Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần làm gì?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Mùa hè thường là thời gian gia tăng của bệnh nhân tay chân miệng. Bệnh chưa có vắc xin phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, lại có thể gây các biến chứng. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát biểu hiện bệnh của con để xử trí phù hợp.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền qua virus đường ruột thuộc họ Enterovirus. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Coxsackievirus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).

Sau khi lây từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa, virus sẽ sinh sôi nảy nở nhân lên tại các mô lympho ở vùng hầu họng và đường tiêu hóa. Sau đó, virus xâm nhập vào máu, đến các cơ quan khác như hệ thần kinh trung ương, tế bào cơ tim, tế bào gan, da. Từ đó, gây nên bệnh cảnh đặc trưng của bệnh tay, chân, miệng.

2. Bệnh tay chân miệng xảy ra khi nào?

  • Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi.
  • Bệnh có thể xảy ra thành dịch hoặc ca lẻ tẻ. Các trẻ em trong cùng nhà trẻ có thể bị lây lan một cách dễ dàng.
  • Bệnh xảy ra quanh năm. Ở Việt Nam, bệnh thường tăng cao từ tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

3. Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng?

Biết được các giai đoạn diễn biến của tay chân miệng sẽ giúp cha mẹ chủ động theo dõi và phản ứng kịp thời bệnh tình của con.

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài trung bình từ 3-6 ngày. Virus lây truyền trực tiếp từ dịch tiết mũi, miệng, phân, hoặc các giọt bắn trong không khí thông qua đường miệng – miệng hoặc phân – miệng. Các vật dụng, đồ chơi trẻ thường ngậm trong miệng cũng là nguồn lây cần chú ý.

  • Giai đoạn khởi phát:

+ Sốt tùy mức độ: Sốt nhẹ, vừa, hoặc sốt cao.

+ Có thể kèm nôn ói, tiêu chảy phân lỏng không có đờm, không có máu.

  • Giai đoạn toàn phát:

+ Sang thương da: Phát ban dạng sẩn hồng ban nổi gồ trên da hoặc mụn nước với kích thước từ 2-10mm, dịch trong, đôi khi hơi đục trên nền hồng ban. Các ban thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông và cơ quan sinh dục. Mụn nước thường ít khi vỡ, lành không để lại sẹo, bội nhiễm da sau nhiễm virus hiếm gặp.

+ Sang thương niêm mạc: Các mụn nước ở niêm mạc miệng lây lan diễn tiến nhanh chóng thành các vết loét đường kính 2-3 mm. Vị trí điển hình ở vùng trụ trước của amidan, lưỡi gà, amidan và khẩu cái mềm. Vết loét có giới hạn rõ, bờ thường trơn láng, đáy vết loét nông và có màu trắng. Trẻ thường sẽ giảm ăn, bú vì đau, quấy khóc và chảy nước bọt liên tục do không nuốt được.

  • Giai đoạn lui bệnh:

+ Nếu không xảy ra biến chứng, sau khoảng 7 ngày từ lúc khởi phát bệnh, trẻ sẽ giảm sốt, ăn uống được, hết quấy khóc. Các vết loét ở miệng lành dần, mụn nước ngoài da tự xẹp và mất, nếu vỡ sẽ đóng mày, để lại vết thâm da mờ theo thời gian.

4. Bệnh tay chân miệng được phân độ như thế nào?

Bệnh tay chân miệng được phân làm 4 độ theo diễn biến nặng của bệnh:

-Độ 1: Chỉ có phát ban tay chân miệng và/ hoặc loét miệng

-Độ 2:

+Độ 2a: Trẻ có các dấu hiệu độ 1 và kèm theo một trong các dấu hiệu sau:

  • Thỉnh thoảng bị giật mình ít (< 2 lần/30 phút)
  • Lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ
  • Sốt trên 2 ngày HOẶC có ít nhất 1 lần có sốt ≥ 39 oC
  • Nôn ói nhiều.

+ Độ 2b: Dấu hiệu độ 1 kèm theo một trong hai nhóm triệu chứng sau:

  • Nhóm 1: Một trong các biểu hiện sau:
  • Giật mình khi bác sĩ khám
  • Giật mình ≥ 2 lần/ 30 phút
  • Giật mình, kèm một trong 2 dấu hiệu sau: Ngủ gà hoặc Mạch > 130 lần/ phút (khi trẻ nằm yên, không sốt)
  • Nhóm 2: Một trong các biểu hiện sau:
  • Run tay chân, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng
  • Run giật nhãn cầu, lé
  • Đột ngột chân tay yếu hay liệt mềm
  • Liệt thần kinh sọ (nuốt sặc, thay đổi giọng nói...)
  • Sốt cao khó hạ (nhiệt độ đo tại hậu môn ≥ 39 oC, cho thuốc hạ sốt nhưng không đỡ)
  • Mạch > 150 lần/ phút (khi trẻ nằm yên, không sốt)

-Độ 3: Dấu hiệu độ 1 kèm theo 1 trong các biểu hiện sau:

  • Mạch > 170 lần/ phút (khi trẻ nằm yên, không sốt)
  • Vã mồ hôi lạnh toàn thân hoặc khu trú
  • Huyết áp tăng theo tuổi
  • Thở nhanh theo tuổi
  • Chân tay gồng cứng, hôn mê
  • Thở bất thường: Có một trong các dấu hiệu sau:
  • Cơn ngưng thở
  • Thở bụng
  • Thở nông
  • Rút lõm ngực
  • Khò khè
  • Thở rít thì hít vào

-Độ 4: Dấu hiệu của độ 1 kèm theo một trong các tiêu chuẩn sau:

  • Ngưng thở, thở nấc
  • Tím tái, chỉ số SpO2 giảm xuống <92%
  • Phù phổi cấp
  • Sốc

Ở độ 2-4, nếu trẻ không được điều trị hoặc điều trị không đáp ứng, tử vong xảy ra trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.

5. Bệnh tay chân miệng điều trị như thế nào?

Hiện chưa có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng rất quan trọng.

Trẻ bị tay chân miệng cần được theo dõi sát, phát hiện sớm các biến chứng và điều trị tích cực biến chứng nếu có.

Chỉ định điều trị tùy theo mức độ nặng của bệnh

-Độ 1: Điều trị ngoại trú và tái khám

  • Cho trẻ uống Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, mỗi 4-6 giờ để hạ sốt và giảm đau khi có loét miệng làm trẻ không ăn được.
  • Cho trẻ uống nhiều dịch, ăn thức ăn lỏng, săn sóc vùng miệng để tránh bội nhiễm.
  • Tái khám 1-2 ngày/lần trong vòng 7 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt 48 giờ.
  • Các dấu hiệu cần đưa đến bệnh viện khám ngay: Sốt cao ≥ 39 độ C, thở nhanh, thở mệt, giật mình, run chi, đi loạng choạng, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, ói nhiều, da nổi bông, vã mồ hôi, tay chân lạnh, co nhanh giật, hôn mê.

-Từ độ 2 - 4: Cần cho trẻ nhập viện điều trị

Hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Do vậy, biện pháp phòng ngừa chính vẫn là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông (nhất là sau khi thay quần áo, tã lót cho trẻ, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt), rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng Cloramin B hoặc nước javel, cách ly trẻ bệnh trong vòng 7-10 ngày bắt đầu từ thời điểm khởi bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

738 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan