Công dụng thuốc Eufaclor 250

Thuốc Eufaclor 250 chứa hoạt chất chính là Cefaclor, một kháng sinh Cephalosporin thế hệ 2 dùng đường uống. Cơ chế tác dụng của thuốc là gắn vào các protein gắn với penicilin và ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

1. Thuốc Eufaclor 250 là thuốc gì?

Thuốc Eufaclor 250 chứa hoạt chất chính là Cefaclor với hàm lượng 250mg. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang cứng. Cefaclor là một kháng sinh Cephalosporin thế hệ 2 dùng đường uống. Cơ chế tác dụng là gắn vào các protein gắn với penicillin (Penicillin binding protein và PBP), từ đó ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Cũng như các kháng sinh beta-lactam khác, tác dụng diệt khuẩn của kháng sinh Cefaclor phụ thuộc thời gian. Do vậy, mục tiêu cần đạt là tối ưu hóa khoảng thời gian phơi nhiễm của vi khuẩn với thuốc.

2. Thuốc Eufaclor 250 chữa bệnh gì?

Kháng sinh Eufaclor được chỉ định để điều trị các loại nhiễm khuẩn sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp do các vi khuẩn nhạy cảm, đặc biệt sau khi đã dùng các kháng sinh thông thường nhưng thất bại
  • Viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp, viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần.
  • Viêm phổi, viêm phế quản cấp có bội nhiễm hoặc đợt bùng phát của viêm phế quản mạn.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới không biến chứng (viêm bàng quang).
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm do Staphylococcus aureus nhạy cảm và Streptococcus pyogenes.

Thuốc Eufaclor 250 chống chỉ định ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với Cefaclor và kháng sinh nhóm Cephalosporin khác

3. Liều dùng của thuốc Eufaclor 250

Người lớn:

  • Liều thường dùng là 250mg, mỗi 8 giờ một lần.
  • Trường hợp viêm họng, viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Khuyến cáo uống 250 - 500mg, ngày 2 lần hoặc 250mg x 3 lần/ ngày.
  • Đối với các nhiễm khuẩn nặng hơn, khuyến cáo dùng liều 500mg, ngày 3 lần. Liều giới hạn cho người lớn là 4g/ ngày.

Cefaclor có thể dùng cho bệnh nhân suy thận. Trường hợp suy thận nặng, cần điều chỉnh liều Cefaclor như sau:

  • Nếu độ thanh thải creatinin 10 - 50ml/ phút, dùng 50% liều thường dùng
  • Nếu độ thanh thải creatinin dưới 10ml/ phút, dùng 25% liều thường dùng.
  • Bệnh nhân phải thẩm tách máu: Nên dùng liều khởi đầu từ 250mg - 1g trước khi thẩm tách máu và duy trì liều 250 - 500mg mỗi 6 - 8 giờ một lần giữa các lần thẩm tách.

Bệnh nhân cao tuổi:

  • Liều Cefaclor giống như người lớn.

Trẻ em:

  • Liều khuyến cáo là 20 - 40mg/ kg/24 giờ, chia thành 2 - 3 lần uống. Đối với bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, uống 40mg/ kg/ 24 giờ, chia thanh 2 - 3 lần, nhưng liều tổng cộng không được quá 1g/ ngày. Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Cefaclor đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi vẫn chưa được xác định. Liều tối đa ở trẻ em không được vượt quá 1,5g/ ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Eufaclor 250

Bệnh nhân sử dụng thuốc Eufaclor 250 có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:

  • Da liễu: Phát ban, ban đỏ, ban dát sẩn, ngứa, mày đay.
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy , buồn nôn, nôn.
  • Sinh dục: Ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, nhiễm nấm Candida âm hộ.
  • Huyết học: Tăng bạch cầu ái toan, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, thiếu máu tán huyết.
  • Gan: Tăng transaminase huyết thanh.
  • Thần kinh: Kích động, lú lẫn, chóng mặt, buồn ngủ, ảo giác, dị cảm.
  • Khác: Sốc phản vệ, phù mạch, đau khớp, vàng da ứ mật, viêm gan, viêm thận kẽ, thời gian prothrombin kéo dài, viêm đại tràng giả mạc, co giật, bệnh huyết thanh, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Eufaclor 250 là gì?

  • Quá mẫn: Phản ứng phản vệ đã được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng kháng sinh Cefaclor. Nếu xảy ra phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, hãy ngưng dùng thuốc và tiến hành các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp như dùng epinephrine, thuốc kháng histamin và/hoặc corticosteroid.
  • Dị ứng với Penicilin: Thận trọng khi dùng thuốc Eufaclor cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicilin.
  • Bội nhiễm: Sử dụng kéo dài có thể dẫn đến bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn, bao gồm tiêu chảy do C. difficile và viêm đại tràng màng giả. Viêm đại tràng màng giả đã được quan sát thấy sau khi điều trị trên 2 tháng.
  • Bệnh đường tiêu hóa: Thận trọng khi dùng thuốc Eufaclor cho bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng.
  • Suy thận: Thận trọng khi dùng thuốc Eufaclor cho bệnh nhân suy thận.

6. Quá liều và cách xử trí

Quá liều: Các triệu chứng quá liều thuốc Cefaclor bao gồm buồn nôn, nôn, đau thượng vị và tiêu chảy. Mức độ nặng của đau thượng vị và tiêu chảy liên quan đến liều dùng. Nếu có các triệu chứng khác, có thể do dị ứng hoặc ảnh hưởng từ một nhiễm độc khác.

Xử trí: Khi xử trí quá liều thuốc Cefaclor, cần xem xét đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, tương tác thuốc và dược động học bất thường ở người bệnh. Không cần phải rửa dạ dày, ruột, trừ khi đã uống Cefaclor với liều gấp 5 lần bình thường. Cần bảo vệ đường hô hấp cho người bệnh, hỗ trợ thông thoáng khí và truyền dịch. Làm giảm hấp thu thuốc bằng cách cho bệnh nhân uống than hoạt nhiều lần. Biện pháp gây lợi tiểu, thẩm phân màng bụng hoặc lọc máu chưa được xác định là có lợi trong điều trị quá liều Cefaclor.

7. Tương tác của thuốc Eufaclor

Sử dụng đồng thời Eufaclor với một số thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả trị liệu hoặc gia tăng độc tính của thuốc. Dưới đây là một số tương tác thuốc của Eufaclor cần lưu ý trên lâm sàng:

  • Sử dụng đồng thời Cefaclor và Warfarin có thể gây tăng thời gian prothrombin. Bệnh nhân thiếu vitamin K (ví dụ bệnh nhân ăn kiêng, hội chứng kém hấp thu) và bệnh nhân suy thận là những đối tượng có nguy cơ cao gặp tương tác. Đối với những bệnh nhân này, nên theo dõi thời gian prothrombin thường xuyên và điều chỉnh liều nếu cần thiết.
  • Probenecid có thể làm tăng nồng độ Cefaclor trong huyết thanh.
  • Dùng Cefaclor đồng thời với các thuốc kháng sinh Aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu Furosemid có thể làm gia tăng độc tính trên thận. Do đó cần lưu ý khi sử dụng đồng thời các loại thuốc trên.

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc Eufaclor 250. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc, bệnh nhân hãy liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

24 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan