Công dụng thuốc Xeloda

Capecitabine là một hóa chất chống ung thư thông qua cơ chế can thiệp vào quá trình sản xuất DNA. Hoạt chất này có trong sản phẩm thuốc Xeloda. Vậy thuốc Xeloda được sử dụng như thế nào và lưu ý những gì?

1. Xeloda là thuốc gì?

Hoạt chất Capecitabine trong thuốc Xeloda can thiệp vào quá trình sản xuất DNA, dẫn đến gián đoạn phát triển và phân chia của tế bào, từ đó có công dụng làm chậm hoặc ngừng tiến triển bệnh ung thư. Tế bào ác tính nói chung đều có đặc điểm là tốc độ phân chia nhanh và khả năng sửa lỗi kém hơn các tế bào khỏe mạnh, do đó cũng nhạy cảm hơn với ảnh hưởng của thuốc Xeloda.

2. Cách sử dụng thuốc Xeloda

Thuốc Xeloda (Capecitabine) sản xuất dưới dạng viên, dùng đường uống sau ăn khoảng 30 phút. Xeloda thường được bác sĩ chỉ định sử dụng 2 lần một ngày với liều lượng phụ thuộc vào cân nặng bệnh nhân, phác đồ của bác sĩ và sự kết hợp các liệu pháp hóa trị khác hoặc xạ trị.

Bệnh nhân sẽ phải thường xuyên xét nghiệm công thức máu toàn bộ trong quá trình điều trị bằng thuốc Xeloda. Bệnh nhân nên chú ý liều dùng vì mỗi lần sử dụng có thể bao gồm nhiều viên thuốc với hàm lượng khác nhau. Khi uống người bệnh hãy nuốt toàn bộ viên thuốc Xeloda (không được nghiền nát, nhai hoặc làm vỡ) với nhiều nước.

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thuốc Xeloda, bao gồm Phenytoin, Leucovorin và Folate. Do đó, người bệnh phải đảm bảo rằng bác sĩ điều trị đã biết tất cả các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung bệnh nhân đang dùng trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Xeloda (Capecitabine).

Capecitabine có thể tương tác với các loại thuốc làm chống đông máu, như Warfarin (Coumadin). Sự kết hợp giữa thuốc Xeloda với thuốc chống đông máu có thể thời gian đông máu của bệnh nhân kéo dài hơn, điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nghiêm trọng. Hiện tượng này có thể xảy ra sau một vài ngày kết hợp thuốc, kéo dài trong suốt quá trình điều trị đến ít nhất 1 tháng sau liều thuốc Xeloda cuối cùng. Nguy cơ chảy máu cao hơn ở bệnh nhân ung thư và người bệnh trên 60 tuổi. Bác sĩ sẽ theo dõi chỉ số INR của bệnh nhân thường xuyên để kiểm soát tương tác này. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ tình trạng chảy máu nào xảy ra.

Thuốc Xeloda cần được bảo quản trong bao bì gốc của nhà sản xuất, có dán nhãn bên ngoài và lưu trữ ở những nơi khô ráo, nhiệt độ phòng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Xeloda

Tiêu chảy: Người bệnh điều trị ung thư bằng thuốc Xeloda có thể gặp tác dụng phụ tiêu chảy nghiêm trọng và dẫn đến mất nước. Bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ nếu đi tiêu phân lỏng và số lần đi tiêu trong ngày từ 4 trở lên. Bác sĩ ung thư có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát tiêu chảy, tuy nhiên cách sử dụng trong trường hợp này thường khác so với hướng dẫn trên bao bì.

Hội chứng bàn tay chân: (HFS) là một phản ứng trên da xuất hiện ở lòng bàn tay và/hoặc lòng bàn chân, do thuốc Xeloda được các tế bào da hấp thụ. HFS khởi đầu thường có biểu hiện cảm giác ngứa ran, tê, châm chích, có thể đỏ, đau kèm sưng bàn tay và/hoặc bàn chân. Sau đó, HFS có thể tiến triển đến sưng đau, phồng rộp hoặc bong tróc da và gây cản trở khả năng sinh hoạt bình thường của bệnh nhân. Hãy nhớ thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân nhận thấy những triệu chứng kể trên, vì liều thuốc Xeloda có thể cần được điều chỉnh hoặc tạm ngưng cho da lành lại.

Giảm số lượng các tế bào máu: Quá trình sử dụng thuốc Xeloda có thể làm giảm 3 dòng tế bào máu, bao gồm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu và dẫn đến những hệ quả sau:

  • Giảm tế bào bạch cầu dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ khi có các triệu chứng nhiễm trùng như sốt, đau họng, cảm lạnh, khó thở, ho, đi tiểu nóng rát hoặc các vết loét chậm lành;
  • Giảm số lượng hồng cầu khiến bệnh nhân thiếu máu, dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các cơ quan nên người bệnh thường xuyên mệt mỏi, yếu sức hoặc thậm chí khó thở. Nếu số lượng hồng cầu quá thấp, bệnh nhân có thể cần phải được truyền máu bổ sung;
  • Giảm số lượng tiểu cầu dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu bất thường, bao gồm bầm tím ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, tiểu máu, đi tiêu ra máu. Nếu số lượng tiểu cầu quá thấp kèm theo có triệu chứng chảy máu, bệnh nhân có thể được truyền tiểu cầu.

Buồn nôn và/hoặc nôn ói: Xeloda có thể dẫn đến tác dụng phụ nôn ói tương tự các liệu pháp hóa trị ung thư khác. Bệnh nhân có biểu hiện này hãy trao đổi với bác sĩ để nhận được các thuốc kiểm soát buồn nôn và nôn ói. Ngoài ra, việc thay đổi chế độ dinh dưỡng có thể hữu ích, kết hợp tránh những yếu tố kích thích hoặc làm nôn ói trầm trọng hơn. Bao gồm hạn chế ăn quá no, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, món ăn nhiều gia vị hoặc có tính axit (chanh, cà chua, cam).

Giảm cảm giác thèm ăn: Người bệnh chán ăn khi sử dụng thuốc Xeloda có thể cải thiện bằng cách chia nhỏ bữa ăn thành 5 hoặc 6 bữa nhỏ trong ngày hay sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cần thiết. Một số bệnh nhân cảm thấy có vị kim loại hoặc không cảm nhận được mùi vị của thức ăn. Một số khác thì thay đổi khẩu vị hay sở thích ăn uống trước đó. Tác dụng phụ này của thuốc Xeloda có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn sau khi quá trình điều trị kết thúc.

Loét miệng: Một số phương pháp điều trị ung thư, trong đó có thuốc Xeloda, có thể gây loét niêm mạc miệng và/hoặc họng. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ hoặc y tá nếu trong miệng, lưỡi, bên trong má hoặc cổ họng xuất hiện các đốm trắng, vết loét hoặc đau. Để kiểm soát tình trạng này, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp chăm sóc miệng thường xuyên. Nếu vết loét miệng gây đau đớn nhiều, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân dùng một số thuốc giảm đau phù hợp.

Phản ứng ngoài da: Thuốc Xeloda có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng trên da. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có các triệu chứng như phát ban, nổi mụn nước và/hoặc bong tróc da.

Độc tính trên gan: Thuốc Xeloda có thể gây tổn thương tế bào gan, do đó trong quá trình điều trị bác sĩ có thể theo dõi tác dụng này bằng các xét nghiệm chức năng gan. Trường hợp xét nghiệm chức năng gan bất thường, bác sĩ điều trị có thể cần điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng điều trị với thuốc Xeloda. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy da vàng hoặc kết mạc mắt vàng, nước tiểu màu sậm hoặc nâu hoặc đau bụng... đây có thể là dấu hiệu báo động nhiễm độc gan.

Một số tác dụng phụ ít gặp của thuốc Xeloda

  • Bệnh lý tim mạch: Thuốc Xeloda có thể gây nhồi máu cơ tim, đau ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim, thay đổi điện tâm đồ và bệnh cơ tim. Những vấn đề này dễ xảy ra hơn ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch trước đó. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức hoặc nhanh chóng đến bệnh viện nếu có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, nhịp tim bất thường, chóng mặt hoặc ngất xỉu, tăng cân đột ngột hoặc sưng phù mắt cá chân hoặc bàn chân;
  • Suy thận và mất nước: Thuốc Xeloda có thể gây suy thận do mất nước. Điều quan trọng là bệnh nhân phải bổ sung đủ nước và nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong thói quen đi tiểu như đi vệ sinh ít thường xuyên hơn hoặc thay đổi màu sắc của nước tiểu, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ;
  • Phản ứng quá mẫn: Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể có các biểu hiện phản ứng với thuốc Xeloda, bao gồm phát ban, ngứa, đỏ hoặc sưng môi, lưỡi, miệng hoặc cổ họng. Khi tình trạng sưng phù khiến bệnh nhân khó nuốt và khó thở, đồng nghĩa phản ứng thuốc ở mức nghiêm trọng nên người bệnh cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

4. Thuốc Xeloda tác động chức năng sinh sản như thế nào?

Việc cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Xeloda trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, vì vậy bệnh nhân tuyệt đối không mang thai hoặc làm bố trong thời gian sử dụng thuốc Xeloda. Việc thực hiện các hình thức kiểm soát sinh sản hiệu quả là vô cùng cần thiết trong suốt quá trình điều trị và ít nhất 6 tháng sau khi kết thúc đối với phụ nữ và 3 tháng đối với nam giới.

Phụ nữ không nên cho con bú khi đang dùng thuốc Xeloda hoặc ít nhất 2 tuần sau khi quá trình điều trị kết thúc.

Trên đây là thông tin về thuốc Xeloda, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Khi không còn sử dụng thuốc, bạn cần thu gom và xử lý theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan