Công dụng của thuốc xịt Seretide 25/50

Thuốc xịt Seretide 25/50 được bào chế dạng khí dung, trong chai xịt. Thuốc có thành phần là salmeterol và fluticason, dùng để điều trị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

1. Thuốc Seretide 25/50 có tác dụng gì?

Thuốc Seretide 25/50 có chứa salmeterol và fluticasone propionate với cơ chế tác dụng khác nhau. Cụ thể, salmeterol bảo vệ hiệu quả đối với cơn co thắt phế quản do histamin, tạo ra tác dụng giãn phế quản lâu hơn. Fluticasone propionate dạng hít có hoạt tính kháng viêm, làm giảm triệu chứng và cơn kịch phát của bệnh hen, không có tác dụng bất lợi như khi dùng corticosteroid toàn thân.

Thuốc xịt Seretide 25/50 được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị hen: Chỉ định trong điều trị thường xuyên bệnh hen (tắc nghẽn đường dẫn khí có hồi phục) bao gồm hen phế quản ở người lớn và trẻ từ 4 tuổi trở lên;
  • Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Điều trị duy trì tắc nghẽn đường dẫn khí và giảm cơn kịch phát ở người mắc COPD, giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Seretide 25/50

Bệnh nhân cần dùng thuốc thường xuyên kể cả khi không có triệu chứng để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu. Người bệnh cần đi khám lại đều đặn để bác sĩ chỉ định hàm lượng Seretide sử dụng tối ưu.

2.1 Cách dùng thuốc Seretide 25/50

Thuốc Seretide 25/50 được sử dụng bằng cách hít qua đường miệng.

Hướng dẫn sử dụng bình xịt thuốc Seretide 25/50:

Kiểm tra bình xịt: Trước lần sử dụng đầu tiên, người bệnh nên tháo nắp đậy ống ngậm (bằng cách bóp nhẹ các mặt của nắp), lắc kỹ bình xịt, giữ bình xịt giữa các ngón tay, xịt vào không khí đến khi bộ đếm chỉ số 120 để đảm bảo bình xịt hoạt động bình thường. Nên lắc bình xịt trước khi xịt thuốc. Nếu không sử dụng bình xịt trong vòng 1 tuần hoặc lâu hơn, bạn nên tháo nắp đậy ống ngậm, lắc kỹ bình xịt, xịt 1 lần vào không khí. Mỗi lần khởi động, con số trên bộ đếm bình xịt sẽ giảm đi 1. Trong một số trường hợp, làm rơi bình xịt cũng có thể khiến bộ đếm hoạt động.

Sử dụng bình xịt: Thực hiện các bước như sau:

  • Tháp nắp đậy ống ngậm (Bằng cách bóp nhẹ các mặt nắp đậy)
  • Kiểm tra bên trong và bên ngoài bình xịt, kể cả ống ngậm vào miệng, đảm bảo các bộ phận chắc chắn, không bị long ra
  • Lắc kỹ bình xịt, đảm bảo loại bỏ các vật bị long ra và giúp trộn đều các thành phần trong bình xịt
  • Giữ bình xịt thẳng đứng giữa các ngón tay, đặt ngón tay cái ở đáy, phía dưới ống ngậm;
  • Thở ra hết cỡ tới khi cảm thấy dễ chịu, đưa ống ngậm vào miệng giữa 2 hàm răng, khép môi xung quanh (không cắn ống ngậm);
  • Bắt đầu hít vào qua đường miệng, ấn xuống vào phần đỉnh bình xịt để phóng thích các hoạt chất trong đó, hít vào thật sâu và đều đặn;
  • Trong khi nín thở, lấy bình xịt ra khỏi miệng, thả lỏng ngón tay đặt ở phần đỉnh bình xịt. Tiếp tục nín thở tới khi còn chịu được;
  • Nếu xịt thêm liều thứ 2, bạn nên giữ bình xịt thẳng đứng, đợi khoảng 30 giây rồi lặp lại các bước từ 3 - 7;
  • Súc miệng với nước sạch, nhổ đi;
  • Đậy nắp bình xịt đúng khớp. Nếu nắp không khớp, cần xoay nắp theo chiều ngược lại và thử lại, không dùng lực quá mạnh.

Lưu ý:

  • Không thực hiện các bước 5, 6, 7 vội vàng. Bạn cần bắt đầu hít vào càng chậm càng tốt trước khi vận hành bình xịt. Nên tập luyện sử dụng trước gương trong vài lần đầu. Nếu thấy có hơi nước bốc ra từ đỉnh bình xịt hoặc lan ra 2 bên khóe miệng thì bạn nên bắt đầu lại từ bước 2;
  • Khi bộ đếm của bình xịt trở về chỉ số 020, bạn nên cân nhắc thay thế bình thuốc mới. Khi bộ đếm còn 000, bạn cần thay bình thuốc mới;
  • Nếu bác sĩ có hướng dẫn sử dụng khác, người bệnh cần thực hiện đúng theo lời khuyên của bác sĩ một cách cẩn thận.

2.2 Liều dùng thuốc xịt Seretide 25/50

  • Hen

Cần điều chỉnh tới liều thấp nhất mà vẫn duy trì được việc kiểm soát hiệu quả các triệu chứng của bệnh. Khi việc kiểm soát triệu chứng bệnh duy trì ở liều Seretide 2 lần/ngày thì có thể điều chỉnh tới liều thấp nhất có hiệu quả là 1 lần/ngày. Nên cho người bệnh dùng dạng Seretide có hàm lượng fluticasone propionate phù hợp với diễn tiến của bệnh.

Nếu người bệnh không được kiểm soát tình trạng hen đầy đủ với cách trị liệu corticosteroid hít đơn thuần thì có thể điều trị thay thế bằng Seretide với liều corticosteroid tương đương có thể giúp cải thiện việc kiểm soát hen. Ở người bệnh sử dụng corticosteroid hít đơn thuần có thể kiểm soát hen thì việc điều trị thay thế bằng Seretide sẽ giúp giảm liều corticosteroid mà vẫn kiểm soát hen hiệu quả.

  • Người từ 12 tuổi trở lên

2 nhát xịt loại 25mcg salmeterol và 250mcg fluticasone propionate x 2 lần/ngày (thuốc Seretide 25/250). Liều khuyến cáo tối đa là 50/500 x 2 lần/ngày

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Liều khuyến cáo cho người lớn: 2 nhát xịt loại 25mcg salmeterol và 250mcg fluticasone propionate x 2 lần/ngày. Với liều dùng 50/500mcg x 2 lần/ngày, Seretide được chứng minh là giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

  • Các nhóm bệnh nhân đặc biệt

Không cần điều chỉnh liều Seretide cho người cao tuổi, bệnh nhân suy gan hoặc suy thận.

Lưu ý: Liều dùng đưa ra ở trên chỉ mang tính tham khảo. Bác sĩ sẽ căn cứ vào thể trạng, mức độ diễn tiến của bệnh nhân để chỉ định liều dùng phù hợp.

Quá liều: Khi dùng thuốc quá liều, bệnh nhân có biểu hiện rum, đau đầu, tăng huyết áp tâm thu, nhịp tim nhanh và hạ kali huyết. Ngoài ra, người bệnh có thể bị ức chế ở tuyến thượng thận. Người dùng thuốc quá liều được điều trị hỗ trợ, theo dõi thích hợp nếu cần.

Quên liều: Khi quên dùng 1 liều thuốc Seretide, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp đúng theo kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Seretide 25/50

Khi sử dụng thuốc Seretide, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm nấm candida miệng, họng và thực quản; viêm phổi (ở người bệnh COPD), viêm phế quản;
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn trên da, khó thở, phản ứng phản vệ, phù mạch (mặt, miệng, hầu, họng), co thắt phế quản;
  • Rối loạn nội tiết: Hội chứng Cushing, làm chậm sự tăng trưởng ở trẻ em và thanh thiếu niên, suy thượng thận, giảm mật độ khoáng xương;
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm kali huyết, tăng đường huyết;
  • Rối loạn tâm thần: Lo lắng, rối loạn giấc ngủ, thay đổi hành vi (tăng hoạt động và kích thích), trầm cảm, kích động;
  • Rối loạn hệ thần kinh: Run, đau đầu;
  • Rối loạn mắt: Tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể;
  • Rối loạn tim: Đánh trống ngực, rung nhĩ, cơn đau thắt ngực, loạn nhịp tim;
  • Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Viêm mũi họng, khàn giọng, khó phát âm, viêm xoang, kích ứng họng, co thắt phế quản;
  • Rối loạn da và mô dưới da: Vết thâm tím trên da;
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Đau khớp, chuột rút, gãy xương (do chấn thương), đau cơ.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Seretide, người bệnh nên ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Seretide 25/50

Thuốc xịt Seretide 25/50 chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người có tiền sử quá mẫn với các thành phần của thuốc;
  • Điều trị ban đầu tình trạng hen, đợt cấp của hen phế quản, COPD khi cần phải điều trị tích cực.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Seretide 25/50:

  • Không bắt đầu dùng thuốc ở bệnh nhân đang trong giai đoạn bệnh xấu đi hoặc đợt cấp của hen, COPD có nguy cơ đe dọa tính mạng. Thuốc Seretide 25/50 không phải dùng để giảm triệu chứng cấp tính mà cần dùng 1 thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh và ngắn. Việc tăng sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để giảm triệu chứng có thể là dấu hiệu cho thấy thuốc Seretide đang kiểm soát bệnh không tốt, người bệnh cần được khám lại;
  • Seretide 25/50 không nên sử dụng nhiều lần hơn so với khuyến cáo, liều dùng cao hơn so với khuyến cáo hoặc sử dụng đồng thời với các thuốc có chứa LABA để tránh nguy cơ quá liều;
  • Bệnh nhân điều trị bằng Seretide 25/50 có thể phát triển nhiễm trùng tại chỗ ở miệng và họng do nấm Candida. Khi có nhiễm trùng, cần điều trị bằng liệu pháp chống nấm toàn thân (đường uống) hoặc tại chỗ thích hợp, vẫn tiếp tục dùng thuốc Seretide. Bệnh nhân súc miệng với nước và nhổ ra sau khi hít có thể giảm nguy cơ nhiễm nấm Candida ở hầu họng;
  • Nguy cơ viêm phổi gia tăng khi sử dụng Seretide 25/50 ở bệnh nhân COPD. Cần cảnh giác với khả năng xảy ra viêm phổi ở người bệnh COPD vì các triệu chứng khá giống nhau;
  • Khả năng suy giảm đáp ứng tuyến thượng thận có thể xảy ra ở bệnh nhân chuyển từ điều trị steroid đường uống sang fluticasone propionate dạng hít. Vì vậy, cần điều trị thận trọng và thường xuyên theo dõi chức năng vỏ thượng thận. Khi bắt đầu dùng fluticasone propionate, steroid đường toàn thân cần giảm liều dần dần và ngưng;
  • Các corticosteroid dạng hít được hấp thu vào vòng tuần hoàn ở người bệnh nhạy cảm, bệnh nhân điều trị với thuốc Seretide 25/50 cần cẩn thận với các tác dụng toàn thân của corticosteroid: Cushing do thuốc, ức chế tuyến thượng thận. Nếu xảy ra các tác dụng như vậy, cần giảm liều Seretide từ từ, phù hợp, cân nhắc tới các biện pháp điều trị triệu chứng hen khác;
  • Thuốc Seretide 25/50 tương tác với các thuốc ức chế mạnh cytochrome P450 3A4 nên cần thận trọng khi phối hợp các thuốc này;
  • Ngay sau khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể bị co thắt phế quản nghịch lý hoặc các triệu chứng phù nề thanh quản, thở khò khè, nghẹt thở,... Trong trường hợp này, người bệnh nên ngay lập tức dùng 1 thuốc giãn phế quản dạng hít nhanh và ngắn. Đồng thời, ngưng sử dụng thuốc Seretide 25/50 ngay lập tức, điều trị thay thế nếu cần thiết;
  • Phản ứng quá mẫn tức thì như phản vệ, nổi mề đay, phù mạch, phát ban, hạ huyết áp, co thắt phế quản,... có thể xảy ra sau khi sử dụng thuốc Seretide 25/50;
  • Thuốc Seretide 25/50 cần sử dụng thận trọng ở bệnh nhân rối loạn tim mạch (đặc biệt là loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy động mạch vành) vì có thể gây co giật, tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhịp tim nhanh, bồn chồn, hạ huyết áp, đau đầu, run, chóng mặt, khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, mất ngủ,...;
  • Theo dõi, điều trị thích hợp ở bệnh nhân có nguy cơ cao bị giảm mật độ khoáng xương: Mãn kinh, bất động lâu ngày, dinh dưỡng kém, sử dụng thuốc lá, tuổi cao, tiền sử gia đình bị loãng xương, sử dụng thuốc làm giảm khối lượng xương,...;
  • Thuốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng khi dùng cho trẻ em. Cần giám sát sự tăng trưởng của bệnh nhi khi sử dụng thuốc Seretide 25/50 thường xuyên. Để giảm thiểu tác dụng phụ này, cần hiệu chỉnh liều dùng xuống liều thấp nhất có hiệu quả;
  • Bệnh tăng nhãn áp, tăng áp lực nội nhãn và đục thủy tinh thể có thể gặp ở bệnh nhân hen và COPD sau khi sử dụng thuốc xịt Seretide 25/50 kéo dài. Do vậy, cần giám sát chặt chẽ khi dùng thuốc ở người bệnh có thay đổi thị lực hoặc có tiền sử tăng nhãn áp, tăng áp lực nội nhãn, đục thủy tinh thể;
  • Nếu khả năng kiểm soát hen của thuốc Seretide 25/50 trở nên không tốt thì cần đi khám bác sĩ ngay;
  • Người mắc bệnh hen không ngừng sử dụng thuốc xịt Seretide 25/50 một cách đột ngột vì có thể dẫn đến các cơn kịch phát. Nên giảm liều một cách từ từ dưới sự giám sát của bác sĩ. Người bệnh COPD nếu ngừng điều trị bằng thuốc cũng có thể gây mất kiểm soát triệu chứng nên cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ;
  • Sử dụng thuốc Seretide 25/50 thận trọng ở người có nguy cơ hạ kali huyết thanh;
  • Thận trọng khi kê đơn thuốc Seretide cho bệnh nhân có tiền sử tiểu đường;
  • Người lái xe, vận hành máy móc cần lưu ý tới các tác dụng không mong muốn của thuốc Seretide 25/50 như đau đầu, đau khớp, đau cơ, chấn thương, chuột rút, đau thắt ngực, nhịp tim nhanh, co thắt phế quản, khó thở, lo lắng,...;
  • Cân nhắc khi sử dụng thuốc Seretide 25/50 ở phụ nữ mang thai và cho con bú.

5. Tương tác thuốc Seretide 25/50

Một số tương tác thuốc Seretide 25/50 người bệnh cần lưu ý:

  • Tránh dùng đồng thời cả thuốc ức chế beta chọn lọc và không chọn lọc (trừ khi có lý do bắt buộc);
  • Ritonavir (chất ức chế mạnh cytochrome P450 3A4) có thể làm tăng nồng độ fluticasone propionate trong huyết tương, gây giảm đáng kể nồng độ cortisol trong huyết thanh. Trong thời gian sử dụng thuốc Seretide 25/50, có tương tác thuốc ở bệnh nhân sử dụng fluticasone propionate hít và ritonavir, gây tác dụng toàn thân gồm hội chứng Cushing và ức chế thượng thận. Do đó, nên tránh dùng đồng thời 2 loại thuốc trên (trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ);
  • Thận trọng khi sử dụng các chất ức chế mạnh cytochrome P450 3A4 như ketoconazole do làm tăng nồng độ fluticasone propionate toàn thân;
  • Sử dụng đồng thời ketoconazole và salmeterol (1 hoạt chất trong Seretide 25/50) làm tăng nồng độ salmeterol trong huyết tương, có thể gây kéo dài khoảng QTc;
  • Sử dụng thận trọng thuốc xịt Seretide 25/50 ở bệnh nhân đang điều trị bằng IMAOS hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng (hoặc mới ngừng sử dụng các thuốc này trong vòng 2 tuần) vì tác động của salmeterol lên hệ mạch máu có thể tăng mạnh;
  • Thay đổi ECG, giảm kali huyết do sử dụng các thuốc lợi tiểu thải kali có thể trở nên xấu hơn khi sử dụng thuốc Seretide 25/50 (đặc biệt nếu dùng quá liều khuyến cáo). Vì vậy, cần thận trọng khi dùng đồng thời Seretide 25/50 với các thuốc lợi tiểu thải kali.

Thuốc xịt Seretide 25/50 có cách sử dụng khá phức tạp. Người bệnh nên làm theo mọi chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng, thời gian dùng thuốc,... để đảm bảo hiệu quả trị liệu, tránh được các tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan