Công dụng thuốc Amelicol

Thuốc Amelicol là thuốc có công dụng điều trị ho, đau họng, sổ mũi, cảm cúm, sát trùng đường hô hấp, loãng niêm dịch, dịu cơn ho. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thông tin về sản phẩm thuốc Amelicol tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Để hiểu rõ hơn Amelicol là thuốc gì, công dụng của thuốc Amelicol là gì, hãy cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Amelicol là thuốc gì?

Amelicol với tác dụng chính sát trùng nhẹ đường hô hấp, giảm ho, long đờm, khiến cho đường thở thông thoáng. Amelicol sử dụng cho nhóm đối tượng là người lớn và trẻ hơn 30 tháng tuổi.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang mềm đóng gói 10 viên 1 hộp 3 vỉ.

Thành phần chính của thuốc Amelicol bao gồm:

  • 100mg Eucalyptol
  • 50mg Tinh dầu tràm (Oleum cajuputi)
  • 0.75mg Tinh dầu gừng (Oleum zingiberis)
  • 0.36mg Tinh dầu tần (Oleum coleii)
  • 0,5mg Menthol
  • Tá dược vừa đủ trong 1 viên

2. Công dụng thuốc Amelicol là gì?

2.1. Tác dụng của các thành phần có trong Amelicol

  • Eucalyptol với độ tinh khiết từ 99,6 tới 99,8%
    • Eucalyptol có thể thu được với số lượng lớn bằng chưng cất phân đoạn dầu bạch đàn. Eucalyptol được tìm thấy trong long não, nguyệt quế, dầu trà gỗ, ngải cứu, húng quế, ngải, hương thảo và một số loài thực vật với lá có hương thơm khác.
    • Với tác dụng sát khuẩn răng miệng và đường hô hấp, đồng thời còn có tác dụng giảm đau họng, giảm ho, cải thiện triệu chứng sổ mũi và cảm cúm. Bởi vậy Eucalyptol thường được các nhà sản xuất thêm vào thành phần trong nước súc miệng và thuốc ho.
  • Tinh dầu tràm chiếm 60%
    • Tinh dầu tràm có thành phần hoá học gồm nhiều chất nhưng trong số đó có 2 thành phần có tác dụng điều trị triệu chứng ho rõ rệt là alpha-terpineol và Eucalyptol.
    • Hoạt chất Eucalyptol như đã trình bày ở trên có tác dụng sát khuẩn nhẹ đường hô hấp, long dịch niêm mạc, có mùi vị và hương thơm rất dễ chịu nên được ưa chuộng sử dụng nhiều.
    • Hoạt chất Alpha-terpineol có tác dụng sát khuẩn tốt với nấm, khuẩn và siêu vi nên cũng được sử dụng làm thành phần nguyên liệu trong những loại thuốc có tính sát khuẩn và diệt nấm đặc hiệu. Các dạng thuốc ưa dùng là dạng hít ngửi bay hơi hay dạng bôi thoa trực tiếp.
    • Ngoài ra, trong dân gian tinh dầu tràm thường được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng để phòng ngừa cảm mạo trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sản phụ, người già, người bệnh. Thêm nữa, với chiết xuất tự nhiên tinh dầu tràm còn được sử dụng để xông trong phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ, hay ô tô,... vừa có được không gian với hương thơm dễ chịu vừa có tính sát khuẩn nhẹ, ức chế sự phát triển của virus đặc biệt với tình trạng dịch bệnh cao điểm như hiện nay.
  • Tinh dầu gừng với tác dụng giảm đau, chống viêm, giảm ho, làm loãng dịch niêm mạc đường hô hấp,...
  • Tinh dầu tần với tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ các loại vi khuẩn như Salmonella, Staphylococcus, một số loài Shigella, ...
  • Menthol: Với tính chất làm loãng đờm, dịu cơn ho,...

2.2. Dược động học của thuốc Amelicol

  • Eucalyptol được thải trừ chủ yếu qua đường hô hấp sau khi được phân tán trong máu.
  • Menthol sau khi được hấp thu sẽ được thải trừ qua nước tiểu và mật dưới dạng kết hợp với glucuronide.

2.3. Chống chỉ định của thuốc Amelicol

  • Người bị dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần hay tá dược nào của thuốc Amelicol.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử động kinh hoặc co giật do sốt cao.
  • Bệnh nhân bị ho lao, ho do hen suyễn, suy hô hấp.
  • Bệnh nhân bị sỏi thận.

2.4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Amelicol

Đối với nhóm đối tượng là phụ nữ có thai và đang cho con bú. Cân nhắc việc sử dụng thuốc, cần đặt lợi ích của thai nhi lên trên tác dụng của việc sử dụng thuốc bởi chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh sử dụng Amelicol an toàn cho nhóm đối tượng này.

2.5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Amelicol

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Amelicol thuốc:

  • Phản ứng trên da: Mày đay, dị ứng, ngứa...
  • Phản ứng ở hệ tiêu hoá: Cảm giác khô miệng, miệng đắng, trong miệng có vị kim loại, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, có người bị tiêu chảy nhưng có người lại bị táo bón.
  • Phản ứng trên hệ thần kinh: Buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt

Nếu các phản ứng trên đây không hết hoặc ngày càng nặng hơn thì bạn nên báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

2.6. Quá liều khi dụng thuốc Amelicol

  • Khi dùng với một lượng lớn Amelicol có thể gây đau bụng dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ, thậm chí hôn mê.
  • Khi quên liều bạn nên uống ngay khi nhớ ra, nhưng nếu đã gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì nên bỏ liều đã quên và tiếp tục uống liều tiếp theo. Lưu ý không gộp uống hai liều làm một.

2.7. Tương tác thuốc

Hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng về tương tác của Amelicol với các loại thuốc khác khi được sử dụng đồng thời. Nhưng để an toàn khi sử dụng thì bạn nên báo cho bác sĩ điều trị cho bạn những loại thuốc hay thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng tại thời điểm hiện tại.

3. Cách sử dụng thuốc Amelicol hiệu quả

  • Cách uống
    • Uống cả viên thuốc, không bóc tách phần thuốc bên trong viên nang.
    • Uống thuốc sau bữa ăn với nhiều nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội
  • Liều dùng
    • Đối với người lớn: uống ngày 3 - 4 lần, mỗi lần 1 viên.
    • Đối với trẻ em trên 30 tháng tuổi: uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan