Có cách nào điều trị mụn nội tiết dứt điểm

Mụn nội tiết hình thành liên quan đến rối loạn nội tiết tố, do tăng nồng độ hormon androgen. Vậy mụn nội tiết có điều trị dứt điểm tại nhà được không? Hãy cùng tìm hiểu cách điều trị dứt điểm mụn nội tiết hiệu quả qua bài viết dưới đây.

1. Dấu hiệu bị mụn nội tiết và nguyên tắc trị mụn

Khi bị mụn nội tiết, bạn có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện nhiều mụn ở vùng cằm và xương hàm.
  • Thường xuyên thấy xuất hiện mụn bọc và mụn mủ.
  • Nổi nhiều mụn mặc dù đã qua tuổi dậy thì hay tuổi mãn kinh.
  • Dễ nổi mụn khi gặp stress, căng thẳng.

Mụn nội tiết hình thành khi nồng độ androgen tăng cao, kéo theo đó là tình trạng tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu khiến lỗ chân lông bị bít tắc. Dầu thừa cùng với tế bào chết, bụi bẩn và vi khuẩn trên da sẽ gây ra mụn nội tiết. Do đó, vấn đề điều trị mụn nội tiết dứt điểm phải dựa trên nguyên tắc loại bỏ nguyên nhân gây mụn bằng cách:

  • Dùng thuốc để điều chỉnh nội tiết tố.
  • Thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh để cân bằng nội tiết trong cơ thể.
  • Làm sạch lỗ chân lông bằng cách chăm sóc da đúng cách.

2. Những phương pháp trị mụn nội tiết dứt điểm tại nhà

Để cải thiện tình trạng mụn nội tiết, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

Sử dụng thực phẩm chức năng:

Các loại thực phẩm chức năng giúp điều hòa nội tiết tố và tăng sức đề kháng cho cơ thể do trong thành phần của chúng có chứa các thành phần hữu ích sau:

  • Omega 3: Đây là một acid béo có tác dụng chống viêm và ức chế sản xuất androgen, tăng cường hàng rào bảo vệ da. Mỗi ngày bạn nên bổ sung tối thiểu từ 250 - 500mg omega 3. Bạn có thể bổ sung omega 3 cho cơ thể bằng dầu cá hoặc dầu hạt lanh.
  • Kẽm: Đây là 1 chất chống oxy hóa, chống viêm và giảm tiết bã nhờn. Ngoài ra, kẽm còn tham gia hỗ trợ các quá trình chuyển hóa các chất như vitamin A, omega 3. Mỗi ngày, bạn nên bổ sung kẽm bằng đường uống với liều lượng từ 8 - 11 mg/ngày ở người lớn hoặc kết hợp bôi sản phẩm chứa kẽm lên da với liều lượng vừa đủ.
  • Vitamin A: Khi sử dụng cần lưu ý không dùng quá liều (lớn hơn 10000IU), đặc biệt là ở phụ nữ đang mang thai.

Áp dụng liệu pháp thiên nhiên để điều trị mụn nội tiết:

Bạn có thể sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng kháng viêm, giải độc, điều hòa nội tiết tố như:

  • Bột sắn dây: Bột sắn dây có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, điều hòa nội tiết tố tương tự như estrogen. Mỗi ngày bạn nên uống đều đặn từ 1 - 2 ly nước sắn dây sẽ giúp cải thiện triệu chứng của mụn nội tiết.
  • Rau má: Có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm nhờ chứa các saponin và triterpenoid. Khi xuất hiện mụn nội tiết, bạn có thể uống nước ép rau má hàng ngày để giảm mụn sưng đỏ, hạn chế xảy ra nhiễm trùng, thúc đẩy tái tạo da và liền sẹo.

Cần thay đổi chế độ ăn uống:

Bạn nên ăn các loại thực phẩm sau đây để cải thiện các triệu chứng của mụn nội tiết:

  • Thực phẩm giàu protein như: Cá hồi, cá thu, trứng, hàu, hải sản, thịt trắng như thịt gà và sữa hạt óc chó,...
  • Các loại rau củ có màu xanh đậm như cải bó xôi, cải xoăn, súp lơ, bí xanh, rau thơm, các loại đậu như đậu đen, đậu lăng và đậu đỏ.
  • Ăn nhiều trái cây: Nên ăn các loại trái cây giàu vitamin C và nhiều nước như cam, quýt, bưởi, táo, nho và lê,...
  • Dầu thực vật: Nên ăn các loại dầu hạt lanh, dầu oliu và dầu hạt chia,...
  • Về đồ uống: Nên sử dụng các loại nước lọc, trà hoa cúc, trà xanh và trà kim ngân.

Cần thay đổi thói quen sinh hoạt:

Để cải thiện mụn nội tiết, bạn cần thay đổi các thói quen sau đây:

  • Không được hút thuốc lá.
  • Không nên thức khuya, ăn khuya, uống rượu bia và dùng chất kích thích.
  • Thay đổi thói quen chạm tay lên mặt.
  • Không nên làm việc quá sức, căng thẳng, để cơ thể mệt mỏi.
  • Nên vệ sinh chăn gối, khăn mặt và gội đầu thường xuyên.

Chăm sóc da đúng cách giúp cải thiện tình trạng mụn nội tiết: Có 4 bước chăm sóc da bị mụn nội tiết bạn nên làm:

  • Bước 1: Làm sạch da bằng nước tẩy trang và sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn trên da.
  • Bước 2: Vệ sinh mụn nội tiết bằng dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ các vi khuẩn gây mụn.
  • Bước 3: Sử dụng các hoạt chất trị mụn như AHA, BHA, retinol, acid azelaic,...
  • Bước 4: Dưỡng ẩm cho da.

Ngoài ra, bạn nên hạn chế sử dụng đồ trang điểm và không quên dùng kem chống nắng để bảo vệ làn da, đồng thời giúp cải thiện tình trạng mụn nội tiết.

Hy vọng những thông tin bổ ích trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng mụn nội tiết và những dấu hiệu nhận biết chúng. Đồng thời giúp bạn có thêm những thông tin về cách điều trị mụn nội tiết dứt điểm tại nhà, mang lại làn da chắc khỏe và sáng bóng. Tuy nhiên, nếu tình trạng mụn nội tiết của bạn có dấu hiệu nặng nề, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn cách điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan