Một số cách lấy bệnh phẩm cấy mủ thông thường

Bài viết được viết bởi ThS.BS Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Mủ là sản phẩm của quá trình viêm, đặc biệt là những ổ viêm nhiễm, nhiễm trùng do vi khuẩn. Mủ là chất dịch có màu vàng, trắng đục hay màu xanh ... tùy theo đặc trưng sinh sắc tố của từng loại vi khuẩn. Mủ chứa protein, các bạch cầu thoái hóa, xác vi khuẩn lẫn cả vi khuẩn sống...

1. Phân loại mủ

Mủ có thể gặp ở hầu hết các cơ quan bị nhiễm trùng. Tuy nhiên có thể chia thành 2 nhóm như sau:

1.1. Nhóm 1: Mủ ở vết thương hở, ổ áp xe đã vỡ, ở các khoang hở, các hốc tự nhiên của cơ thể

  • Hay gặp nhất là mụn mủ ngoài da, trứng cá, hậu bối, mủ nhiễm trùng vết thương, mủ vết mổ bị nhiễm trùng, hoặc mủ sau can thiệp thủ thuật ngoại khoa...
  • Mủ ở các khoang hở của cơ thể, các hốc tự nhiên của cơ thể như: mủ amidal, mủ mắt, mủ tai, mủ xoang, hay mủ dịch niệu đạo, âm đạo...
  • Đặc trưng của các ổ nhiễm trùng này là thông với môi trường bên ngoài, nên ngoài căn nguyên gây bệnh chính, trong mủ tại các vị trí này có thể tồn tại cả các loại vi khuẩn cư trú (vi hệ)

1.2. Nhóm 2: Mủ ở ổ áp xe chưa vỡ, vết thương kín, khoang kín của cơ thể

  • Các khoang kín như khoang màng phổi, màng bụng, màng khớp, màng tim, dịch não tủy...
  • Các vết thương kín, ổ áp xe kín chưa vỡ, chưa thông ra với môi trường bên ngoài
  • Đặc trưng các ổ nhiễm trùng này là biệt lập với môi trường, vì vậy trong mủ tại các vị trí này đa số tồn tại 1 loại vi khuẩn gây bệnh
vết thương nhiễm trùng vết mổ băng bó
Mủ có thể gặp ở hầu hết các vết thương hoặc cơ quan bị nhiễm trùng

2. Cách lấy bệnh phẩm mủ thông thường

Các loại mủ thông thường có thể được hiểu là mủ thuộc nhóm 1: Mủ ở vết thương hở, ổ áp xe đã vỡ, ở các khoang hở, các hốc tự nhiên của cơ thể

Việc lấy bệnh phẩm mủ thuộc nhóm này khá đơn giản, tuy nhiên người lấy bệnh phẩm vẫn cần đảm bảo là người có chuyên môn, được đào tạo về lấy bệnh phẩm.

  • Dụng cụ lấy: tăm bông vô trùng
  • Kỹ thuật lấy:

+ Lau sạch mủ trên vết thương bằng gạc vô trùng thấm nước muối vô trùng

+ Dùng tăm bông khô hoặc tăm bông được làm ẩm bằng nước muối sinh lý vô trùng lăn nhẹ trên bề mặt vết thương khoảng 5 lần, tập trung vào gờ vị trí tổn thương, chất dập nát, hay mô

+ Nếu tổn thương có vẩy, phải làm bong vẩy rồi lấy mủ

  • Thể tích: Tăm bông có thấm bệnh phẩm
  • Vận chuyển đến khoa xét nghiệm càng sớm càng tốt, trong vòng 30 phút.

Cách lấy bệnh phẩm mủ ở ổ áp xe chưa vỡ, vết thương kín, khoang kín của cơ thể (nhóm 2)

  • Mủ dịch ở khoang vô trùng của cơ thể thường được lấy bởi bác sĩ chuyên khoa trong quá trình thăm khám và chọc dò ổ nhiễm khuẩn.
  • Dụng cụ lấy: bơm kim tiêm vô trùng
  • Dụng cụ chứa: lọ nhựa có nắp xoáy chặt vô trùng, bơm kim tiêm chứa mủ có nắp đậy hoặc chứa trong dụng cụ vô khuẩn
  • Kỹ thuật:

+ Sát trùng bằng chlorhexidine 2% hoặc cồn 70%, sau đó sát trùng lại bằng cồn iod 2% hoặc dung dịch povidon-iod 10%.

+ Để khô

+ Chọc hút mủ bằng bơm tiêm vô khuẩn.

+ Bơm nhẹ nhàng mủ từ bơm kim tiêm vào lọ nhựa vô trùng. Trường hợp lấy được ít mủ thì đậy nắp kim tiêm, gửi luôn cả bơm kim tiêm xuống khoa xét nghiệm.

+ Trường hợp tổ chức viêm chưa hoá mủ thì có thể bơm 0,5 ml nước muối sinh lý vô khuẩn vào tổ chức viêm rồi hút lại. Chú ý đưa mũi kim vào nhiều hướng để hút được vi khuẩn.

  • Gửi bệnh phẩm xuống khoa xét nghiệm càng sớm càng tốt, trong vòng 30 phút, nếu lâu hơn có thể để ở nhiệt độ phòng, nhưng không quá 2h, không được bảo quản trong tủ lạnh.
Bơm tiêm bơm kim tiêm xi lanh
Sử dụng kim tiêm vô trùng để lấy bệnh phẩm mủ ở ổ áp xe chưa vỡ

3. Quy trình cấy mủ

Tại khoa xét nghiệm:

  • Quan sát đại thể tính chất của mủ (màu sắc, số lượng...)
  • Tiến hành nhuộm Gram: quan sát hình thể vi khuẩn
  • Nếu nghi ngờ nhiễm trùng do lao: làm thêm 1 lam nhuộm Ziehl – Neelsen.
  • Với bệnh phẩm mủ tại khoang vô trùng, cần thông báo sơ bộ tới BS điều trị nếu quan sát được Vi khuẩn.
  • Nuôi cấy vi khuẩn:

+ Dùng ăng cấy vô trùng lấy bệnh phẩm mủ trong lọ đựng, hoặc dùng chính tăm bông lấy bệnh phẩm ria cấy mủ lên các môi trường thích hợp: thạch máu, thạch chocolate, thạch UTI. Ủ ấm thạch máu, thạch chocolate tại nhiệt độ 35-37oC, 5% CO2 , ủ ấm đĩa UTI ở điều kiện 35-37oC, khí trường bình thường.

+ Có thể tăng sinh vi khuẩn trên môi trường BHI (lỏng), nếu nhuộm soi thấy rất ít vi khuẩn.

+ Quan sát các đĩa thạch cấy và BHI sau 24h.

  • Nhận định hình thể khuẩn lạc, nhuộm Gram từ khuẩn lạc từ đó định hướng đến căn nguyên gây bệnh. Định danh vi khuẩn và thử nghiệm kháng sinh đồ bằng phương pháp máy tự động hoặc phương pháp thông thường bằng cách tìm các tính chất sinh vật hóa học của vi khuẩn thông qua các test sinh học hoặc cấy vào các môi trường định danh.
  • Nếu sau 24h, không thấy vi khuẩn mọc, môi trường BHI còn trong, BHI không bị đục, tiếp tục ủ ấm thêm 24-48h nữa.
  • Kết quả định danh và kháng sinh đồ thường có sau 48-72 nuôi cấy. Trả âm tính nếu sau thời gian trên vi khuẩn không mọc.
kính hiển vi
Quan sát và nuôi cấy vi khuẩn trong môi trường BHI

4. Các căn nguyên vi khuẩn thường gặp trong mủ

Với từng vị trí nhiễm trùng khác nhau, căn nguyên vi khuẩn sẽ khác nhau:

  • Mủ ngoài da: mụn nhọt, áp xe, vết thương hở: thường gặp là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, các tụ cầu không sinh coagulase, các loại liên cầu Streptococcus...
  • Mủ sau can thiệp thủ thuật, nhiễm trùng vết mổ, hoặc nằm viện: có thể gặp cả cầu khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus, hoặc trực khuẩn gram âm như E.coli, Klebsiella, mủ xanh Pseudomonas aeruginosa...
  • Dịch niệu đạo, nước tiểu thường gặp Lậu (Neisseria gonorrhoeae, E.coli, Enterococcus, Proteus...
  • Dịch não tủy: Streptococcus pneumonia, Neisseria meningitidis, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus...
  • Dịch màng khớp, màng phổi: vi khuẩn Lao, Staphylococcus aureus

Các trường hợp nhiễm trùng sinh mủ có thể gây ra biến chứng nặng nề, đặc biệt với mủ ở khoang vô trùng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, xét nghiệm và điều trị theo đúng phác đồ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan