Thế nào là suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng là tình trạng bao gồm thừa dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng. Những người thiếu dinh dưỡng có thể bị sụt cân, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng hoặc bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Mặt khác, thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến thừa cân, béo phì và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Cả hai loại đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.

1. Suy dinh dưỡng là gì?

Suy dinh dưỡng là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi chế độ ăn uống của bạn không có đủ chất dinh dưỡng, nói cách khác, đó là sự thiếu hụt hoặc tiêu thụ quá nhiều chất dinh dưỡng.

Các loại suy dinh dưỡng bao gồm:

  • Thiếu dinh dưỡng (Undernutrition): Loại suy dinh dưỡng này là kết quả của việc cơ thể không nhận đủ protein, calo hoặc vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Nó dẫn đến các tình trạng cân nặng so với chiều cao thấp (gầy còm), chiều cao thấp theo tuổi (thấp còi) và nhẹ cân so với tuổi (nhẹ cân).
  • Thừa dinh dưỡng (Overnutrition): Tiêu thụ quá nhiều một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein, calo hoặc chất béo cũng có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Điều này thường dẫn đến thừa cân hoặc béo phì.

Nhìn chung, những người thiếu dinh dưỡng thường có xu hướng thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin A và i ốt. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng có thể xảy ra khi bạn bị suy dinh dưỡng.

Đối với tình trạng thừa cân hoặc béo phì có thể xảy ra do cơ thể tiêu thụ quá nhiều calo nhưng không nhận đủ vitamin và khoáng chất cùng một lúc. Thực phẩm cũng là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng thừa dinh dưỡng, chẳng hạn như các thực phẩm chiên rán và nhiều đường, có xu hướng chứa nhiều calo và chất béo nhưng lại ít các chất dinh dưỡng cần thiết khác.

suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi chế độ ăn uống của bạn không có đủ chất dinh dưỡng

2. Dấu hiệu và triệu chứng của suy dinh dưỡng

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy dinh dưỡng sẽ tùy thuộc vào từng loại suy dinh dưỡng khác nhau. Việc phát hiện ra những ảnh hưởng của suy dinh dưỡng có thể giúp bạn sớm xác định được phương pháp điều trị phù hợp dành cho mình.

Thiếu dinh dưỡng

Thường là kết quả của việc cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của bạn. Điều này có thể gây ra các vấn đề sau:

  • Giảm cân
  • Giảm mỡ và khối lượng cơ
  • Má hóp và mắt trũng
  • Bụng sưng to
  • Tóc và da khô
  • Chậm lành vết thương
  • Mệt mỏi
  • Khó tập trung
  • Dễ cáu gắt
  • Trầm cảm và lo âu

Những người thiếu dinh dưỡng có thể có một hoặc một số triệu chứng trên.

Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor) là tình trạng cơ thể thiếu protein trầm trọng, dẫn đến tích nước và làm phình bụng. Trong khi đó, suy dinh dưỡng thể teo đét (marasmus) xảy ra do cơ thể thiếu hụt calo nghiêm trọng, dẫn đến gầy, kèm theo sự mất đi một lượng đáng kể chất béo và cơ bắp.

Ngoài ra, thiếu dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng. Một số sự thiếu hụt phổ biến nhất và các triệu chứng đi kèm của chúng thường bao gồm:

  • Vitamin A: Gây khô mắt, quáng gà và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Sắt: Làm suy giảm chức năng não, gây ra các vấn đề về điều hòa thân nhiệt và các vấn đề về dạ dày
  • Kẽm: Dẫn đến chán ăn, còi cọc, chậm lành vết thương, rụng tóc, hoặc tiêu chảy
  • Iốt: Khiến tuyến giáp (goiters) bị mở rộng, giảm sản xuất hormone tuyến giáp, gây ra các vấn đề về tăng trưởng và phát triển

Thực chất, thiếu dinh dưỡng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thể chất và sức khỏe của bạn, thậm chí nó còn làm tăng nguy cơ tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời. Người ta đã ước tính rằng, tình trạng thấp còi, gầy còm, thiếu kẽm và vitamin A đã gây ra khoảng 45% tổng số ca tử vong ở trẻ em trong năm 2011

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh bị mất ngủ thường xuyên
Thiếu dinh dưỡng có thể khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, trầm cảm, lo âu

Thừa dinh dưỡng (bội dinh dưỡng)

Các dấu hiệu chính của thừa dinh dưỡng là tình trạng thừa cân và béo phì, nhưng nó cũng có thể dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng.

Nghiên cứu đã cho thấy, những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng hấp thụ không đủ chất dinh dưỡng, đồng thời lượng vitamin và khoáng chất trong máu của họ cũng thấp hơn so với những người có cân nặng bình thường.

Một nghiên cứu khác được thực hiện ở những người có độ tuổi thanh thiếu niên cũng đã cho thấy, nồng độ vitamin A và E trong máu ở những người béo phì thấp hơn từ 2–10% so với những người tham gia có cân nặng bình thường.

Điều này là do thừa cân và béo phì có thể là kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn. Bởi chúng có chứa hàm lượng calo cao và nhiều chất béo nhưng lại rất ít chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho cơ thể.

Cũng trong một cuộc nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, những người ăn thức ăn nhanh thường hấp thụ rất ít lượng vitamin A và C, trong khi đó lại tiêu thụ đáng kể một lượng lớn calo, chất béo và natri hơn so với những người kiêng các loại thực phẩm này.

3. Đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng

Các triệu chứng của suy dinh dưỡng sẽ được đánh giá thông qua các bài kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện hoặc phòng khám.

Các công cụ chính được sử dụng để xác định suy dinh dưỡng thường bao gồm biểu đồ giảm cân và chỉ số khối cơ thể (BMI), xét nghiệm máu để biết tình trạng vi chất dinh dưỡng và khám sức khỏe tổng quát.

Nếu bạn có tiền sử giảm cân và có các triệu chứng khác liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xác định tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.

Mặt khác, việc xác định sự thiếu hụt chất dinh dưỡng do thừa dinh dưỡng có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, và chủ yếu ăn các thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh, cơ thể bạn có thể sẽ không nhận đủ vitamin hoặc khoáng chất cần thiết. Để tìm hiểu xem bạn có đang bị thiếu hụt chất dinh dưỡng hay không, hãy trao đổi với bác sĩ về thói quen ăn uống hàng ngày của bạn.

Trẻ suy dinh dưỡng
Các triệu chứng của suy dinh dưỡng sẽ được đánh giá thông qua các bài kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện hoặc phòng khám

4. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Suy dinh dưỡng có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh tật và các tình trạng sức khỏe mãn tính khác.

Ảnh hưởng lâu dài của tình trạng thiếu dinh dưỡng thường bao gồm nguy cơ cao mắc béo phì, bệnh tim và bệnh tiểu đường. Trong một cuộc nghiên cứu ở một số trẻ vị thành niên đã cho thấy, những bé trai bị còi cọc do suy dinh dưỡng sớm trong cuộc đời sẽ tăng thêm 5% khối lượng chất béo trong vòng 3 năm so với các bạn không bị thấp còi. Ngoài ra, có khoảng 21% thanh thiếu niên thấp còi có tình trạng huyết áp cao hơn so với những thanh thiếu niên khỏe mạnh khác.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, tình trạng thiếu dinh dưỡng ở thời thơ ấu có thể gây ra những thay đổi trong quá trình trao đổi chất, dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính sau này.

Bên cạnh đó, trẻ em thừa cân hoặc béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn so với những trẻ khác. Cụ thể, qua một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, những trẻ em bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn gấp 4 lần so với những trẻ có chỉ số BMI bình thường

Do ảnh hưởng lâu dài của suy dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, vì vậy việc ngăn ngừa và điều trị suy dinh dưỡng sớm có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các nguy cơ này.

5. Nguyên nhân nào dẫn đến suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng là một vấn đề mang tính toàn cầu, có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm điều kiện môi trường, kinh tế và y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ước tính rằng có hơn 460 triệu người lớn và 150 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, trong khi đó có hơn hai tỷ người lớn và trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì.

Những nguyên nhân phổ biến nhất của suy dinh dưỡng thường bao gồm:

  • Tình trạng mất an ninh lương thực, hoặc thiếu khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm đầy đủ và giá cả phải chăng: tình trạng mất an ninh lương thực của một quốc gia có thể khiến người dân lâm vào tình trạng thiếu lương thực, dẫn đến nạn đói và làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
  • Các vấn đề về tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng: một số tình trạng gây kém hấp thụ, chẳng hạn như bệnh Crohn, bệnh celiac và sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột, có thể gây ra suy dinh dưỡng
  • Uống quá nhiều rượu: Việc sử dụng nhiều rượu có thể khiến cho cơ thể không hấp thụ đủ được lượng protein, calo và vi chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần: Trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Trong một cuộc nghiên cứu đã cho thấy, những người bị trầm cảm có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn khoảng 4% so với những người khỏe mạnh.
  • Không có khả năng lấy và chuẩn bị thực phẩm: các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự gầy yếu, kém vận động và thiếu đi sức mạnh cơ bắp là những yếu tố nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng. Những vấn đề này cũng góp phần làm giảm khả năng chuẩn bị thức ăn của một người.
Lạm dụng rượu khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn
Việc sử dụng nhiều rượu có thể khiến cho cơ thể không hấp thụ đủ được lượng protein, calo và vi chất dinh dưỡng cần thiết

6. Những người có nguy cơ rủi ro cao bị suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở tất cả các nơi trên thế giới, nhưng một số đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao hơn, bao gồm:

  • Những người sống ở các nước đang phát triển hoặc các khu vực có khả năng tiếp cận thực phẩm bị hạn chế: tình trạng thiếu dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt phổ biến ở Châu Phi cận Sahara và Nam Á.
  • Những người có nhu cầu chất dinh dưỡng tăng lên, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: Ở một số nước đang phát triển, có khoảng 24-31% bà mẹ mang thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng.
  • Những người sống trong cảnh nghèo đói hoặc có thu nhập thấp: Tình trạng kinh tế xã hội thấp có liên quan mật thiết đến suy dinh dưỡng.
  • Người lớn tuổi, đặc biệt là những người sống một mình hoặc bị khuyết tật: Nghiên cứu đã cho thấy có tới 22% người lớn tuổi bị suy dinh dưỡng và hơn 45% có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
  • Những người có các vấn đề ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng: Những người bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có thể bị suy dinh dưỡng cao gấp bốn lần so với những người không có các tình trạng này.

7. Các biện pháp phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng

Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả suy dinh dưỡng, chúng ta cần chú trọng đến việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn đề này.

Nghiên cứu đã cho thấy, các cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa suy dinh dưỡng sẽ bao gồm cung cấp các viên sắt, kẽm, i-ốt, thực phẩm bổ sung, đồng thời giáo dục dinh dưỡng cho những người có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, trẻ em và người lớn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng quá mức nên lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh, kết hợp thực hiện thường xuyên các hoạt động thể chất để ngăn ngừa đáng kể tình trạng thừa cân và béo phì.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ngăn ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng bằng cách ăn một chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm đủ carbs, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Mặt khác, việc điều trị suy dinh dưỡng thường bao gồm các phương pháp tiếp cận cá nhân hóa hơn. Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn hoặc người thân đang bị suy dinh dưỡng, hãy trao đổi vấn đề này với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng thiếu dinh dưỡng, từ đó xác định được các biện pháp can thiệp phù hợp dành cho bạn, chẳng hạn như thay đổi chế độ dinh dưỡng bao gồm các chất bổ sung.

Hiện nay, Vinmec là một trong số ít các bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa về Nhi, có thể khám đa khoa kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng giúp xây dựng thực đơn riêng cho bé, khám thần kinh, các vấn đề về tinh thần, phản xạ. Đặc biệt, Vinmec có thế mạnh về khám vận động với sự phối hợp của trung tâm điều trị phục hồi cho trẻ tự kỷ - bại não.

Nếu có nhu cầu khám bệnh với các bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm tại Vinmec, Khách hàng vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: who.int, nhs.uk, healthline.com,

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan