Làm gì nếu đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu ?

Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu có thể xuất hiện ở nhiều mẹ bầu, nhất là những người trẻ hoặc mang thai lần đầu, gây ra cảm giác đau nhức vùng thắt lưng lan đến hông và chân. Điều này làm cho việc vận động, sinh hoạt và làm việc của mẹ bầu bị hạn chế. Vậy vì sao mẹ bầu lại bị đau thần kinh tọa khi mang thai và cần làm gì để cải thiện tình trạng này ?

1. Đau thần kinh tọa khi mang thai là bệnh gì?

Đau thần kinh tọa ở phụ nữ mang thai là tình trạng mẹ bầu cảm thấy đau, nhức hoặc bị tê bắt đầu từ vùng thắt lưng kéo dài xuống mông, đùi, cẳng chân thậm chí là đến bàn chân. Trên thực tế, đau thần kinh tọa không hẳn là một bệnh mà là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, trượt đốt sống hoặc hẹp ống sống.

Đau thần kinh tọa ở phụ nữ mang thai thường trong một thời gian ngắn và nhưng cũng có thể còn kéo dài dai dẳng vài tháng hoặc lâu hơn sau khi sinh.

2. Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị đau thần kinh tọa

Một số nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa khi mang thai thường do một số nguyên nhân là:

  • Tăng cân nhanh và nhiều khi mang thai kèm theo tình trạng cơ thể bị giữ nước dẫn đến việc đè nén lên các dây thần kinh tọa đoạn đi qua xương chậu.
  • Trọng tâm cơ thể của phụ nữ mang thai bị thay đổi do sự phát triển và to lên của ngực, bụng khiến cơ thể đổ về phía trước. Điều này làm tăng độ cong của cột sống và buộc các cơ ở vùng chân và hông phải co chặt lại để cân bằng cơ thể, ngăn chặn tình trạng trọng lượng dồn về phía trước, từ đó đè ép các dây thần kinh.
  • Tử cung và em bé lớn dần sẽ đè lên các dây thần kinh tọa ở vùng chậu và phần dưới của cột sống
  • Đầu em bé khi em bé xoay mình sang tư thế thích hợp để chuẩn bị sinh có thể nằm trực tiếp lên các dây thần kinh. Quá trình này sẽ làm các mẹ bầu đau nhiều ở lưng, bụng, mông và chân.

3. Triệu chứng đau thần kinh tọa khi mang thai

Các triệu chứng khi bị đau thần kinh tọa khi mang thai có thể khác nhau với mỗi người nhưng thường gặp là”

  • Cảm giác ngứa ran, châm chích như kiến bò, nóng rát vùng mông, chân.
  • Những cơn đau vùng thắt lưng, mông, chân âm ỉ nhưng cũng có thể đau dữ dội tới mức không thể di chuyển được. Phụ nữ mang thai sẽ đau dữ dội ở một phần của lưng, chân hoặc hông kèm theo tình trạng tê bì ở những phần khác.
  • Thông thường, tình trạng đau sẽ ở một bên, tuy nhiên đau ở cả hai bên cũng có thể xảy ra.
  • Hiện tượng đau và tê bì cũng có thể lan xuống chân, ra phía sau phần bắp chân và xuống lòng bàn chân.
  • Khi chỉ có tình trạng đau lưng dưới sẽ ít nghiêm trọng so với khi cơn đau lan xuống chân và làm phụ nữ mang thai không thể đi lại, sinh hoạt bình thường.
  • Chân có thể bị yếu hoặc đôi khi bàn chân bất động nếu mẹ bầu đi bộ nhiều gây ra cơn đau nghiêm trọng, thậm chí làm cho mẹ bầu khó có thể đi lại bình thường.

Phụ nữ bị đau thần kinh tọa khi mang thai có thể tiến triển và trở nên nặng hơn trong những trường hợp như:

  • Cơn đau thường trở nên nghiêm trọng hơn về đêm
  • Sau khi mẹ bầu ngồi nhiều hoặc đứng nhiều
  • Đi bộ liên tục hoặc lên cầu thang
  • Sau khi thực hiện một số hoạt động đột ngột như cười, hắt hơi, ho, ngửa người ra phía sau

Nếu các triệu chứng đau thần kinh tọa khi mang thai tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn, mẹ bầu hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được hướng dẫn xử trí.

4. Làm gì nếu đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu?

Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu gây ra rất nhiều sự đau đớn, khó chịu và bất tiện cho các mẹ bầu. Khi gặp phải tình trạng này, mẹ bầu nên áp dụng những phương pháp sau để cải thiện triệu chứng:

  • Áp dụng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc nặng, không đứng lên ngồi xuống đột ngột, không đi bộ nhiều và dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.
  • Chườm lạnh hoặc chườm ấm vùng lưng giúp giảm đau.
  • Luyện tập các bài tập nhẹ nhàng, các bài tập cải thiện tính linh hoạt của cột sống. Thực hành luyện tập thể thao thường xuyên, phù hợp với cường độ phù hợp như bơi lội, yoga giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tọa.
  • Trường hợp những triệu chứng trở nên nghiêm trọng mẹ bầu cần nghỉ ngơi vài ngày và sử dụng một số thuốc giảm đau phù hợp mà bác sĩ kê đơn. Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp giúp điều trị bổ sung như xoa bóp trị liệu hoặc nắn khớp xương ... cũng có thể đem lại nhiều lợi ích.
  • Mẹ bầu bị đau thần kinh tọa khi mang thai cần thay đổi tư thế thường xuyên, ví dụ như đứng dậy đi bộ nếu đang làm việc trong tư thế ngồi liên tục trong thời gian dài. Cần lựa chọn một chiếc ghế phù hợp khi làm việc với lưng tựa và có khả năng hỗ trợ phần bàn chân.
  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ các loại vitamin như B1, B6 và B12 sẽ giúp mang lại nhiều lợi trong điều trị đau thần kinh tọa ở phụ nữ mang thai. Những vitamin này có nhiều trong các loại thực phẩm như: gan, sữa, trứng, cá, các loại đậu, ngũ cốc hoặc các loại hạt.
  • Massage thư giãn đúng cách sẽ giúp giảm sự chèn ép lên thần kinh, giảm căng thẳng của cơ lưng và mông, qua đó giảm các triệu chứng khi bị đau thần kinh tọa khi mang thai. Tuy nhiên điều quan trọng cần chú ý là không được xoa bóp vùng thắt lưng quá nhiều, vì có thể gây ra các cơn co tử cung.
  • Tắm nước nóng dưới vòi hoa sen sẽ giúp giảm cảm giác đau đớn và ngăn chặn cơn đau tiến triển trong thời gian ngắn, vì nước ở nhiệt độ cao sẽ giúp giãn cơ và hoạt động như một chất chống viêm.‍

5. Phòng ngừa bị đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu

Phụ nữ mang thai cần chủ động áp dụng các biện pháp sau để hạn chế nguy cơ bị đau thần kinh tọa:

  • Kiểm soát việc tăng cân ở mức hợp lý. Việc tăng cân khi mang thai quá mức sẽ làm dây thần kinh tọa bị chèn ép.
  • Áp dụng liệu pháp xoa bóp và nắn xương để giúp giảm đau và giãn cơ, giảm căng thẳng.
  • Duy trì tư thế phù hợp khi nghỉ ngơi và làm việc: các tư thế xấu và thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh không chỉ là nguyên nhân và còn làm các cơn đau nhức xương khớp trở nên khó chịu hơn. Do đó, mẹ bầu không nên ngồi trong thời gian dài, không ngồi bắt chéo chân, giữ thẳng lưng khi đứng và ngồi và đi thẳng.
  • Mang giày dép có độ cao phù hợp: giày hoặc dép quá cao không chỉ làm mẹ bầu dễ mất thăng bằng mà còn gây ra tình trạng đau lưng, đau chân. Ngoài ra, mẹ bầu nên chọn giày có đế bằng và mềm vừa phải để dễ di chuyển và giảm đau chân.
  • Kê gối giữa hai chân khi ngủ giúp giảm đau, hạn chế lệch tư thế và giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn.

Đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu không thường xuyên xảy ra nhưng vẫn có thể gây ra những cơn đau đớn, khó chịu và làm hạn chế vận động ở các mẹ bầu. Một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập phù hợp sẽ giúp các mẹ bầu hạn chế nguy cơ xuất hiện những cơn đau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan