Có nên dùng thuốc giảm đau cơ chân?

Thuốc giảm đau cơ chân là những thuốc giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng đau cơ chân do căng cơ, do bệnh lý xương khớp gây ra đau cơ. Để tránh việc lạm dụng thuốc gây nhiều tác dụng không mong muốn chúng ta chỉ nên dùng thuốc khi thực sự cần thiết.

1. Đau cơ chân là gì?

Đau cơ chân hay tình trạng đau cơ nói chung xảy ra khi một nhóm cơ bị căng cứng hay bị co rút dẫn tới triệu chứng đau cơ. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà có thể kèm theo các triệu chứng khác kèm theo.

Nguyên nhan gây ra đau cơ chân rất đa dạng, có thể bao gồm các nguyên nhân như:

  • Do đi lại hay tập luyện quá mức: Khi làm việc, đi lại hay tập luyện vùng chân quá mức làm cho cơ phải tăng cường vận động đột ngột, cơ thể không đáp ứng kịp để cung cấp đủ oxy, sẽ cung cấp năng lượng bằng chuyển hóa yếm khí. Những chất tạo ra do quá trình chuyển hóa yếm khí này chính là tác nhân gây ra đau cơ. Đôi khi, những hoạt động quá mức sẽ gây ra những tổn thương như căng cơ đột ngột, bong gân cũng gây ra đau vùng cơ chân.
  • Căng thẳng: Khi cơ thể bị căng thẳng mệt mỏi thì sẽ tiết ra một loại hormon làm tăng sự cơ căng và tăng độ nhạy cảm với đau hơn. Ngoài ra, khi căng thẳng tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn có xu hướng giảm nên giảm việc lưu thông máu và trao đổi oxy cho các tế bào trong cơ thể gây đau nhức cơ.
  • Nguyên nhân bệnh lý xương khớp cũng gây đau cơ chân như: Bệnh thoái hóa khớp gối, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp... Bởi khi bị đau do các tác nhân khác cũng làm cơ bị co rút dẫn tới tình trạng đau cơ.
  • Bệnh lý truyền nhiễm: Một số bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn cơ chân...cũng là nguyên nhân gây đau cơ chân và đau cơ toàn thân. Trường hợp này thường kèm theo các biểu hiện toàn thân như sốt, đau đầu, rối loạn tiêu hoá...Khi điều trị cần điều trị cả nguyên nhân và triệu chứng bệnh.
  • Đau xơ cơ: Đây là một tình trạng đau cơ toàn thân không tìm được nguyên nhân. Đau khắp cơ thể, đặc biệt các vị trí quanh khớp, điểm bám gân gây ra mệt mỏi và mất ngủ, tăng nguy cơ trầm cảm nhưng không có tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp. Tình trạng đau thường mạn tính, gây hội chứng mệt mỏi mạn tình và tăng lên khi căng thẳng.

Đau cơ chân có thể có nhiều mức độ khác nhau ở mỗi người, có những người không cảm thấy đau nhiều và có những người thì đau ảnh hưởng tới khả năng vận động đi lại. Tùy từng trường hợp mà có thể điều trị bằng phương pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc.

đau cơ chân
Đau bắp chân khiên người bệnh gặp khó khăn trong di chuyển

2. Các loại thuốc giảm đau cơ chân?

Các thuốc được dùng để điều trị triệu chứng đau cơ chân có thể được sử dụng như:

Nhóm thuốc giảm đau bao gồm các thuốc:

  • Paracetamol (acetaminophen): Một loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt khá thông dụng, thường được sử dụng để giảm những cơn đau cơ chân nhẹ và vừa. Thuốc được dùng với liều từ 10-15mg/kg cân nặng và thời gian dùng cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng nếu như bệnh nhân còn đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Nhóm thuốc này được sử dụng rất nhiều với tác dụng giảm đau, chống viêm. Các thuốc nhóm này gồm thuốc không kê đơn như ibuprofen, naproxen, aspirin... Các thuốc cần dùng theo đơn của bác sĩ gồm diclofenac, meloxicam, celecoxib... Lưu ý, thuốc này có nhiều tác dụng phụ như tác dụng trên đường tiêu hóa tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thuốc còn làm tăng nguy cơ đột quỵ... nên không sử dụng quá 5 ngày mà chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Thuốc corticosteroid: Đây là nhóm thuốc kháng viêm steroid có tác dụng giảm đau mạnh. Dùng trong các trường hợp đau nhiều, đau do các bệnh lý tự miễn và đau cơ mà không đáp ứng với thuốc NSAID dùng trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hết sức thận trọng vì nếu dùng không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như lông mọc rậm, loãng xương, phụ thuộc vào thuốc, suy tuyến thượng thận, suy yếu hệ miễn dịch... Cho nên, thuốc này cần sử dụng đúng theo liều và cách bác sĩ kê.
  • Nhóm thuốc Opioids: Đây là nhóm thuốc giảm đau có thể gây nghiện. Opioid là nhóm thuốc giảm đau loại rất mạnh, thường dùng cho những cơn đau cơ trầm trọng. Chỉ định dùng khi các biện pháp giảm đau trên đã dùng đúng mà không mang lại hiệu quả mong muốn. Một vài thuốc opioid thường gặp gồm có: morphine, fentanyl... Tác dụng phụ của opioid có thể bao gồm cảm giác buồn nôn, táo bón, hay buồn ngủ, nhịp tim chậm và thở chậm. Thuốc này cần dùng theo đơn và quản lý như chất gây nghiện, vì nếu dùng dài sẽ dẫn tới nghiện thuốc. Cho nên cần nói chuyện với bác sĩ nếu bạn dùng dài ngày.
  • Nhóm thuốc giãn cơ: Ngoài các loại thuốc giảm đau, thì thuốc giãn cơ cũng thường được sử dụng kết hợp để tăng hiệu quả. Thuốc được dùng kết hợp khi có tình trạng co thắt cơ vân, cơ bị co cứng, ấn đau nhiều như trong tình trạng đau do thoái hóa khớp, đau cổ cấp... Một vài loại thuốc giãn cơ thông dụng là baclofen, cyclobenzaprine, myonal...
thuốc giảm đau cơ chân
Thuốc giảm đau cơ chân có nhiều loại khác nhau cần dùng theo chỉ dẫn

3. Có nên dùng thuốc giảm đau cơ chân không?

Đau cơ chân là một tình trạng thường gặp với những trường hợp đau do tập luyện hoặc đau do đi lại vận động quá mức thì thường tự giảm đau sau 2 ngày với biện pháp nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép, nâng cao chi bị tổn thương (nguyên tắc RICE). Tuy nhiên, những trường hợp không giảm đau hoặc đau do nguyên nhân khác mà cảm thấy đau ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thì cần sử dụng thuốc giảm đau đúng cách.

Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo bậc giảm đau của WHO, như sau:

  • Bậc 1: Thuốc không có morphin ( Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid liều thấp). Dùng trong những trường hợp đau nhẹ và vừa.
  • Bậc 2: Sử dụng kết hợp các thuốc nhóm 1 với các thuốc nhóm giảm đau gây nghiện có tác dụng yếu ( Codein, Dextropropoxyphene, Buprenorphine, Tramadol). Nếu như dùng bậc 1 không hiệu quả.
  • Bậc 3: Morphin mạnh, được dùng khi sử dụng thuốc bậc 2 không đáp ứng.

Dùng thuốc giảm đau có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng chúng ta luôn cần lưu ý việc nó có thể mang lại những tác dụng phụ. Cho nên, không nên lạm dụng thuốc, phối hợp thuốc bừa bài và nếu dùng không hiệu quả nên thăm khám để biết nguyên nhân cụ thể.

Ngoài ra, nên kết hợp một số biện pháp không dùng thuốc giúp giảm đau cơ chân gồm:

  • Nghỉ ngơi trong thời gian đau, tránh đi lại hay tập luyện làm tăng áp lực lên chân.
  • Sử dụng nhiệt trị liệu: Bạn có thể chườm mát trong giai đoạn bệnh mới hoặc khi thấy vùng cơ sưng nóng đỏ. Chườm ấm khi bị đau mạn, không thấy sưng nóng đỏ.
  • Xoa bóp: Dùng tay để xoa bóp vùng đau là biện pháp giúp làm giảm đau, giảm khó chịu.
  • Thuốc giảm đau dạng bôi: với thành phần hoạt chất chính là methyl salicylat, giúp giảm đau chống viêm tác dụng tại chỗ. Có thể dùng bôi từ 2 đến 3 lần mỗi ngày, trong khoảng dưới 5 ngày.
  • Ngoài ra, có thể dùng các biện pháp không dùng thuốc khác như châm cứu, điện xung...để điều trị đau cơ chân, để hạn chế việc phải sử dụng thuốc uống.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn khi hết đau cơ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả ạ. Nên khởi động kỹ trước khi tập luyện để hạn chế đau cơ do tập luyện quá mức.

Đau cơ chân có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, việc sử dụng thuốc giảm đau giúp bạn giảm đau nhanh chóng. Nhưng không nên dùng kéo dài và dùng thường xuyên quá mức, khiến bạn dễ bị các tác dụng phụ của thuốc. Thay vào đó nên sử dụng biện pháp không dùng thuốc và tăng cường các biện pháp phòng ngừa để tránh tái phát. Khi tình trạng đau quá mức, nên tới các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan