Lưu ý khi dùng thuốc bôi nhiệt miệng cho bé dưới 1 tuổi

Nhiệt miệng là một tình trạng thường xảy ra ở trẻ nhỏ và cả trẻ dưới 1 tuổi. Nhiệt miệng không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây đau và khó chịu cho trẻ, khiến trẻ quấy khóc, biếng ăn. Vậy có nên sử dụng thuốc bôi nhiệt miệng cho bé dưới 1 tuổi hay không và cần lưu ý những gì khi dùng thuốc bôi nhiệt miệng cho bé dưới 1 tuổi?

1. Nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi

Nhiệt miệng là một bệnh lý thường gặp ở vùng niêm mạc miệng. Bệnh đặc trưng bởi các vết loét có hình tròn hay oval, xung quanh có quầng đỏ, đáy vết loét có giả mạc màu vàng hoặc xám trắng. Nhiệt miệng không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn gặp rất nhiều ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và cả trẻ sơ sinh.

Ở trẻ nhỏ, nhiệt miệng không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng khiến trẻ khó chịu, đau, thậm chí có thể sốt, quấy khóc và bỏ bú bỏ ăn, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tình trạng cân nặng của trẻ do bị giảm ăn uống. Bởi vậy, cần phát hiện sớm tình trạng này ở trẻ nhỏ để có thể điều trị kịp thời.

Một vài dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi:

  • Trẻ tự nhiên quấy khóc thường xuyên, miệng chảy nước dãi nhiều, biếng ăn hơn bình thường.
  • Một số trẻ bị nhiều vết nhiệt miệng cùng lúc hoặc bị vết loét to có thể dẫn đến sốt, nổi hạch.
  • Nhiệt miệng có thể làm hơi thở của trẻ có mùi hôi.
  • Kiểm tra miệng của trẻ phát hiện thấy bề mặt lưỡi và niêm mạc miệng có xuất hiện các vết loét, xung quanh vết loét bị tấy đỏ. Vết loét có thể có một nốt riêng lẻ hoặc nhiều nốt mọc thành đám hay tách rời nhau. Kích thước của các vết loét không đều, ban đầu thường nhỏ khoảng 1 đến 2mm, nếu không được xử lý kịp thời vết loét sẽ tăng dần kích thước đến 8 hay 10mm.

2. Những lưu ý khi dùng thuốc bôi nhiệt miệng cho bé dưới 1 tuổi

Tình trạng nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi khiến các bé quấy khóc và bỏ ăn nên khiến cho những người bố người mẹ không khỏi lo lắng. Câu hỏi đặt ra là liệu có bắt buộc phải sử dụng thuốc bôi nhiệt miệng cho bé dưới 1 tuổi không? Trên thực tế, có rất nhiều bé bị nhiệt miệng mà có thể tự khỏi trong thời gian ngắn mà không cần phải sử dụng thuốc. Để quyết định có dùng thuốc điều trị nhiệt miệng hay không và nếu có thì nên dùng thuốc bôi nhiệt miệng cho trẻ nhỏ hay dùng thuốc đường uống cần phụ thuộc vào tình trạng ăn uống và mức độ bị nhiệt miệng của trẻ, số vết loét, thời gian bị bệnh và thể trạng của bé. Khi đã quyết định sử dụng thuốc cho bé, bố mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ, sử dụng những loại thuốc an toàn, đạt tiêu chuẩn và có thương hiệu để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bôi nhiệt miệng cho bé dưới 1 tuổi an toàn, lành tính mà hiệu quả. Để sử dụng thuốc bôi nhiệt miệng cho bé 1 tuổi và dưới 1 tuổi an toàn nhất, bố mẹ cần lưu ý một số điều như sau:

  • Hiện nay, đa số các thuốc bôi nhiệt miệng cho bé dưới 1 tuổi đều được bán phổ biến ở các quầy thuốc nhà thuốc mà không cần kê đơn. Bố mẹ cần chọn mua những loại thuốc có thương hiệu và ở nơi uy tín. Sẽ tốt hơn nếu bố mẹ hỏi ý kiến bác sĩ và những người có chuyên môn khi lựa chọn thuốc bôi cho bé.
  • Quan sát và theo dõi tình trạng nhiệt miệng cũng như sức khỏe của bé trong suốt quá trình dùng thuốc, nếu phát hiện có những dấu hiệu bất thường cần ngưng sử dụng thuốc và đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hỗ trợ điều trị.
  • Dùng thuốc theo đúng liều hướng dẫn, không bôi quá nhiều lần trong 1 ngày.
  • Đa số các thuốc bôi đều được sản xuất ở dạng gel, thuốc mỡ, kem hoặc dạng bột. Các thuốc dạng gel khi bôi lên vùng tổn thương sẽ tạo nên một lớp màng bám trên niêm mạc nên cho hiệu quả tốt hơn các dạng bào chế khác. Hơn nữa, các thuốc dạng gel được đóng typ nên cũng thuận tiện hơn cho người sử dụng, đảm bảo được vấn đề vệ sinh.
  • Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, bố mẹ nên bổ sung thêm các loại vitamin và dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho trẻ, thay đổi cách chế biến, cho trẻ ăn đồ ăn lỏng hơn để trẻ đỡ bị đau.
  • Vệ sinh răng miệng cho bé đúng cách.
  • Cho bé uống nước đầy đủ.

3. Phòng ngừa nhiệt miệng cho trẻ dưới 1 tuổi

Để phòng tránh nguy cơ bị nhiệt miệng cho trẻ dưới 1 tuổi, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Chăm sóc bé chu đáo, luôn theo dõi và quan sát các dấu hiệu cơ thể bất thường để phát hiện kịp thời tình trạng của trẻ.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học phù hợp theo độ tuổi của trẻ.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên cho trẻ. Lưu ý không sử dụng các loại dụng cụ hay khăn cứng dày để vệ sinh miệng cho bé vì dễ gây tổn thương niêm mạc miệng, tạo nguy cơ hình thành nhiệt miệng.
  • Giai đoạn dưới 1 tuổi, các bé đang rất tò mò khám phá thế giới xung quanh nên thường có xu hướng cảm nhận các vật bằng việc đưa đồ vào miệng ngậm. Bố mẹ hãy đảm bảo rằng tất cả những đồ quanh bé đều được vệ sinh đúng cách, không có vật sắc nhọn và dễ gây tổn thương. Đồ chơi, quần áo, đồ dùng của bé đều phải được lựa chọn kỹ về mặt chất liệu với tiêu chí an toàn.
  • Tùy theo độ tuổi của bé để bố mẹ cân nhắc việc bổ sung cho trẻ vitamin từ các loại nước hoa quả tự nhiên.

Nói chung, nhiệt miệng tuy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng khiến trẻ đau và quấy khóc, thậm chí bỏ ăn. Bố mẹ cần phát hiện sớm để xử lý và điều trị kịp thời cho bé, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến cơ thể trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan