Đau xương cụt: Nguyên nhân và cách điều trị

Bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Philippe Macaire - Cố vấn cấp cao về Gây mê Giảm đau, Hệ thống Y tế Vinmec - Khoa Gây mê giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Đau xương cụt là cơn đau ở trong và xung quanh xương hình tam giác nhỏ ở dưới cùng của cột sống, phía trên khe mông. Đau xương cụt gây khó chịu nhưng không ảnh hưởng nhiều hoạt động hàng ngày. Trường hợp bệnh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng thì người bệnh hãy đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn, điều trị kịp thời.

1. Xương cụt là gì?

Xương cụt cấu tạo bởi 3 tới 5 đốt sống dính liền với nhau, nằm bên dưới xương cùng, là phần cuối của cột sống. Đây là vị trí bám của một số gân, cơ và dây chằng. Cả xương cụt và ụ ngồi (hai xương cấu thành đáy tiểu khung) đều chịu trọng lượng của cơ thể khi ngồi.

Ở 2/3 người trưởng thành, xương cụt có hình dạng hơi cong thay vì hướng thẳng xuống, nhưng khi độ cong quá mức bình thường sẽ gây ra đau.

2. Diễn biến thường gặp khi đau xương cụt?

Đau xương cụt (coccydynia) dao động từ đau âm ỉ tới đau nhói. Cơn đau có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng hoặc đôi khi lâu hơn. Các cơn đau này có thể từ âm ỉ tới đau nhói, đau tăng lên khi ngồi, đứng, và cả khi đi cầu hoặc quan hệ tình dục. Thông thường, đau xương cụt hiếm khi kéo dài suốt đời. Thời gian bị đau ngắn hơn nếu sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà.

Đau xương cụt là chứng đau thường gặp trong cộng đồng. Phụ nữ thường bị đau xương cụt gấp 5 lần so với nam giới. Người trưởng thành và trẻ vị thành niên thường bị đau hơn so với trẻ em. Đặc biệt, người bị béo phì dễ bị đau gấp 3 lần so với người có cân nặng lý tưởng, đồng thời những người này cũng dễ bị tổn thương hơn nếu giảm cân quá nhanh.

Đau xương cụt
Có nhiều nguyên nhân gây đau xương cụt

3. Nguyên nhân gây đau xương cụt là gì?

Có 3 nguyên nhân gây ra đau xương cụt:

  • Ngoại chấn thương: Bị ngã gây bầm tím, gãy hoặc trật xương cụt.
  • Nội chấn thương: Chấn thương do sinh khó hoặc do ngồi quá lâu trên bề mặt hẹp hoặc cứng.
  • Nguyên nhân khác: Do nhiễm trùng, bị áp-xe hoặc có khối u.

Sau đây bác sĩ sẽ phân tích các nguyên nhân cụ thể hơn về nguyên nhân gây đau xương cụt:

  • Chấn thường - ngã: Có ai chưa từng ngã ngửa ra sau? Có thể do bị trượt chân, do bị ngã khỏi thang, hoặc có thể khi tựa ghế về sau quá xa. Trường hợp nặng có thể bị bầm tím, gãy xương hoặc trật khớp xương cụt.
  • Chấn thương do căng thẳng lặp lại: Những môn thể thao như đạp xe và chèo thuyền đòi hỏi phải đổ người ra trước, sau và kéo căng cột sống. Các thao tác như vậy lặp lại quá nhiều có thể làm căng các mô quanh xương cụt.
  • Mang thai/Sinh con: Trong ba tháng cuối của thai kì, cơ thể người mẹ tiết ra hooc môn làm mềm vùng giữa xương cùng và xương cụt. Điều này cho phép xương cụt di chuyển khi cần thiết để sinh con. Đây là một quy trình tự nhiên, nhưng không may là cử động như trên có thể kéo giãn quá mức các cơ và dây chằng quanh xương cụt, gây ra cơn đau không mong muốn. Sức căng trên những mô mềm này khiến các mô mềm không thể nâng đỡ được xương cụt ở một góc chính xác.
  • Béo phì: Thừa cân gây tăng thêm áp lực lên xương cụt, khiến xương cụt đổ về sau. Xương cụt sẽ gây đau nếu bị lệch khỏi vị trí.
  • Thiếu cân: Nếu mông không có đủ mỡ để giữ cho xương cụt không cọ vào các cơ, dây chằng và gân thì sẽ dẫn đến đau xương cụt. Việc cọ xát gây viêm các mô mềm.
  • Ngồi nhiều trên bề mặt cứng/hẹp: Hoạt động đơn giản này có thể gây tăng đau xương cùng, đặc biệt nếu ngồi trên bề mặt cứng hoặc hẹp. Hãy cố gắng đứng dậy thường xuyên, giãn cơ và đi lại. Tốt hơn hết, hãy tìm cho mình một chỗ ngồi êm ái, thoải mái hơn hoặc sử dụng ghế có đệm.
  • Ung thư: Đau xương cũng có thể là dấu hiệu của ung thư, nhưng trường hợp này khá hiếm.

Cho dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau xương cụt như vậy, nhưng điều thú vị là có tới 1/3 người bị đau xương cụt không phát hiện được nguyên nhân.

4. Các triệu chứng của đau xương cụt là gì?

Các triệu chứng của đau xương cụt bao gồm:

  • Đau nhức hoặc đau nhói ở xương cụt
  • Đau dữ dội hơn khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng
  • Đau dữ dội hơn khi ngồi trong thời gian dài
  • Đau khi đi cầu
  • Đau khi quan hệ tình dục

Khi thai nhi phát triển, trọng lượng sẽ dồn lên khoang tiểu khung gây ra đau ở vùng này, do vậy đau xương cụt cũng là một dấu hiệu mang thai. Khi phụ nữ bị đau xương cụt, mức độ đau sẽ tăng lên trong thời kì kinh nguyệt. Đau trực tràng cũng có thể dẫn đến đau xương cụt mãn tính.

5. Đau xương cụt được chẩn đoán như thế nào?

Khi bạn đến thăm khám vì bị đau xương cụt, đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi các thông tin bệnh sử tổng quát, các chấn thương gần đây như bạn có bị té ngã hoặc mới sinh con không. Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám tại chỗ, kiểm tra có dấu hiệu rõ ràng của gãy xương, biến dạng, khối u hoặc xem có tình trạng áp-xe (nhiễm trùng) hay không. Việc sờ nắn xương cụt và khớp xương cùng-cụt sẽ giúp đưa ra chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, một số trường hợp cần làm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như sau:

  • X-quang
  • Chụp cắt lớp máy tính
  • Cộng hưởng từ
  • Quét mật độ xương
Đau xương cụt
Điều trị đau xương cụt giúp nâng cao chất lượng cuộc sống

6. Điều trị đau xương cụt như thế nào?

Hầu hết mọi người hồi phục mà không cần bất kỳ loại điều trị nào. Việc đứng lên và đi lại thường xuyên sẽ giúp giảm áp lực lên xương cụt nên sẽ cải thiện tình trạng này. Tư thế ngủ nằm nghiêng cũng có tác dụng giúp giảm đau.

Các hoạt động ngồi, lái xe, cúi người hoặc ngủ đều bị ảnh hưởng bởi đau xương cụt. Trong các trường hợp nặng, cơn đau có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Với những người cần điều trị, 90% trong số này chỉ cần trị liệu tại nhà. Các phương pháp trị liệu tại nhà cho chứng đau xương cụt bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen để giảm đau và giảm sưng:
  • Giảm thời gian ngồi, khi ngồi nên dựa người về trước
  • Tắm nước ấm để giãn cơ và giảm đau.
  • Sử dụng đệm gel hình nêm hoặc đệm cho xương cùng (nệm hình bánh “donut”) khi ngồi.
  • Dùng thuốc làm mềm phân để giảm đau khi đi cầu.
  • Giãn và duỗi thẳng cơ thắt lưng và tiểu khung.
  • Chườm nóng hoặc lạnh phần thắt lưng với thời gian không quá 20 - 30 phút, thực hiện vài lần một ngày.
  • Mặc đồ rộng, thoải mái.
Đau xương cụt
Điều trị đau xương cụt bằng phong bế thần kinh

Điều trị ngoại trú cho đau xương cụt bao gồm:

  • Phong bế dẫn truyền thần kinh của vùng bị đau dưới chỉ dẫn siêu âm — phong bế dây thần kinh xương cụt — bằng thuốc gây tê tại chỗ và steroid để giảm viêm. Sau phong bế, cơn đau sẽ tạm thời biến mất ngay lập tức. Đối với đau dai dẳng, phong bế gây tê thần kinh bằng độc tố thần kinh (neurotoxin) có thể phong bế cơn đau trong nhiều tháng.

  • Trị liệu mát-xa (thường chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời).
  • Tập giãn cơ và cải thiện tư thế theo hướng dẫn của bác sĩ vật lí trị liệu.
  • Bác sĩ chuyên khoa thần kinh cột sống có thể giúp nắn chỉnh trục xương cụt khi bị lệch trước hoặc sau quá xa.
  • Rất hiếm trường hợp phải lựa chọn phẫu thuật.

Khi phụ nữ mang thai, thường sẽ bị đau xương cụt. Đau do ngồi lâu, nhưng cũng có thể đau khi đứng hoặc đi lại. Đây là do thai nhi phát triển, tạo áp lực lên xương. Bác sĩ vật lý trị liệu thường tư vấn thai phụ nằm nghiêng khi ngủ hoặc ngồi trên đệm. Cả hai biện pháp này giúp giảm áp lực lên xương cụt, từ đó giảm bớt đau.

7.Khi nào đau xương cụt nên đi khám bác sĩ khi nào?

Người bệnh hãy đi khám bác sĩ nếu đau nặng không đỡ sau một vài tuần. Đồng thời, đi khám bác sĩ nếu các phương pháp trị liệu tại nhà không có hiệu quả.

Bạn không cần chịu đựng các cơn đau xương cụt nên khi có các cơn đau, bạn có thể làm theo các khuyến cáo điều trị tại nhà, đồng thời hãy trao đổi với bác sĩ thêm khi lựa chọn điều trị ngoại trú.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị đau xương cụt. Nếu có bất kỳ băn khoăn và thắc mắc nào thì bạn hãy liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám và hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan