Điều trị chấn thương thanh khí quản

Chấn thương thanh khí quản là một tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Nguyên tắc điều trị chấn thương thanh khí quản là đảm bảo được hô hấp, đồng thời khôi phục lại tối đa cấu trúc giải phẫu và sinh lý hô hấp, phát âm của hệ thống thanh khí quản.

1. Chấn thương thanh khí quản là gì?

Chấn thương thanh khí quản là tình trạng tổn thương cấu trúc và các thành phần của thanh khí quản do tác động cơ học từ bên trong hoặc bên ngoài thanh khí quản. Dù hiếm gặp, nhưng chấn thương thanh khí quản là một tình trạng vô cùng nghiêm trọng, có thể gây tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng người bệnh. Phần lớn bệnh nhân bị chấn thương thanh khí quản mức độ nặng tử vong trước khi được chăm sóc y tế .

Các nguyên nhân gây chấn thương thanh khí quản thường gặp là:

  • Bệnh nhân bị chấn thương do bị một vật gì đó đâm trực tiếp vùng cổ ngực.
  • Bệnh nhân bị chấn thương kín vùng cổ do bị đập, siết cổ quá mạnh.
  • Bệnh nhân bị chấn thương vùng ngực do xương ức bị ép mạnh vào cột sống hoặc do cú dội ngược.
  • Vết thương do hỏa khí chiến tranh, do người bệnh hít phải chất độc dạng khí hoặc dạng lỏng.
Chấn thương khí quản
Chấn thương khí quản có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh

2. Triệu chứng chấn thương thanh khí quản

Các triệu chứng của chấn thương khí quản rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là:

  • Khó thở: khó thở ở cả hai thì, mức độ khó thở có thể từ nhẹ đến trung bình hoặc nặng và ngày càng tăng dần. Khó thở ở mức độ nguy kịch nếu có tình trạng phù nề, xuất tiết hoặc máu chảy nhiều vào đường thở gây bít đường thở.
  • Khí hoặc máu từ vết thương bắn ra theo nhịp thở.
  • Tràn khí dưới da: do hở trục thanh khí quản, có thể lan tràn gây biến dạng vùng cổ, cằm, mặt, ngực. Tràn khí dưới da thường trầm trọng ở những vết thương có lỗ vào nhỏ và bị các bình diện bên ngoài ngăn cản. Tràn khí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó thở, thậm chí có thể gây chèn ép tim dẫn tới tử vong.
  • Ho: ho thành cơn, có thể ho sặc, đau tăng khi ho, khó thở tím tái.
  • Khàn hoặc mất tiếng do tổn thương ở dây thanh quản, thần kinh thanh quản hoặc khớp nhẫn phễu.
Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính là một chẩn đoán hình ảnh cho phép phát hiện các triệu chứng của bệnh

Bên cạnh việc khám lâm sàng nhằm phát hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh, để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng như:

  • Chụp X-quang: giúp thấy được hình ảnh tràn khí, mức độ tràn khí vùng cổ hoặc ngực, nhưng khó xác định được vùng tổn thương.
  • Nội soi: giúp xác định chính xác vị trí và tính chất tổn thương, tuy nhiên cần cẩn trọng vì có thể làm chấn thương nặng thêm.
  • Chụp cắt lớp vi tính vùng thanh quản: cho thấy cụ thể hình ảnh vỡ các cấu trúc sụn của thanh quản, hình ảnh tổn thương phần mềm như khói máu tụ niêm mạc, rách màng nhẫn giáp, rách màng nhẫn khí quản, hình ảnh tràn khí, trật sụn phễu, khớp nhẫn giáp,... Nhìn chung, chụp cắt lớp vi tính vùng thanh quản cho thấy tương đối đầy đủ và toàn diện các chấn thương khí quản, giúp định hướng điều trị.

3. Điều trị chấn thương thanh khí quản như thế nào?

Nguyên tắc điều trị chấn thương thanh khí quản là đảm bảo được hô hấp trong những trường hợp chấn thương gây khó thở nặng đe dọa tính mạng đồng thời khôi phục lại tối đa cấu trúc giải phẫu và sinh lý hô hấp, phát âm của hệ thống thanh khí quản.

Các biện pháp điều trị chấn thương thanh khí quản cụ thể bao gồm:

3.1. Điều trị cấp cứu

Mở khí quản cấp cứu được thực hiện khi bệnh nhân có thủng, rách, vỡ sụn khí quản, bệnh nhân khó thở nặng, tràn khí rõ đe dọa tính mạng. Khó mở khí quản, bác sĩ sẽ mở xa vết thương để duy trì sự thông thoáng của ống thở. Đồng thời thực hiện các biện pháp chống sốc, chống chảy máu.

Rách khí quản
Bệnh nhân bị rách khí quản cần tiến hành mở khí quản cấp cứu

3.2. Điều trị ngoại khoa

Điều trị phục hồi chức năng bằng các phương pháp ngoại khoa như sau:

  • Phẫu thuật nội soi can thiệp: phẫu thuật nội soi giúp đánh giá đầy đủ tổn thương đồng thời tiến hành can thiệp. Nếu có rách niêm mạc, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ vi phẫu để khâu lại, cố định lại khớp nhẫn nếu có tổn thương,...
  • Phẫu thuật chỉnh hình theo đường ngoài thông thường: Tiếp cận tổn thương qua đường rạch ngang cổ tương ứng với màng giáp nhẫn. Khâu phục hồi lại những vết rách niêm mạc. Sụn vỡ được cố định bằng chỉ thép, chỉ không tiêu hoặc nẹp vít. Nếu một phần sụn nhẫn bị mất thì khâu phủ cân cơ dưới móng vào chỗ khuyết để tái tạo lại.
  • Phẫu thuật chỉnh hình theo đường ngoài phối hợp đặt nong: đường tiếp cận tổn thương tương tự như phẫu thuật chỉnh hình đường ngoài thông thường. Chất liệu đặt làm dụng cụ nong có thể là ống nội khí quản, ống Abouker, Montgomery. Dụng cụ nong được đặt từ dây thanh giả cho tới vòng sụn khí quản đầu tiên và được cố định bằng chỉ không tiêu. Thời gian rút ống nong giao động từ 2 đến 6 tuần.
  • Khâu nối khí quản tận-tận: được thực hiện trong các trường hợp nhẫn khí quản bị đứt tách rời.
Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi giúp điều trị phục hồi chức năng chấn thương thanh khí quản

3.3. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa chấn thương khí quản được chỉ định trong các trường hợp tổn thương chỉ ở vùng niêm mạc nông, không có tình trạng khó thở nặng và không có sự biến đổi cấu trúc thanh quản.

Các biện pháp điều trị nội khoa bao gồm:

  • Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, nằm đầu cao, hạn chế thay đổi tư thế đầu, cho thở oxy hỗ trợ. Làm mát và ẩm không khí để ngăn ngừa xuất tiết, đề nghị bệnh nhân không nói trong vài ngày để giảm tình trạng phù nề và tụ máu.
  • Dùng corticoid cho bệnh nhân sớm để chống phù nề và sẹo dính. Kháng sinh được sử dụng để chống nhiễm trùng. Dùng thuốc kháng histamin H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton để chống trào ngược axit dạ dày thực quản.
  • Nuôi dưỡng người bệnh qua đường tĩnh mạch.
  • Tiêm ngừa vắc-xin uốn ván để ngăn ngừa uốn ván cho người bệnh (nếu cần thiết).
Nên tiêm nhắc lại vắc-xin uốn ván sau bao nhiêu năm?
Người bệnh có thể cần tiến hành tiêm vắc-xin uốn ván

4. Tiên lượng sau điều trị

Những bệnh nhân tổn thương nhẹ, không khó nội soi thì tiên lượng khả quan. Sau điều trị nội khoa 1-2 ngày, người bệnh sẽ được đánh giá lại đường thở, nếu ổn định sẽ được xuất viện.

Những trường hợp chấn thương thanh khí quản phức tạp, vỡ cấu trúc sụn và niêm mạc thì tiên lượng nặng, cần được theo dõi chặt chẽ. Sau khi rút ống thở, người bệnh sẽ được theo dõi định kỳ trong nhiều tháng tiếp theo để phát hiện sớm các hiện tượng sẹo hẹp thanh khí quản, sùi, chít hẹp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan