Thói quen nào sẽ giúp bạn tránh cảm lạnh và cúm?

Cảm lạnh và cảm cúm là 2 căn bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp và do virus gây ra. Để phòng ngừa bệnh, bạn có thể thay đổi các thói quen trong cuộc sống hàng ngày và thực hiện tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin để tạo ra kháng thể phòng chống bệnh.

1. Dấu hiệu nhận biết cảm cúm và cảm lạnh

Triệu chứng của cảm cúmcảm lạnh có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên cúm thường có biểu hiện nặng nề và rõ ràng hơn.

1.1. Dấu hiệu nhận biết cảm lạnh

Các triệu chứng của cảm lạnh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Người bị cảm lạnh thường khởi bệnh với tính chất nhẹ nhàng và biểu hiện nặng dần lên vào những ngày tiếp theo. Một đợt cảm lạnh có thể khiến cơ thể khá mệt mỏi nhưng không đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến những hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Các triệu chứng thường gặp của cảm lạnh bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Ho
  • Chảy mũi
  • Chảy nước mắt hoặc ngứa
  • Đau họng
  • Nhức đầu
  • Sốt, thường phổ biến ở trẻ em, hiếm khi xuất hiện ở người lớn

Đa số mọi người không đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán cảm lạnh. Việc đưa ra chẩn đoán một trường hợp bị cảm lạnh chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và ít khi cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng thường dùng để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự.

triệu chứng cảm lạnh
Các triệu chứng của cảm lạnh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày

1.2. Dấu hiệu nhận biết cảm cúm

Các triệu chứng của cảm cúm khác với cảm lạnh thường xuất hiện đồng thời với mức độ khá nặng nề ngay từ những ngày đầu tiên của bệnh. Nhiều người mắc cúm thường than vãn về sự mệt mỏi tìm đến nhanh chóng và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Các triệu chứng của cảm cúm bao gồm:

  • Sốt cao
  • Đau đầu
  • Đau nhức toàn thân
  • Tổng trạng mệt mỏi nhiều
  • Ho
  • Đau họng
  • Chảy mũi nước
  • Nôn mửa và/hoặc tiêu chảy, thường xuất hiện ở trẻ em.

Khác với cảm lạnh, việc chẩn đoán cảm cúm cần có sự chỉ định của một số xét nghiệm cận lâm sàng. Người bệnh cần nhận diện các triệu chứng giống cúm và đến gặp bác sĩ trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi phát bệnh. Những người có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng từ bệnh cúm nên được bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa các triệu chứng nặng, biến chứng và giảm tỷ lệ nhập viện.

2. Nguyên nhân gây ra cảm lạnh và cảm cúm

Cả hai bệnh lý cảm lạnh và cảm cúm đều do virus gây ra. Bệnh lây lan thông qua những giọt bắn trong không khí xuất hiện khi ho và hắt xì hơi, tiếp xúc với nước bọt và chạm tay vào các bề mặt nhiễm khuẩn.

Virus cúm A
Cảm lạnh và cảm cúm đều do virus gây ra

2.1. Nguyên nhân gây ra cảm lạnh

Hơn 200 loại virus khác nhau có thể là nguyên nhân của tình trạng cảm lạnh thông thường. Rhinovirus là nhóm virus gây bệnh phổ biến nhất, ngoài ra một số tác nhân gây bệnh khác có thể kể đến là RSV, parainfluenza. Hệ miễn dịch của cơ thể người thường chống lại và ghi nhớ các loại virus gây cảm lạnh sau mỗi lần tiếp xúc, tuy nhiên luôn có các loại virus gây bệnh khác tồn tại ở môi trường bên ngoài gây ra những triệu chứng tương tự.

2.2. Nguyên nhân gây ra cảm cúm

Virus influenza là tác nhân gây bệnh cảm cúm. Có nhiều chủng influenza khác nhau, và chúng thường xuyên đột biến để tạo ra các phân nhóm và các biến thể mới. Virus influenza được phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm virus cúm A, virus cúm B, virus cúm C, nhưng chỉ có virus cúm A và B gây ra bệnh cảm cúm theo mùa.

Mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao sẽ biểu hiện bằng các triệu chứng nặng nề hơn. Nhóm người có nguy cơ bao gồm phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và những người mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, hen phế quản hoặc đái tháo đường.

3. Các biện pháp phòng cảm cúm và cảm lạnh

Cảm cúm và cảm lạnh có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp đơn giản như sau:

  • Sử dụng nước rửa tay nhanh: Nước rửa tay nhanh chứa cồn đang ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Dung dịch rửa tay có hiệu quả nên chứa khoảng 60% cồn trong tổng thành phần. Đây là nồng độ cần có để giết chết các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên người dân không nên quá lạm dụng nước rửa tay nhanh. Thời điểm nên sử dụng thường là sau khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, ngay sau khi về nhà hoặc trước khi ăn. Tần suất sử dụng trung bình khoảng 1 đến 2 lần một ngày.
  • Rửa tay sạch với xà phòng: Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn là biện pháp quan trọng trong việc phòng cảm cúm và phòng cảm lạnh. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có khoảng 5% các trường hợp rửa tay đủ lâu để tiêu diệt vi khuẩn và hai trong ba người cảm thấy phiền toái vì phải rửa tay với xà phòng. Vì thế, không nhất thiết phải rửa tay thường xuyên với xà phòng sau mỗi lần tiếp xúc như bắt tay, thay vào đó cần ghi nhớ các thời điểm quan trọng cần rửa tay như sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống.
  • Tắt vòi nước bằng giấy sạch: Tay cầm vòi nước là vị trí bẩn nhất trong phòng tắm vì chứa rất nhiều vi khuẩn. Nên sử dụng khăn giấy để mở cửa phòng tắm và tắt vòi nước sau khi đã rửa tay với nước và xà phòng.
  • Tránh sử dụng máy sấy làm khô tay: Những loại máy móc này không chỉ tạo ra tiếng ồn lớn mà chúng còn có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của con người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng máy sấy có khả năng làm lây lan vi khuẩn với tốc độ nhanh gấp 1300 lần so với khi sử dụng khăn giấy. Vì thế, sau khi đi vệ sinh nên ưu tiên sử dụng khăn giấy để làm khô tay.
  • Bấm nút thang máy bằng khuỷu tay hoặc tay áo: Nút bấm các tầng trong thang máy là nơi có nhiều người chạm vào nhất, vị thế chứa rất nhiều vi khuẩn. Vì thế cần hạn chế chạm tay trực tiếp vào các nút bấm bên trong thang máy.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị ốm: Cần giải thích trước với người bệnh rằng hành động không bắt tay hay không ôm chào không có ý thô lỗ mà đó là cách để bảo vệ sức khoẻ của những người khác. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng tránh tiếp xúc với bạn bè hay người thân khi họ có các biểu hiện bất thường như ho và hắt xì hơi.
Hắt xì hơi
Tránh tiếp xúc với những người bị ốm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh

  • Không chạm tay lên mặt: Chạm tay lên mắt, mũi, miệng là một trong những con đường gây lây lan mầm bệnh. Thực tế chứng minh chúng ta chạm tay lên mặt nhiều lần mà không hề nhận ra, trung bình khoảng 16 lần mỗi giờ.
  • Sử dụng thảm tập cá nhân: Trong các lớp tập thể dục, những tấm thảm tập sử dụng chung là nơi cư ngụ của rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Cần đảm bảo vệ sinh thảm tập sau mỗi lần sử dụng bằng các dung dịch khử khuẩn.
  • Lau chùi thiết bị tập trong phòng gym: Luyện tập thể dục là một việc làm cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế là các thiết bị tập thường khá bẩn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng virus gây bệnh cảm lạnh hiện diện trên khoảng 63% các thiết bị phòng tập. Bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh vật gây bệnh bằng cách lau chùi các dụng cụ và máy tập trước khi sử dụng là việc làm cần thiết.
  • Mang khẩu trang ở những nơi đông người: sử dụng khẩu trang khi đi vào những chỗ đông người là một việc làm cần thiết tương đương với đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh. Các lớp vải của khẩu trang là lớp màng ngăn, giảm thiểu sự tiếp xúc với các giọt chất bắn từ đường hô hấp khi ho, nói chuyện, hắt xì hơi.
  • Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa: việc sử dụng vắc-xin là phương pháp phòng bệnh chủ động có hiệu quả, có vai trò trong việc giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhập viện liên quan đến cúm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: verywellhealth.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan