Các loại sinh thiết hạch bạch huyết

Sinh thiết hạch bạch huyết là thủ thuật giúp kiểm tra các dấu hiệu hoặc cho biết mức độ tiến triển của một số căn bệnh, chẳng hạn như ung thư. Bác sĩ sẽ lấy ra một mảnh hạch nhỏ và gửi đến phòng thí nghiệm để quan sát dưới kính hiển vi.

1. Sinh thiết hạch bạch huyết là gì?

Các hạch bạch huyết là một phần của cơ thể, thế nhưng hầu hết mọi người đều không biết đến sự tồn tại của những cơ quan nhỏ này. Có hàng trăm hạch bạch huyết nhỏ phân bổ khắp toàn thân (khoảng 500 - 600 hạch), đóng vai trò chính trong việc nhận biết và lọc bỏ những thứ độc hại, bao gồm cả vi trùng. Một số hạch dễ sờ thấy ở vùng cổ, nách và bẹn.

Sinh thiết hạch bạch huyết còn gọi tắt là sinh thiết hạch, giúp chẩn đoán bệnh ung thư hoặc xem tế bào ác tính có di căn đến một khu vực khác hay không. Xét nghiệm này cũng hỗ trợ phát hiện các bệnh nhiễm trùng, đồng thời giải thích tại sao bạn lại gặp phải một số triệu chứng nhất định, chẳng hạn như sưng hạch. Cụ thể, sinh thiết hạch thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Hạch phản ứng viêm, có nguy cơ nhiễm trùng;
  • Hạch nhiễm trùng, ký sinh trùng;
  • Hạch ác tính, bệnh bạch cầu cấp;
  • Hạch di căn ung thư.

Từ kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ quyết định các xét nghiệm cần thực hiện thêm, cũng như phương pháp điều trị tiếp theo.

Sinh thiết hạch cổ
Sinh thiết hạch giúp chẩn đoán các bệnh ung thư

2. Các loại sinh thiết hạch bạch huyết

Trước khi thực hiện sinh thiết, bạn cần làm các xét nghiệm thường quy, chẩn đoán hình ảnh và nghe bác sĩ tư vấn, giải đáp thắc mắc, cũng như ký giấy đồng ý làm thủ thuật.

Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông hoặc Aspirin, bác sĩ có thể yêu cầu ngưng thuốc trong một thời gian hoặc thay đổi thuốc có tác dụng ngắn vài ngày trước khi sinh thiết.

Bạn cần khai báo với nhân viên y tế nếu đã từng bị dị ứng với thuốc tê trước đây. Ngoài ra, có thể ăn uống bình thường trước khi làm thủ thuật. Sinh thiết hạch được thực hiện bởi bác sĩ tại phòng thủ thuật của bệnh viện, bao gồm một số loại sau:

2.1. Sinh thiết hạch gác

Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết hạch gác để xác định xem căn bệnh ung thư bạn mắc phải, như khối u sắc tố hoặc tế bào ung thư vúdi căn đến khu vực mới không.

Các hạch bạch huyết “gác cổng” (Sentinel) là nơi đầu tiên mà tế bào ung thư di chuyển đến khi lan rộng. Nếu không có bất kỳ tế bào ung thư nào trong hạch gác, nghĩa là khối u có thể vẫn nằm ở vị trí ban đầu.

Bước đầu tiên để thực hiện loại sinh thiết này là tìm các hạch gác. Bác sĩ sẽ tiêm chất phóng xạ và/hoặc thuốc nhuộm màu xanh vào khu vực gần khối u. Hệ thống bạch huyết - một mạng lưới bao gồm nhiều ống và nút chống lại vi trùng - sẽ gửi chất nhuộm hoặc chất phóng xạ đến các hạch gác. Bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị tìm phóng xạ hoặc thuốc nhuộm để phát hiện ra vị trí của hạch gác.

Tiếp theo, các nút hạch gác này sẽ được lấy ra ngoài. Bạn sẽ không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện vì đã được gây mê toàn thân. Hầu hết mọi người có thể về nhà trong cùng một ngày sau khi hoàn tất việc sinh thiết.

gây mê
Khi sinh thiết hạch gác, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân

2.2. Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)

Loại sinh thiết này rất giống với quy trình lấy mẫu máu, ngoại trừ việc bác sĩ sẽ sử dụng một loại kim mỏng hơn và có ống rỗng ở giữa.

Bác sĩ sẽ đặt kim vào một trong các hạch bạch huyết để lấy chất lỏng và tế bào, sau đó mang mẫu đi kiểm tra. Bạn có thể được gây tê cục bộ để không cảm thấy đau ở nơi thực hiện thủ thuật.

Mọi người thường có thể về nhà cùng ngày sau khi làm sinh thiết. Nhưng nếu bác sĩ không lấy đủ mẫu hạch để chẩn đoán thì bạn có thể phải làm các loại xét nghiệm khác.

Chọc hút bằng kim nhỏ
Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) giống với quy trình lấy mẫu máu

2.3. Trích mô bằng kim lớn

Quy trình này cơ bản giống với chọc hút bằng kim nhỏ (FNA), nhưng bác sĩ sẽ sử dụng kim với tâm rỗng lớn hơn. Chiếc kim lớn này có thể lấy ra được một khối mô nhỏ, giúp cung cấp nhiều thông tin để chẩn đoán hơn so với chất lỏng và tế bào lấy từ kim mịn. Bạn cũng thường được gây tê cục bộ khi làm thủ thuật.

Với cả hai loại sinh thiết bằng kim, bác sĩ có thể phải đâm kim vào da nhiều lần để lấy đủ mẫu mang đi kiểm tra. Tuy nhiên toàn bộ thủ tục cũng chỉ mất khoảng 15 - 30 phút.

2.4. Sinh thiết mở

Thủ thuật này gần giống với phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch da để lấy ra tất cả hoặc một phần của hạch bạch huyết.

Bạn thường được gây tê cục bộ, nhưng đôi khi bác sĩ cũng đề nghị gây mê toàn thân. Mọi người cần khâu vết thương sau khi làm thủ thuật, nhưng hầu hết sẽ không để lại sẹo.

Nhìn chung, sinh thiết hạch bạch huyết thường rất an toàn, mặc dù có thể chảy máu một chút và đau sau khi hết thuốc tê. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm. Chọc hút bằng kim mịn sẽ ít tốn thời gian phục hồi nhất. Bạn có thể rời bệnh viện và quay trở lại hoạt động bình thường ngay lập tức. Nếu bác sĩ có sử dụng thuốc gây mê, bạn sẽ cần nghỉ ngơi trước khi sinh hoạt trở lại. Lưu ý, nên giữ cho khu vực sinh thiết khô ráo và sạch sẽ trong vòng 2 ngày sau đó.

Sưng hạch bạch huyết
Sinh thiết mở được thực hiện bằng cách lấy ra tất cả hoặc một phần của hạch bạch huyết

3. Kết quả sinh thiết hạch bạch huyết

Sau khi đã sinh thiết xong, bác sĩ sẽ gửi mẫu hạch bạch huyết đến phòng giải phẫu bệnh. Mẫu mô tế bào sẽ được đặt lên một phiến kính và kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có bình thường hay không, hoặc liệu có bất kỳ tế bào ung thư nào xuất hiện không.

Thời gian có kết quả sinh thiết sẽ khác nhau tùy từng loại. Nếu bạn đã sinh thiết hạch gác, đôi khi bác sĩ cũng kiểm tra các dấu hiệu ung thư trong khi đang thực hiện thủ thuật. Nếu tìm thấy các tế bào ác tính, nhiều hạch bạch huyết hơn sẽ được lấy ra và bạn không cần phải quay lại xét nghiệm thêm lần nữa.

Nếu chọc hút bằng kim nhỏ, bạn có thể nhận được kết quả trong cùng một ngày. Đối với kim lớn và sinh thiết mở, bạn sẽ cần phải chờ thêm một thời gian tùy vào các xét nghiệm cần làm khác. Nếu không cần làm thêm xét nghiệm, bạn có thể nhận được kết quả từ 2 - 3 ngày sau thủ thuật. Trong trường hợp cần làm thêm xét nghiệm, bạn có thể phải chờ 7 - 10 ngày, thậm chí là mất nhiều thời gian hơn.

Nhìn chung, bạn sẽ nhận được kết quả sinh thiết hạch bạch huyết trong lần tái khám tiếp theo, hoặc sớm hơn nếu cần thiết. Trường hợp mẫu hạch sinh thiết không thể kết luận được tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ giải thích và chỉ định sinh thiết lặp lại hoặc làm xét nghiệm khác. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào khác liên quan đến sinh thiết hạch bạch huyết, bạn nên đến phòng khám để được bác sĩ trực tiếp giải đáp và tư vấn thêm.

Sinh thiết hạch bạch huyết giúp các bác sĩ phát hiện được nhiều bệnh lý nghiêm trọng,, từ đó sẽ giúp người bệnh sớm có hướng thăm khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên bệnh nhân cần lựa chọn các địa chỉ thăm khám uy tín, bởi kỹ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại để cho ra kết quả sinh thiết chuẩn xác nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan