Sẹo hẹp thanh khí quản: Những điều cần biết

Hẹp thanh khí quản là tình trạng thanh quản hoặc khí quản bị hẹp, thường do sẹo hoặc bất thường bẩm sinh (ví dụ bất thường bẩm sinh sụn khí quản). Hẹp thanh khí quản nhẹ thường không gây triệu chứng. Tuy nhiên nếu hẹp trên 50% chu vi đường thở sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

1. Sẹo hẹp thanh khí quản do các nguyên nhân nào?

Các nguyên nhân sẹo hẹp thanh khí quản bao gồm:

  • Sau đặt nội khí quản hoặc mở khí quản kéo dài: đây là nguyên nhân thường gặp nhất, gây tổn thương thanh khí quản, tạo tổ chức xơ sẹo dẫn đến hẹp
  • Sau chấn thương
  • Sẹo bỏng
  • Biến chứng sau xạ trị vùng đầu mặt cổ
  • Nguyên nhân khác gây sẹo hẹp thanh khí quản thường xuất phát sau tổn thương loét ở thanh khí quản. Loét sẽ khởi phát quá trình viêm và quá trình hồi phục sau viêm thường gây nên các mô sẹo, gây hẹp thanh khí quản.

2. Yếu tố nguy cơ của sẹo hẹp thanh khí quản

Sẹo hẹp thanh khí quản chủ yếu xảy ra sau đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản kéo dài. Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ cần đặt nội ống nội khí quản hoặc mở khí quản (nguyên nhân trực tiếp gây sẹo hẹp):

  • Nữ giới
  • Người bị thừa cân, béo phì
  • Người mắc bệnh tiểu đường
  • Người mắc bệnh tăng huyết áp
  • Người mắc các bệnh tim mạch
  • Người hút thuốc lá
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ cần đặt nội ống nội khí quản hoặc mở khí quản

3. Giảm nguy cơ sẹo hẹp thanh khí quản do đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản bằng cách nào?

  • Bơm bóng áp lực trong lòng khí quản hoặc qua mở khí quản từ 20-30 cm H2O.
  • Hạn chế nhiễm trùng bằng chăm sóc tại chỗ tốt (hút đờm nếu cần thiết)
  • Đặt ống thở với độ sâu vừa đủ
  • Hạn chế các biến chứng liên quan đến kỹ thuật trong quá trình đặt ống hoặc rút ống nội khí quản.

4. Các triệu chứng của sẹo hẹp thanh khí quản?

Triệu chứng của sẹo hẹp thanh khí quản bao gồm:

  • Tiếng thở Stridor: tiếng thở áp lực cao thì hít vào, khi luồng không khí đi qua chỗ hẹp
  • Xanh tím: biểu hiện ở da và niêm mạc vùng môi, miệng... do nguyên nhân thiếu oxy.
  • Tiếng thở Wheeze: tiếng khò khè thì hít vào
  • Khó thở: đặc biệt khi gắng sức

Trong 1 số trường hợp, triệu chứng không biểu hiện 1 vài tuần sau chấn thương và khó thở thường là triệu chứng đầu tiên.

Khó thở
Trong 1 số trường hợp, triệu chứng không biểu hiện 1 vài tuần sau chấn thương và khó thở thường là triệu chứng đầu tiên

5. Chẩn đoán sẹo hẹp thanh khí quản

Nội soi khí phế quản là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán sẹo hẹp thanh khí quản vì qua đó bác sỹ có thể nhìn trực tiếp tổn thương. Tuy nhiên nội soi khí phế quản là thủ thuật xâm lấn với một số nguy cơ biến chứng bởi vì ống soi sẽ làm tắc nghẽn đường thở, kiểm soát nồng độ oxy máu khá khó khăn.

Chụp Xquang, CT, siêu âm, MRI vùng cổ và đo chức năng hô hấp:

  • Chụp Xquang tiêu chuẩn giúp xác định cấu trúc đường thở, các chấn thương....
  • Chụp cắt lớp vi tính là phương pháp tốt đánh giá liệu thanh khí quản có bị hẹp hay không? Tuy nhiên đây không phải là phương pháp tốt trong đánh giá mức độ hẹp đường thở.
  • Đo chức năng hô hấp: Vai trò xác định ảnh hưởng của sẹo hẹp khí quản lên hô hấp của bệnh nhân.

6. Điều trị sẹo hẹp thanh khí quản như thế nào?

Có một số phương pháp điều trị sẹo hẹp thanh khí quản. Đa số các phương pháp điều trị thông qua nội soi nhằm quan sát trực tiếp thanh khí quản. Nếu vị trí hẹp nhỏ, đặt stent hoặc đặt bóng giãn có thể được thực hiện. Ngoài ra có thể sử dụng laser loại bỏ sẹo hẹp.

Phẫu thuật cắt nối thanh khí quản: cắt đoạn thanh khí quản bị hẹp và nối lại 2 đầu khí quản trên-dưới với nhau. Phẫu thuật thường áp dụng trong hẹp thanh khí quản mức độ trung bình trở lên với kết quả tốt, hiệu quả kéo dài.

Làm giãn nở thanh khí quản qua nội soi phế quản: Giãn nở thanh khí quản bằng bóng hoặc dụng cụ giãn.

Laser qua nội soi phế quản: laser giúp loại bỏ các sẹo hẹp thanh khí quản. Tuy nhiên laser ở một số trường hợp có thể làm nặng thêm tình trạng.

Đặt stent: Stent thanh khí quản bằng 1 ống được tạo bằng sillicon hoặc kim loại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan