Xét nghiệm cận lâm sàng là gì?

Xét nghiệm cận lâm sàng là các thủ tục y tế được thực hiện để phát hiện, chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh, đánh giá đáp ứng với điều trị. Với sự tiến bộ của Y học hiện đại, có rất nhiều loại xét nghiệm cận lâm sàng với giá trị khác nhau. Việc lựa chọn thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng nào phù hợp là cần phải có sự khám bệnh, nhận định và suy luận của bác sĩ.

1. Xét nghiệm cận lâm sàng là gì?

Xét nghiệm cận lâm sàng là các công cụ, phương thức y tế được thực hiện rất phổ biến trong quá trình thăm khám, điều trị và theo dõi bệnh tật. Đối với bác sĩ trực tiếp điều trị, xét nghiệm cận lâm sàng được xem là cách thức hỗ trợ đắc lực, nhất là trong các bệnh cảnh triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể không rõ ràng hoặc không đặc hiệu.

Để thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, các cơ sở y tế phải trang bị đầy đủ về nhân lực, phương tiện, máy móc và các vật chất nói chung. Đồng thời, mỗi loại xét nghiệm cận lâm sàng đòi hỏi cần có quy trình tiến hành, quy định phòng bộ cũng như xử lý chất thải (nếu có) sau khi kết thúc.

Ngoài ra, với sự tiến bộ của Y học hiện đại, thị trường hiện nay có rất nhiều loại xét nghiệm cận lâm sàng với giá trị khác nhau, độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. Vì thế, việc lựa chọn thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng nào phù hợp là cần phải có sự khám bệnh, nhận định và suy luận của bác sĩ. Vai trò của các xét nghiệm cận lâm sàng thực sự là hữu ích, tránh lãng phí hay làm giảm nguy hại, phơi nhiễm độc tố cho người bệnh khi không cần thiết.

2. Có các loại xét nghiệm cận lâm sàng nào?

Chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện nguyên nhân đau đầu
Xét nghiệm cận lâm sàng thực hiện theo phương pháp chụp cộng hưởng từ não

xét nghiệm cận lâm sàng rất đa dạng và phong phú, việc liệt kê đầy đủ các loại xét nghiệm cận lâm sàng có thể được thực hiện với nhiều cách thức khác nhau:

  • Theo mục đích

Trong thực hành hằng ngày, các xét nghiệm cận lâm sàng thường được phân loại theo mục đích sử dụng. Theo đó, các nhu cầu cần thiết chỉ định cần làm xét nghiệm là từ phía bác sĩ khi khám bệnh với các mục đích phổ biến nhất là chẩn đoán bệnh, sàng lọc bệnh và đánh giá diễn tiến hay đáp ứng điều trị của bệnh.

  • Theo phương pháp

Hầu hết các xét nghiệm cận lâm sàng có từng phương pháp kiểm tra riêng và có thể được phân loại thành một trong các nhóm phổ quát sau:

  • Định tính các thành phần trong bệnh phẩm như máu, nước tiểu, dịch tiết...
  • Định lượng các chất sinh hóa trong bệnh phẩm như máu, nước tiểu, dịch tiết...
  • Hình ảnh học bằng sóng siêu âm như siêu âm tim, siêu âm khớp, siêu âm thai...
  • Hình ảnh học bằng phóng xạ, như chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, ổ bụng...
  • Hình ảnh học bằng từ trường, như chụp cộng hưởng từ não, khớp...
  • Đánh giá điện học, như đo điện tim, điện cơ, điện não.
  • Quan sát hình thái bằng nội soi, như nội soi hô hấp, tiêu hóa,...
  • Phân tích hình ảnh học ở mức độ tế bào bằng bằng sinh thiết
  • Nuôi cấy vi sinh, để xác định sự hiện diện hay vắng mặt của vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu có thể chẩn đoán nhiều bệnh

  • Theo vị trí lấy mẫu

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể được phân loại theo vị trí lấy mẫu bệnh phẩm hay cơ quan, nội tạng cần thám sát, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Tế bào, sinh hóa, vi sinh
  • Xét nghiệm nước tiểu: Tế bào, sinh hóa, vi sinh
  • Xét nghiệm đàm, phân hay các chất tiết khác của cơ thể như dịch dạ dày, dịch màng phổi,...
  • Khảo sát chức năng và hình thái của tim mạch, não, các tạng trong ổ bụng: Siêu âm, X Quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, nội soi.
  • Khảo sát hình thái và cấu trúc của xương khớp: X Quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ.

3. Nhận định kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng như thế nào?

xét nghiệm sinh hóa máu
xét nghiệm sinh hóa máu thực hiện khá thường quy

Các xét nghiệm cận lâm sàng cho kết quả được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau, tùy vào phương pháp thực hiện. Nếu xét nghiệm phát hiện thấy yếu tố được chỉ định là xét nghiệm “dương tính”. Ngược lại, nếu xét nghiệm không phát hiện thấy yếu tố được chỉ định là xét nghiệm “âm tính”.

Đối với xét nghiệm đo lường nồng độ các chất, chẳng hạn như hầu hết các xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu, kết quả nhận được sẽ là các biến số liên tục với đơn vị đo và thang đo theo chuẩn định sẵn của phòng xét nghiệm. Đồng thời, khoảng giá trị của cộng đồng bình thường cũng được trình bày song song nhằm giúp nhận định kết quả là “bình thường” hoặc “bất thường”.

Đối với các xét nghiệm cận lâm sàng là mô tả hình thái, cấu trúc và chức năng các tạng, việc ghi nhận kết quả có thể phù thuộc vào chủ quan của bác sĩ hay kỹ thuật viên hình ảnh học cũng như thiết bị, phương tiện, máy móc và các thông số kỹ thuật khác.

Khi đã ghi nhận được kết quả của xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định, việc nhận định kết quả là do bác sĩ lâm sàng trực tiếp điều trị cho người bệnh trong mối tương quan với bệnh cảnh, các triệu chứng cơ năng và thực thể khác. Đồng thời, các kết quả này là giá trị tham khảo hiện tại, không có tính chất bất biến, nhất là trong các bệnh lý diễn tiến nhanh. Ngoài ra, cần tham khảo các yếu tố gây nhiễu, yếu tố chồng lấp và biết cách biện luận các trường hợp “dương tính giả”, “âm tính giả”.

4.Việc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng có nguy cơ gì hay không?

Bất kỳ xét nghiệm cận lâm sàng nào không phải luôn hoàn toàn vô hại mà đều tiềm ẩn những rủi ro cho người bệnh. Ví dụ việc lấy máu làm xét nghiệm, nhất là khi lấy nhiều lần, có thể gây đau đớn, tâm lý sợ hãi cho người bệnh; nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ khi chụp X Quang, cắt lớp vi tính; nguy cơ khi gây tê, gây mê với can thiệp nội soi, sinh thiết... và cả các nguy cơ tốn kém về chi phí, kinh tế.

Tuy nhiên, trước khi chỉ định, các nguy cơ này đều được bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán bệnh cân nhắc với lợi ích đem lại, nhằm thu được hiệu quả là tối đa. Vì vậy, trong tất cả các trường hợp, việc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng không được tự ý, tùy tiện, bừa bãi mà luôn phải có chỉ định của bác sĩ.

5. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng tại Vinmec

Khám nhiễm virus
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phòng ngừa bệnh tật

Nếu như trước đây, mọi người thường chỉ gặp bác sĩ khi bị bệnh thì ngày nay, việc chăm sóc sức khỏe định kỳ, phòng ngừa bệnh tật một cách chủ động đang trở nên phổ biến. Điều này là nhờ vào trình độ học thức, chất lượng cuộc sống đã được nâng cao hơn và mọi người đã được trao quyền tiếp cận chủ động về sức khỏe của chính mình. Đồng thời, việc khám bệnh định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng đôi khi sẽ giúp phát hiện ra bất thường mà chính bản thân chưa nhận thấy được. Từ đó, mọi người sẽ có chẩn đoán sớm, giúp điều trị bệnh sớm cũng như nhận được các lời khuyên y tế về một lối sống lành mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý thường gặp. Như vậy, với các dịch vụ y tế thăm khám và làm xét nghiệm định kì, mọi người sẽ có điều kiện, cơ hội để sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

Chính vì những lợi ích nêu trên, với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa ra các gói khám sức khỏe tổng quát và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với từng đối tượng. Khách hàng sẽ được bác sĩ trực tiếp khai thác tiền sử bệnh bản thân và gia đình, đo huyết áp, chỉ số khối cơ thể, khám sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cũng như các tư vấn trong từng tình huống. Với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, trình độ cao và giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống máy móc xét nghiệm tiên tiến, tối tân, việc khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec xứng đáng là một địa chỉ tin cậy, chất lượng đẳng cấp quốc tế của mọi người và của mọi gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: