9 yếu tố rủi ro dẫn đến mất răng

Mất răng không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng nhai nghiền thức ăn, làm mất thẩm mỹ mà còn là biểu hiện của một số vấn đề bệnh lý. Có nhiều yếu tố rủi ro dẫn đến mất răng, trong đó, vệ sinh răng miệng kém là yếu tố phổ biến nhất.

1. Hậu quả khi bị mất răng

1.1 Gặp khó khăn khi nhai và nghiền nát thức ăn

Cấu trúc răng của mỗi người vốn đã ổn định nên nếu thiếu mất dù chỉ một cái răng, bất kể là mất răng hàm dưới hay hàm trên cũng sẽ khiến việc ăn uống gặp rất nhiều bất tiện.

  • Mất răng khiến cho việc ăn uống trở nên rất khó khăn, lực nhai và nghiền yếu sẽ làm thức ăn không được nghiền nát kỹ trước khi xuống hệ tiêu hóa. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới dạ dày và đường tiêu hoá.
  • Mất răng khiến thức ăn rơi vào khoảng trống, dẫn đến việc phải luôn điều chỉnh thức ăn để vào nơi không bị mất răng.
  • Mất răng sẽ tạo khoảng trống lớn trên khuôn hàm, làm cho các răng bên cạnh có nguy cơ xô lệch, đổ nghiêng, thậm chí gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nhai.

1.2.Ảnh hưởng đến khả năng phát âm

Mất răng, đặc biệt là mất răng cửa, sẽ làm cho khả năng phát âm kém chuẩn xác và nói không tròn vành rõ chữ, gây ảnh hưởng tới giao tiếp cũng như công việc hàng ngày.

1.3. Ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ

Mất răng, nhất là mất răng hàm (mất răng số 6 và số 7) khiến cung hàm bị mất cân đối, hai má bị hóp vào, da mặt bên bị chảy xệ và vùng da xung quanh miệng cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn khiến gương mặt nhìn già đi rất nhiều so với tuổi thật. Lâu dần nếu mất răng số 6 và/ hoặc mất răng số 7 không được điều trị có thể làm khuôn mặt bị lệch, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ nặng nề, dẫn đến cảm giác ngại ngùng và tự ti khi giao tiếp.

1.4. Gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng

Các khoảng trống tại vị trí mất răng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại sinh trưởng và phát triển, dẫn đến các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, viêm chân răng, viêm nha chu và cũng gây hại tới những răng còn lại.

Mất răng có thể gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng cho người bệnh
Mất răng có thể gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng cho người bệnh

1.5. Gây ra các biến chứng nguy hiểm như đau khớp thái dương hàm, tiêu xương

  • Khi bị mất răng nếu không được phục hình sớm sẽ có thể dẫn tới tình trạng tụt lợi và tiêu xương hàm.
  • Mất răng khiến các răng xung quanh không còn sự nâng đỡ, từ đó gây ra áp lực lớn lên quai hàm, làm xuất hiện các cơn đau cơ hàm, đau khớp thái dương hàm, đau đầu, nhức mỏi vai gáy.
  • Các răng ở bên cạnh có xu hướng xê dịch vào khoảng trống của răng bị mất, các răng đối diện cũng sẽ thụt xuống hoặc trồi lên quá mức. Về lâu dài nếu không được điều trị sẽ gây ra các vấn đề khớp cắn, ví dụ như lệch khớp cắn, thậm chí có thể dẫn tới liệt cơ hàm và lệch mặt.

2. 9 yếu tố rủi ro dẫn đến mất răng

Bệnh nha chu (còn gọi là bệnh nướu răng) là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mất răng ở người trưởng thành. Bệnh nướu răng sẽ phá hủy các mô ở xung quanh chân răng, làm ảnh hưởng xấu tới khả năng nâng đỡ và sự ổn định của hàm răng. Khi tình trạng nhiễm trùng nướu răng càng nặng thì khả năng bị mất răng càng cao.

Theo một nghiên cứu mới đây được đăng trong tạp chí Periodontology, bác sĩ Khalaf Al-Shammar và các đồng nghiệp đã liệt kê các yếu tố rủi ro gây mất răng do bệnh nha chu và chỉ ra rằng phòng ngừa mất răng có thể nằm trong tầm kiểm soát. 9 yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến mất răng bao gồm như sau:

  • Trên 35 tuổi. Tuổi càng cao thì càng tăng rủi ro mất răng và độ tuổi thường mắc phải vấn đề này là từ độ tuổi 35 trở lên.
  • Giới nam. Đàn ông có nhiều nguy cơ mắc phải tình trạng này hơn so với phụ nữ.
  • Không khám nha khoa định kỳ: Theo nghiên cứu trên, gần 40% bệnh nhân bị mất răng chưa bao giờ đi khám nha khoa để chăm sóc răng miệng chuyên nghiệp. Chỉ có 13% người trong nghiên cứu được chăm sóc nha khoa chuyên nghiệp trước khi nhổ răng trong vòng sáu tháng.
  • Không bao giờ hoặc chỉ thỉnh thoảng sử dụng bàn chải đánh răng. Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu (chiếm khoảng 60%) có tình trạng này. Và chỉ có khoảng 16% người chải răng mỗi ngày ít nhất hai lần. Nếu hoàn toàn không đánh răng hoặc chỉ đánh răng một lần mỗi ngày sẽ tạo cơ hội cho mảng bám và vi khuẩn phát triển, cuối cùng có thể gây ra sâu răng, viêm lợi và các bệnh nha chu.
  • Hút thuốc lá (ở hiện tại hoặc trong quá khứ). 30% bệnh nhân là người đang hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá. Hút thuốc lá gây ảnh hưởng đến sự cung cấp máu để nuôi nướu răng, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh nha chu cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Bệnh đái tháo đường: Gần 1/5 bệnh nhân bị mất răng có mắc bệnh đái tháo đường typ 2. Những người bị bệnh đái tháo đường kiểm soát kém có thể gặp khó khăn trong việc chữa lành vết thương và chống lại nhiễm trùng.
  • Tăng huyết áp: Hơn 10% bệnh nhân bị tăng huyết áp có tình trạng mất răng. Ngoài ra, mối liên quan giữa bệnh nha chu và tăng huyết áp ở phụ nữ mãn kinh cũng đã báo cáo trong một nghiên cứu trước đó.
tăng huyết áp và đột quỵ
Tăng huyết áp là một trong nhiều yếu tố nguy cơ gây mất răng ở người bệnh

  • Viêm khớp dạng thấp: Nghiên cứu của bác sĩ Al-Shammari và đồng nghiệp cũng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng mất răng do bệnh nha chu và viêm khớp dạng thấp.
  • Các răng ở phía trước có nhiều khả năng bị mất răng hơn, từ đó dẫn đến bệnh nha chu.

Mất răng không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng giao tiếp. Có rất nhiều yếu tố rủi ro dẫn tới nguy cơ mất răng. Vì thế, bạn cần thực hiện khám răng định kỳ, chăm sóc vệ sinh răng miệng đều đặn. Khi có các bệnh lý răng miệng cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

879 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan