Những công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến xương khớp

Bệnh lý xương khớp có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, bất cứ đối tượng nào chỉ là ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một trong những nguyên nhân gây đau mỏi xương khớp đó chính là công việc mà họ đang làm. Dưới đây là những công việc nặng nhọc độc hại gây ảnh hưởng không nhỏ đến xương khớp.

1. Những công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến xương khớp

Đau xương khớp chính là hệ quả của tình trạng viêm xương khớp gây nên. Khi sụn và xương bị tổn thương vì lý do nào đó hay độ dày lớp sụn đệm tại khớp mỏng dần theo thời gian, bề mặt tiếp xúc của sụn trở nên thô ráp khiến cho các đầu xương chà xát với nhau gây đau và hệ quản cuối cùng là dẫn đến viêm xương khớp. Ngoài ra, phải kể đến tình trạng chấn thương sụn khớp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau nhức xương khớp. Người bị viêm xương khớp thường phải chịu sự đau đớn, sưng, cứng khớp, thậm chí là không thể hoạt động bình thường...gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người bệnh.

Đau xương khớp gây ảnh hưởng nhiều đến các khớp ở tay, bao gồm cánh tay, ngón tay, cổ tay hoặc ở chân như đầu gối, mắt cá chân, khớp ngón chân, hông và thắt lưng.

Một số công việc nặng nhọc gây ảnh hưởng đến xương khớp chính là:

1.1 Lao động phổ thông

Chỉ cần nghe đến cái tên gọi của nhóm nghề này cũng đủ để bạn hình dung ra những việc họ phải làm đều là công việc tay chân. Lao động phổ thông bao gồm: Công nhân ngành nghề dệt may, in ấn, công nhân xây dựng, cầu đường, người bốc vác, nhân viên vệ sinh, người bán hàng rong, thợ thủ công...

Với đặc thù công việc nặng nhọc độc hại của nhóm nghề này, họ thường xuyên phải khuân vác nặng, nâng vác sai tư thế, làm việc thiên về 1 bên, thời gian làm việc kéo dài hay ngồi theo dõi máy, chạy theo dây chuyền sản xuất, sử dụng các loại máy có cường độ rung mạnh như máy khoan, máy đầm khiến cho khớp thường xuyên phải vận động dẫn đến đau mỏi khớp, về lâu dài sẽ bị thoái hoá khớp.

Các bệnh lý thường gặp ở nhóm này như: Đau lưng, đau mỏi vai gáy, đau khớp khuỷu tay, cứng khớp, đau khớp gối và khớp bàn tay.

1.2 Hoạt động trong lĩnh vực thể thao

Thể thao bao gồm các môn như vận động viên thể dục dụng cụ, đua xe đạp, vận động viên điền kinh, cử tạ, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá... Các vận động viên là những người có nguy cơ cao bị các vấn đề ảnh hưởng đến xương khớp, ngoài việc thường phải vận động cường độ cao, tập luyện hàng ngày, áp lực trong thi đấu, chau kể đến các va chạm trong khi tập luyện hay thi đấu, tác động không nhỏ đến sụn khớp khiến gia tăng các nguy cơ đau xương khớp.

Các bệnh lý thường gặp ở nhóm này như: Đau lưng, đau mỏi xương khớp toàn thân, đau khớp tay, bàn tay, khớp bàn chân và khớp gối...

1.3 Hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn

Nhóm đối tượng hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn bao gồm như vũ công, diễn viên múa, diễn viên xiếc... là những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị các vấn đề về xương khớp do việc thường xuyên phải vận động với cường độ cao trong khi tập luyện và biểu diễn khiến bạn dễ bị chấn thương, căng cứng khớp. Đó là chưa kể đến việc nhóm đối tượng này dễ gặp phải các tai nạn va đập hoặc sai khớp, trật khớp do phải thực hiện các động tác khó.

1.4 Nhóm ngành nghề ít vận động

Nghe qua thì bạn sẽ có thắc mắc rằng ít vận động thì sao lại là nghề nặng nhọc được. Tuy nhiên, không phải như vậy, với nhóm đối tượng này bao gồm tài xế, nhân viên văn phòng, người bán hàng, thu ngân, tiểu thương tại các chợ...

Công việc của họ có thể không dùng nhiều đến tay chân, nhưng việc phải đứng liên tục hay ngồi hàng giờ trước máy tính khiến cho cột sống và vai gáy của họ bị ảnh hưởng không nhỏ. Việc rướn người lấy hàng, di chuyển trong những không gian chật hẹp lại càng gia tăng nguy cơ của các bệnh đau xương khớp. Các chuyển động lặp đi lặp lại, hay không thay đổi tư thế thường xuyên sẽ khiến cho cơn đau càng trầm trọng hơn. Hay như với những người tài xế, nhất là với những người lái xe đường dài, thời gian ngồi bên vô lăng lâu, không thể thư giãn hay kéo dãn tay chân, thiếu vận động kèm thêm thiếu ngủ lại càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh cột sống.

Các bệnh lý thường gặp ở nhóm này như: Đau vai gáy, đau cột sống, đau thắt lưng, hội chứng ống cổ tay, đau mỏi xương khớp toàn thân, đau khớp bàn tay, khớp bàn chân, khớp gối, ...

1.5 Nhóm ngành nghề khác

Gồm có giáo viên, nhân viên y tế...

Với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non thì sự vất vả càng tăng cao, họ thường xuyên phải vận động nhiều theo trẻ, việc cúi gập người, bế trẻ, cho trẻ ăn, xoay vặn người thường xuyên hay như với các giáo viên nữ thường xuyên phải mang giày cao gót, dồn sức nặng lên mũi chân...cũng khiến cho cột sống của họ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Với nhân viên y tế, nhất là đối với những bệnh viện lớn, cường độ bệnh nhân đông, áp lực công việc, và cũng bởi đặc thù công việc phải phản ứng nhanh, sẵn sàng lăn xả đặc biệt trong những tình huống cấp cứu hay khi xảy ra đại dịch như vừa qua cũng gây những tác động không tốt đến xương khớp.

Các bệnh lý thường gặp ở nhóm này như: Đau lưng, đau hông, đau khớp gối, khớp bàn tay và bàn chân.

2. Cách giảm đau xương khớp khi làm việc nặng

Đau xương khớp là triệu chứng thường gặp nhất đối với những người làm công việc nặng nhọc. Nếu bạn cũng đang gặp phải tình trạng này thì có thể áp dụng các cách giảm đau sau:

2.1. Chườm lạnh giảm đau

Đây là phương pháp nên được áp dụng ngay sau khi gặp chấn thương ở cánh tay. Thời gian áp dụng tốt nhất phương pháp này là trong vòng 48 giờ sau chấn thương, bạn chuẩn bị túi chườm đá, chai nước đá hoặc khăn lạnh áp vào vùng chấn thương trong vòng 15 phút.

2.2. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ

Với một số trường hợp, đặc biệt là sau khi bị chấn thương, việc để cho cơ thể của bạn được nghỉ ngơi cũng là một cách điều trị hiệu quả nhất là đối với các chấn thương va đập hay gây sai khớp. Để thực hiện biện pháp này, bạn có thể sử dụng nẹp, đai để cố định cánh tay, nâng cao tay hơn tim để giảm sưng. Việc làm đó sẽ hạn chế việc cử động giúp giảm đau cũng như cho cơ thể thời gian để cơ thể tự chữa lành vết thương.

2.3. Vật lý trị liệu

Một trong những biện pháp không dùng thuốc nhưng giảm đau rất hiệu quả phải kể tới là vật lý trị liệu. Các phương pháp có thể sử dụng như: Nắn chỉnh bằng tay, laser trị liệu, điện xung trị liệu,... Vật lý trị liệu còn giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau, cải thiện ngưỡng vận động.

2.4. Sử dụng thuốc giảm đau

Một số loại thuốc giảm đau có thể được chỉ định để giảm bớt triệu chứng như: Ibuprofen, acetaminophen,... Corticosteroid cũng có thể được kê trong trường hợp bạn bị đau dữ dội.

3. “Thuốc bổ” cho người làm việc nặng

Đa phần các bệnh cơ xương khớp rất khó để điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, bạn nên chủ động có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ xương khớp khỏe mạnh bằng cách:

  • Chế độ ăn uống dinh dưỡng giàu canxi, vitamin và dưỡng chất: Thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hạt, cá, tôm... và các loại rau quả cung cấp các vitamin nhóm B, C, E, khoáng chất kali, magie.
  • Đảm bảo đủ năng lượng được cung cấp: Bạn nên cung cấp cho cơ thể khoảng 3000 calo mỗi ngày và chia đều cho 3 bữa ăn để đảm bảo hiệu quả trao đổi chất cao nhất.
  • Cung cấp Carbohydrate lành mạnh cho cơ thể: Có thể tìm thấy rất nhiều trong các loại trái cây mà đặc biệt là các loại ngũ cốc, chuối và rau củ như: Bông cải xanh, khoai lang, rau chân vịt... Hạn chế dung nạp các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán và các loại nước giải khát có ga vào cơ thể.
  • Cung cấp đủ Protein: Cụ thể là lượng đạm từ thịt bạn nên ăn hàng ngày. Có thể tính đơn giản là lấy cân nặng của bạn nhân với 1,3 sẽ ra lượng đạm bạn cần dung nạp cho cơ thể hàng ngày.
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể phục hồi: Tránh làm việc sau khi ăn và không thức khuya thường xuyên để đảm bảo các cơ quan và hệ xương khớp của bạn được phục hồi.
  • Vận động thường xuyên, tránh tập luyện với cường độ mạnh: Tập luyện thể thao hay vận động tay chân với cường độ vừa phải giúp cơ bắp và xương khớp của bạn chắc khỏe hơn, đồng thời còn giúp lưu thông máu tốt hơn. Cần lưu ý, lựa chọn chế độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn, không nên luyện tập quá sức lại gây áp lực lên xương khớp.
  • Mang vác vật nặng vừa sức: Hạn chế mang vác các vật quá nặng để giảm nguy cơ gây tổn thương đến xương khớp.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý: Tình trạng béo phì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các khớp, vì vậy bạn cần điều chỉnh cân nặng bản thân hợp lý nhằm giảm bớt sức nặng lên khớp. Bên cạnh đó, việc tăng cân hay giảm cân đột ngột có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến xương khớp, bạn nên duy trì cân nặng ổn định, hay áp dụng giảm cân đúng cách để bảo vệ xương khớp tốt hơn.
  • Nên bổ sung các thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp: Tùy theo cơ địa và hiện trạng của mỗi người, mà có loại thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp khác nhau, nhưng tốt nhất là nên được sự tư vấn của bác sĩ. Các loại thực phẩm chức năng thường có chứa thành phần glucosamine - hợp chất cần thiết trong quá trình tái tạo sụn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

366 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan