Dị ứng phấn hoa ngứa mắt phải làm sao?

Phấn hoa là một loại bột mịn, thường có màu vàng nhạt hoặc màu trắng được mang từ cây này sang cây khác nhờ côn trùng, gió, hoặc chim. Sự phát tán của phấn hoa có thể làm cho cơ thể con người bị dị ứng. Ngứa mắt vì dị ứng phấn hoa là những trường hợp phổ biến và có thể gây ra triệu chứng nguy hiểm nếu không xử trí đúng cách.

1. Dị ứng phấn hoa là gì?

Phấn hoa là một trong những nguyên nhân phổ biến gây dị ứng. Cơ chế miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể chống lại những vật lạ và có hại. Hệ thống miễn dịch của những người bị dị ứng phấn hoa xác định nhầm loại phấn hoá vô hại chính là vật thể xâm nhập nguy hiểm. Do đó, cơ thể bắt đầu tạo ra những phản ứng để chống lại phấn hoa. Đây được gọi là phản ứng dị ứng và phấn hoa được gọi là chất gây dị ứng. Một số người bị dị ứng phấn hoa quanh năm, nhưng một số khác chỉ bị dị ứng vào những thời điểm nhất định trong năm. Thông thường rơi vào mùa phấn hoa khoảng cuối mùa xuân và đầu mùa thu.

Những triệu chứng dị ứng phấn hoa có thể được điều trị bằng thuốc điều trị hoặc tiêm dị ứng. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống cũng có thể giúp làm giảm triệu chứng liên quan tới dị ứng phấn hoa.

2. Các loại dị ứng phấn hoa

Bất kỳ loại hoa nào cũng có thể gây dị ứng. Tuy nhiên, một số loại hoa gây dị ứng phổ biến đó là:

  • Hoa bạch dương
  • Hoa cỏ
  • Hoa cúc
  • Hoa nhài
  • Hoa hướng dương
  • Hoa sồi
  • Hoa cỏ phấn hương

3. Triệu chứng dị ứng phấn hoa ở mắt

Dị ứng phấn hoa có thể gây ra những triệu chứng như viêm mũi dị ứng, nổi mẩn trên da và hen suyễn. Ngoài ra, vùng da ở mắt là vùng da nhạy cảm và ảnh hưởng dị ứng lên mắt sẽ gây khó chịu, hạn chế tầm nhìn và ảnh hưởng tới công việc cũng như cuộc sống thường ngày. Hầu hết trong những tình trạng dị ứng ở mắt đều gây khó chịu hơn là nguy hiểm. Một số triệu chứng điển hình có thể kể đến như viêm kết mạc do phản ứng với chất dị ứng. Tình trạng viêm làm mở rộng các mạch máu trong kết mạc, dẫn tới mắt bị đỏ hoặc ngứa mắt, vì dị ứng phấn hoa. Viêm kết mạc dị ứng có thể gây sẹo giác mạc và những vấn đề về thị lực.

Những triệu chứng dị ứng phấn hoa ở mắt bao gồm:

  • Mắt bị ngứa liên tục
  • Đau mắt
  • Cay mắt
  • Bỏng rát
  • Chảy nước mắt
  • Mí mắt sưng húp
  • Mắt bị nhạy cảm với ánh sáng
  • Vùng da dưới mắt sưng lên và có màu hơi xanh

4. Chẩn đoán dị ứng phấn hoa ngứa mắt

Để chẩn đoán dị ứng phấn hoa tại mắt thường thông qua khám lâm sàng. Tuy nhiên, người bệnh có thể phải làm thêm một số xét nghiệm dị ứng để xác định chẩn đoán như xét nghiệm chích da để xác định cụ thể chất gây dị ứng. Bác sĩ sẽ chích và đưa vào một lượng nhỏ những loại chất dị ứng vào các vùng da khác nhau. Nếu người bệnh dị ứng với bất kỳ chất nào đó thì vùng da đó sẽ mẩn đỏ và sưng tấy kèm ngứa tròng vòng 15-20 phút. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu đo IgE, một kháng thể có liên quan tới hầu hết những trường hợp dị ứng bao gồm cả dị ứng phấn hoa có thể được chỉ định. Nồng độ IgE tăng cao tuy không thể giúp xác định được loại phấn hoa bị dị ứng nhưng có thể giúp xác định những triệu chứng liên quan tới dị ứng hơn là nhiễm trùng.

5. Điều trị dị ứng phấn hoa tại mắt

5.1 Thuốc nhỏ mắt và thuốc không kê đơn

  • Thuốc nhỏ mắt nhân tạo có thể làm rửa sạch tạm thời các chất gây dị ứng khỏi mắt và làm ẩm mắt. Nước mắt nhân tạo giúp cho mắt dịu, giảm đỏ và giảm khô kích ứng. Loại thuốc này có thể được sử dụng thường xuyên nếu cần.
  • Thuốc nhỏ mắt thông mũi có tác dụng làm giảm đỏ mắt do dị ứng mắt bằng cách thu hẹp những mạch máu trong mắt. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý không sử dụng thuốc trên bệnh nhân bị tăng nhãn áp.

5.2 Thuốc nhỏ mắt theo toa

  • Thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể làm giảm ngứa, sưng và đỏ do dị ứng mắt. Mặc dù những loại thuốc này có hiệu quả nhanh chóng nhưng tác dụng có thể chỉ kéo dài trong vài giờ. Thông thường liệu trình điều trị là 4 lần/ngày.
  • Thuốc nhỏ mắt ổn định tế bào mast: có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng histamin và những chất khác gây ra triệu chứng dị ứng, qua đó giúp giảm ngứa nhanh chóng.
  • Thuốc nhỏ mắt chống viêm không steroid có tác dụng giảm ngứa, nhưng có thể gây châm chích.
  • Thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid: loại thuốc này có thể giúp điều trị những triệu chứng dị ứng mắt mãn tính và nghiêm trọng. Điều trị lâu dài bằng thuốc steroid cần phải theo phác đồ điều trị, vì tác dụng không mong muốn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nhãn áp và đục thuỷ tinh thể.

6. Một số biện pháp hạn chế dị ứng phấn hoa

Biện pháp tốt nhất để điều trị dị ứng phấn hoa đó là tránh những tác nhân gây dị ứng bao gồm:

  • Hạn chế ra ngoài và đặc biệt không đi dã ngoại vào mùa phấn hoa và những ngày có gió.
  • Tránh ra ngoài trong hoặc sau cơn giông, đặc biệt ở khu vực có nhiều hoa và cỏ.
  • Đóng cửa chính và các cửa sổ ở trong nhà trong mùa phấn hoa.
  • Đeo khẩu trang và kính khi ra ngoài. Tắm rửa sạch sẽ đồng thời nhẹ nhàng rửa sạch mắt bằng nước.
  • Trong trường hợp không thể tránh khỏi việc tiếp xúc phấn hoa thì hãy phòng ngừa dị ứng bằng cách đeo kính bảo hộ và khẩu trang, đồng thời uống các loại thuốc chống dị ứng.
  • Hút bụi nhà thường xuyên
  • Hãy sử dụng bình xịt hoặc rửa mắt thật nhanh nếu không may bị phấn hoa rơi vào mắt. Sau đó sử dụng những loại thuốc dị ứng không kê đơn để phòng ngừa và hạn chế triệu chứng.

Tóm lại, ngứa mắt vì dị ứng phấn hoa là trường hợp phổ biến. Hãy phòng ngừa dị ứng bằng cách hạn chế tiếp xúc tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, nếu không may bị phấn hoa rơi vào mắt hãy rửa nhanh chóng, trong trường hợp mắt bị ngứa do dị ứng phấn hoa thì hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

553 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan