Công dụng thuốc Caplor

Thuốc Caplor 75mg được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là clopidogrel bisulfate. Thuốc có tác dụng làm giảm huyết khối tắc mạch và dự phòng huyết khối cho bệnh nhân.

1. Công dụng thuốc Caplor

Thành phần chính của thuốc Caplor là Clopidogrel 75mg. Clopidogrel có tác dụng ức chế kết dính tiểu cầu.

Thuốc Caplor được chỉ định để:

  • Làm giảm huyết khối tắc mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử mạch);
  • Dự phòng huyết khối cho bệnh nhân bị xơ vữa động mạch vừa trải qua cơn đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh của động mạch ngoại biên,...

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Caplor 75mg

Cách dùng: Uống nguyên viên thuốc với 1 ly nước, có thể dùng kèm thức ăn hoặc không.

Liều dùng:

  • Bệnh nhân có tiền sử xơ vữa động mạch: Dùng liều 1 viên 75mg/ngày;
  • Dự phòng ngăn ngừa rối loạn huyết khối tắc mạch như bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim và đột quỵ: Dùng liều 2 viên 75mg/ngày;
  • Hội chứng mạch vành cấp tính (nhồi máu cơ tim không có sóng Q, đau thắt ngực không ổn định): Liều khởi đầu 300mg, dùng 1 lần duy nhất. Sau đó dùng thuốc với liều duy trì 75mg/ngày;
  • Không cần điều chỉnh liều ở người già và bệnh nhân suy thận.

Quá liều: Khi dùng thuốc Caplor 75 mg quá liều, bệnh nhân có thể bị ngộ độc cấp tính với biểu hiện gồm nôn ói, kiệt sức, khó thở và xuất huyết đường tiêu hóa. Việc điều trị dựa trên nguyên lý sinh học: Truyền tiểu cầu để làm đảo ngược tác dụng dược lý của clopidogrel nhanh chóng.

Quên liều: Khi quên liều, bệnh nhân nên bổ sung 1 liều thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian gần với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo đúng như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Caplor 75mg

Khi sử dụng thuốc Caplor 75mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Xuất huyết não, xuất huyết đường tiêu hóa;
  • Giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt;
  • Nguy cơ gây độc tính cho xương ở người bệnh đang sử dụng clopidogrel bị sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm khuẩn;
  • Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, táo bón, viêm dạ dày, tiêu chảy;
  • Nổi mẩn và rối loạn ngoài da.

Khi gặp các tác dụng phụ trên, người bệnh nên ngưng dùng thuốc Caplor và báo ngay cho bác sĩ hoặc tới bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Caplor

Chống chỉ định sử dụng thuốc Caplor 75mg trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với thành phần clopidogrel bisulfate hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Người bệnh xuất huyết tiến triển: Xuất huyết não, xuất huyết đường tiêu hóa;
  • Bà mẹ đang cho con bú;
  • Người bị suy gan nặng;
  • Trẻ em: Vì độ an toàn, hiệu lực của thuốc chưa được xác định.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Caplor:

  • Thận trọng khi dùng clopidogrel (thành phần của thuốc Caplor) cho người bệnh có nguy cơ chảy máu khi bị chấn thương giải phẫu hoặc những bệnh lý khác. Nếu người bệnh cần giải phẫu mà không đòi hỏi thuốc chống kết dính tiểu cầu cần ngừng dùng clopidogrel 7 ngày trước phẫu thuật;
  • Clopidogrel kéo dài thời gian đông máu, có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa nên cần sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân có những tổn thương có thể xuất huyết (như vết loét đường tiêu hóa). Đồng thời, thận trọng khi dùng các thuốc có tác dụng phụ tương tự (aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác) cho người bệnh đang uống clopidogrel;
  • Không dùng thuốc clopidogrel cho bệnh nhân suy gan nặng. Với bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ tới vừa phải, cần thận trọng khi dùng thuốc;
  • Thuốc Caplor có thể gây chóng mặt, hoa mắt, ngủ gật nên cần thận trọng khi dùng thuốc nếu người bệnh phải lái xe, vận hành máy móc;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Caplor cho bà mẹ đang mang thai hoặc đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc Caplor 75mg

Một số tương tác thuốc Caplor 75mg gồm:

  • Dùng thuốc thận trọng ở những người bệnh đang dùng các thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu như: Thuốc chống tập kết tiểu cầu khác, thuốc chống đông và thuốc chống viêm không steroid;
  • Aspirin không làm thay đổi tác dụng ức chế kết dính tiểu cầu của clopidogrel. Tuy nhiên, clopidogrel làm tăng tác dụng của aspirin trên collagen gây kết dính tiểu cầu. Hiện chưa có nghiên cứu về độ an toàn khi sử dụng kết hợp 2 thuốc này lâu dài;
  • Heparin: Theo nghiên cứu, clopidogrel không gây ảnh hưởng tới liều lượng và tác dụng chống đông máu của heparin. Bên cạnh đó, heparin cũng không ảnh hưởng tới tác dụng ức chế kết dính tiểu cầu của clopidogrel. Tuy nhiên, cần thận trọng khi kết hợp 2 loại thuốc này;
  • Các thuốc chống viêm không steroid: Sử dụng đồng thời các thuốc chống viêm không steroid và clopidogrel bisulfate có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa nên cần thận trọng khi kết hợp 2 thuốc này;
  • Warfarin: Độ an toàn của việc kết hợp giữa clopidogrel và warfarin chưa được xác định nên cần thận trọng khi kết hợp 2 thuốc này;
  • Các thuốc chuyển hóa bởi hệ Cytochrom P450: Với nồng độ cao, clopidogrel ức chế Cytochrom P450 (2C9). Do vậy, nó có thể ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa của phenytoin, warfarin, torsemid, tamoxifen, tolbutamid, fluvastatin và nhiều chất kháng viêm không steroid khác,... Cần lưu ý khi phối hợp clopidogrel với các loại thuốc trên.

Để đảm bảo việc điều trị các bệnh lý tim mạch đạt kết quả như ý muốn, người bệnh nên sử dụng thuốc Caplor 75mg theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc. Đồng thời, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về hiệu quả, mức độ an toàn khi kết hợp thuốc này với các loại thuốc mình đang sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan