Làm gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết nổi mề đay?

Dị ứng thời tiết là một loại phản ứng trước sự thay đổi của thời tiết và gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, ở trẻ em có cơ địa yếu rất dễ mắc dị ứng thời tiết với biểu hiện như quấy khóc, bỏ bú, ngứa da,... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng sức khỏe của trẻ. Vậy làm gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết nổi mề đay?

1. Dấu hiệu trẻ bị dị ứng thời nổi mề đay

Đôi khi nhiệt độ ngoài trời thay đổi đột ngột cũng là một trong những nguyên nhân gây mề đay dị ứng thời tiết. Ngoài ra một số nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng trẻ bị dị ứng nổi mề đay như cơ thể phản ứng quá mức với độ ẩm và nhiệt độ làm sản sinh các chất dị ứng.

Một số biểu hiện trẻ bị dị ứng thời tiết bao gồm:

  • Phát ban trên da: xuất hiện với các nốt sần, tròn như vết muỗi đốt và sưng đỏ, ấn vào có cảm giác căng, mọc ở các vùng da ít được che chắn như tay chân, mặt, cổ hoặc toàn thân. Tại các vết sưng đỏ thường có cảm giác ngứa ngáy khó chịu và tăng lên khi gãi hoặc nóng rát.
  • Viêm mũi dị ứng: đây là một tình trạng chung của nhiều loại dị ứng, ở trẻ bị dị ứng thời tiết thường có những triệu chứng như hắt hơi, chảy nhiều dịch mũi làm cho trẻ khó thở và dễ nhầm lẫn với cảm cúm.
  • Sốt: Một số trẻ có miễn dịch đề kháng yếu và nhạy cảm với môi trường, cơ thể sẽ tăng chỉ số viêm và dẫn tới tình trạng sốt.
  • Phản ứng trên da: da nứt nẻ, có hiện tượng tróc vảy, da ửng đỏ và sưng tấy.
  • Chán ăn: Ngoài những phản ứng trên cơ thể, trẻ còn bị ảnh hưởng tới sinh hoạt và vui chơi. Các nốt sần gây đau rát trên da khiến cho trẻ quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn,...
  • Dị ứng nổi mề đay cấp tính: nổi mẩn toàn cơ thể hoặc nổi thành từng đám có màu hồng và kèm cảm giác ngứa dữ dội.

2. Cách xử trí khi trẻ bị ứng dị thời tiết nổi mề đay

Thông thường, những phản ứng dị ứng thời tiết ở trẻ em sẽ tự động biến mất nếu như biết cách chăm sóc. Ngược lại, nếu không xử trí đúng cách, trẻ gãi có thể làm nhiễm trùng sưng tấy. Một số trường hợp, các bậc cha mẹ cần phải đưa con tới cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp. Một số cách xử trí tại nhà khi trẻ dị ứng thời tiết bao gồm:

  • Khi ra khỏi nhà, cần phải che chắn để tránh được tác động xấu từ môi trường như khói bụi, gió, nắng,...
  • Không để trẻ gãi hoặc động tay vào các vết mẩn ngứa, tránh tình trạng nhiễm trùng vết thương.
  • Giữ cho cơ thể trẻ và quần áo luôn sạch sẽ
  • Hạn chế tối đa để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa,...
  • Thoa kem dưỡng ẩm cho da dị ứng
  • Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày bằng nước ấm và sạch, không ngâm mình trong nước quá lâu và sử dụng khăn lau khô người trước khi mặc quần áo.

3. Cách phòng tránh vào bảo vệ trẻ trước tình trạng dị ứng thời tiết

Một số biện pháp phòng tránh cho trẻ hay bị dị ứng nổi mề đay bao gồm:

  • Cho trẻ ăn uống điều độ, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ dị ứng.
  • Tăng cường hệ miễn dịch đồng thời cung cấp thực phẩm giàu vitamin C, probiotic và các khoáng chất.
  • Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết thay đổi, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời.
  • Khuyến khích trẻ chơi thể thao nhằm rèn luyện sức khoẻ và nâng cao sức đề kháng.

Tóm lại, trẻ bị dị ứng thời tiết là một tình trạng thường gặp, nếu không xử trí kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Vì vậy, khi thời tiết thay đổi mà thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp xử trí kịp thời. Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

768 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan