Dạy con bạn cách cư xử khi đến nhà người khác

Khi bạn có con, bạn thường có những cuộc giao lưu ở nhà bạn bè hơn là ở nhà hàng, trung tâm thương mại hoặc rạp chiếu phim. Nhưng khi ở nhà người khác, bạn có thể sẽ có kỳ vọng về con mình cao hơn ở nhà riêng của bạn, đặc biệt nếu bạn đang đến thăm những người bạn không có con. Để đạt được kỳ vọng đó, bạn cần dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi.

1. Một số lưu ý dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi

  • Đặt ra các quy tắc cơ bản: Giải thích cho bé khi đi rằng bạn sẽ mong bé không được dẫm lên đồ đạc và không được phép chạy trong nhà.
  • Cho trẻ một số thông tin trước khi đến nhà người khác: Có thể hữu ích nếu bạn nói ngắn gọn cho trẻ về những gì có thể xảy ra trong chuyến thăm: “Mẹ, bố và hai bác sẽ ngồi trong phòng khách và uống cà phê, còn con và bạn có thể sẽ chơi trong phòng gia đình".
  • Tạo sự chú ý cho trẻ vào một hoạt động nào đó: Nếu bạn đang đến thăm một ngôi nhà không có trẻ em sinh sống, thật khôn ngoan khi mang theo thứ gì đó để con bạn tập trung vào đó, chẳng hạn như sách, trò chơi nhỏ hoặc sách tô màu.
  • Đặt ra những tín hiệu riêng với trẻ: Bạn có thể muốn thiết lập một tín hiệu trước để cho trẻ biết rằng một hành vi là không phù hợp và phải chấm dứt. Cho bé thấy rằng khi bạn giật mạnh tai, điều đó có nghĩa là dừng lại. Bằng cách này, bạn có thể cảnh báo bé mà không làm bé cảm thấy xấu hổ.
  • Di chuyển trẻ ra ngoài khi cần thiết: Nếu trẻ không nhận thấy những lời cảnh báo của bạn hoặc thực sự đi chệch hướng, bạn có thể đưa trẻ ra ngoài chạy bộ quanh sân trước khi nhẹ nhàng nhắc trẻ về những mong đợi của bạn.
  • Để xa tầm tay trẻ những đồ vật nguy hiểm: Hãy quan sát xung quanh khu vực mà trẻ sẽ đến để kiểm tra các vật có thể bị vỡ hoặc mối nguy hiểm. Nếu có những đồ vật dễ vỡ ở trong tầm tay của trẻ, bạn có thể hỏi chủ nhà xem có thể tạm thời cất chúng lên những vị trí an toàn hơn không. Nếu có quá nhiều đồ vật cần phải cất đi, bạn có thể hỏi xem mọi người có thể ngồi ở bên ngoài hoặc chuyển sang một căn phòng khác có ít đồ đạc mà trẻ có thể nghịch được không.
Dạy con
Bạn có thể thiết lập một tín hiệu trước để cho trẻ biết rằng một hành vi là không phù hợp và phải chấm dứt

2. Dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi theo từng độ tuổi

Phương pháp tốt nhất mà để bố mẹ có thể dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi đó là trở thành tấm gương tốt cho bé noi theo. Đồng thời, bạn cũng cần dành thời gian dạy bé kỹ năng khi đi chơi, dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép khi đến chơi nhà người khác.

Bạn đừng cho rằng trẻ còn nhỏ tuổi mà bỏ qua việc dạy dỗ trẻ những phép tắc này, vì một khi cách cư xử không tốt đã trở thành thói quen của rẻ, bạn sẽ rất khó khăn trong việc uốn nắn lại. Những cách nói như "Làm ơn", "Vui lòng", "Xin lỗi", "Cảm ơn", "Con có thể..." cần được chỉ dạy ngay khi bé lên 2 hoặc 3 tuổi.

Cha mẹ và tất cả các thành viên khác trong gia đình cần tích cực hướng dẫn bé sử dụng các cụm từ trên trong những tình huống phù hợp. Từ đó, trẻ sẽ hình thành thói quen về cách cư xử và nói năng lịch sự. Bạn nên nhớ là cần phải thực sự kiên trì và luôn là hình ảnh mẫu mực để trẻ nhỏ noi theo. Trên nền tảng đó, bạn sẽ dễ dàng hướng dẫn bé làm thế nào để trở thành một vị khách quý.

2.1 Dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi cho trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ thường học theo cách bắt chước người lớn hoặc những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý tập cho bé khả năng tiếp thu những điều mới mẻ, đặc biệt là những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như kỹ năng khi đi chơi. Bởi ở độ tuổi này trẻ đã có thể hiểu và tiếp thu những gì bạn truyền đạt.

Đầu tiên, bạn hãy tập trung vào dạy cho trẻ những cụm từ, những cách nói thể hiện thái độ lịch sự và tất nhiên bạn phải luôn luôn là hình mẫu trong tất cả mọi điều bạn mong đợi ở trẻ.

Dành lời khen ngợi khi bé có những biểu hiện tốt như chào hỏi người lớn, xin phép trước khi làm việc gì đó, cảm ơn khi được tặng quà hoặc được ưu đãi một điều gì đó. Đừng cho rằng trẻ còn nhỏ mà bỏ qua các phép tắc này, vì hầu hết trẻ đều đã có thể tự giác chào hỏi, cảm ơn ngay từ lúc còn rất nhỏ.

đọc sách cho trẻ em
Trẻ nhỏ thường học theo cách bắt chước người lớn hoặc những đứa trẻ khác

Đến 2 tuổi, nhiều trẻ có thể hiểu chung rằng các quy tắc cho nhà của người khác có thể khác với các quy tắc tại nhà của trẻ.

Đến 4 tuổi, nhiều trẻ có thể học một số cách cư xử đơn giản khi tới nhà người khác chơi:

  • Hiểu và tuân theo nhiều quy tắc trong nhà của người khác - thường là với một số lời nhắc nhở từ bạn.
  • Hiểu và tuân theo một tín hiệu không lời để ngừng làm điều gì đó, nhưng đôi khi trẻ sẽ quá phấn khích khi chú ý đến tín hiệu của bạn.
  • Thường nhớ để chân khỏi tường và đồ đạc
  • Hạn chế chạy trong nhà, mặc dù đôi khi trẻ sẽ cần bạn nhắc nhở
  • Hạn chế chạm vào các vật dễ vỡ, đặc biệt nếu bạn nhắc chúng

2.2 Dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi cho trẻ từ 5 - 6 tuổi

Đối với trẻ từ 5 đến 6 tuổi cần phải biết các điều sau:

  • Trẻ cần biết tự rửa tay trước khi ăn
  • Trẻ biết ngồi nghiêm túc bên bàn ăn hoặc bàn khách
  • Trẻ cần biết nói lời cảm ơn và thể hiện sự cảm ơn thông qua hành động, cử chỉ
  • Trẻ cần biết chào người lớn và biết bắt tay đúng cách
  • Trẻ cần biết sắp xếp đồ đạc cá nhân, đồ chơi và những vật dụng một cách ngăn nắp sau khi được cho mượn
  • Nếu trẻ có nhu cầu đi vệ sinh, trẻ cần biết lịch sự hỏi xem nhà vệ sinh ở đâu. Và trong quá trình sử dụng, có gì thắc mắc thì trẻ biết hỏi chủ nhà để giữ gìn sự sạch sẽ và tránh làm hư hại các vật dụng

Những kỹ năng này không hề khó với những đứa trẻ 5 - 6 tuổi. Nhưng trẻ cần phải luyện tập nhiều lần để có thể ăn sâu vào trí nhớ của trẻ được. Bạn có thể đưa trẻ đến chơi nhà người khác và chú ý nhắc nhở trẻ làm theo những nguyên tắc nêu trên. Hoặc thỉnh thoảng, khi có khách đến nhà chơi, bạn có thể cho trẻ đóng vai trò chủ nhà để trẻ hiểu rõ hơn vì sao mình lại cần phải có thái độ đúng đắn khi làm khách ở nhà người khác.

Trẻ lễ phép
Trẻ 5-6 tuổi cần biết chào người lớn và biết bắt tay đúng cách

Hầu hết ở tuổi này, trẻ đều là những vị khách lịch sự khi đi cùng bố mẹ, nhưng không ít trẻ sẵn sàng phá vỡ nguyên tắc khi đi chơi một mình, thậm chí tỏ ra hoàn toàn trái ngược so với khi đi cùng bố mẹ. Trẻ tha hồ thể hiện sự tự do của mình vì không có bố mẹ giám sát. Vì thế, bạn hãy thiết lập mối quan hệ thân thiết với những gia đình mà trẻ đến chơi để có thể biết được trẻ đã cư xử như thế nào khi làm khách một mình để phối hợp uốn nắn kịp thời.

Và hãy nhớ, những điều bạn mong đợi ở trẻ không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải cần rất nhiều thời gian. Bạn hãy tập trung vào những bài học cụ thể cho từng lứa tuổi khác nhau, có như vậy trẻ mới có thể tiếp thu và thực hành một cách tốt nhất.

Những điểm chính cần lưu ý khi dạy trẻ dưới 6 tuổi cách cư xử khi đến chơi nhà người khác:

  • Trẻ từ 2 đến 6 tuổi cần được học các kỹ năng ứng xử cơ bản; tùy thuộc vào từng thời điểm cụ thể mà bạn có thể tập trung dạy trẻ những kỹ năng phù hợp.
  • Các bậc phụ huynh cần gương mẫu cho trẻ noi theo, không chỉ khi làm khách mà ngay cả trong chính ngôi nhà của mình. Nếu bạn là một tấm gương tốt, các con của bạn sẽ học theo và tiến bộ rất nhanh;
  • Hãy giữ bình tĩnh khi trẻ có những sai phạm, và tuyệt đối không la mắng trẻ trước mặt người khác, hãy nhắc nhở kín đáo để bé không bị xấu hổ và có thể tiếp thu điều bạn nói một cách tốt nhất.

2.3 Dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi cho trẻ từ 6 - 10 tuổi

Về cơ bản, trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 10 cần phải biết các quy tắc sau để có thể đến nhà người khác chơi một cách vui vẻ:

  • Trẻ cần biết nói "Cháu xin phép","Làm ơn", "Vui lòng", "Cảm ơn"... một cách thành thạo và khéo léo.
  • Trẻ cần biết không được tùy tiện vào phòng riêng của người khác nếu không được cho phép.
  • Trẻ tuyệt đối không đụng chạm vào đồ vật cá nhân của người khác nếu chưa có sự cho phép của người đó, kể cả với những thứ như tranh ảnh treo tường, đồ trang trí, tủ trưng bày...
  • Trẻ không được tùy tiện lấy đồ ăn hay thức uống ở nhà người khác; nếu trẻ cảm thấy đói hoặc khát nước, trẻ cần hỏi chủ nhà một cách lịch sự.
  • Nếu trẻ được thử một món ăn hoặc thức uống nào đó mà trẻ không thích thì trẻ cũng không được vùng vẫy hay tỏ ra khó chịu mà hãy vui vẻ nói: "Cảm ơn cô/ chú! Cháu không dùng được món này ạ!".
  • Khi ngồi bên bàn ăn trẻ cần nhai thật từ tốn, không há miệng quá to khi nhai, không nói chuyện, huýt sáo hoặc hát khi đang ngậm thức ăn trong miệng.
  • Trẻ cần xin phép chủ nhà trước khi sử dụng máy vi tính, điện thoại bàn hay các vật dụng, thiết bị khác của chủ nhà.
  • Trẻ cần biết mỗi gia đình đều có những quy tắc riêng, vì vậy, hãy tôn trọng những thời điểm mà họ cần sự yên tĩnh như: giờ ăn, giờ ngủ.
  • Nếu trẻ đi chơi một mình và cảm thấy không thoải mái hoặc muốn về nhà thì trẻ cần biết xin phép chủ nhà để được gọi cho bố hoặc mẹ đến đón. Nếu trẻ đi cùng bố mẹ, trẻ không nên nũng nịu đòi về mà trẻ cần biết yêu cầu bố mẹ một cách lễ phép.
dạy trẻ
Về cơ bản, trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 10 cần phải biết các quy tắc sau để có thể đến nhà người khác chơi một cách vui vẻ

Nếu đó là một đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng lại khá ngượng ngùng trong việc áp dụng các kỹ năng đã được học, bạn đừng vội trách mắng trẻ mà hãy kiên nhẫn hơn nữa. Bởi có những đứa trẻ mà bạn cần dành ra nhiều thời gian hơn. Có rất nhiều nhiều câu chuyện, quyển sách về cách cư xử lịch sự khi làm khách nhà người khác, bạn có thể cùng trẻ đọc những quyển sách này và hỏi xem trẻ đã rút ra được những bài học gì. Đây là cách học tạo ra nhiều hứng thú đối với trẻ em và nó rất hiệu quả.

Những điểm chính cần lưu ý khi dạy cách cư xử cho trẻ từ 6 - 10 tuổi đó là:

  • Trẻ cần biết những điều nên làm và không nên làm khi tới làm khách nhà người khác, và những điều này bạn cần dạy trước cho trẻ chứ đừng đợi đến khi đã vào nhà người khác rồi mới nói.
  • Kết hợp với chủ nhà ở những gia đình mà trẻ đến làm khách để có thể uốn nắn, nhắc nhở và dạy bảo trẻ kịp thời.
  • Việc ngủ lại qua đêm ở nhà người khác đối với một đứa trẻ cần có thời gian lâu dài để thích nghi. Chính vì vậy bạn đừng ép buộc trẻ đến chơi và ngủ lại nhà người khác khi trẻ chưa sẵn sàng về mặt tâm lý.

2.4 Dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác chơi cho trẻ từ 11 - 13 tuổi

Trẻ từ 11 - 13 tuổi đã có thể chính thức thể hiện mình là một vị khách tốt và bạn có quyền khắt khe hơn trong việc yêu cầu cách ứng xử cũng như hình phạt cho các sai phạm của trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bài học nữa bạn cần dạy cho trẻ ở độ tuổi này.

Đây cũng là giai đoạn mà một đứa trẻ dần lớn lên và sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra ngoài dự kiến của bạn khi trẻ đến chơi nhà người khác. Bản thân những người làm cha mẹ cho dù rất hiểu tính cách của con cũng không thể dự đoán trước được các tình huống này và phải luôn theo dõi để nhắc nhở, hướng dẫn trẻ. Trẻ từ 11 - 13 tuổi cần biết các điều sau:

  • Trẻ cần biết gõ cửa trước khi vào phòng
  • Trẻ luôn phải hỏi ý kiến khi bước vào bất cứ căn phòng nào ở nhà người khác, trẻ có thể hỏi là "Cháu có thể vào được không ạ?"
  • Nếu không may gặp phải sự cố ngoài mong đợi, chẳng hạn như vô tình làm vỡ một đồ vật gì đó, trẻ cần báo với người lớn càng sớm càng tốt, tuyệt đối không nên giấu giếm chúng trong nỗi sợ hãi và đặc biệt không đổ lỗi cho người khác
  • Khi trẻ muốn rời khỏi bàn ăn, trẻ cần biết lịch sự đề nghị giúp đỡ chủ nhà như tự rửa chén bát của bé hay lau dọn bàn ghế
  • Nếu trẻ chưa biết rõ về những quy tắc của gia đình chủ nhà, trẻ không nên ngại hỏi họ để có cách cư xử đúng đắn
  • Trẻ cần tôn trọng giờ ngủ của chủ nhà và tắt đèn khi họ đi ngủ
  • Trẻ cần đối xử tử tế với tất cả các thành viên trong gia đình chủ nhà và cả vật nuôi của họ
  • Khi rời khỏi nhà người khác, trẻ cần biết nói lời cảm ơn vì họ đã tiếp đón mình. Nếu trẻ có anh hoặc chị, trẻ sẽ có nhiều cơ hội học tập các kỹ năng từ anh chị của mình; trẻ cũng có thể học hỏi từ những cuốn sách bổ ích. Học cách cư xử của một vị khách đáng quý là một phần quan trọng trong kỹ năng xã hội mà con người cần có trong cuộc đời. Bạn cần nhớ rằng tất cả mọi bài học đều cần được thực hiện từng bước và cần cho trẻ thời gian để áp dụng những gì trẻ đã học.
trẻ 12 tuổi
Trẻ từ 11 - 13 tuổi đã có thể chính thức thể hiện mình là một vị khách tốt

Những điểm bạn cần lưu ý khi dạy trẻ từ 11 - 13 tuổi cách cư xử đó là:

  • Hãy trao đổi trước với trẻ về sự riêng tư, sự tôn trọng và những cách cư xử phù hợp;
  • Các kỹ năng xã hội trẻ học được bây giờ sẽ theo trẻ khi trưởng thành; thường xuyên cùng trẻ luyện tập, nếu bạn có con lớn, hãy để các trẻ tham gia vào việc dạy dỗ em mình.

Trẻ em thường thích được đi chơi, thích được hòa vào một không gian với nhiều người và tham gia vào nhiều hoạt động... Nhưng trẻ con là trẻ con, trẻ rất có thể sẽ vô tình làm phiền đến những người xung quanh. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần dạy bé cách cư xử khi đến nhà người khác. Điều đó không chỉ để lại ấn tượng đẹp trong lòng chủ nhà mà còn khiến họ muốn mời bạn và trẻ quay trở lại trong những lần tiếp theo.

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ là việc làm vô cùng cần thiết, tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý rằng, trẻ trong giai đoạn phát triển rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa... cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan