Thuốc Aminophylline dùng thế nào?

Thuốc Aminophylline là thuốc giãn phế quản, được dùng để điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng của cơn hen phế quản, hen tim, hen suyễn,... Trong quá trình điều trị bằng Aminophylline, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn dùng thuốc mà bác sĩ khuyến cáo.

Aminophylline thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp (giãn phế quản), hay còn được gọi với tên khác là thuốc Theophylline ethylenediamine. Thuốc Aminophylline được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm tĩnh mạch, với hoạt chất chính là Aminophylline hydrate hàm lượng 25mg / ml, dung tích ống 10ml.

1. Chỉ định và công dụng của thuốc Aminophylline

1.1 Chỉ định sử dụng thuốc Aminophylline

Thuốc Aminophylline thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị hen phế quản nặng.
  • Điều trị hen tim.
  • Dùng trong viêm phế quản co thắt và viêm phế quản mạn.
  • Giúp điều trị bệnh suy tim mất bù, đau thắt ngực khi gắng sức.
  • Giảm tình trạng khó thở kịch phát ban đêm.
  • Điều trị block nhĩ thất kháng atropin phát triển dựa trên cơ sở thiếu máu cục bộ.
  • Làm giảm tình trạng phù hoặc rối loạn tuần hoàn não xảy ra do xơ vữa động mạch.
  • Điều trị rối loạn vi tuần hoàn do bệnh cao huyết áp.
  • Điều trị chứng đi tập tễnh cách hồi.

1.2 Công dụng của thành phần thuốc Aminophylline

Thành phần thuốc Aminophylline là Aminophylline hydrate được sử dụng chủ yếu để ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng khó thở, thở khò khè do bệnh phổi mãn tính. Chẳng hạn như khí thũng, hen suyễn, viêm phế quản mạn. Aminophylline thuộc nhóm xanthine, hoạt động dựa trên cơ chế làm giãn cơ, thông khí tại đường hô hấp nhằm giúp cải thiện các triệu chứng về hô hấp, đồng thời làm giảm tình trạng kích ứng phổi. Ngoài ra, Aminophylline cũng có khả năng kiểm soát tốt các triệu chứng cũng như vấn đề hô hấp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Thành phần Aminophylline trong thuốc không mang lại tác dụng tức thời, do đó thuốc không được khuyến cáo áp dụng cho các trường hợp lên cơn hen cấp tính. Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hít tác dụng mạnh, chẳng hạn như Albuterol cho bệnh nhân để điều trị nhanh các cơn hen suyễn cấp tính hoặc con thở hụt hơi trong khi đang sử dụng Aminophylline. Tốt nhất, bệnh nhân nên mang theo bên mình ống thuốc hít tác dụng nhanh để phòng trừ trường hợp lên cơn hen cấp tính không kiểm soát kịp bằng Aminophylline.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Aminophylline

2.1 Liều dùng thuốc Aminophylline

Liều dùng Aminophylline sẽ được xác định cụ thể dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân:

Liều cho người lớn

Liều tiêm tĩnh mạch Aminophylline được tính dựa trên trọng lượng cơ thể, thuốc không được khuyến nghị sử dụng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.

  • Điều trị cơn co thắt phế quản: Tiêm tĩnh mạch chậm liều Aminophylline 6mg / kg thể trọng với tốc độ dưới 25mg / phút. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể dùng liều duy trì Aminophylline trong 12 giờ tiếp theo, cụ thể tiêm tĩnh mạch liều 0,7mg / kg / giờ, giảm xuống còn 0,5mg / kg / giờ sau 12 tiếng.
  • Liều cho bệnh nhân đã sử dụng Theophylline: Điều chỉnh liều nạp vào mỗi 0,5mg / kg sẽ khiến nồng độ thuốc trong huyết thanh tăng 1mcg / ml. Nên xác định được nồng độ Theophylline trong huyết thanh trước khi dùng liều nạp. Nếu không thể xác định được nồng độ, bệnh nhân có thể dùng liều 3,1mg / kg.

Liều cho trẻ em

Liều điều trị cơn co thắt phế quản cấp: Tiêm tĩnh mạch chạm liều nạp 6mg / kg thể trọng với tốc độ dưới 25mg / phút. Có thể dùng liều duy trì trong vòng 12 giờ tuỳ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Đối với trẻ từ 6 tháng – 9 tuổi có thể tiêm tĩnh mạch liều 1,2mg / kg giờ và giảm xuống còn 1mg / kg / giờ sau 12 tiếng. Đối với trẻ từ 9 – 16 tuổi có thể tiêm tĩnh mạch liều 1mg / kg / giờ và giảm xuống còn 0,8mg / kg / giờ sau 12 tiếng.

Liều cho đối tượng khác

  • Điều trị co thắt phế quản cấp cho người lớn tuổi và rối loạn nhịp tim: Dùng 0,6mg / kg / giờ, sau 12 tiếng giảm xuống còn 0,3mg / kg / giờ.
  • Điều trị cho người bị bệnh gan hoặc suy tim sung huyết: Dùng 0,5mg / kg / giờ, sau 12 tiếng giảm xuống còn 0,1 – 0,2mg / kg / giờ.
  • Người lớn tuổi, bệnh nhân suy thận / suy gan: Có thể cân nhắc giảm liều và thường xuyên theo dõi nồng độ Aminophylline trong huyết thanh.

2.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Aminophylline

Thuốc Aminophylline được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch với tốc độ rất chậm (khoảng 20 – 30 phút) không pha loãng hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chậm sau khi pha một lượng lớn dịch truyền (tốc độ không vượt quá 25mg / phút).

2.3 Xử trí quá liều thuốc Aminophylline

Khi dùng quá liều thuốc Aminophylline, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng của ngộ độc Aminophylline, dẫn đến tình trạng buồn nôn, chán ăn, nôn ói, mất ngủ, tiêu chảy, bồn chồn, kích thích và nhức đầu. Ngoài ra, bệnh nhân dùng quá liều Aminophylline cũng có thể có các hành vi hưng cảm kích động, khát cực độ, nôn thường xuyên, ù tai, sốt nhẹ, loạn nhịp và đánh trống ngực. Đặc biệt, những người đã dùng Theophylline đường uống khi tiêm tĩnh mạch quá liều Aminophylline có thể gây loạn nhịp tử vong.

Khi xảy ra bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ quá liều thuốc Aminophylline, bệnh nhân cần nhanh chóng báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được xử trí.

3. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Aminophylline

Trong quá trình điều trị bằng thuốc tiêm tĩnh mạch Aminophylline, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý sau:

  • Kích động, bồn chồn, nhịp tim nhanh, buồn nôn / nôn.
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, ví dụ như viêm da tróc vảy (hiếm gặp).
  • Các rối loạn chuyển hoá, chẳng hạn như giảm phospho máu, hạ kali / natri huyết.
  • Mất ngủ, lo lắng hoặc có hành vi điên cuồng hay mê sảng khi dùng Aminophylline liều cao.
  • Lú lẫn, nhức đầu, chóng mặt, giảm thông khí hoặc run. Dùng liều cao hơn có thể gây đánh trống ngực, co giật, loạn nhịp tim, hạ huyết áp, tiêu chảy, đau bụng, xuất huyết tiêu hoá hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
  • Gây đau đớn khi tiêm bắp, cơn đau có thể kéo dài vài giờ. Nếu dùng thuốc Aminophylline liều cao hơn có thể gây khát và tăng thân nhiệt.

4. Một số lưu ý quan trọng khi dùng thuốc Aminophylline

4.1 Chống chỉ định Aminophylline trong trường hợp nào?

Thuốc Aminophylline không được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn hoặc dị ứng với Ethylenediamine, Caffeine, Theobromine hoặc bất kỳ dược chất nào khác trong thuốc.
  • Không dùng Aminophylline đường tiêm tĩnh mạch cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Không dùng Aminophylline khi đang dùng các thuốc Xanthine khác.
  • Không dùng cho bệnh nhân mắc rối loạn chuyển hóa Porphyrin cấp tính.
  • Chống chỉ định Aminophylline cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng, động kinh hoặc co giật không kiểm soát.

4.2 Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Aminophylline?

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Aminophylline, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:

  • Cần tiêm tĩnh mạch thuốc Aminophylline tốc độ chậm không quá 25mg / phút.
  • Cân theo dõi nồng độ của thuốc trong huyết thanh thường xuyên, nhất là khi mới bắt đầu điều trị bằng Aminophylline.
  • Cẩn trọng tiêm Aminophylline cho những người trên 55 tuổi.
  • Cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu nhiễm độc theophylline ở những bệnh nhân mắc bệnh tim, gan hoặc người cao tuổi.
  • Trẻ em có tiền sử bị động kinh nên được cân nhắc sử dụng thuốc điều trị thay thế khác. Nếu cho trẻ dùng Aminophylline cần theo dõi cẩn thận các dấu hiệu của kích thích thần kinh.
  • Những người bị nhiễm cúm đang hoạt động, sốt cấp tính hoặc đang được chủng ngừa cúm cần thận trọng khi sử dụng thuốc Aminophylline.
  • Thận trọng tiêm tĩnh mạch Aminophylline cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, rối loạn chức năng gan / thận hay nghiện rượu nặng bởi độ thanh thải của thuốc có thể giảm.
  • Cần theo dõi thường xuyên nồng độ kali máu trong suốt quá trình tiêm Aminophylline, nhất là khi bệnh nhân được điều trị phối hợp cùng thuốc lợi tiểu, thuốc chủ vận beta 2 hoặc Corticosteroid.
  • Những đối tượng như mắc bệnh cường giáp, loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, giảm oxy máu nghiêm trọng, tăng nhãn áp, tăng huyết áp, giảm chức năng tuần hoàn và suy tim cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc Aminophylline.

4.3 Tương tác của thuốc Aminophylline với thuốc khác

Dưới đây là những loại thuốc có thể làm giảm độ thanh thải của thuốc Aminophylline và làm tăng nồng độ của theophylline trong huyết tương, dẫn đến tăng độc tính, bao gồm:

  • Kháng sinh Macrolide như Clarithromycin hoặc Erythromycin.
  • Thuốc kháng sinh Quinolone như Norfloxacin hoặc Ciprofloxacin.
  • Thuốc tránh thai.
  • Thuốc Fluconazole.
  • Thuốc Propranolol.
  • Thuốc chẹn kênh canxi.
  • Vắc – xin cúm.
  • Thuốc Zafirlukast.
  • Hormone tuyến giáp.

Một số loại thuốc khác có thể làm giảm nồng độ theophylin trong huyết tương khi dùng phối hợp với Aminophylline, bao gồm:

Với tất cả những thông tin quan trọng về thuốc Aminophylline, hy vọng sẽ giúp quá trình sử dụng ở bệnh nhân được hiệu quả, an toàn và hạn chế tối đa những tác dụng phụ không đáng có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan