Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm xoang cho trẻ em

Viêm xoang là một bệnh lý thường gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau trong đó có trẻ em, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc có sức khoẻ kém. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc trị viêm xoang cho trẻ em mang lại tác dụng hiệu quả. Nhưng thuốc cũng gây ra những tác phụ không mong muốn. Vậy trẻ bị viêm xoang uống thuốc gì và cần lưu ý gì khi sử dụng?

1. Viêm xoang ở trẻ em là gì ?

1.1. Thông tin chung

Vùng xương sọ mặt có 4 xoang là xoang trán, xoang bướm xoang sàng và xoang hàm. Đây là các khoang trống chứa đầy không khí. Bên trong xoang thường được lót bởi các mô mềm (niêm mạc).

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng lớp mô mềm (niêm mạc) lót trong các xoang. Tình trạng viêm thường gây phù nề, thu hẹp không gian lỗ xoang do dịch ứ đọng trong xoang không thoát ra được. Xoang liên hệ trực tiếp với mũi nên bệnh viêm xoang còn gọi là viêm mũi xoang.

Viêm xoang trẻ em là bệnh lý thường xảy ra ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nơi có nhiều điều kiện để tác nhân gây bệnh phát triển, nhất là tại thời điểm giao mùa. Viêm xoang trẻ em cần điều trị lâu dài, rất dễ tái phát và biến chứng thành bệnh mạn tính khi trẻ lớn lên.

Viêm mũi xoang ở trẻ em gồm 3 loại chính:

  • Viêm xoang cấp: Thường kéo dài không quá 4 tuần, các triệu chứng giảm dần rồi khỏi hẳn. Thường xảy ra ở xoang trán, xoang bướm, xoang sàng hoặc là viêm đa xoang.
  • Viêm xoang bán cấp: Các triệu chứng thường kéo dài từ 4 - 8 tuần.
  • Viêm xoang mạn tính: Bệnh thường kéo dài trên 12 tuần, có thể tái phát nhiều lần trong một năm.

Các triệu chứng về hô hấp của viêm xoang ở trẻ em thường kéo dài trên 1 tuần. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm sốt nhẹ, sốt cao từng cơn, chảy nước mũi, có màu vàng hoặc xanh, ho nhiều vào ban đêm, ngạt mũi, mũi điếc, dễ nôn trớ, nghiêng người sẽ chóng mặt, đau xung quanh vùng mắt từng cơn, quấy khóc, không ngon giấc, hơi thở ngắn, ngủ ngáy, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, phù quanh mắt, đau răng,...

1.2. Nguyên nhân viêm xoang ở trẻ em

Viêm xoang là bệnh lý nhiễm trùng các xoang, thường xảy ra do những nguyên nhân như:

  • Nhiễm các loại vi khuẩn gồm Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, E.coli, Klebsiella,...
  • Bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng, hen phế quản,...
  • Cơ địa dị ứng với n phấn hoa, lông động vật, thức ăn, khi thay đổi thời tiết,...
  • Có cấu trúc xương mũi bất thường như vách ngăn lệch vẹo, dày, polyp mũi,...
  • Sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, khí thải, hóa chất,...
  • Áp xe răng.
  • Hít khói thuốc lá thụ động.

2. Các loại thuốc trị viêm xoang cho trẻ em và lưu ý khi sử dụng

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị giúp cải thiện viêm xoang ở trẻ em, trong đó sử dụng thuốc trị viêm xoang cho trẻ em là một biện pháp mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan đến thuốc để tránh được những tác dụng phụ không mong muốn trên con của mình. Dưới đây là một số loại thuốc trị viêm xoang cho trẻ em và những lưu ý khi sử dụng các loại thuốc này.

2.1. Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh là thuốc trị viêm xoang cho trẻ em thường được chỉ định cho những trẻ bị viêm xoang do nghi ngờ nhiễm vi khuẩn, nhất là viêm xoang cấp. Các đơn thuốc viêm xoang cấp thường có những loại kháng sinh như Amoxicillin, Cefuroxime, Cefpodoxime, Azithromycin, Clarithromycin,...

Những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm xoang ở trẻ em:

  • Đối với trẻ nhỏ bị viêm xoang cấp mức độ nhẹ đến trung bình, khuyến cáo dùng Amoxicillin ở liều thông thường (45mg/ kg) hoặc liều cao (90mg/ kg).
  • Bệnh nhân bị dị ứng với Amoxicillin nên được điều trị bằng nhóm kháng sinh Cephalosporin như Cefdinir, Cefuroxime, hoặc Cefpodoxime, trong khi những trẻ bị dị ứng nghiêm trọng nên được điều trị bằng nhóm kháng sinh Macrolid như Clarithromycin hoặc Azithromycin.
  • Trẻ em không đáp ứng với liệu pháp đầu tay, trẻ mắc bệnh ở mức độ nặng và trẻ có nguy cơ cao mắc S. pneumoniae kháng thuốc (những trẻ gần đây đã sử dụng kháng sinh hoặc đi nhà trẻ) nên được điều trị bằng liều cao Amoxicillin Clavulanate (90mg/ kg thành phần Amoxicillin).
  • Ceftriaxone đường tiêm nên được sử dụng cho những trẻ bị nôn trớ và không thể dùng kháng sinh đường uống.
  • Thời gian điều trị tối ưu cho viêm xoang thường là 10 đến 21 ngày hoặc cho đến khi các triệu chứng biến mất cộng thêm 7 ngày nữa.
  • Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng kháng sinh bao gồm đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, rối loạn tiêu hoá như đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn, nôn,... Bố mẹ cần ngừng cho bé sử dụng thuốc khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường và cần đưa bé đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

2.2. Các loại thuốc trị viêm xoang cho trẻ em bổ trợ

Các phương pháp sử dụng thuốc bổ trợ thường được chỉ định trong trường hợp viêm xoang có những biến chứng. Đồng nghĩa với việc liệu pháp bổ trợ thật sự không cần thiết trong điều trị viêm xoang ở mức độ nhẹ và đơn thuần.

Steroid

Những loại thuốc Steroid có tác dụng giảm nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt,... Các loại thuốc có chứa Steroid thường dùng bao gồm Beclomethasone, Betamethasone, Ciclesonide, Fluticasone furoate, Mometasone, Budesonide, Fluticasone, Triamcinolone,...

Lưu ý khi sử dụng thuốc Steroid điều trị viêm xoang ở trẻ em:

  • Các loại thuốc Steroid thường sử dụng dưới dạng xịt mũi, có tác dụng lâu hơn các thuốc làm co mạch mũi và thường mất khoảng 1 tuần trước có thể thuyên giảm.
  • Các tác dụng phụ ngoài ý muốn bao gồm nhức đầu, khô mũi, đau họng, chảy máu cam hoặc ho,... Bố mẹ cần ngừng cho bé sử dụng thuốc khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường và cần đưa bé đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Thuốc thông mũi

Thuốc thông mũi có tác dụng làm co mạch máu và mô bị sưng trong mũi, làm giảm áp lực trong xoang mũi và làm giảm cảm giác nghẹt mũi. Các loại thuốc xịt thông mũi thường dùng như Oxymetazoline hydrochloride, Phenylephrine hydrochloride, Xylometazoline.

Lưu ý khi sử dụng thuốc xịt thông mũi điều trị viêm xoang ở trẻ em:

  • Đây là một phương pháp điều trị ngắn hạn, trẻ em không nên sử dụng các loại thuốc này quá 3 ngày. Sau thời gian này các loại thuốc sẽ bắt đầu hoạt động kém hiệu quả hơn và có thể làm cho tình trạng viêm xoang trở nên tồi tệ hơn.
  • Các loại thuốc xịt thông mũi không phù hợp cho trẻ bị bệnh tăng nhãn áp vì chúng có thể làm trầm trọng thêm bệnh lý này.
  • Các loại thuốc thông mũi dạng uống thường có tác dụng chậm hơn so với dạng xịt mũi.

Thuốc kháng Histamin

Thuốc kháng Histamin có tác dụng làm giảm nghẹt mũi, ngứa mũi, sổ mũi và hắt hơi. Thuốc kháng Histamin thường được dùng dưới dạng xịt mũi gồm Azelastine, Olopatadine hoặc dạng uống gồm kháng Histamin thế hệ 1 ví dụ Diphenhydramine, Chlorpheniramine, Clemastine,... kháng Histamin thế hệ 2 ví dụ Loratadine, Cetirizine, Levocetirizine, Desloratadine, Fexofenadine,... Các thuốc này ra đời sau nên khắc phục được tình trạng buồn ngủ và ít gây khó chịu hơn kháng Histamin thế hệ 1, nên được ưu tiên sử dụng nhiều hơn.

Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng Histamin điều trị viêm xoang ở trẻ em:

  • Thuốc kháng Histamin dạng xịt thường ít gây buồn ngủ hơn ở dạng uống, nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ thường gặp như buồn ngủ. Vì thế, một số bác sĩ thường khuyên bố mẹ nên cho bé sử dụng thuốc vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ.
  • Thuốc kháng Histamin thế hệ 1 có những tác dụng không mong muốn như an thần, buồn ngủ,... vì thế tránh cho trẻ sử dụng lúc học bài, khi đang đến trường,...

Thuốc ức chế tế bào Mast

Thuốc ức chế tế bào Mast được sử dụng phổ biến là Cromolyn Natri ở dạng xịt mũi. Cromolyn Natri có tác dụng giảm sổ mũi, ngứa, hắt hơi, giảm nghẹt mũi,... Trẻ có thể thấy triệu chứng giảm sau 30 phút xịt mũi bằng Cromolyn Natri.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Cromolyn Natri điều trị viêm xoang ở trẻ em:

  • Để có tác dụng tốt nhất, Bố mẹ cần bắt đầu sử dụng cho trẻ từ 1 - 2 tuần trước khi mùa lạnh bắt đầu và sử dụng một hoặc nhiều lần mỗi ngày.
  • Thuốc xịt mũi Cromolyn Natri không có tác dụng tốt như thuốc xịt mũi Steroid.
  • Các tác dụng phụ của thuốc Cromolyn Natri bao gồm khó chịu, đau, sưng nề và nóng rát ở mũi.

Thuốc xịt kháng Cholinergic

Thuốc kháng Cholinergic thường dùng như Ipratropium bromide, là thuốc có tác dụng giảm sổ mũi bằng cách ngừng sản xuất chất nhầy. Ngoài ra, Ipratropium bromid làm giảm nghẹt mũi hoặc hắt hơi rất tốt.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Ipratropium bromide điều trị viêm xoang ở trẻ em:

  • Thuốc Ipratropium bromid thường được dùng dưới dạng xịt mũi không được chỉ định điều trị lâu dài. Trẻ có thể sử dụng Ipratropium bromid trong khoảng 3 tuần trong thời gian các triệu chứng của viêm xoang rầm rộ.
  • Nếu trẻ bị bệnh tăng nhãn áp thì không nên sử dụng Ipratropium bromide.
  • Sử dụng Ipratropium bromide thường gặp phải những tác dụng phụ như nhức đầu, đau họng, chảy máu cam hoặc kích ứng mũi.

Thuốc xịt nước muối

Thuốc xịt nước muối thường được dùng với tác dụng giúp giữ ẩm cho đường mũi, giúp ngăn ngừa chảy máu cam do khô mũi. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ cần vệ sinh mũi bằng nước muối khoảng 1 - 2 lần một ngày để đỡ gây khó chịu cho bé, đồng thời làm giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc mũi.

Sử dụng các loại thuốc trong việc điều trị tình trạng viêm xoang ở trẻ em đã cho thấy nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, cũng giống như mọi loại thuốc khác, thuốc điều trị viêm xoang cho trẻ em cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn mà bố mẹ cần phải lưu ý. Người thân nên đưa bé đi khám bệnh khi phát hiện bất kỳ triệu chứng gì của bệnh viêm xoang, để được bác sĩ kịp thời phát hiện và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý nhất

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

458 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Công dụng thuốc Hazin 500
    Công dụng thuốc Hazin 500

    Hiện nay có rất nhiều loại kháng sinh được sản xuất với nhiều tên biệt dược. Trong đó kháng sinh Hazin 500 là một loại thuốc kê đơn, dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn. Cùng tìm hiểu rõ hơn ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Bổ sung Kẽm sinh học Canada cho trẻ biếng ăn, chậm lớn

    70% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thiếu vi khoáng Kẽm, Selen...

    Đọc thêm
  • cophavixim
    Công dụng thuốc Cophavixim

    Cophavixim thuộc danh mục thuốc chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng, kháng virus và kháng nấm. Thuốc được bào chế dạng bột uống và có chứa thành phần chính là Cefixim 100mg. Sau đây là một số thông tin ...

    Đọc thêm
  • Habucef
    Công dụng thuốc Habucef

    Kháng sinh Cephalosporin được sử dụng rất rộng rãi với nhiều hoạt chất khác nhau, trong đó có Cefradine thuộc thế hệ 1 với tên thương mại là thuốc Habucef. Vậy thuốc Habucef công dụng là gì và nên sử ...

    Đọc thêm
  • Celorstad 500mg
    Công dụng thuốc Celorstad 500mg

    Thuốc Celorstad 500mg là thuốc kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn, kháng nấm, kháng virus. Đây là kháng sinh bán tổng hợp thuốc nhóm cephalosporin có tác dụng diệt khuẩn theo cơ chế ức chế quá trình tổng ...

    Đọc thêm
  • Bestnats
    Công dụng thuốc Bestnats

    Bestnats là thuốc kê đơn, được chỉ định sử dụng cho các trường hợp viêm phổi, viêm phế quản và nhiễm khuẩn da mô mềm... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Bestnats, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ ...

    Đọc thêm