Kiến thức cơ bản về ghép tim dành cho người bệnh

1. Ghép tim là gì? Ghép tim sống được bao lâu?

Ghép tim là phẫu thuật thay thế trái tim của bạn bằng một trái tim khỏe mạnh. Đó là lựa chọn điều trị cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối mặc dù đã được điều trị nội khoa tối ưu. Ca ghép tim đầu tiên thành công năm 1967. Hiện nay, khoảng hơn 5000 ca ghép tim diễn ra hàng năm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do số lượng trái tim đạt tiêu chuẩn được hiến khá hạn chế nên hàng năm, hơn 50.000 người vẫn đang chờ đợi được ghép tim.

2. Khi nào (tại sao) bạn cần ghép tim?

Bạn có thể cần ghép tim nếu bạn bị suy tim nghiêm trọng. Suy tim là tình trạng trái tim của bạn không hoạt động được như bình thường và gây nên các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, hạn chế gắng sức (do khó thở và mệt mỏi), phù chân, bụng hoặc toàn thân. Trước khi bạn cần ghép tim, bác sĩ sẽ điều trị cho bạn bằng các phương pháp khác. Chỉ khi các liệu pháp điều trị khác đều thất bại, bạn mới được khuyên ghép tim.

ghép tim
Bạn có thể cần ghép tim nếu bạn bị suy tim nghiêm trọng

3. Bạn sẽ trải qua điều gì trước phẫu thuật ghép tim?

Trước khi ghép tim, bạn sẽ cần trải qua nhiều bước. Đầu tiên, bạn sẽ được thăm khám, xét nghiệm máu và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ có thể hỏi bạn về các thuốc bạn đang dùng, các thói quen của bạn (ví dụ như hút thuốc, uống rượu...), thông tin về gia đình và các vấn đề liên quan khác. Các bác sĩ trong trung tâm ghép tim sẽ thảo luận với nhau để tìm ra phương thức điều trị và phẫu thuật tốt nhất cho bạn.

Bạn cũng có thể được đặt một loại thiết bị vào tim để giúp trái tim của bạn hoạt động tốt hơn. Thiết bị đó được gọi là thiết bị hỗ trợ thất trái. Một số bệnh nhân được đặt thiết bị hỗ trợ thất trái trước khi ghép tim. Một số bệnh nhân khác được đặt thiết bị hỗ trợ thất trái thay thế cho ghép tim.

Trước khi ghép tim, bạn cần được sàng lọc một số các điều kiện cần thiết. Bác sĩ sẽ đánh giá lại xem liệu trái tim của bạn có thực sự không đáp ứng với bất kỳ liệu pháp điều trị nào khác không. Liệu bạn có đang có các vấn đề sức khỏe khác như ung thư hay nhiễm trùng nghiêm trọng không. Bạn sẽ được yêu cầu cam kết bỏ thuốc lá, rượu bia và các thuốc gây nghiện khác, vì những tác nhân đó sẽ ảnh hưởng xấu tới trái tim mới của bạn. Và một điều cực kỳ quan trọng là bạn cần sẵn sàng sử dụng thuốc trong suốt phần đời còn lại của mình sau phẫu thuật.

Nếu tất cả mọi điều kiện bắt buộc và cần thiết đều đạt, thông tin của bạn sẽ được ghi nhận và các bác sĩ sẽ thông báo cho bạn khi có trái tim phù hợp nhất với bạn. Trong thời gian chờ đợi, các bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của bạn cẩn thận, bất kỳ sự thay đổi nào liên quan tới các điều kiện cần thiết sẽ đều được ghi nhận lại.

4. Điều gì sẽ xảy ra sau khi ghép tim?

Sau khi phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân sẽ được điều trị tại bệnh viện trong vài tuần trước khi trở về nhà. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ theo dõi bạn chặt chẽ và thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để đảm bảo trái tim mới của bạn hoạt động bình thường.

Sau khi ổn định, bạn vẫn sẽ được theo dõi ngoại trú bằng thăm khám, xét nghiệm và các chẩn đoán hình ảnh định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ.

Bạn cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ trong suốt phần đời còn lại của mình. Quan trọng nhất trong đơn thuốc chính là các thuốc “chống thải ghép”. Khi một trái tim mới được cấy ghép vào cơ thể của bạn, bình thường, cơ thể sẽ coi đó là vật thể lạ và tấn công để loại trừ vật thể lạ đó. Thuốc chống thải ghép sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và giúp hệ miễn dịch của bạn chấp nhận trái tim mới. Các thuốc này có thể thay đổi theo thời gian, bác sĩ có thể cân nhắc giảm về số lượng thuốc và liều dùng mỗi loại sau một thời gian điều trị. Bạn không được tự ý thêm bớt hoặc thay đổi liều dùng các thuốc trong đơn của mình.

Ngoài thuốc chống thải ghép, bạn có thể được sử dụng các thuốc giúp dự phòng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus; các thuốc giảm nguy cơ tim mạch lâu dài và một vài thuốc hỗ trợ khác.

Việc theo dõi định kỳ và tuân thủ điều trị sẽ giúp bạn giữ trái tim mới của mình ổn định hơn và có một cuộc sống khỏe mạnh hạnh phúc hơn.

ghép tim
Sau khi ghép tim, bạn cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ trong suốt phần đời còn lại của mình

5. Những ảnh hưởng bất lợi có thể xảy ra sau ghép tim

Thông thường, các ca phẫu thuật ghép tim nhân tạo xảy ra thuận lợi, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, một số vấn đề có thể xảy ra sau khi ghép tim, bao gồm các vấn đề xảy ra ngay sau khi ghép tim và các vấn đề có thể xảy ra sau đó nhiều năm.

Nghiêm trọng nhất là tình trạng thải ghép. Mặc dù vẫn sử dụng các thuốc chống thải ghép, nhưng ở một số bệnh nhân, cơ thể của họ vẫn tấn công và đào thải trái tim mới. Hoặc các mạch máu trong trái tim mới bị co hẹp lại. Hoặc các tác dụng bất lợi của các thuốc chống thải ghép có thể xảy ra, bao gồm các tác dụng ngắn hạn, xảy ra khá sớm sau ghép tim như tăng nguy cơ nhiễm trùng và các tác dụng dài hạn, xảy ra nhiều năm sau ghép tim như tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan