Bệnh lao phổi: Tiêm phòng rồi có bị lây nữa không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Xuân Cường - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Mặc dù đã vận động triển khai việc tiêm phòng lao toàn dân khá hiệu quả, tuy nhiên nguy cơ lây bệnh lao sau khi tiêm phòng là vẫn xảy ra. Đã tiêm phòng lao hoàn toàn có thể mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh

1. Khái niệm về bệnh lao

Bệnh lao được liệt vào danh sách nhóm bệnh nhiễm trùng mãn tính, nguyên nhân gây bệnh là do sự xuất hiện của vi khuẩn lao (Tên khoa học: Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Vi khuẩn lao gây bệnh lao phổi, ngoài ra vi khuẩn lao còn có thể gây ra bệnh ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể như hạch, xương khớp, thận tiết niệu, màng não màng phổi.

Báo cáo của của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, năm 2017, tại Việt Nam xuất hiện 124.000 trường hợp mắc bệnh lao mới. Theo thống kê của chương trình chống lao quốc gia, hiện tại đã phát hiện được khoảng 100.000 trường hợp, còn lại hơn 20.000 trường hợp chưa được phát hiện trên toàn quốc. Số lượng người tử vong do mắc bệnh lao tại Việt Nam năm 2017 ước tính khoảng 12.000 người, con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cùng kỳ. Tiêm phòng đúng theo lịch của Chương trình Tiêm chủng Quốc gia (hoặc càng gần càng tốt) đóng vai trò rất quan trọng và là cách tốt nhất để phòng căn bệnh này.

2. Tiêm phòng chống bệnh lao

Tiêm chủng hiện là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm bằng cách kích thích khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh, từ đó tạo ra sự miễn dịch chống lại bệnh.

Bệnh lao phổi: Tiêm phòng rồi có bị lây nữa không?
BCG được chọn là vắc xin phòng lao trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam

Việt Nam hiện đang sử dụng vắc xin BCG cho việc tiêm phòng bệnh lao ở trẻ em. Để vắc xin phòng lao mang lại kết quả tối ưu nhất, cần phải tiến hành tiêm phòng lao càng sớm càng tốt. Hiện nay, việc tiêm phòng chống bệnh lao đang được nhà nước triển khai rộng rãi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam với thời gian tiêm phòng được khuyến cáo tính từ thời điểm sinh ra đến dưới 1 tháng tuổi.

3. Tiêm phòng lao rồi có bị lây nữa không?

Bệnh lao phổi: Tiêm phòng rồi có bị lây nữa không?
Tiêm phòng lao là biện pháp phòng chống hiệu quả, nhưng không tuyệt đối

Tiêm vắc xin BCG phòng lao là một phương pháp hiệu quả, tuy nhiên không mang tính tuyệt đối. Thực chất BCG là loại vắc xin thuộc chủng vi khuẩn lao bò giảm động lực nên có khả năng gây miễn dịch chéo với vi khuẩn lao tồn tại trong cơ thể người do có cùng chung một số loại kháng nguyên.

Vì vậy, BCG có thể không giúp chúng ta chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lao gây bệnh, nhưng lại có khả năng hạn chế tối đa nguy cơ chuyển hóa từ thể nhiễm khuẩn thành bệnh lao (khoảng 70%) và gần như ngăn ngừa tuyệt đối việc xảy ra những biến chứng lao nguy hiểm như lao xương, lao khớp, lao phổi, lao màng não. Nhờ tuân thủ việc tiêm chủng phòng bệnh lao nên hiện nay biến chứng lao màng não gần như không hề gặp ở trẻ em nữa.

Việc tiêm phòng lao có hiệu quả hay không phần lớn phụ thuộc vào việc quản lý ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng. Người đã tiêm phòng lao hoàn toàn có thể mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên và lâu dài với người bị bệnh; đặc biệt trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do hệ miễn dịch còn kém. Tuy nhiên, người đã tiêm phòng trong trường hợp bị lây nhiễm bệnh thường tình trạng bệnh sẽ nhẹ và điều trị nhanh chóng hơn những người chưa tiêm phòng.

4. Một số lưu ý trong việc phòng bệnh lao

Tất cả các dạng biến chứng của lao đều có khả năng lây nhiễm, trong đó lao phổi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, có thể lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh lao phổi: Tiêm phòng rồi có bị lây nữa không?
Vi khuẩn lao thoát ra ngoài môi trường thông qua đường hô hấp

Vi trùng lao lan truyền ra ngoài không khí dưới hình dạng những hạt vi thể nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy được khi người mắc bệnh Lao có triệu chứng ho, hắt hơi hay nói chuyện. Người khỏe mạnh có thể hít phải những hạt vi thể chứa vi trùng Lao và nhiễm bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn lao còn có khả năng xâm nhập vào cơ thể nếu chúng ta sử dụng các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Phần lớn người bị nhiễm lao là do tiếp xúc nhiều và thường xuyên với người bệnh. Vì vậy, nếu gia đình có người mắc bệnh lao phổi thì cần cho người bệnh sinh hoạt riêng, môi trường sống cần sạch sẽ, thoáng mát. Cần chú ý hạn chế trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với người bệnh.

Trong trường hợp cơ thể xuất hiện các triệu chứng ho kéo dài, ra nhiều mồ hôi trộm, mệt mỏi, chán ăn, sốt về chiều thường xuyên thì cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan