Công dụng thuốc Topdolac 400

Thuốc Topdolac 400 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Etodolac. Thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng đau cấp, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp,...

1. Công dụng của thuốc Topdolac 400

Topdolac 400 là thuốc gì? 1 viên thuốc Topdolac 400 có chứa 400mg Etodolac và các tá dược khác. Etodolac là 1 dẫn chất của acid pyrano cacboxylat, là thuốc kháng viêm không steroid, có tác dụng chống viêm, hạ nhiệt và giảm đau. Cơ chế tác động của Etodolac giống các thuốc không steroid khác, liên quan tới sự ức chế sinh tổng hợp prostaglandin trong quá trình viêm. Tác dụng giảm đau có hiệu quả sau khoảng 30 phút dùng thuốc với liều 200 - 400mg, hiệu quả tối đa đạt được trong 1 - 2 giờ, kéo dài khoảng 4 - 6 giờ.

Chỉ định sử dụng thuốc Topdolac 400:

  • Điều trị cấp hoặc dài hạn các triệu chứng của bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp;
  • Điều trị các cơn đau cấp.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Topdolac 400:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Etodolac hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Người bệnh có tiền sử hen suyễn, nổi mày đay hoặc các phản ứng dị ứng khác sau khi sử dụng aspirin hoặc sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid khác;
  • Bệnh nhân suy tim nặng, suy thận và suy gan;
  • Phụ nữ có thai 3 tháng cuối, bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Topdolac 400

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống thuốc Topdolac 400 cùng với bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn.

Liều dùng: Nên cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của thuốc, lựa chọn điều trị tiềm năng khác trước khi quyết định dùng Etodolac. Nên sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu điều trị của bệnh nhân. Sau khi quan sát phản ứng với điều trị ban đầu, cần điều chỉnh liều lượng và tần suất dùng thuốc cho phù hợp với đáp ứng của người bệnh.

  • Cơn đau cấp: Tổng liều hằng ngày lên tới 1000mg, uống 200 - 400mg mỗi 6 - 8 giờ;
  • Thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp: Liều khởi đầu là 300mg, 400mg hoặc 500mg. 1 liều dưới 600mg/ngày là đủ để điều trị lâu dài. Trong trường hợp mãn tính, đáp ứng điều trị với thuốc thường thấy được trong vòng 1 - 2 tuần điều trị. Sau khi đạt yêu cầu điều trị, liều tiếp theo cần được xem xét, điều chỉnh khi cần thiết;
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy thận từ nhẹ tới trung bình. Tuy nhiên, nên dùng thuốc thận trọng vì nó có thể làm suy giảm chức năng thận;
  • Trẻ em: Không sử dụng thuốc;
  • Người cao tuổi: Không cần phải hiệu chỉnh liều sử dụng thuốc. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng thuốc ở người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu việc sử dụng thuốc là cần thiết thì cần dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Người bệnh cần được theo dõi tình trạng xuất huyết tiêu hóa trong khi điều trị với thuốc kháng viêm không steroid.

Quá liều: Hiện chưa có báo cáo về quá liều Etodolac trong các thử nghiệm lâm sàng. Triệu chứng quá liều cấp do thuốc kháng viêm không steroid khá hiếm gặp, có thể là ngủ lịm, buồn nôn, buồn ngủ, nôn ói, đau vùng thượng vị, xuất huyết dạ dày - ruột, suy thận cấp, cao huyết áp, suy hô hấp, hôn mê, phản ứng phản vệ,...

Khi dùng thuốc quá liều, cách xử trí phù hợp là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Cần thực hiện súc ruột trong vòng 4 giờ sau khi uống 1 lượng thuốc lớn (gấp 5 - 10 lần liều bình thường). Có thể gây nôn hoặc dùng than hoạt (60 - 100mg đối với người lớn, 1 - 2g/kg đối với trẻ nhỏ) và thuốc xổ muối để làm giảm hấp thu thuốc.

Quên liều: Tốt nhất người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu quên 1 liều thuốc Topdolac 400. Trường hợp thời gian quá xa thời điểm cần uống thì không nên uống bù liều để tránh gây nguy hiểm cho cơ thể.

3. Tác dụng phụ của thuốc Topdolac 400

Khi sử dụng thuốc Topdolac 400, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

Tác dụng phụ có tỷ lệ xảy ra ≥ 1/100:

  • Toàn thân: Sốt, ớn lạnh;
  • Tiêu hóa: Đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, chướng bụng, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, viêm đại tràng, phân bất thường, đại tiện phân đen;
  • Thần kinh: Suy nhược, mệt mỏi, lo lắng, chóng mặt, trầm cảm;
  • Da: Ngứa da, phát ban;
  • Các giác quan: Ù tai, mờ mắt;
  • Thận: Tiểu buốt, thay đổi tần suất đi tiểu;
  • Cơ, xương, khớp: Đau khớp.

Tác dụng phụ có tỷ lệ xảy ra < 1/100:

  • Toàn thân: Phản ứng dị ứng, phản vệ, quá mẫn (gồm cả sốc);
  • Tim mạch: Suy tim sung huyết, tăng huyết áp, đánh trống ngực, ngất, chứng đỏ bừng, viêm mạch máu (gồm hoại tử và dị ứng);
  • Tiêu hóa: Khô miệng, khát nước, chán ăn, ợ hơi, viêm loét miệng, tăng các enzyme gan, viêm gan, viêm gan ứ mật, vàng da ứ mật, vàng da, suy gan, viêm tá tràng, hoại tử an, loét dạ dày (có/không kèm chảy máu hoặc thủng), viêm tụy, loét đường tiêu hóa;
  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm tiểu cầu, thiếu máu, vết bầm trên da, tăng bạch cầu, kéo dài thời gian chảy máu, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, giảm toàn bộ huyết cầu;
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Tăng creatinin huyết thanh, phù, tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường đã được kiểm soát trước đó;
  • Thần kinh: Buồn ngủ, mất ngủ;
  • Hô hấp: Thâm nhiễm phổi có tăng bạch cầu ái toan, hen suyễn;
  • Da: Đổ mồ hôi, nổi mề đay, phù mạch, phát ban mụn nước, viêm da tróc vảy, viêm các mạch máu trên da kèm theo ban xuất huyết, viêm mạch quá mẫn, hoại tử biểu bì gây độc, tăng sắc tố da, hội chứng Stevens - Johnson, hồng ban đa dạng;
  • Các giác quan: Rối loạn thị giác thoáng qua, sợ ánh sáng;
  • Thận: Suy thận, tăng BUN, hoại tử nhú thận, suy giảm chức năng thận.

Tác dụng phụ có tỷ lệ xảy ra < 1/100 không rõ nguyên nhân:

  • Toàn thân: Đau đầu, nhiễm khuẩn;
  • Tim mạch: Loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim;
  • Tiêu hóa: Viêm đại tràng, viêm thực quản có/không kèm theo co hẹp hoặc co thắt tim, phân có máu, cảm giác khó chịu hoặc nóng rát ở đường tiêu hóa, đau dạ dày, khó chịu ở bụng dưới;
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Thay đổi trọng lượng cơ thể;
  • Thần kinh: Lú lẫn, dị cảm, dễ kích động;
  • Hô hấp: Co thắt phế quản, viêm phế quản, khó thở, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang;
  • Da: Tróc da, phát ban dát sần, rụng tóc, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Các giác quan: Điếc, rối loạn vị giác, viêm kết mạc, mất vị giác;
  • Thận: Tiểu ra máu, viêm thận kẽ, khí hư, viêm bàng quang, suy thận, kinh nguyệt không đều;
  • Cơ, xương, khớp: Đau cơ.

Tác dụng phụ được báo cáo với thuốc kháng viêm không steroid:

  • Toàn thân: Nhiễm trùng huyết, tử vong;
  • Tim mạch: Tim đập nhanh, nguy cơ huyết khối tim mạch;
  • Tiêu hóa: Viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm lưỡi, xuất huyết đường tiêu hóa, nôn ra máu;
  • Máu và hệ bạch huyết: Các bệnh về hạch bạch huyết;
  • Thần kinh: Co giật, lo lắng, giấc mơ bất thường, ảo giác, hôn mê, run, hoa mắt, viêm màng não;
  • Hô hấp: Viêm phổi, ức chế hô hấp;
  • Thận: Đa niệu/thiểu niệu, protein niệu.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà bản thân gặp phải khi sử dụng thuốc Topdolac 400. Đồng thời, bác sĩ nên theo dõi bệnh nhân sát sao để phòng ngừa nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, không thể hồi phục, thậm chí gây tử vong.

Với các tác dụng phụ ở đường tiêu hóa, có thể giảm thiểu bằng cách uống thuốc ngay sau khi ăn. Với người bệnh có nguy cơ loét đường tiêu hóa, nên cân nhắc việc phối hợp thuốc Etodolac với misoprostol hoặc thuốc ức chế bơm proton để giảm tác dụng phụ. Bác sĩ nên chú ý tới triệu chứng của bệnh nhân, cần định kỳ kiểm tra phân về biểu hiện chảy máu dai dẳng ở người bệnh đang dùng thuốc dài ngày.

Nếu chảy máu đường tiêu hóa, có triệu chứng nặng ở gan, tác dụng phụ nặng ở thần kinh, đau đầu dai dẳng dù đã giảm liều thuốc,... thì nên ngưng dùng thuốc Etodolac.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Topdolac 400

Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Topdolac 400:

  • Thận trọng khi sử dụng Etodolac cho người bệnh có tiền sử loét dạ dày - tá tràng hoặc xuất huyết tiêu hóa. Vì loét và xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra mà không có triệu chứng báo trước nên bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân dài ngày để kịp thời phát hiện tình trạng này;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Etodolac ở người bệnh tăng huyết áp và người cao tuổi;
  • Nên theo dõi kỹ chức năng thận và sự bài tiết nước tiểu khi sử dụng thuốc Etodolac ở bệnh nhân suy gan, suy tim, suy thận mạn tính hoặc ở người bệnh đang điều trị với thuốc lợi tiểu;
  • Nên định kỳ kiểm tra hemoglobin và hematocrit để phát hiện sớm dấu hiệu thiếu máu đôi khi có thể xảy ra ở bệnh nhân sử dụng thuốc Etodolac;
  • Các thuốc chống viêm không steroid như Etodolac dùng đường toàn thân có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối tim mạch, gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Nguy cơ này có thể xuất hiện sớm trong vài tuần đầu sau khi dùng thuốc, có thể tăng lên theo thời gian dùng thuốc. Nguy cơ huyết khối tim mạch chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân dùng thuốc với liều cao;
  • Bác sĩ nên đánh giá định kỳ nguy cơ xuất hiện biến cố tim mạch ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng tim mạch trước đó. Người bệnh nên được cảnh báo về triệu chứng của biến cố tim mạch, cần thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng này;
  • Để giảm nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ bất lợi, nên sử dụng thuốc Topdolac 400 ở liều hằng ngày thấp nhất có hiệu quả với thời gian ngắn nhất có thể;
  • Thuốc Topdolac 400 có chứa lactose nên không sử dụng cho bệnh nhân thiếu hụt Lapp - lactase, không dung nạp galactose hoặc rối loạn hấp thu glucose - galactose;
  • Người bệnh sử dụng Etodolac có thể cho phản ứng dương tính giả khi thực hiện xét nghiệm bilirubin niệu do có sự hiện diện của các chất chuyển hóa phenolic của Etodolac trong nước tiểu;
  • Chưa có nghiên cứu sử dụng thuốc Topdolac 400 ở phụ nữ mang thai. Chỉ nên dùng thuốc nếu lợi ích cao hơn đáng kể so với nguy cơ có thể xảy ra. Giống như các thuốc không steroid khác, nên tránh dùng Etodolac cho phụ nữ đang trong 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Không có thông tin về việc Etodolac bài tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu việc dùng thuốc là cần thiết thì bà mẹ nên ngừng cho con bú;
  • Etodolac có thể gây chóng mặt, mờ mắt cho người sử dụng nên cần dùng thuốc thận trọng ở người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Topdolac 400

Một số tương tác thuốc của Topdolac 400 gồm:

  • Etodolac có thể làm tăng nồng độ lithi trong máu (do làm giảm thải trừ lithi ra khỏi cơ thể ở thận). Nồng độ lithi tăng lên có thể gây ngộ độc lithi;
  • Etodolac có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của các loại thuốc điều trị tăng huyết áp;
  • Các thuốc kháng acid dạ dày có thể làm giảm nồng độ của thuốc Etodolac trong máu;
  • Sử dụng Etodolac cùng lúc với aspirin có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc;
  • Nồng độ aminoglycosid trong máu có thể gia tăng khi sử dụng đồng thời với Etodolac (có thể do giảm thải trừ aminoglycosid ra khỏi cơ thể). Điều này có thể làm gia tăng các tác dụng phụ của aminoglycosid;
  • Etodolac có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết khi sử dụng đồng thời với các thuốc có thể gây chảy máu;
  • Giống với các thuốc kháng viêm không steroid khác, Etodolac với tác dụng lên prostaglandin ở thận nên có thể làm thay đổi thải trừ, dẫn tới tăng nồng độ của cyclosporin, methotrexat và digoxin trong huyết thanh. Từ đó, Etodolac cũng có thể làm tăng độc tính của các thuốc trên;
  • Phenylbutazon có thể làm gia tăng khoảng 80% các phần tử Etodolac tự do trong máu.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Topdolac 400, người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc cách dùng, thời gian dùng thuốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả điều trị của thuốc và hạn chế nguy cơ phát sinh nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

670 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • diaricin
    Công dụng thuốc Diaricin

    Diaricin thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid. Thuốc có thành phần chính là Diacerein, hàm lượng 50mg, bào chế dưới dạng viên nang cứng. Để biết thêm thông tin chi tiết về thuốc Diaricin chữa ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Bambizol-60
    Công dụng thuốc Bambizol-60

    Thuốc Bambizol-60 được chỉ định điều trị bệnh viêm xương khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp thống phong cấp tính, giảm đau cấp tính và mãn tính, đau bụng kinh nguyên phát,...Vậy cách sử dụng thuốc Bambizol-60 như ...

    Đọc thêm
  • Kontam-Cort
    Công dụng thuốc Kontam-Cort

    Thuốc Kontam-Cort được phân nhóm các loại thuốc nội tiết cân bằng hormone. Trước khi dùng thuốc bệnh nhân cần làm kiểm tra sức khỏe và có chỉ dẫn sử dụng thuốc từ bác sĩ. Sau đây là một số ...

    Đọc thêm
  • Thuốc Aforonac
    Công dụng thuốc Aforonac

    Aforonac là thuốc giảm đau, kháng viêm thường sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý như đau lưng, đau răng, đau do gặp phải chấn thương hay bệnh lý cơ xương khớp.

    Đọc thêm
  • Acecpar
    Công dụng thuốc Acecpar

    Thuốc Acecpar có thành phần chính là Aceclofenac, thường được sử dụng trong điều trị giảm đau, kháng viêm, ... Hãy cùng tìm hiểu về công dụng thuốc Acecpar trong bài viết dưới đây.

    Đọc thêm