Lưu ý khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ trên 6 tháng tuổi sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Lúc này bé của mẹ sẽ bắt đầu làm quen với những muỗng ăn dặm đầu tiên. Để đồng hành cùng bé trong giai đoạn này, mẹ cần chuẩn bị những kiến thức cơ bản về ăn dặm giúp bé luôn thấy hứng thú với những bữa ăn đồng thời cũng phải đầy đủ các chất dinh dưỡng để có thể chăm sóc bé tốt nhất ngay từ giai đoạn đầu đời.

1. Thời điểm quyết định cho trẻ ăn dặm

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sẽ được tập cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, vì khi này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ, trẻ thật sự cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa.

Từ khuyến cáo trên, những chuyên dinh dưỡng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24. Năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450 kcal/ngày, trong khi đó trẻ cần khoảng gần 700 kcal/ngày và nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên theo từng lứa tuổi. Do vậy thức ăn bổ sung là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng mà sữa mẹ chưa cung cấp đủ. Nhưng các mẹ nên nhớ là sau 24 tháng thì nên kết thúc giai đoạn ăn dặm cho bé vì nếu kéo dài sẽ khiến trẻ gặp nhiều rắc rối như không biết nhai hoặc khó hòa nhập ở trường lớp vì ăn theo chế độ ăn khác.

Vì vậy tốt nhất mẹ nên cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng tuổi, nếu ăn dặm không đúng cách có thể khiến trẻ trở nên biếng ăn, suy dinh dưỡng.

2. Những biểu hiện nhận biết trẻ đã sẵn sàng cho việc ăn dặm

Giai đoạn 6 tháng tuổi là một cột mốc quan trọng, giúp trẻ dần làm quen với những “thức ăn mới lạ”. Tuy nhiên để xác định xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, các cha mẹ cần dựa vào những biểu hiện sau đây của trẻ:

  • Cân nặng của trẻ đã tăng gấp đôi so với cân nặng khi mới sinh.
  • Trẻ đã biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để mẹ có thể đút thức ăn dễ dàng.
  • Trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa/muỗng khi cho trẻ ăn.
  • Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ chọn lựa món ăn thích hợp đối với khẩu vị của từng trẻ.
  • Lưỡi của trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ ( lúc còn nhỏ khi cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ cũng đẩy ra, trừ núm vú).
  • Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà cha mẹ cho ăn.
Lưu ý khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
Cân nặng của trẻ đã tăng gấp đôi so với cân nặng khi mới sinh

3. Nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm

Theo kinh nghiệm được đúc kết từ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, việc cho trẻ ăn dặm cần chú ý những nguyên tắc sau:

  • Cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc giống với sữa công thức để trẻ quen dần với những “thức ăn mới lạ”, giúp trẻ dần thích nghi với việc ăn dặm và việc ăn uống của trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
  • Ăn từ loãng đến đặc: Nguyên tắc này cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của trẻ luôn được suôn sẻ, đây là nguyên tắc giúp trẻ không bị phản ứng khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể bắt nhịp kịp với quá trình tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn.
  • Ăn từ ít đến nhiều: Đây là một quy tắc quan trọng để tránh cho hệ tiêu hóa còn chưa phát triển hoàn thiện của trẻ phải hoạt động quá sức. Ban đầu, mẹ có thể tập cho con ăn bột với 1-2 muỗng bột, rồi tăng dần lên 1⁄3 rồi đến nữa bát ăn cơm bột mỗi bữa, cho trẻ ăn 2-3 cữ một ngày. Kể cả khi bé ăn rất ngon miệng và nhanh chóng “giải quyết” hết sạch phần bột mẹ đã chuẩn bị trong những ngày đầu, mẹ cũng không nên để trẻ ăn thêm vì nếu ăn quá nhiều, trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa.
  • Ăn từ vị ngọt đến vị mặn: Cho trẻ bắt đầu giai đoạn ăn dặm với các món có vị ngọt trước, ví dụ bột ngọt có vị sữa, trẻ sẽ dễ đón nhận các món mới khi có hương vị sữa quen thuộc. Sau khoảng từ 2-4 tuần, trẻ có thể ăn thêm bột mặn chế biến từ thịt, cá,... với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
  • Nguyên tắc “tô màu chén bột”: Nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt.
  • Nhóm bột đường gồm gạo, bột mỳ, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai...
  • Nhóm đạm bao gồm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm , đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu, đỗ khác...
  • Nhóm chất béo gồm dầu, mỡ, bơ, phô mai và các loại hạt có dầu.
  • Nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm rau củ và các loại trái cây tươi.
Lưu ý khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
Nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm

  • Không nên thêm mắm/muối vào đồ ăn dặm của trẻ: Nhiều mẹ nghĩ rằng nếu thêm chút mắm, muối vào đồ ăn của con sẽ khiến món ăn đậm đà và kích thích vị giác của con. Nhưng thật ra đó là việc làm hoàn toàn sai. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các mẹ không nên cho muối vào thức ăn của con vì thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi nêm mắm, muối vào thức ăn của con sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

Bà mẹ cũng nên thêm một chút dầu ăn khi nấu món ăn dặm cho trẻ. Mỡ/dầu ăn là vô cùng quan trọng đối với bé cưng của mẹ. Trên thực tế, dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và còn có khả năng hòa tan các chất khác, giúp hệ tiêu hóa dễ hấp thu hơn. Không những thế, mỡ/dầu ăn cũng là yếu tố quan trọng giúp cơ thể trẻ hấp thu canxi và vitamin D.

  • Nguyên tắc “không ép trẻ ăn”: Khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5-7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

131.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan