Công dụng thuốc Ifatrax

Thuốc Ifatrax có thành phần chính là Itraconazol, được dùng trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm. Tuân thủ chỉ định, liều dùng của thuốc Ifatrax sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

1. Ifatrax là thuốc gì?

Ifatrax thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm, ký sinh trùng. Ifatrax có thành phần hoạt chất chính là Itraconazol (dưới dạng vi hạt chứa Itraconazol 22% kl/kl).

Dạng bào chế: Viên nang cứng, mỗi viên chứa 100mg Itraconazol và các tá dược vừa đủ.

Dạng đóng gói: Hộp 1 vỉ x 4 viên nang.

2. Tfatrax có tác dụng gì?

Dược lực học:

  • Itraconazol được xếp vào nhóm thuốc kháng nấm có tác dụng toàn thân. Itraconazol có tác dụng kháng nấm tốt hơn Ketoconazol đối với một số loại nấm như Aspergillus. Nó cũng tác dụng đối với Cryprococcus, Coccidioides, Histoplasma, Blastomyces, Sporotrichosis, Candida. Itraconazol có tác dụng ngăn chặn sự sống và phát triển tế bào nấm. Các nghiên cứu in vitro đã cho thấy một số nấm được phân lập trên lâm sàng (bao gồm cả Candida) khi đã kém nhạy cảm với một thuốc kháng nấm Azol thì cũng sẽ tương tự với các dẫn xuất Azol khác. Khả năng nhạy cảm của nấm với Itraconazol phụ thuộc vào các yếu tố kích cỡ cấy, nhiệt độ ủ, môi trường nuôi cấy, giai đoạn sinh trưởng của nấm.

Dược động học:

  • Hấp thu: Khi uống cùng hoặc sau bữa ăn, Itraconazol được hấp thu tốt hơn do thức ăn làm tăng khả năng hấp thu. Mức độ hòa tan của Itraconazol cao hơn trong môi trường acid. Khả dụng sinh học tuyệt đối của Itraconazol xấp xỉ 55%, đạt tối đa khi uống thuốc sau bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
  • Phân phối: Itraconazol liên kết cao với protein huyết tương, tỉ lệ gắn kết là 99% - 99,8%, chủ yếu là albumin. Itraconazol được hòa tan tốt trong chất béo, nồng độ thuốc tập trung ở các mô cơ thể cao hơn trong huyết thanh. Nồng độ ở phổi, dạ dày, gan, xương, lá lách, cơ... cao hơn trong huyết tương từ 2 – 3 lần.
  • Chuyển hóa: Gan là nơi chuyển hóa Itraconazol. Tại đây, Itraconazol được chuyển hóa thành nhiều chất khác nhau, sau đó được thải trừ qua phân và nước tiểu.
  • Thải trừ: Itraconazol được thải trừ dưới dạng chất chuyển hóa không có hoạt tính trong nước tiểu (35%) và phân (54%). Thuốc gốc được bài tiết qua thận ít hơn 0,03% liều, trong khi đó ở phân là 3 – 18%. Itraconazol được hấp thu tốt bởi các mô sừng, đặc biệt là da, cao hơn so với huyết tương 4 lần và sự thải trừ Itraconazol có liên quan đến việc tái tạo da. Nồng độ của thuốc không thể phát hiện trong huyết tương sau khi ngưng thuốc 7 ngày nhưng có thể tìm thấy ở da sau 2 – 4 tuần khi điều trị 4 tuần với Itraconazol. Itraconazol được tìm thấy ở da sau 1 tuần điều trị và duy trì ít nhất 6 tháng sau đó khi điều trị với liệu trình 3 tháng.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Ifatrax

Thuốc Ifatrax được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm nấm Candida ở miệng, họng, âm hộ, âm đạo;
  • Lang ben;
  • Nấm da nhạy cảm với Itraconazol (Trichophyton, Microsynrum, Epidermophyton floccosum);
  • Nhiễm nấm móng chân, tay;
  • Bệnh nấm Histoplasma gây bệnh mạn tính ở khoang phổi và nấm Histoplasma rải rác, ngoại trừ màng não;
  • Bệnh nấm Aspergillus phổi và ngoài phổi ở những bệnh nhân không dung nạp hoặc đề kháng với thuốc amphotericin B;
  • Ngăn ngừa tái phát nhiễm nấm tiềm ẩn ở bệnh nhân AIDS.

Chống chỉ định sử dụng Ifatrax cho những trường hợp sau:

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Ifatrax;
  • Phụ nữ có thai, đang cho con bú. Chỉ sử dụng trong trường hợp nhiễm nấm nội tạng nguy hiểm đến tính mạng và lợi ích điều trị vượt trội hơn rủi ro đem lại cho thai nhi;
  • Bệnh nhân có rối loạn chức năng tâm thất, ngoại trừ trường hợp đe dọa đến mạng sống;
  • Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc: Astermizol, Cisapride, Terfenadin, Triazolam và Midazolam uống.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Ifatrax

Bạn hãy luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về thuốc Ifatrax, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng và đường dùng thuốc, cũng như không đưa thuốc này cho người khác ngay cả khi họ có những triệu chứng giống bạn.

Liều lượng:

  • Nhiễm nấm Candida âm hộ – âm đạo: 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày hoặc 2 viên/ lần/ ngày, dùng trong 1 – 3 ngày;
  • Nhiễm nấm Candida miệng-hầu: 1 viên/ ngày x 15 ngày;
  • Lang ben: 2 viên/ lần/ ngày, uống trong 7 ngày;
  • Nấm da toàn thân, nấm bẹn: 1 viên/ ngày x 15 ngày hoặc 2 viên/ ngày x 7 ngày;
  • Nấm da chân: 1 viên/ ngày x 30 ngày;
  • Nấm móng: cần điều trị 2 – 3 đợt, mỗi đợt kéo dài 7 ngày, giữa các đợt cách nhau 3 tuần không dùng thuốc, ngày 4 viên chia 2 lần sáng và chiều. Hoặc có thể điều trị liên tục 2 viên/ lần/ ngày liên tục trong 3 tháng;
  • Nấm nội tạng:
    • Aspergillus: 2 viên/ lần/ ngày, uống trong 2-5 tháng, tăng liều lên 2 viên/ lần x 2 lần/ ngày nếu bệnh lan tỏa;
    • Candida: 1 – 2 viên/ lần/ ngày, uống từ 3 tuần đến 7 tháng;
    • Cryptococcus ngoài màng não: 2 viên/lần/ngày, uống từ 2 tháng đến 1 năm;
    • Viêm màng não do Cryptococcus: 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày, liều duy trì với 2 viên/lần/ngày;
    • Histoplasma: 2 viên x 1 - 2 lần/ ngày, uống trong 8 tháng;
    • Sporothrix schenckii: 1viên/lần/ngày, uống trong 3 tháng;
    • Paracoccidioides brasiliensis: 1viên/ 1lần/ ngày, uống trong 6 tháng;
    • Chromomycosis: 1-2 viên x 1lần/ ngày, uống trong 6 tháng;
    • Blastomyces dermatitidis: 1viên/ 1lần/ ngày hoặc 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày, uống trong 6 tháng.

Cách dùng: Uống cả viên nang với nước, không nhai hoặc nghiền nát. Để Ifatrax được hấp thu tối đa, tốt nhất nên uống sau bữa ăn.

Bạn cần làm gì khi quên một liều thuốc Ifatrax?

  • Bạn hãy uống ngay một liều khác khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu thời điểm đó gần với lần uống thuốc tiếp theo thì hãy bỏ qua và uống liều tiếp theo như chỉ định. Không uống 2 liều cùng một lúc để bù lại liều đã quên.

Bạn cần làm gì khi uống quá liều thuốc Ifatrax?

  • Chưa ghi nhận nhiều thông tin về quá liều thuốc. Một số bệnh nhân dùng liều trên 1000mg có xuất hiện các triệu chứng tương tự như tác dụng không mong muốn xảy ra ở liều khuyến cáo. Khi quá liều, người bệnh cần ngưng ngay thuốc và đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí, mang theo tất cả các thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc được kê đơn và không kê đơn. Trong vòng 1 giờ sau khi quá liều thuốc, có thể súc rửa dạ dày cho bệnh nhân hoặc dùng than hoạt tính. Hiện nay chưa có thuốc giải độc Ifatrax đặc hiệu, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc ifatrax

Trong quá trình sử dụng thuốc Ifatrax, bạn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn sau:

  • Thường gặp: Đau bụng, buồn nôn, phát ban;
  • Hiếm gặp: Giảm bạch cầu, giảm xúc giác, rối loạn thị lực, ù tai, viêm tụy, tăng men gan, tiểu lắt nhắt, sốt;
  • Ít gặp: Mẫn cảm, nhức đầu, choáng váng, dị cảm, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, loạn vị giác, đầy hơi, tăng bilirubin máu, tăng alanine aminotransferase, tăng aspartate aminotransferase, mày đay, rụng tóc, ngứa, phù, rối loạn kinh nguyệt;
  • Chưa rõ tần suất: Giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, sốc phản vệ, phản ứng dạng phản vệ, phù mạch thần kinh, bệnh huyết thanh, giảm kali máu, tăng triglyceride máu, bệnh thần kinh ngoại biên, nhìn mờ và nhìn đôi, mất thính lực thoáng qua hoặc thường xuyên, suy tim sung huyết, phù phổi, suy gan cấp, viêm gan, độc tính lên gan, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson, hồng ban đa dạng, nhạy cảm ánh sáng, đau cơ, đau khớp, rối loạn cương dương, tiểu không kiểm soát.

Hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược khi khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình dùng thuốc để được tư vấn và hướng dẫn.

6. Tương tác thuốc

Các thuốc có thể tương tác với Ifatrax:

  • Thuốc làm giảm acid dạ dày;
  • Rifampicin;
  • Rifabutin;
  • Phenytoin;
  • Ritonavir;
  • Indinavir;
  • Clarithromycin;
  • Erythromycin.

Các thuốc sau đây không được dùng chung với Ifatrax:

  • Astemizol, Bepridil, Cisaprid, Dofetilid, Levacetylmethadol, Mizolastin, Terfenadin;
  • Sertindol, Quinidin, Pimozid, Atorvastatin, Lovastatin, Simvastatin, Triazolam;
  • Sidazolam, Dihydroergotamin, Ergometrin, Ergotamine, Methylergomehin, Eletriptan, Nisoldipin.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Ifatrax

Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Ifatrax có độc tính trên hệ sinh sản. Vì vậy không dùng thuốc này khi mang thai, trừ trường hợp nhiễm nấm nguy hiểm đến tính mạng và lợi ích đem lại cao hơn nguy cơ tiềm ẩn với thai nhi.

Phụ nữ cho con bú: Itraconazol được bài tiết qua sữa mẹ với một lượng nhỏ. Vì vậy cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi dùng thuốc Ifatrax khi đang cho con bú.

Người lái xe và điều khiển máy móc, làm việc trên cao: Thuốc này gây đau đầu, chóng mặt, giảm thính lực và thị lực. Do đó cần thận trọng với người lái xe, vận hành máy móc hoặc làm việc trên cao.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Ifatrax ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp;
  • Thuốc được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ dưới 30 độ C;
  • Đặt thuốc tránh xa tầm tay trẻ em cũng như thú nuôi trong nhà;
  • Không để Ifatrax ở những nơi quá nóng hoặc quá ẩm ướt vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Ifatrax. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc Ifatrax theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan