chúng không được phép mang vào phòng chụp; hoặc đôi khi có thể gây bỏng hoặc trở thành yếu tố gây nguy hiểm cho người bệnh. Các vật này bao gồm:

  • Đồ trang sức, đồng hồ, thẻ tín dụng và thiết bị trợ thính
  • Ghim đính, kẹp tóc, dây kéo kim loại và các vật dụng kim loại tương tự
  • Các dụng cụ nha khoa tháo lắp
  • Bút, dao bỏ túi và kính đeo mắt
  • Khuyên đính trên cơ thể
  • Điện thoại di động, đồng hồ điện tử và thiết bị theo dõi.
Chụp MRI chống chỉ định đối với những bệnh nhân mang máy điều hòa nhịp tim
Trước khi chụp MRI người bệnh cần tháo hết đồ kim loại trên cơ thể

Trong hầu hết các trường hợp, việc chụp MRI có thể xem là an toàn cho bệnh nhân có các vật liệu cấy ghép kim loại, ngoại trừ một số loại như sau:

  • Vật liệu cấy ghép ốc tai
  • Clip kẹp trong các chứng phình động mạch não
  • Cuộn dây kim loại được đặt trong mạch máu
  • Máy khử rung tim và máy tạo nhịp tim thế hệ đầu

Sau khi được chuẩn bị, người bệnh sẽ được sắp xếp nằm trên bàn chụp chuyên dụng có thể di chuyển được vào trong thân máy. Kỹ thuật viên có thể sử dụng thêm dây đai và nẹp để giúp người bệnh nằm yên và giữ nguyên vị trí của mình trong lúc chụp. Các thiết bị có chứa cuộn dây có khả năng gửi và nhận sóng vô tuyến được di chuyển tới khung chậu, vùng được chụp, thực hiện nhiều lần chạy (trình tự) để lấy hình ảnh. Mỗi trình tự có thể kéo dài vài phút.

Nếu chụp MRI sử dụng chất cản quang, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ đưa một ống thông tĩnh mạch vào tĩnh mạch ở tay để tiêm một lượng chất cản quang cần thiết vào cơ thể. Lúc này, các hệ thống mạch máu sẽ hiện lên rõ ràng hơn.

Tùy thuộc vào hình thức thực hiện và thiết bị được sử dụng, toàn bộ quá trình chụp MRI thường được hoàn thành trong 30 đến 50 phút và không gây đau đớn gì. Tuy nhiên, một số bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi phải nằm yên kéo dài. Những người khác có thể cảm thấy ngột ngạt, ồn ào khi ở trong máy quét MRI. Tuy nhiên, kỹ thuật viên vẫn có thể quan sát, nghe và nói chuyện với người bệnh mọi lúc bằng hệ thống liên lạc nội bộ hai chiều. Do đó, nếu cảm thấy quá khó chịu, người bệnh có thể cho tín hiệu tạm dừng chụp MRI.

Sau khi hoàn thành việc chụp MRI khung chậu, kết quả sẽ được phân tích bởi các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm. Phối hợp với các dữ kiện thông qua thăm khám lâm sàng và các kết quả của những xét nghiệm khác, bệnh lý tại khung chậu sẽ được xác định và đưa ra phương thức điều trị.

Tóm lại, chụp MRI sử dụng nam châm và sóng vô tuyến, là phương tiện an toàn, không xâm lấn để thu nhận hình ảnh bên trong cơ thể mà không cần phải rạch phẫu thuật. Theo đó, chụp MRI vùng chậu là công cụ khảo sát hữu ích giúp bác sĩ đánh giá các bệnh lý về các cơ quan, mạch máu và các mô khác trong vùng chậu. Từ đó, các tình trạng thường gặp tại khu vực này như đau bụng không rõ nguyên nhân, sự lây lan của một số bệnh ung thư... sẽ được phát hiện và điều trị sớm.

Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla hiện đại tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng
Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla hiện đại tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan