Công dụng thuốc Sanclary

Sanclary là biệt dược của kháng sinh Clarithromycin, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng thuốc Sanclary qua bài viết dưới đây.

1. Sanclary là thuốc gì?

Sanclary chứa hoạt chất Clarithromycin, là một kháng sinh thuộc nhóm macrolid.

1.1. Dược lực học của thuốc

Clarithromycin là một kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm macrolid. Clarithromycin khác với Erythromycin bởi nhóm thế methoxy ở vị trí C - 6 của vòng macrolid. Sự thay đổi cấu trúc này giúp Clarithromycin mở rộng phổ kháng khuẩn, tăng nồng độ trong mô, tăng khả dụng sinh học đồng thời giảm tác dụng phụ đối với hệ tiêu hóa.

Clarithromycin thể hiện tác dụng kháng khuẩn nhờ sự gắn kết với tiểu đơn vị Ribosom 50S của vi khuẩn nhạy cảm tại một vị trí đặc hiệu, từ đó ức chế vi khuẩn tổng hợp protein. Nồng độ ức chế tối thiểu của Clarithromycin thấp hơn Erythromycin từ 2 - 4 lần. Tác dụng kháng khuẩn của chất chuyển hóa 14 - hydroxy của Clarithromycin cũng mạnh hơn đối với vi khuẩn Haemophilus influenzae.

Clarithromycin là một kháng sinh phổ rộng, tác dụng trên cả vi khuẩn gram dương hay gram âm, vi khuẩn ưa khí hay kị khí, có thể kể đến các vi khuẩn như: Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Group A Beta Hemolytic Streptococcus (liên cầu tan máu ß nhóm A), Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Listeria monocytogenes, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Helicobacter pylori, Neisseria gonorrhoeae, Campylobacter jejuni, Clostridium perfringens, Mycoplasma pneumoniae,... Ngoài ra, Clarithromycin còn có tác dụng trên các vi sinh vật khác như: Chlamydia trachomatis, Toxoplasma gondii; Mycobacterium,...

1.2. Dược động học của thuốc

  • Hấp thụ: Khi uống thuốc Sanclary, Clarithromycin hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Thức ăn không ảnh hưởng đến độ sinh khả dụng của thuốc.
  • Phân bố: Chất chuyển hóa chính là 14 - hydroxy clarithromycin. Nồng độ lớn nhất được ghi nhận của Clarithromycin và 14 - hydroxy clarithromycin sau uống 250mg Clarithromycin lần lượt là 0.6mcg/ l và 0.7mcg/ l. Clarithromycin và chất chuyển hóa của thuốc phân bố rộng rãi, nồng độ của chúng trong mô cao hơn trong máu. Ở liều điều trị, tỷ lệ Clarithromycin liên kết với protein là 80%. Clarithromycin cũng qua được lớp nhầy mô dạ dày, đặc biệt nồng độ của thuốc trong lớp nhầy mô dạ dày tăng lên khi kết hợp đồng thời với Omeprazole.
  • Chuyển hoá và bài tiết: Clarithromycin chuyển hóa chủ yếu tại gan. Clarithromycin bài tiết qua phân và nước tiểu. Thời gian bán hủy của Clarithromycin sau khi dùng liều 250mg x 2 lần/ ngày và liều 500mg x 2 lần/ ngày lần lượt là 3 - 4 giờ và 5 - 7 giờ.

2. Chỉ định của thuốc Sanclary

Sanclary (Clarithromycin) được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đối với vi khuẩn nhạy cảm trong các trường hợp:

  • Nhiễm trùng hô hấp: Viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản cấp hoặc mạn, viêm phổi cộng đồng, viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae, viêm phổi do Legionella, bạch hầu, ho gà (giai đoạn đầu).
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm ở mức độ từ nhẹ đến vừa.
  • Viêm loét dạ dày, tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori (HP) (thường phối hợp với thuốc ức chế tiết acid dạ dày).
  • Nhiễm khuẩn cơ hội do Mycobacterium ở bệnh nhân HIV

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Sanclary

Sử dụng thuốc Sanclary theo đường uống theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Có thể dùng thuốc Sanclary trước hay sau bữa ăn đều được.

Liều dùng tham khảo Clarithromycin cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng da và mô mềm: Liều thường dùng là 250mg/ lần x 2 lần/ ngày, dùng thuốc trong 7 ngày. Đối với trường hợp nhiễm trùng nặng, có thể tăng liều lên đến 500mg/ lần x 2 lần/ ngày, thời gian dùng thuốc có thể kéo dài đến 14 ngày.
  • Viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiễm HP: Tùy theo phác đồ điều trị phối hợp mà sử dụng Clarithromycin ở liều hợp lý, đảm bảo thời gian điều trị.
  • Nhiễm Mycobacterium: liều Clarithromycin khởi đầu là 500mg/ lần x 2 lần/ ngày, điều trị trong 3 - 4 tuần. Có thể chỉnh liều nếu liều khởi đầu không hiệu quả.

Đối với bệnh nhân suy thận nặng (có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/ phút), cần giảm một nửa tổng liều Clarithromycin trong ngày, thời gian điều trị không quá 14 ngày.

4. Chống chỉ định thuốc Sanclary

Thuốc Sanclary chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người có tiền sử mẫn cảm với Clarithromycin, hay các kháng sinh khác thuộc nhóm macrolid; người có tiền sử dị ứng với các thành phần khác của thuốc.
  • Người đang dùng bất kỳ thuốc nào: Sau đây: Ergotamine, Cisapride, Terfenadine, Pimozide.
  • Người đang có tiền sử bệnh tim hay rối loạn điện giải.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, tính an toàn của thuốc Clarithromycin chưa được xác minh. Do đó, không nên sử dụng Clarithromycin khi mang thai hay đang cho con bú trừ khi đã cân nhắc lợi ích vượt trội nguy cơ.

5. Tương tác của thuốc Sanclary

  • Cũng như các kháng sinh nhóm macrolid khác, việc kết hợp đồng thời Clarithromycin với những thuốc được hóa bởi cytochrome P450 (như Warfarin, alkaloid của Ergot, Triazolam, Disopyramide, Phenytoin, Lovastatin, Cyclosporin) làm tăng nồng độ các thuốc này trong huyết thanh.
  • Sử dụng Clarithromycin ở bệnh nhân dùng Warfarin làm tăng tác dụng của Warfarin. Do đó, nếu buộc phải sử dụng đồng thời hai loại thuốc này, phải thường xuyên theo dõi thời gian prothrombin.
  • Tác dụng của thuốc Digoxin cũng tăng lên khi dùng cùng với Clarithromycin. Trong trường hợp này, nồng độ digoxin huyết thanh cần được theo dõi.
  • Clarithromycin còn làm thay đổi chuyển hóa của Terfenadine, làm tăng nồng độ của Terfenadine, đi kèm với triệu chứng loạn nhịp tim. Do đó chống chỉ định dùng thuốc Clarithromycin ở bệnh nhân đang dùng Terfenadine, hay bất kỳ thuốc kháng histamin không gây ngủ như Astemizole.
  • Ở bệnh nhân đang dùng Theophylline, Clarithromycin làm tăng nồng độ của Theophylline trong huyết thanh và độc tính của thuốc.
  • Việc phối hợp đồng thời Clarithromycin và Zidovudine ở người lớn nhiễm HIV làm giảm nồng độ của Zidovudine ở trạng thái bền. Do đó, nên bố trí thời gian dùng hai loại thuốc này cách nhau 1-2 giờ.
  • Sử dụng cùng lúc Clarithromycin và Omeprazole có thể làm tăng nồng độ của chúng trong huyết tương, tuy nhiên không cần chỉnh liều. Nồng độ của Clarithromycin cũng tăng lên khi sử dụng đồng thời với Ranitidine.
  • Ngoài ra, Clarithromycin cũng có thể làm tăng hiệu lực của Carbamazepine do giảm tốc độ bài tiết.

6. Tác dụng phụ của thuốc Sanclary

Clarithromycin nhìn chung dung nạp tốt. Các tác dụng phụ đã được báo cáo là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng,... Ngoài ra, bệnh nhân dùng thuốc Sanclary có thể gặp một số tác dụng phụ ít gặp hơn như:

  • Viêm miệng, viêm lưỡi, viêm thanh môn, nổi hạt ở miệng.
  • Các phản ứng dị ứng ở mức độ khác nhau: mày đay, phát ban, phản ứng phản vệ, thậm chí là hội chứng Stevens-Johnson ở cơ địa mẫn cảm đặc biệt.
  • Rối loạn vị giác hay mất màu ở lưỡi có hồi phục (khi kết hợp Clarithromycin và Omeprazole)
  • Tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương xảy ra thoáng qua: nhức đầu, chóng mặt, lo lắng, mất ngủ, ảo giác, loạn thần, ác mộng, lú lẫn.
  • Giảm thính giác (thường hồi phục khi ngưng thuốc).
  • Viêm đại tràng giả mạc với mức độ từ nhẹ đến nguy hiểm đe dọa sinh mạng.
  • Rối loạn chức năng gan (thường hồi phục): Rối loạn chức năng gan, viêm gan và mật, kèm vàng da hoặc không.

7. Thận trọng khi sử dụng Sanclary

  • Thận trọng khi sử dụng Sanclary ở bệnh nhân suy gan, bệnh nhân suy thận, vì gan và thận liên quan đến chuyển hóa và bài tiết của thuốc.
  • Chú ý thời gian sử dụng Clarithromycin cũng như lặp lại việc sử dụng thuốc, bởi vì lạm dụng thuốc có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc hay sự phát triển nấm. Nếu xảy ra bội nhiễm vi khuẩn hay nấm sau thời gian dùng Clarithromycin, cần ngưng thuốc và điều chỉnh điều trị thích hợp.
  • Hết sức thận trọng khi sử dụng Clarithromycin ở những người đang sử dụng các thuốc được chuyển hóa bởi P450 vì có thể tăng nồng độ các thuốc đó trong huyết thanh.

Tóm lại, thuốc Sanclary là một kháng sinh đường uống thuộc nhóm macrolid có phổ tác dụng rộng rãi. Sanclary là thuốc kê đơn, việc dùng thuốc được chỉ định bởi bác sĩ trong từng trường hợp cụ thể. Clarithromycin có thể tương tác với các thuốc khác hay gây ra những tác dụng không mong muốn, do đó bệnh nhân cần nhận biết sớm các triệu chứng bất thường trong quá trình dùng thuốc và báo ngay với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

44 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan