Trẻ sinh non có nên ăn dặm muộn hơn trẻ sinh đủ ngày tháng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Một em bé được cho là sinh non khi chào đời trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh non, đặc biệt là trẻ sinh cực non thường nhạy cảm hơn trẻ sinh đủ tháng. Do đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ sinh non cũng cần được chú ý hơn, nhất là về thời điểm ăn dặm. Vậy bé sinh non ăn dặm khi nào?

1. Trẻ sinh non nên ăn dặm khi nào?

Trẻ sinh non thường dễ gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, nếu cho trẻ sinh non ăn dặm quá sớm, khi hệ tiêu hóa trẻ còn chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị dị ứng. Nhưng nếu cho bé sinh non ăn dặm quá muộn thì sẽ bỏ lỡ cơ hội cho trẻ tiếp cận với một loại thức ăn mới (dạng rắn) khác với sữa. Việc cho trẻ sinh non ăn dặm muộn cũng khiến cho trẻ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.

Trẻ sinh đủ tháng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ăn dặm khi vừa tròn 6 tháng tuổi. Còn đối với trẻ sinh non, do có một số khác biệt nhất định về sức đề kháng, mức độ hoàn thiện của các cơ quan nên thời điểm ăn dặm cũng có một số điểm cần lưu ý. Nếu trẻ sinh non phát triển khỏe mạnh, không có vấn đề gì về sức khỏe thì có thể cho trẻ ăn dặm cùng thời điểm với trẻ sinh đủ tháng, tức là khi trẻ được 5 - 7 tháng (tính theo tuổi thực sự của trẻ). Thời gian chính xác sẽ phụ thuộc vào mức độ sinh non, khả năng phát triển của từng trẻ. Đối với trẻ sinh non có các vấn đề về sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời gian thích hợp để bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

Chế độ dinh dưỡng chuyên gia
Nên tham khảo bác sĩ về thời gian và chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ sinh non

2. Dấu hiệu trẻ sinh non sẵn sàng ăn dặm

Thời gian cụ thể bắt đầu cho bé sinh non ăn dặm nên được quyết định dựa trên dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm của trẻ như:

  • Trẻ có động tác đưa đồ chơi, đồ vật xung quanh lên miệng
  • Trẻ cứng cổ, có thể giữ đầu thẳng với lực hỗ trợ nhẹ của người lớn hay khi ngồi vào ghế ăn, khi đó trẻ có thể nuốt thức ăn mà không sợ bị sặc
  • Trẻ chủ động há miệng khi đưa thìa thức ăn gần vào miệng trẻ

Nếu trẻ trong thời gian thích hợp ăn dặm (trong khoảng từ 5 - 7 tháng tuổi) trẻ có các dấu hiệu trên thì bạn có thể cho trẻ ăn thử một số loại thức ăn sánh đặc hơn sữa như: nước cơm, ngũ cốc pha sữa... Nếu trẻ cảm thấy thích thú và nuốt được thì có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

3. Ăn dặm cho bé sinh non cần lưu ý gì?

So với trẻ sinh đủ tháng thì chế độ dinh dưỡng của trẻ sinh non cần được chú ý nhiều hơn. Do trẻ không có đủ thời gian phát triển trong bụng mẹ, dễ bị thiếu chất, đặc biệt là thiếu sắt. Ngoài ra, hệ tiêu hóa của trẻ sinh non cũng dễ bị kích ứng hơn trẻ đủ tháng.

Loại thuốc bổ sung sắt nào phù hợp cho trẻ sơ sinh?
Trẻ sinh thiếu tháng dễ bị thiếu sắt do thời gian ở trong bụng mẹ ngắn
  • Bắt đầu cho trẻ ăn dặm với các món ăn hơi loãng, mềm để bé có thể dễ dàng tiêu hóa. Thức ăn cần được xay hoặc nghiền nhuyễn mịn. Tăng dần từ loãng đến đặc để trẻ có thời gian làm quen với loại thức ăn mới này.
  • Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt và nhạy cảm nên thời gian đầu cho trẻ ăn các loại rau, củ, quả trước, sau đó đến trứng gà và các loại thịt trắng như: thịt lợn, thịt gà, rồi mới tới các loại thịt đỏ, đồ tanh như: thịt bò, tôm, cua, cá...
  • Lưu ý khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ nên cho khoảng 1 thìa nhỏ dầu ăn hoặc mỡ. Vì dầu ăn và mỡ là môi trường cần thiết để cơ thể có thể chuyển hóa các chất đạm.
  • Cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn, đổi bữa hàng ngày để trẻ không thấy nhàm chán
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt cho trẻ sinh non trong quá trình ăn dặm, bởi trẻ sinh non có nguy cơ thiếu sắt cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Nguồn cung cấp sắt trong sữa mẹ cũng giảm dần theo thời gian
  • Không nên thêm gia vị vào đồ ăn của trẻ dưới 1 tuổi, có thể ảnh hưởng đến thận, không tốt cho sự phát triển của trẻ
  • Trong thời gian ăn dặm, trẻ vẫn cần được bú mẹ để đảm bảo dinh dưỡng. Cho trẻ bú theo nhu cầu, không bú sát giờ ăn.
Cho con bú sữa mẹ khi đang mang thai
Chia nhỏ bữa và không cho trẻ bú quá sát giờ ăn

Tóm lại, thời gian ăn dặm của trẻ sinh non không nhất thiết phải muộn hơn trẻ sinh đủ ngày tháng, cần dựa vào tình trạng sức khỏe của trẻ, dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm của trẻ để quyết định. Cho trẻ làm quen từ từ với đa dạng các loại thực phẩm để trẻ có nguồn dinh dưỡng đầy đủ và chất lượng nhất.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan