Công dụng thuốc Co-padein

Thuốc Co-padein được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Paracetamol và Codein phosphat. Thuốc được sử dụng trong điều trị giảm đau gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

1. Thuốc Co-padein có tác dụng gì?

Thuốc Co-padein có thành phần gồm 500mg Paracetamol và 30mg Codein phosphat.

Paracetamol (acetaminophen) là chất chuyển hóa mang hoạt tính của phenacetin. Đây là loại thuốc giảm đau hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin (khác với aspirin là paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm). Paracetamol giúp làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt bằng cách tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch, tăng lưu lượng máu ngoại biên.

Codein là methylmorphin, có tác dụng giảm ho và giảm đau. Codein được hấp thu tốt hơn ở dạng uống, ít gây co thắt mật, ức chế hô hấp và táo bón hơn so với morphin. Codein có tác dụng giảm đau nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, nếu sử dụng dài ngày, Codein có thể gây táo bón. Do vậy, nên kết hợp Codein với các thuốc chống viêm, giảm đau không steroid để làm tăng tác dụng giảm đau và giảm táo bón.

Sự kết hợp của Paracetamol và Codein phosphat giúp giảm đau mạnh hơn so với khi sử dụng từng hoạt chất riêng biệt. Đồng thời, thời gian tác dụng của thuốc cũng dài hơn.

Chỉ định sử dụng thuốc Co-padein: Điều trị chứng đau nhức trong trường hợp không đáp ứng với thuốc giảm đau ngoại vi đơn độc:

Chống chỉ định sử dụng thuốc Co-padein trong các trường hợp sau:

  • Người bị mẫn cảm với thành phần Paracetamol hoặc Codein;
  • Người mắc bệnh gan, suy hô hấp;
  • Bệnh nhân thiếu hụt men G6PD;
  • Phụ nữ có thai và đang trong giai đoạn nuôi con bú;
  • Trẻ em dưới 15 tuổi hoặc trẻ dưới 18 tuổi vừa thực hiện cắt amidan/thủ thuật nạo V.A.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Co-padein

Thuốc Co-padein được dùng bằng đường uống. Liều dùng khuyến cáo của thuốc là 1 viên/lần x 1 - 3 lần/ngày. Các lần dùng thuốc Co-padein cần cách nhau tối thiểu 4 giờ. Trong trường hợp bệnh nhân bị suy thận nặng, các lần dùng thuốc nên cách nhau tối thiểu 8 giờ. Người bệnh lưu ý không nên uống quá 8 viên thuốc/ngày và không tự ý dùng thuốc điều trị giảm đau quá 10 ngày (trừ khi được bác sĩ cho phép).

Quá liều:

  • Quá liều Paracetamol: Nếu dùng 1 liều độc duy nhất hoặc uống lặp lại liều lớn Paracetamol (7.5 - 10mg/ngày, trong 1 - 2 ngày), uống thuốc dài ngày thì có thể bị nhiễm độc Paracetamol. Tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều Paracetamol là hoại tử gan phụ thuộc liều, có thể gây tử vong. Liệu pháp giải độc Paracetamol là sử dụng những hợp chất sulfhydryl. Uống hoặc tiêm tĩnh mạch N-acetylcystein. Nên cho dùng thuốc ngay lập tức nếu chưa tới 36 giờ kể từ khi uống Paracetamol;
  • Quá liều Codein phosphat: Sử dụng Codein trong thời gian dài với liều 240 - 500mg/ngày có thể gây nghiện thuốc với biểu hiện bồn chồn, run, toát mồ hôi, co giật cơ, chảy nước mũi,... khi thiếu thuốc. Có thể bị lệ thuộc thuốc về tâm lý và thân thể, gây quen thuốc. Tác dụng phụ khác của Codein là gây suy hô hấp, lơ mơ dẫn đến đờ đẫn, mềm cơ, hôn mê, da lạnh và ẩm, đôi khi mạch chậm, hạ huyết áp, thậm chí trụy mạch, ngừng thở, ngừng tim, có thể tử vong. Cách xử trí là phục hồi hô hấp bằng việc cung cấp dưỡng khí, hỗ trợ hô hấp có kiểm soát. Nên chỉ định sử dụng Naloxone ngay bằng đường tiêm tĩnh mạch nếu bị quá liều nặng.

\Nếu quên 1 liều thuốc Co-padein, người bệnh nên uống càng sớm càng tốt. Nếu thời gian đã gần với liều dùng kế tiếp, bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, uống thuốc liều tiếp theo đúng lịch trình như ban đầu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Co-padein

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Co-padein gồm:

  • Tác dụng phụ liên quan tới Paracetamol: Phát ban ngoài da (hồng ban hoặc mề đay), giảm bạch cầu trung tính, rối loạn tiêu hóa, độc với thận, giảm tiểu cầu (hiếm gặp);
  • Tác dụng phụ liên quan tới Codein: Táo bón, buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, dị ứng da, ức chế hô hấp, co thắt phế quản,...

Người bệnh khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Co-padein nên thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và xử trí đúng cách.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Co-padein

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Co-padein:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Co-padein nếu người bệnh mắc các bệnh đường hô hấp như hen, khí phế thũng;
  • Sử dụng thuốc Co-padein kéo dài có thể dẫn tới nguy cơ nghiện thuốc;
  • Không nên uống rượu khi đang sử dụng thuốc Co-padein;
  • Thuốc Co-padein có thể cho kết quả dương tính khi test tìm chất kích thích trong các môn thể thao;
  • Thuốc Co-padein gây buồn ngủ nên cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc;
  • Chỉ nên sử dụng thuốc Co-padein ở liều thấp nhất có hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất có thể;
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc Co-padein cho trẻ em có các vấn đề liên quan tới hô hấp như khó thở, thở khò khè khi ngủ,...;
  • Bác sĩ nên cảnh báo bệnh nhân sử dụng thuốc Co-padein về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như: Hội chứng Lyell, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính;
  • Không dùng thuốc Co-padein cho phụ nữ có thai và cho con bú.

5. Tương tác thuốc Co-padein

Tương tác thuốc Co-padein liên quan tới 2 thành phần chính của thuốc. Một số tương tác thuốc của Co-padein gồm:

  • Bệnh nhân dùng đồng thời Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt nếu dùng thêm thuốc Co-padein có thể dẫn tới hạ thân nhiệt nghiêm trọng;
  • Sử dụng Paracetamol đồng thời với các thuốc chống co giật (barbiturat, carbamazepin, phenytoin, uống nhiều rượu hoặc isoniazid có thể làm tăng độc tính cho gan;
  • Uống Paracetamol dài ngày với liều cao có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion. Tác dụng này ít, không quan trọng về lâm sàng nên Paracetamol vẫn được sử dụng khi cần thiết để hạ sốt hoặc giảm đau nhẹ cho bệnh nhân đang sử dụng coumarin và dẫn chất indandion;
  • Tác dụng giảm đau của Codein tăng lên khi phối hợp với Paracetamol nhưng bị giảm đi hoặc mất tác dụng bởi Quinidin;
  • Codein sẽ làm giảm chuyển hóa Cyclosporin do ức chế men Cytochrom P450.

Khi sử dụng thuốc Co-padein, người bệnh nên báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe, các loại thuốc bản thân đang sử dụng. Điều này giúp bác sĩ có chỉ định chính xác, giảm nguy cơ xảy ra tương tác thuốc hoặc các tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan