Bị hắc lào nặng chữa thế nào?

Hắc lào là một trong những bệnh lý về da gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và vẻ bề ngoài của người bệnh. Vì vậy, nhận biết triệu chứng và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh. Cùng tìm hiểu về đặc điểm và các phương pháp điều trị hắc lào qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về hắc lào

Hắc lào hay còn được gọi là lác đồng tiền – bệnh lý xảy ra do các loại vi nấm với triệu chứng ngứa, nổi mẩn đỏ hoặc xuất hiện hình tròn giống đồng tiền xu. Các loại vi nấm gây ra hắc lào nặng chủ yếu là trychophyton, epidermophyton, microsporum...

Bệnh hắc lào được chia theo bộ phận xuất hiện trên cơ thể như nấm da đùi, nấm móng tay, nấm da đầu, nấm da chân, nấm toàn thân... Trong đó bệnh thường xuất hiện nhiều nhất tại các vùng kín quanh thắt lưng, 2 bên bẹn, nếp lằn mông và các vùng có nếp gấp lớn.

Bệnh thường xảy ra khi có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm hay điều kiện thích hợp như vệ sinh không đảm bảo, làm cho vi nấm phát triển mạnh và bệnh hắc lào nặng hơn. Bệnh lý rất dễ tái phát, lan rộng nên cần phát hiện sớm cũng như thực hiện các phương pháp điều trị đúng cách mới có thể khỏi bệnh một cách dứt điểm và không tái phát.

Hắc lào có thể dễ dàng lây từ người bệnh qua dùng chung đồ hoặc tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nấm. Một số nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Vệ sinh cơ thể không được sạch sẽ như: Nhiều ngày không tắm, không thay quần áo, mặc quần áo khi chưa khô, mang quần áo bẩn... là những điều kiện để vi nấm xâm nhập và gây bệnh;
  • Lây nhiễm từ người mắc hắc lào như tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nấm, dùng chung đồ với người mắc bệnh hắc lào;
  • Tác động từ môi trường bên ngoài: Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất bẩn, môi trường sống bị ô nhiễm...;
  • Vi khuẩn xâm nhập từ vật nuôi: Vật nuôi trong nhà không được vệ sinh, tắm rửa thường xuyên sẽ là nơi cư trú của nhiều loại vi khuẩn.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hắc lào bao gồm:

  • Trẻ em dưới 15 tuổi sống trong môi trường khí hậu nóng ẩm. Đây là nguyên nhân phổ biến làm cho nhiều bé bị hắc lào nặng;
  • Người có hệ miễn dịch suy giảm;
  • Người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi và sinh hoạt với người mắc bệnh hắc lào;
  • Người thường xuyên mang quần áo bó sát...

2. Bệnh hắc lào nặng có nguy hiểm không?

Triệu chứng của người bệnh hắc lào nặng bao gồm ngứa (đặc biệt là khi mồ hôi ra tại vùng da bị nấm), bong tróc vảy ở bề mặt da... Vùng da bị hắc lào xuất hiện các hình tròn như đồng tiền xu, có thể nhiều hình tròn xếp chồng lên nhau.

Giai đoạn đầu mắc bệnh, tổn thương da xuất hiện thành các đám nhỏ hình tròn có ranh giới hoặc hình bầu dục. Sau đó chúng liên kết và hình thành một mảng lớn nổi lên trên bề mặt da với màu sắc nâu hoặc đỏ, da bong tróc, cạnh sắc cứng, ngứa ngáy. Trong nhiều trường hợp còn kèm theo mụn mủ hoặc mụn nước nhỏ phồng rộp lên do gãi, cào xước da gây bội nhiễm.

Triệu chứng của bệnh hắc lào cụ thể tại các bộ phận trên cơ thể như sau:

  • Hắc lào tại da đầu: Triệu chứng ngứa ngáy da đầu, hình thành các mụn mủ, rụng tóc, sưng hạch bạch huyết, mảng phồng rộng do mụn nước. Bệnh hắc lào nặng tại da đầu rất khó phát hiện và gặp nhiều khó khăn khi điều trị;
  • Hắc lào tại tay chân: Đây là vị trí mắc bệnh phổ biến do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vị trí kẽ ngón tay, ngón chân có nguy cơ cao mắc bệnh, lớp da tróc vảy tạo các mảng da chết gây ngứa ngáy, khó chịu;
  • Hắc lào tại vùng da đùi: Chủ yếu do vi nấm chủng Tinea cruris gây nên. Vùng da đùi của người bệnh thường xuất hiện mụn nước, nốt hồng ban hình đồng xu;
  • Hắc lào toàn thân: Bệnh lý xảy ra khi người bệnh bị nấm da nhưng không được điều trị, vệ sinh cá nhân, thường xuyên gãi làm cho bệnh lan nhanh đến nhiều vùng trong cơ thể;
  • Hắc lào đa sắc: Triệu chứng với các mảng thương tổn nhiều màu sắc như trắng hồng, hồng nâu, nâu đậm. Vùng da bị nấm xuất hiện vảy, các vết đốm làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của người bệnh. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của hắc lào đa sắc thường thấp hơn so với các nhóm khác.

Bệnh hắc lào nếu không được điều trị sẽ dẫn đến hắc lào nặng và gây ra những hệ quả nghiêm trọng như sau:

  • Hắc lào nặng gây khó chịu, ngứa ngáy, phồng rộp, đau rát vùng da bị nhiễm bệnh. Điều này làm giảm chất lượng sống và ảnh hưởng đến công việc của người bệnh;
  • Bị hắc lào nặng nếu không được điều trị hoặc điều trị nhưng tái đi tái lại nhiều lần sẽ gây nguy hiểm, người bệnh có khi phải sống chung với căn bệnh này suốt đời.

3. Phương pháp điều trị hắc lào nặng

Điều trị bệnh hắc lào nặng phụ thuộc vào vị trí và tình trạng nhiễm nấm của người bệnh. Đối với người mắc bệnh ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể sử dụng thuốc không kê đơn dạng bôi như dung dịch cồn BSI, dung dịch ASA, antimycose... Các loại thuốc này có tác dụng diệt nấm tốt nhưng gây đau rát, lột da nhiều hoặc để lại màu đen trên da,...

Hiện nay các nhóm thuốc chống nấm dạng bôi tại chỗ đem lại hiệu quả cao như Ketoconazol, Miconazol, Econazol... với ưu điểm mùi thơm, không màu, không gây sưng đau, không gây lột da nhưng có thể gây kích ứng nhẹ.

Đối với người bệnh bị hắc lào nặng và tổn thương rộng, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân bằng thuốc chống nấm như Ketoconazol, Griseofulvin, Fluconazole... Quá trình điều trị cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ có chuyên môn, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.

Nguyên tắc khi sử dụng thuốc điều trị hắc lào để đạt hiệu quả và không tái phát là điều trị liên tục (bôi thuốc 2 – 3 lần/ngày) đến khi lành da, tiếp tục bôi thêm ít nhất 2 tuần nữa sau khi lành để tránh nguy cơ tái phát bệnh. Đối với người bệnh điều trị 4 tuần bằng thuốc bôi ngoài da nhưng không cải thiện triệu chứng cần ngưng sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ để được xem xét lại chẩn đoán và chỉ định.

Tóm lại, bệnh hắc lào nếu không được điều trị sẽ dẫn đến mức độ nặng và gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ chỉ định đơn thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • thuốc aphagystin
    Công dụng thuốc Aphagystin

    Aphagystin là một loại thuốc đặt phụ khoa, được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý phụ khoa. Vậy công dụng của thuốc Aphagystin là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào? Đọc tiếp ...

    Đọc thêm
  • Bệnh nhân hắc lào tiêm vắc xin Covid có nguy hiểm không?
    Bệnh nhân hắc lào tiêm vắc xin Covid có nguy hiểm không?

    Hiện tại, em đang uống thuốc và điều trị bệnh hắc lào bằng thuốc tây. Vậy bác sĩ cho em hỏi bệnh nhân hắc lào tiêm vắc xin Covid có nguy hiểm không? Em cảm ơn bác sĩ.

    Đọc thêm
  • Natacina
    Công dụng thuốc Natacina

    Thuốc Natacina chứa thành phần chính là hoạt chất Natamycin 25mg, thuộc nhóm thuốc phụ khoa. Thuốc được bào chế cho người dùng ở dạng viên nén đặt âm đạo. Vậy thuốc Natacina có tác dụng gì và cách sử ...

    Đọc thêm
  • Ancobon
    Công dụng thuốc Ancobon

    Thuốc Ancobon thường dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống nấm khác để điều tra tình trạng nhiễm nấm nghiêm trọng đe doạ tính mạng. Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả bạn cần hiểu ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Odaft
    Công dụng thuốc Odaft

    Thuốc Odaft được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với thành phần chính trong mỗi viên thuốc là Fluconazole 150mg. Vậy thuốc Odaft là thuốc gì, thuốc Odaft có tác dụng gì và cách sử dụng thuốc như ...

    Đọc thêm