Cách giữ cho tâm hồn của bạn luôn trẻ trung

Bạn có thể ngạc nhiên khi gặp một ai đó trẻ tuổi hơn tuổi thật từ 5 đến 10 tuổi, hoặc thậm chí có thể nhiều hơn thế. Thực tế là những người này đều không cần phẫu thuật thẩm mỹ mà vẫn duy trì được tuổi thanh xuân. Lý do là bởi họ biết duy trì các thói quen lành mạnh trong cuộc sống hằng ngày. Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin để giúp bản thân bạn có thể làm được điều tương tự.

1. Quá trình thay đổi cơ thể khi độ tuổi tăng

Khi tuổi càng tăng cao thì cơ thể sẽ có nhiều thay đổi có thể dẫn đến những ảnh hưởng tới sức khoẻ của bạn. Nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, có tới 95% người ở trong và hơn độ tuổi 50 thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, việc duy trì sự trẻ trung kết hợp với chăm sóc tinh thần có thể giúp cơ thể giảm thiểu triệu chứng không tốt ảnh hưởng đến sức khoẻ.

  • Suy nhược cơ thể. Quá trình này thường xảy ra do thiếu máu hoặc tuần hoàn máu kém. Khi tuổi ngày một tăng, các thành mạch máu bị xơ hoá, đồng thời dễ hình thành các mảng xơ và khiến cho quá trình lưu thông máu bị đình trệ, làm cho cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt,...
  • Giảm khối lượng cơ và sức cơ. Tình trạng này thường do cơ thể tăng quá trình dị hoá nhưng lại giảm quá trình đồng hoá dẫn đến giảm khối cơ và sức cơ. Từ đó, dẫn đến các khả năng hoạt động cũng giảm. Theo một số nghiên cứu, sau tuổi 40, cứ mỗi 10 năm, một người bình thường có thể mất khoảng 8% khối cơ trong cơ thể. Tình trạng mất cơ làm giảm khả năng vận động về thể chất, có thể tăng nguy cơ té ngã hoặc suy giảm hệ miễn dịch,...
  • Tăng khối lượng mỡ. Cơ thể có khả năng tích mỡ bắt đầu từ tuổi 35 và mỗi năm có thể tăng lượng mỡ khoảng 0.7kg và khối cơ giảm khoảng 200 gam. Đồng thời, những người có tuổi càng tăng thì khả năng bị thừa cân béo phì sẽ dễ dàng hơn và dễ gây ra các bệnh lý liên quan đến tim mạch, huyết áp,...
  • Thoái hoá xương khớp. Bắt đầu sau tuổi 30, quá trình phân huỷ xương hình thành nhưng quá trình tạo mô xương mới lại giảm. Với việc cấu trúc xương mất dần theo độ tăng của tuổi thì những người bước qua tuổi 50 rất dễ bị mắc các vấn đề liên quan đến xương khớp như đau nhức xương khớp, giòn xương,...
  • Suy giảm trí nhớ. Khoảng 10.000 nơron thần kinh ở não bị lão hoá khi bước vào tuổi 50 và đây cũng chính là lý do khiến cho người già thường bị suy giảm trí nhớ. Quá trình lão hoá thần kinh cũng gây ra cho người lớn tuổi những triệu chứng nhu run rẩy chân tay, không kiểm soát được hoạt động hàng ngày,...
  • Suy giảm sức đề kháng cũng như hệ thống miễn dịch. Khi quá trình lão hoá diễn ra càng nhanh thì kéo theo tình trạng suy giảm nhiều đối với tế bào Lympho T., dẫn đến suy giảm chức năng của tuyến ức hoặc tuỷ xương không thực hiện sản sinh các tế bào miễn dịch.
  • Rối loạn tiêu hoá, hấp thu các chất dinh dưỡng từ thực phẩm kém. Khi tuổi tăng cao, bạn sẽ có cảm giác giảm vị giác và bạn không có cảm giác ngon miệng khi ăn, dẫn đến tình trạng chán ăn. Đồng thời, khả năng nhai và nghiền thức ăn kém kéo theo men tiêu hoá hoạt động cũng giảm và nhu động ruột giảm gây tình trạng táo bón.
suy kiệt tuổi già
Tuổi già có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

2. Những phương pháp giúp tâm hồn trẻ trung và cải thiện sức khoẻ khi tuổi tăng dần mỗi ngày

2.1. Thêm một chút giai điệu vào cuộc sống của bạn

Bộ não của bạn được rèn luyện tinh thần khi bạn phát trực tuyến danh sách bài hát mà bạn yêu thích. Nghe nhạc không chỉ giúp bạn tỉnh táo hơn mà còn có thể tăng cường trí nhớ và tạo cho bạn một tâm trạng thư thái. Nghe nhạc cũng giống như giải một phép toán về âm nhạc và tìm hiểu cách nốt nhạc này liên quan đến nốt nhạc kia. Khi đó, bộ não sẽ thực hiện các hoạt động để hiểu cấu trúc này, điều đặc biệt đúng với bản nhạc mà bạn nghe lần đầu tiên.

2.2. Dành thời gian để kết bạn

Làm quen với những người bạn mới sẽ giúp bạn tăng cường “chức năng điều hành” của não, giống như khi chơi trò chơi ô chữ. Bộ kỹ năng tinh thần này bao gồm trí nhớ ngắn hạn của bạn, khả năng điều chỉnh các yếu tố gây mất tập trung và khả năng giữ tập trung. Một cuộc trò chuyện thân thiện kéo dài 10 phút giúp ích như thế nào? Việc bạn lắng nghe quan điểm của người khác và cố gắng đặt mình vào vị trí của họ sẽ giúp thúc đẩy bộ não của bạn suy nghĩ theo những cách mới.

2.3. Tạo tiếng cười nhiều hơn

Căng thẳng có thể khiến não tiết ra hormone cortisol, khiến bạn khó suy nghĩ sáng suốt và luôn cảm thấy mình không có hướng giải quyết tích cực. Theo thời gian, mức độ căng thẳng ngày một tăng cao có thể gây ra rắc rối cho việc học, việc làm và trí nhớ của bạn. Một cách thú vị để bảo vệ não của bạn với cách bạn có thể thực hiện cười sảng khoái thường xuyên. Hoạt động này có thể làm giảm mức cortisol và giúp giữ cho não của bạn khỏe mạnh.

cười nhiều
"Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ".

2.4. Lập kế hoạch nghỉ ngơi và hòa mình vào thiên nhiên

Thiên nhiên có tác dụng xoa dịu và có thể giảm bớt căng thẳng, điều này cũng có thể mang lại kết quả ngay cả khi bạn chỉ đang nhìn ra ngoài cửa sổ. Khi bạn dành thời gian hoạt động ở ngoài trời, bộ não sẽ được nghỉ ngơi trước luồng dữ liệu liên tục và sự kích thích mà nó nhận được trong suốt cả ngày. Vì vậy, điều này sẽ cho phép não bộ được khởi động lại, từ đó, giúp tăng khả năng tập trung. Bạn đồng thời có thể cảm thấy sáng tạo hơn và có nhiều khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

2.5. Từ bỏ những thói quen của bạn

Không có gì sai khi bạn lặp đi lặp lại bữa sáng của mọi ngày hoặc lái xe trên cùng một tuyến đường đến cơ quan. Con người thuộc nhóm sinh vật của thói quen. Tuy nhiên, sẽ tốt cho não bộ của bạn nếu bạn cố gắng đa dạng hóa mọi thứ hoặc thay đổi những thói quen hàng ngày của bạn và việc không tuân theo đúng trật tự của các hoạt động này có thể mang lại hiệu quả tốt cho tinh thần của bạn. Thậm chí, thực hiện sự thay đổi này một lần một tuần có thể giúp ích cho sức khỏe tinh thần của bạn. Một sự đổi khác trong quy trình của cuộc sống có thể làm tăng khả năng não bộ của bạn học thông tin mới và nắm bắt thông tin đó. Bạn hãy thử một công thức mới hoặc khám phá một phần khác trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

2.6. Học thêm các kỹ năng mới hoặc ngôn ngữ mới

Khi bạn học một kỹ năng hoặc chủ đề mới, não bộ của bạn sẽ tạo ra những con đường mới giữa nhiều tế bào của não bộ. Bạn có thể thử sức với khả năng viết lách hoặc một sở thích mới mà bạn yêu thích, chẳng hạn như chơi ghi-ta hoặc chơi bất kỳ nhạc cụ nào. Nếu ban đầu việc học tập có vẻ khó khăn thì bạn cũng không nên từ bỏ. Bởi vì, chính sự thích nghi với bài học mới hoặc tìm hiểu nội dung mới sẽ giúp cho não bộ của bạn được kích thích và làm việc một cách hiệu quả nhất.

2.7. Bạn nên tập trung vào nội dung chi tiết và cụ thể

Bạn có thể vừa nhắn tin vừa xem tivi, đồng thời, có thể kiểm tra thông tin dữ liệu trên màn hình máy tính. Tuy nhiên, việc bạn thực hiện cùng một lúc các hoạt động này có thể sẽ không tốt cho bộ não của bạn. Do bộ não của bạn tiếp xúc với nhiều luồng thông tin cùng một lúc, nó phải sàng lọc tất cả các thông tin và cường độ làm việc sẽ tăng nhiều hơn, khiến bạn khó tập trung và ảnh hưởng đến việc quản lý bộ nhớ và khả năng chuyển từ việc này sang việc khác. Bạn hãy tạo môi trường thoải mái cho bộ não của bạn và tập trung toàn bộ vào một việc tại một thời điểm.

2.8. Tập trung suy nghĩ

Các hoạt động tập trung vào hơi thở, thiền định có thể giúp giảm tình trạng huyết áp cao hoặc cholesterol cao. Cả hai vấn đề này đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu liên quan đến trí nhớ và khả năng tập trung cho thấy, việc tập trung suy nghĩ cũng có thể tăng cường sự tập trung, trí nhớ và khả năng đưa ra quyết định tốt hơn, đồng thời, có thể giúp bạn chuyển từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác dễ dàng hơn. Mặc dù, vẫn còn ít minh chứng cho điều này nhưng giả thuyết cho rằng, thiền định có tác dụng giúp não của bạn thoát khỏi những lời nói và suy nghĩ cụ thể.

2.9. Đổ mồ hôi nhiều hơn thông qua các bài luyện tập thể dục

Các bài luyện tập thể dục có thể mang lại nhiều lợi ích vừa tốt cho não, vừa tốt cho cơ thể của bạn. Tập thể dục giúp các kỹ năng suy luận cùng với kỹ năng tư duy của bạn trở nên nhạy bén vì nó tăng cường lưu lượng máu lên não, cùng với một số hợp chất giúp bảo vệ não bộ. Bạn nên cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.

2.10. Chăm sóc giấc ngủ tốt hơn

Nếu bạn không ngủ đủ giấc, ngay cả một nhiệm vụ đơn giản cũng có thể tốn khiến bạn nhiều công sức về mặt tinh thần để có thể hoàn thành được. Bạn cũng sẽ cảm thấy khó tập trung hơn và những khoảng trống trong trí nhớ ngắn hạn của mình khi giấc ngủ không được đảm bảo. Để giữ tinh thần sảng khoái, bạn nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm, đồng thời, quan tâm đến chất lượng ngủ nhiều hơn.

2.11. Có kế hoạch ăn uống hợp lý

Bạn càng hấp thụ nhiều calo từ khẩu phần ăn hàng ngày thì khả năng mất trí nhớ của bạn càng cao. Lý do vẫn chưa rõ ràng nhưng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) lớn hơn ở tuổi trung niên có liên quan đến sức khỏe não bộ ảnh hưởng đến cuộc sống. Bạn có thể thực hiện thay đổi nhỏ, chẳng hạn như chuyển từ sữa nguyên kem sang sữa tách béo, điều này sẽ giúp bạn cắt giảm lượng calo. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng kế hoạch ăn uống hợp lý để nâng cao sức khoẻ tinh thần.

2.12. Nuôi dưỡng trí óc

Một số loại thực phẩm có chứa các hợp chất quan trọng có tác dụng bảo vệ não bộ của bạn như trái cây, rau, các loại đậu, cá và chất béo lành mạnh như chất béo trong dầu hạt cải và ô liu. Một tách trà hoặc cà phê sử dụng hàng ngày cũng có thể giúp não của bạn tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, những loại thực phẩm đã qua chế biến có thể ảnh hưởng đến hàm lượng đường trong máu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.

2.13. Bỏ thuốc lá

Nhiều hóa chất có trong thuốc lá có thể gây độc cho não bộ của bạn, vì vậy, bạn có thể không ngạc nhiên khi biết rằng, hút thuốc có liên quan đến suy giảm tinh thần và chứng mất trí. Khói thuốc cũng gây ra các ảnh hưởng tương tự.

Người bệnh hen suyễn không nên tiếp xúc với khói thuốc lá
Nói không với thuốc lá!

2.14. Chăm sóc trái tim của bạn

Nếu tim của bạn hoạt động kém, bạn có nhiều khả năng gặp các vấn đề về học tập và trí nhớ. Thừa cân và không tập thể dục đủ có thể làm cho các mạch máu của bạn bị thu hẹp, làm hạn chế lượng máu chảy đến não của bạn và các động mạch của bạn có thể bắt đầu cứng lại. Huyết áp cao cũng được biết đến với các dấu hiệu cho thấy sức khỏe não bộ của bạn đang gặp nguy hiểm. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này thì bạn cần gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

2.15. Nhận trợ giúp cho sức khỏe tâm thần của bạn

Bài viết tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan