Công dụng thuốc Cellcept

Thuốc Cellcept thường được áp dụng cho các trường hợp cần dự phòng thải ghép sau khi thực hiện ghép các cơ quan vào cơ thể như thận, tim hoặc gan. Trong quá trình sử dụng thuốc Cellcept, mọi khuyến cáo của bác sĩ về liều dùng và thời gian uống thuốc cần được tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhằm giúp bệnh nhân tránh các nguy cơ rủi ro sức khoẻ khác.

1. Cellcept là thuốc gì?

Thuốc Cellcept thuộc nhóm thuốc ức chế hệ miễn dịch, mang lại tác dụng dựa trên cơ chế ngăn chặn các hoạt động của hệ miễn dịch. Chính vì vậy, thuốc Cellcept thường được sử dụng để ngăn sự đào thải các cơ quan được ghép vào cơ thể như tim, gan hoặc thận.

Thuốc Cellcept là một sản phẩm của Roche S.P.A – Ý, được bào chế dưới dạng viên nén và đóng gói thành hộp 5 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén Cellcept bao gồm các thành phần dược chất sau:

  • Hoạt chất chính: Mycophenolate mofetil hàm lượng 250mg hoặc 500mg.
  • Các tá dược khác vừa đủ hàm lượng cho 1 viên nén.

Hoạt chất chính Mycophenolate mofetil đóng vai trò là chất ức chế chọn lọc men IMDH, có khả năng ức chế quá trình tổng hợp nhân purin rất cần thiết cho sự hình thành của tế bào Lympho T và B mà không cần phải thâm nhập vào ADN. Nhờ vào cơ chế này mag hoạt chất Mycophenolate trong thuốc Cellcept có thể ức chế các chức năng hoạt động của tế bào Lympho B và T. Điều này giúp ngăn chặn cơ thể đào thải các tác nhân lạ là những cơ quan mới ghép vào cơ thể người bệnh.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Cellcept

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Cellcept

Thuốc Cellcept thường được sử dụng để dự phòng các phản ứng thải ghép ở những đối tượng đã được ghép các cơ quan như tim, thận hoặc gan. Thuốc Cellcept cần được sử dụng phối hợp với Corticoide và Cyclosporine.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Cellcept

Không sử dụng thuốc Cellcept cho các đối tượng dưới đây:

  • Người bệnh có tiền sử mẫn cảm hoặc dị ứng với Mycophenolate mofetil, Axit mycophenolic hay bất kỳ dược chất nào khác có trong thuốc.
  • Chống chỉ định Cellcept đối với phụ nữ dự định có thai hoặc đang mang thai.
  • Chống chỉ định thuốc Cellcept đối với các trường hợp áp dụng biện pháp tránh thai không mang lại hiệu quả.
  • Chống chỉ định Cellcept đối với phụ nữ đang nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cellcept

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Cellcept

Dưới đây là liều lượng dùng thuốc Cellcept dự phòng thải ghép cho từng đối tượng bệnh nhân theo khuyến cáo của bác sĩ:

  • Liều dự phòng thải ghép: Uống 2g / ngày.
  • Liều cho bệnh nhân ghép thận: Uống 2g / ngày. Nếu cần thiết phải tăng cường tác dụng ức chế hệ miễn dịch có thể cân nhắc lên 3g / ngày.
  • Liều cho bệnh nhân ghép gan: Uống 1,5g / ngày, uống 2 lần/ ngày.
  • Liều cho bệnh nhân ghép tim: Uống 1,5g / ngày, uống 2 lần / ngày trong vòng 5 ngày sau khi phẫu thuật.
  • Sử dụng liều thuốc đầu tiên trong vòng 72 giờ sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật ghép cơ quan vào cơ thể.
  • Đối với bệnh nhân suy thận nặng có độ thanh thải creatinin < 25ml / phút nên tránh dùng liều cao hơn 1g / ngày, dùng 2 lần / ngày.
  • Đối với bệnh nhân có mảnh ghép chậm hoạt động sẽ cần điều chỉnh liều Cellcept sao cho phù hợp nhất.

3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Cellcept

Trước khi sử dụng thuốc Cellcept, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng dùng thuốc phù hợp với tình trạng cấy ghép của bản thân. Do thuốc Cellcept được bào chế dưới dạng viên nén, vì vậy bệnh nhân nên uống thuốc bằng cách nuốt nguyên viên, tránh nhai hay nghiền nát thuốc.

Thuốc Cellcept không bị ảnh hưởng bởi đồ ăn hay thức uống, do đó việc sử dụng thuốc không cần cân nhắc trước hay sau bữa ăn. Ngoài ra, trong quá trình dự phòng thải ghép bằng Cellcept, bệnh nhân cần uống thuốc đúng liều và vào thời gian chính xác theo chỉ định của bác sĩ.

4. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Cellcept

Trong quá trình dự phòng thải ghép bằng thuốc Cellcept, bệnh nhân có thể vô tình gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn sau:

  • Tràn dịch màng phổi.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Ho hoặc khó thở.
  • Viêm phúc mạc, viêm đại tràng, loét dạ dày tá tràng, viêm miệng, viêm thực quản, xuất huyết tiêu hoá, ợ hơi, tắc ruột, khó tiêu hoặc đầy hơi.
  • Giãn mạch.
  • Tăng / hạ huyết áp.
  • Lú lẫn.
  • Kích động.
  • Lo âu / trầm cảm, suy nghĩ bất thường.
  • Mất ngủ.
  • Tăng hoặc hạ Kali máu, hạ Magie máu, tăng cholesterol máu, hạ Canxi huyết, tăng đường huyết, tăng Lipid huyết, tăng Axit uric / phốt phát máu.
  • Bệnh gút.
  • Chán ăn.
  • Nhiễm axit chuyển hoá.
  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Nhiễm trùng tiểu, nhiễm Herpes Zoster / Simplex, nhiễm Candida hệ tiêu hoá.
  • U da lành tính hoặc ung thư da.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang, viêm mũi.
  • Nhiễm Candida âm đạo / trên da.

Trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc Cellcept, bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp phải một số triệu chứng khác không được đề cập đến. Nếu nhận thấy xảy ra bất kỳ phản ứng lạ thường nào sau khi dùng Cellcept, bệnh nhân hãy chủ động báo cho bác sĩ để có hướng giải quyết.

5. Những điều cần lưu ý khi dự phòng thải ghép bằng thuốc Cellcept

5.1 Cần thận trọng những gì khi sử dụng thuốc Cellcept?

Trước khi quyết định sử dụng thuốc Cellcept để dự phòng thải ghép, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ biết nếu:

  • Đã từng bị dị ứng với bất kỳ thành phần dược chất nào có trong thuốc Cellcept.
  • Đang mang thai / nuôi trẻ bú sữa mẹ.
  • Bị dị ứng với hóa chất, thức ăn, thuốc nhuộm hoặc động vật.
  • Đang có bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào khác như sốt, đau họng, có vết bầm tím, chảy máu bất ngờ, loét dạ dày,...

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số điều sau khi bắt đầu điều trị với thuốc Cellcept:

  • Thuốc Cellcept có thể làm giảm khả năng ức chế miễn dịch khi có sự tác động của ánh sáng mặt trời, điều này dễ làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. Do đó, khi dùng thuốc Cellcept, bệnh nhân cần bảo vệ da kỹ khỏi tia cực tím bằng cách bôi kem chống nắng hoặc mặc đồ bảo hộ.
  • Những bệnh nhân mắc bệnh trên đường tiêu hoá cần thận trọng khi sử dụng thuốc Cellcept.
  • Bệnh nhân sau khi thực hiện ghép tạng có biểu hiện phục hồi chức năng thận chậm cũng nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc Cellcept.
  • Nếu cơ thể bị thiếu hụt lượng men Hypoxanthine-Guaninephosphoribosyl-Transferase (HGPRT) do yếu tố di truyền thì bệnh nhân nên tham khảo kỹ ý kiến của chuyên gia trước khi quyết định dùng thuốc Cellcept.
  • Bệnh nhân mắc hội chứng Lesch-Nyhan & Kelley-Seegmiller cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc Cellcept.
  • Cần kiểm tra công thức máu 1 lần / tuần trong tháng đầu tiên điều trị bằng thuốc Cellcept, sau đó duy trì kiểm tra 1 lần / tháng.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Cellcept đối với bệnh nhân có nghề nghiệp đặc thù như vận hành máy móc hoặc điều khiển phương tiện đi lại.

5.2 Thuốc Cellcept có thể tương tác với các loại thuốc nào?

Thuốc Cellcept khi phối hợp dùng chung với các thuốc khác có thể làm thay đổi cơ chế tác dụng hoặc gây gia tăng các phản ứng phụ của thuốc. Để tránh tối đa nguy cơ tương tác giữa các loại thuốc, tốt nhật bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ các dược phẩm mà bản thân hiện đang sử dụng, bao gồm cả thảo dược, vitamin và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Dưới đây là một số loại thuốc có thể xảy ra tương tác khi dùng chung với Cellcept:

  • Thuốc ức chế bơm Proton.
  • Thuốc điều trị vi rút như Ganciclovir và Acyclovir.
  • Thuốc điều trị rối loạn lipid máu như Sevelamer hoặc Cholestyramine.
  • Thuốc ức chế hệ miễn dịch như Tacrolimus hoặc Cyclosporin A.
  • Thuốc ảnh hưởng đến tuần hoàn gan – ruột.
  • Thuốc tránh thai đường uống.
  • Vắc – xin sống.
  • Thuốc Telmisartan.
  • Thuốc Rifampicin.
  • Thuốc Metronidazole hoặc Norfloxacin.
  • Thuốc Sulfamethoxazole hoặc Trimethoprim.
  • Thuốc Amoxicillin, Axit clavulanic hoặc Ciprofloxacin.

Thuốc Cellcept thường được áp dụng cho các trường hợp cần dự phòng thải ghép sau khi thực hiện ghép các cơ quan vào cơ thể như thận, tim hoặc gan. Việc tuân thủ theo đúng chỉ dẫn sẽ đem lại hiệu quả điều trị bệnh cao nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan