Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Dinh dưỡng là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của trẻ. Trẻ em nếu được đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ sẽ có khả năng phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ. Ở Việt Nam dù đã có những tiến bộ đáng kể nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn cao. Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, trước tiên cần nắm vững các nguyên tắc điều trị suy dinh dưỡng trẻ em.

1. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ hiện nay

Suy dinh dưỡng trẻ em luôn là một điều đáng lo ngại và cần được quan tâm sát xao hơn. Trên thế giới, Việt Nam là một trong số 34 quốc gia phải đối mặt nhiều nhất với gánh nặng suy dinh dưỡng. Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi, có nguy cơ bị tổn thương về thể chất và trí não lâu dài. Trong những năm qua, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng và duy trì sự ổn định, nhờ vào sự nâng cao kiến thức thực hành dinh dưỡng và cải thiện được tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, con số này vẫn cao và giữa các vùng miền có sự khác biệt. Năm 2016, nhóm trẻ trong độ tuổi dưới 5 có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân là 13,8%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 24,3%, thậm chí ở một số tỉnh có tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi rất cao (trên 35%). Trẻ em sống trong các gia đình nghèo có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với trẻ em trong gia đình khá giả hơn. Nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, nơi có nhiều dân tộc thiểu số, là khu vực chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số những nhóm dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cao nhất (65%).

Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng vẫn là nguyên nhân rất phổ biến gây ra tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi là 28% và ở khu vực miền núi nơi có các dân tộc thiểu số là 31%, trong khi tỷ lệ phụ nữ mang thai bị thiếu máu là 32%. Chỉ có một phần tư (25%) trẻ em dưới sáu tháng tuổi là được bú sữa mẹ hoàn toàn và chỉ có 59% trẻ được hưởng lợi từ chế độ ăn dặm đầy đủ và đa dạng.

Suy dinh dưỡng trẻ em nếu xảy ra từ những năm tháng đầu đời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng vận động của trẻ. Hơn thế nữa, suy dinh dưỡng trẻ em còn làm cho hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ( ví dụ như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa,..) và bệnh lý đường tiêu hoá (ví dụ như tiêu chảy, hội chứng kém hấp thu,... .

Xem ngay: Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị suy dinh dưỡng

cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ cần được quan tâm sát xao hơn

2. Các nguyên tắc về điều trị suy dinh dưỡng trẻ em

Suy dinh dưỡng trẻ em có nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ, mặc dù có giảm so với các giai đoạn trước những vẫn còn ở mức cao. Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, trước tiên cần nắm vững các nguyên tắc điều trị suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là trong giai đoạn 1000 ngày đầu tiên kể từ khi mẹ bắt đầu mang thai cho đến lúc trẻ tròn 2 tuổi. Vì đây là thời điểm vàng để quyết định cho sự phát triển tối ưu của trẻ về cả thể chất và trí tuệ, nếu được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Một số nguyên tắc điều trị suy dinh dưỡng trẻ em, như sau:

  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời và kéo dài đến 2 tuổi. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, vì sữa mẹ có thành phần sữa non (colostrum) giúp tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ sẽ ít bị suy dinh dưỡng, thừa cân – béo phì, ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
  • Sau 6 tháng, lúc này trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm. Thực đơn hằng ngày của trẻ phải bảo đảm cung cấp đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu: chất đường bột (cơm, cháo, khoai, ngô, các loại ngũ cốc nguyên hạt), chất đạm (thịt, cá, sữa, trứng, tôm, cua, đậu), chất béo (dầu ăn thực vật như dầu oliu, dầu mè, mỡ động vật, bơ), chất xơ cùng các loại vitamin và khoáng chất (có trong các loại rau, củ, trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa...). Có như vậy thì trẻ mới được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng.
  • Đối với trẻ em lớn hơn, hệ tiêu hóa đã phát triển vững chắc hơn và quen dần với việc hấp thu các loại thức ăn khác nhau, do đó nên tăng cường năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều món trong cùng một bữa với thành phần đa dạng về các chất dinh dưỡng.
  • Nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn để đảm bảo cân đối giữa số bữa và số lượng thức ăn trong mỗi bữa. Như vậy trẻ sẽ không cảm thấy căng thẳng, áp lực khi bị thúc ép ăn cùng lúc quá nhiều.
  • Thực đơn cần sáng tạo những món ăn lạ miệng, thay đổi thường xuyên để tránh gây nhàm chán, màu sắc bắt mắt và đa dạng về thành phần để kích thích sự thèm ăn.
  • Cha mẹ cần theo dõi thường xuyên chiều cao và cân nặng để đánh giá đúng và kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
  • Đối với trẻ em ở lứa tuổi tiểu học và trung học, cần quan tâm đến các bữa ăn học đường để đảm bảo nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng. Bên cạnh chất đường bột, chất béo, các thực phẩm giàu protein và vi chất dinh dưỡng nên được chú trọng. Cụ thể, để nâng cao chất lượng bữa ăn, cần cung cấp đủ thành phần chất đạm và tăng cường rau quả, chất xơ.
  • Nếu việc thay đổi chế độ ăn không cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, bố mẹ nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng ở các bệnh viện hoặc trung tâm có chuyên khoa dinh dưỡng riêng.
  • Để trẻ ăn ngon miệng hơn, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và tăng sức đề kháng, bố mẹ có thể bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi, vitamin A, vitamin C và các vitamin nhóm B thông qua thức ăn hoặc các thực phẩm bổ sung tăng cường vi chất dinh dưỡng, dưới sự cho phép và hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bố mẹ tự cho trẻ uống bổ sung không đúng chỉ định dẫn đến thừa vi chất dinh dưỡng cũng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
  • Khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động thể chất, trải nghiệm cuộc sống thông qua các môn thể thao như: bơi lội, bóng rổ, bóng đá,... Vì quá trình hoạt động thể chất như vậy chính là lúc cơ thể trẻ tiêu hao năng lượng đúng cách, tăng cường trao đổi chất và sẽ kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.

Xem ngay: Bảng đánh giá và phân loại tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi

3. Các vi chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển của trẻ

Bên cạnh việc tăng cường bổ sung 3 nhóm chất chính cho trẻ suy dinh dưỡng là chất đạm, đường bột, chất béo thì việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cũng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ. Vi chất dinh dưỡng gồm các loại vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng chất (canxi, photpho, kẽm, sắt, selen, đồng, iod,...). Những chất này chứa nhiều trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật cũng như thực vật.

Các loại vitamin và khoáng chất là thành phần không thể thiếu trong các bữa ăn để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Những chất này tuy không sinh năng lượng nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong các quá trình chuyển hoá, thúc đẩy quá trình giải phóng năng lượng của cơ thể, giúp cơ thể hoạt động tích cực, bảo vệ các tế bào và các cơ quan trong cơ thể.

3.1. Sắt

Sắt là nguyên tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển, lưu trữ oxy và chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Sắt tham gia tạo enzyme và tạo tế bào hồng cầu. Thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến thiếu máu. Trẻ em nếu không được cung cấp đủ chất sắt trong khẩu phần ăn sẽ dễ bị nhẹ cân, thấp còi, xanh xao, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng da. Trẻ bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt gà, thịt bò, cá, gan, trứng, mộc nhĩ, mè, đậu xanh, rau má, rau dền, ... Đồng thời, cần kết hợp thêm với thực phẩm, rau củ trái cây giàu vitamin C để tăng cường hấp thu chất sắt tốt hơn.

3.2. Canxi

Canxi là thành phần quan trọng trong cấu tạo xương, răng. Canxi tham gia vào quá trình đông cầm máu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Thiếu canxi là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng, làm cho hoạt động nhai, nuốt của trẻ không tốt dẫn đến việc tiêu hóa và hấp thu kém. Canxi có chứa nhiều trong các loại thực phẩm như cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại rau xanh đậm, ...

cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ bằng cách bổ sung canxi cho trẻ

3.3. Iod

Iod là nguyên liệu không thể thiếu cho quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp, giúp tăng trưởng thể chất và phát triển não bộ của trẻ em. Bên cạnh đó, Iod còn tham gia vào các quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho những hoạt động của cơ thể. Do đó, Iod là vi chất dinh dưỡng rất quan trọng cần được cung cấp mỗi ngày để bảo vệ cơ thể và nâng cao sức khỏe, trí tuệ của trẻ. Nếu thiếu Iod từ trong bụng mẹ, khi ra đời trẻ dễ bị suy giáp bẩm sinh, lớn hơn trẻ có thể bị bướu cổ và chậm phát triển trí tuệ. Các thực phẩm giàu Iod bao gồm muối biển, các loại hải sản, rong biển, ...

3.4. Kẽm

Kẽm là vi chất tham gia vào thành phần cấu tạo của hơn 300 enzyme khác nhau. Các enzyme này tham gia vào các phản ứng hóa học, cần thiết cho quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng cũng như quá trình phân chia tế bào trong cơ thể. Thiếu kẽm khiến trẻ em bị suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển thể lực, suy giảm miễn dịch, suy giảm sức đề kháng nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, ...Các bữa ăn hàng ngày của trẻ em cần bổ sung kẽm thông qua những loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, tôm, cua, hàu, ngao, ngũ cốc nguyên hạt, phô mai...

3.5. Các loại vitamin

Trẻ suy dinh dưỡng thường bị thiếu hụt các loại vitamin như A, D, C và vitamin nhóm B.

  • Thiếu vitamin A làm trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến thị giác, suy giảm khả năng miễn dịch và dễ mắc các bệnh về da, ... Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm như đu đủ, bí đỏ, cà rốt, cà chua, bông cải xanh, ...
  • Thiếu vitamin D làm trẻ còi xương, suy dinh dưỡng. Sữa và chế phẩm từ sữa, các loài cá béo (cá thu, cá hồi, cá trích,..), dầu gan cá, trứng, bơ,... giàu Vitamin D.
  • Thiếu vitamin nhóm B sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, biếng ăn... Các vitamin nhóm B như axit folic có trong gan, trứng, đậu phộng, bơ; các loại rau có màu xanh đậm như măng tây, cải bó xôi, bông cải xanh, ...
  • Thiếu vitamin C dẫn đến kém hấp thu canxi, sắt và axit folic. Vitamin C có ở các loại trái cây như cam, dâu, ổi, kiwi, nho, ...

Trong những năm đầu đời, sự cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và chất lượng sẽ tạo nền tảng cho trẻ phát triển tốt. Đến tuổi đi học, trẻ sẽ có khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức tốt hơn, đồng thời lấy đà cho sự phát triển nhảy vọt về thể chất và trí tuệ khi đến tuổi vị thành niên.

Việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung các dưỡng chất cho bé. Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cũng có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần chú ý nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Tốt nhất khi có tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, cha mẹ nên phối hợp với bác sĩ chuyên khoa nhi lên thực đơn đủ dinh dưỡng, đủ kẽm cho bé giúp con được phát triển một cách toàn diện trong từng độ tuổi.

Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan