Thuốc chẹn kênh canxi có an toàn cho bà bầu, trẻ em và người già?

Thuốc chẹn kênh calci là nhóm thuốc được sử dụng rất phổ biến trên lâm sàng. Ngoài chỉ định trong tăng huyết áp, thuốc chẹn kênh calci có thể sử dụng trong các trường hợp đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim,... Thế nhưng, thuốc chẹn kênh canxi có an toàn cho bà bầu, trẻ em và người già hay không?

1.Thuốc chẹn kênh calci tác dụng như thế nào?

Canxi cần thiết cho quá trình co cơ diễn ra khắp cơ thể. Các ion canxi xâm nhập vào các tế bào cơ thông qua các kênh ion calci là các lỗ nhỏ trên bề mặt của tế bào. Các loại thuốc chẹn kênh calci giúp hạ huyết áp bằng cách ức chế dòng ion canxi đi vào tế bào cơ tim và cơ trơn thành mạch. Việc ức chế này sẽ giúp giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi, giảm áp lực trong mạch máu và tim, từ đó hạ huyết áp. Ngoài ra, thuốc chẹn kênh calci còn giúp làm chậm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim, giảm dẫn truyền nhĩ thất.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh vai trò của nhóm thuốc chẹn kênh calci trong điều trị hạ huyết áp và giảm nguy cơ các biến cố tim mạch. Nhiều nghiên cứu gần đây còn chỉ ra thuốc giúp chống xơ vữa động mạch, giảm phì đại thất trái, cải thiện chuyển hóa cholesterol,... Khi dùng thuốc thời gian dài sẽ không gây rối loạn lipid và ảnh hưởng đến đường máu. Do có nhiều ưu điểm, nên các thuốc chẹn kênh calci ngày càng được sử dụng rộng rãi.

XEM THÊM: Thuốc chẹn kênh canxi trong điều trị cao huyết áp, bệnh tim mạch

Chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim chậm thế nào?
Rối loạn nhịp tim có thể được sử dụng thuốc nhóm chẹn kênh calci

Ngoài sử dụng trong điều trị cao huyết áp, các thuốc nhóm chẹn kênh calci còn có thể được sử dụng trong các trường hợp khác như:

  • Đau thắt ngực
  • Rối loạn nhịp tim
  • Bệnh cơ tim phì
  • Bệnh mạch vành
  • Suy tim tâm trương
  • Hội chứng Raynaud

Bên cạnh đó, thuốc chẹn kênh calci cũng có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

2.Có những loại thuốc chẹn kênh calci nào?

Thuốc chẹn kênh calci được chia thành hai nhóm chính là Dihydropyridine (DHP) và Nondihydropyridin (NDPH). Cụ thể:

2.1. Phân nhóm Dihydropyridin (DPH)

Các thuốc chẹn kênh calci phân nhóm DPH ưu tiên tác dụng trên mạch hơn là trên tim. Phân nhóm thuốc này được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng huyết áp do tác dụng giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi làm hạ huyết áp. Tuy nhiên các thuốc này lại ít giảm co bóp cơ tim cũng như làm chậm nhịp tim. Một số thuốc chẹn kênh calci phân nhóm DPH như Nifedipin, Amlodipin, Isradipin, Felodipin,...

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chẹn kênh calci phân nhóm DPH là phù ngoại vi do tác dụng giãn mạch quá mức, đau đầu, đỏ bừng mặt, tăng sản lợi,...

Thuốc Verapamil
Sử dụng thuốc Verapamil có thể gây táo bón

2.2. Phân nhóm Non-dihydropyridin (NDHP)

Các loại thuốc chẹn kênh calci phân nhóm NDHP gồm Verapamil và Diltiazem. Khác với phân nhóm DHP, các thuốc thuộc phân nhóm NDHP tác dụng chủ yếu trên tim hơn là trên mạch. Thuốc tác động làm chậm nhịp tim nên thường được dùng trong các trường hợp bệnh nhân nhịp nhanh trên thất. Thuốc cũng có tác dụng giãn mạch vành nên được dùng trong các trường hợp đau thắt ngực.

Về tác dụng phụ, thuốc phân nhóm NDHP ít gây phù ngoại vi nhưng lại thường giảm co bóp cơ tim, chậm nhịp, do đó cần hết sức thận trọng trong các trường hợp bệnh nhân có rối loạn chức năng thất trái. Ngoài ra, sử dụng Verapamil có thể gây táo bón.

3.Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chẹn kênh calci

Để đảm bảo sử dụng nhóm thuốc chẹn kênh calci an toàn và hiệu quả, người bệnh cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Trước khi sử dụng thuốc chẹn kênh calci, hãy báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc có nguồn gốc thảo dược, thực phẩm chức năng,... Bác sĩ sẽ kiểm tra tương tác giữa các thuốc đang dùng với thuốc chẹn kênh calci để ngăn ngừa các tương tác bất lợi có thể xảy ra. Người bệnh cũng cần thông báo với bác sĩ nếu có dự định sử dụng thêm các thuốc mới trong quá trình điều trị bằng thuốc chẹn kênh calci.
  • Sử dụng thuốc đúng như chỉ định của bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng, số lần dùng thuốc mỗi ngày. Để thuận tiện cho ghi nhớ việc uống thuốc, người bệnh nên uống thuốc vào cùng các thời điểm trong này.
  • Người bệnh nên thường xuyên tự kiểm tra huyết áp tại nhà để xem đáp ứng của cơ thể đối với thuốc chẹn kênh calci. Chia sẻ với bác sĩ kết quả tự kiểm tra trong những lần tái khám.
  • Không ăn bưởi hoặc uống nước bưởi khi đang dùng thuốc chẹn kênh calci.
  • Không uống rượu vì rượu có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.
Trong thời gian dùng thuốc không nên sử dụng đồ uống có cồn, rượu
Khi sử dụng thuốc chẹn kênh calci không nên uống rượu giúp giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ

4.Thuốc chẹn kênh calci có an toàn cho bà bầu, trẻ em và người già?

Thuốc chẹn kênh calci có thể được sử dụng trong thai kỳ để kiểm soát tình trạng huyết áp cao và tiền sản giật. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc phải được sự chỉ định và giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ vì có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn với mẹ và thai nhi.

Thuốc chẹn kênh calci có thể đi vào sữa mẹ tuy nhiên các nghiên cứu hiện thấy thuốc không gây tác dụng phụ đối với trẻ bú mẹ. Hãy thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro khi sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Tính an toàn của thuốc chẹn kênh calci ở trẻ em hiện chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên chưa có nguy cơ đáng kể nào được phát hiện cho đến nay. Hãy thảo luận với bác sĩ về lợi ích và rủi ro khi sử dụng thuốc chẹn kênh calci cho trẻ.

Các thuốc chẹn kênh calci có thể sử dụng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, cần lưu ý là nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc của người cao tuổi (như tụt huyết áp tư thế đứng) cao hơn so với người trẻ. Bác sĩ thường có sự điều chỉnh giảm liều dùng để giảm các tác dụng phụ này.

Thuốc chẹn kênh calci là loại thuốc rất phổ biến trên lâm sàng. Thuốc có thể sử dụng cho cả trẻ em, thai phụ và cả người cao tuổi. Tuy nhiên, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần có sự tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ và dược sĩ tư vấn trong quá trình sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan