Những bệnh nền nào không được tiêm vắc-xin Covid?

Vắc-xin Covid 19 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn và không phù hợp với một số người bệnh, đặc biệt là ở người mắc bệnh nền hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Cùng tìm hiểu về chỉ định và chống chỉ định của Vaccin Covid 19.

1. Cơ chế hoạt động của vắc-xin Covid 19

“Cơ chế hoạt động của vắc-xin phòng Covid 19 là gì và những đối tượng nào không được tiêm ngừa covid 19?”. Theo đó, mỗi loại vắc-xin khác nhau sẽ có cơ chế hoạt động khác nhau để bảo vệ cơ thể. Nhưng có một điểm chung trong cơ chế hoạt động của các Vaccine là chúng đều giúp các tế bào miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên của virus SARS – CoV – 2 để hình thành miễn dịch với virus. Sau khi tiêm Vaccine, cơ thể sẽ giữ lại các tế bào Lympho T và B “nhớ” để chống lại Virus nếu chúng xâm nhập vào cơ thể trong tương lai.

Thông thường, cần mất vài tuần sau tiêm vắc-xin để cơ thể sản sinh ra tế bào Lympho T và Lympho B. Do đó, người bị nhiễm virus gây bệnh COVID – 19 ngay trước hoặc sau khi tiêm chủng, có khả năng cao tái phát thành bệnh vì Vaccine không đủ thời gian bảo vệ.

Sau khi tiêm phòng, người bệnh có thể xuất hiện một số phản ứng như sốt, điều này được giải thích là do quá trình xây dựng khả năng miễn dịch gây ra. Các triệu chứng này là bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang xây dựng khả năng miễn dịch.

Hiện nay có nhiều loại vắc-xin phòng Covid 19 như sau:

  • Vắc-xin chứa mRNA chứa vật chất từ SARS – CoV – 2 cung cấp cho tế bào của cơ thể hướng dẫn cách tạo ra protein vô hại đặc trưng cho virus. Sau khi tế bào cơ thể tạo ra loại protein này, các tế bào miễn dịch nhận ra rằng protein này là protein lạ và tạo ra tế bào Lympho B, Lympho T chống lại virus SARS – CoV – 2 nếu cơ thể bị nhiễm virus trong tương lai. Đại diện của loại Vaccine này là Vaccine của Pfizer – BioNTech, Vaccine Moderna;
  • Vắc-xin tiểu đơn vị protein bao gồm các mảnh vô hại của virus gây ra SARS – CoV – 2 thay vì toàn bộ virus. Sau khi được tiêm chủng, cơ thể nhận ra protein lạ và tạo ra miễn dịch chống lại virus. Đại diện của Vaccine tiểu đơn vị protein là Nanocovac;
  • Vắc-xin vecto virus chứa phiên bản sửa đổi của virus khác với virus gây bệnh COVID – 19, ví dụ như Adenovirus. Bên trong lớp vỏ của virus đã biến đổi có chứa vật chất di truyền từ virus SARS – CoV – 2. Khi vecto virus xâm nhập vào trong tế bào cơ thể, vật liệu di truyền sẽ cung cấp cho các tế bào hướng dẫn nhằm tạo ra một loại protein đặc trưng cho virus SARS – CoV – 2. Từ hướng dẫn đó, các tế bào của cơ thể tạo ra protein, thúc đẩy cơ thể tạo ra tế bào Lympho B và T chống lại virus trong tương lai. Đại diện của loại Vaccine này là Vaccine của hãng dược phẩm Astrazeneca;
  • Vắc-xin DNA đang được phát triển, cơ chế tác động tương tự Vaccine mRNA, tuy nhiên thay vì sử dụng thông tin di truyền dưới dạng mRNA thì người ta sử dụng phân tử DNA để khiến các tế bào của cơ thể tạo ra protein đặc trưng của Virus SARS – CoV – 2 và kích hoạt hệ miễn dịch;
  • Vắc-xin virus bất hoạt (Sinovac, Sinofarm), Vaccine virus sống giảm động lực.

2. Trường hợp nào không được tiêm vắc-xin Covid 19

Những trường hợp nào không nên tiêm vắc-xin phòng covid?”. Theo quyết định số 2995/QĐ – BYT về ban hành “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng Vắc xin Covid – 19” của Bộ Y Tế về các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng, thận trọng khi tiêm chủng, trì hoãn tiêm chủng và chống chỉ định tiêm chủng cụ thể như sau:

Nhóm 1: Đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng:

  • Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không quá mẫn với bất kỳ hoạt chất nào hoặc bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của Vaccine;
  • Không thuộc các đối tượng được quy định tại nhóm 2, 3 và 4.

Nhóm 2: Đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng:

  • Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
  • Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định;
  • Người mất năng lực hành vi, mất tri giác;
  • Người trên 65 tuổi;
  • Người có tiền sử rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu;
  • Người mắc bệnh mạn tính có phát hiện bất thường trong dấu hiệu sống: Mạch đập nhỏ hơn 60 lần/phút hoặc >100 lần/phút; Huyết áp tối thiểu < 60mmHg hoặc > 90mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90mmHg hoặc > 140mmHg; Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94%.

Nhóm 3: Đối tượng trì hoãn tiêm chủng:

  • Người mắc bệnh cấp tính, mãn tính đang tiến triển hoặc chưa kiểm soát được;
  • Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, xơ gan mất bù, ung thư giai đoạn cuối;
  • Trong thời gian 14 ngày trước đó có điều trị bằng Corticoid liều cao hoặc điều trị xạ trị, hóa trị;
  • Đã mắc Covid 19 trong vòng 6 tháng;
  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Phụ nữ đang cho con bú bằng sữa mẹ.

Nhóm 4: Đối tượng chống chỉ định:

  • Người bệnh có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào;
  • Người bệnh có bất kỳ chống chỉ định nào của nhà sản xuất.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tiêm ngừa vắc-xin Covid 19, người bệnh cần thực hiện thăm khám sàng lọc trước khi tiêm và thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc, các bệnh lý mắc kèm để có biện pháp xử trí hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

25 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan