Sự phát triển của trẻ 2-3 tuổi trong những bức vẽ nguệch ngoạc

Bài viết bởi Chuyên viên mỹ thuật Đào Thị Đan Phương - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Đối với người lớn tranh vẽ của trẻ nhỏ 2-3 tuổi đơn giản chỉ là những nét nguệch ngoạc vô tư, vô nghĩa của các con khi chơi với bút màu. Nhưng kỳ thực, sau những bức tranh nguệch ngoạc và vô nghĩa đó chính là sự phát triển tư duy, kỹ năng và sức sáng tạo của trẻ.

Mặc dù cũng là “tranh của trẻ em” nhưng tuỳ vào từng giai đoạn phát triển như sơ sinh, mẫu giáo, thiếu niên, thanh niên... mà tranh vẽ sẽ khác nhau. Nếu so sánh giữa tranh của trẻ em và tranh của người lớn, bạn có thể hình dung rằng chúng có sự khác nhau rõ rệt, tựa như sự khác nhau giữa tranh của người hiện đại và người tiền sử cách đây hàng vạn năm về trước.

Dù có sự khác biệt lớn như vậy nhưng rất nhiều người lớn ngày nay lại có khuynh hướng xem nhẹ và bỏ qua điều đó để chú ý vào việc dạy, áp đặt trẻ vẽ theo phong cách của mình. Các bậc phụ huynh thường cho rằng giáo dục nghệ thuật là dạy cho trẻ em cách vẽ của người lớn, đây là một nhận thức sai lầm. Thực chất, giáo dục nghệ thuật là khéo léo hướng dẫn để khám phá ươm mầm cho năng khiếu vẽ của trẻ, sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đồng thời, giúp trẻ phát triển các kỹ năng như: vận động tinh, ngôn ngữ, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng học trực quan, khuyến khích trẻ phát minh, sáng tạo...

Cái mà người lớn muốn dạy cho trẻ là những nét phác hoạ thô bình thường, chẳng hạn như tranh vẽ hình con cá, con thỏ, trái tim, ông mặt trời, ngôi nhà.... Thực tế, bất kỳ đứa trẻ nào được học trong cùng một lớp, hoặc một địa điểm thì đều có hình vẽ, cách vẽ, sản phẩm giống nhau. Trong số những đứa trẻ được thầy cô, bố mẹ vẽ mẫu cho kiểu tranh thì có không ít trẻ, thậm chí là những bé đã lên 3 tuổi vẫn mè nheo: “ vẽ hộ con đi, vẽ hộ con đi mà”. Nếu như thầy cô bố mẹ không vẽ thì bé sẽ giận dỗi hoặc ăn vạ. Nhưng khi được bố mẹ, thầy cô vẽ thì trẻ sẽ có tâm trạng tốt lên và ngưng khóc. Đơn giản là do bé thấy thích thú vì có người vẽ tranh cho mình.

Tóm lại, vì trẻ mèo nheo hoặc vì thấy con vui khi được mình vẽ nên phụ huynh thường hay thoả hiệp. Nhưng điều đó có thực sự đem lại niềm vui cho trẻ, hay xa hơn là có ích cho sự phát triển của trẻ 2-3 tuổi.

Để lý giải cho việc chiều con của mình, các bậc phụ huynh thường viện lý do là con đòi hỏi, vì thấy con thích, vì đây là việc mà mình có thể làm cho con... Dù là lý do gì đi nữa, trong số những việc người lớn làm cho trẻ thì cũng có những việc nên làm và những việc không nên làm.

sự phát triển của trẻ 2 tuổi
Sự phát triển của trẻ 2 tuổi còn khá non nớt cần ba mẹ kiên nhẫn

Trong quá trình phát triển của thể chất và tinh của của trẻ, sự thông thái trong cách giáo dục con của những ông bố, bà mẹ được thể hiện qua khả năng phán đoán, có thể phân biệt rạch ròi đâu là lý do chính đáng của những đứa trẻ đang còn non nớt. Nguyên lý tách bạch rõ ràng giữa những việc “có thể làm, có thể thỏa hiệp” và những việc “ không nên làm, không nên đáp ứng trẻ” là nền tảng cho việc nuôi dạy trẻ, đồng thời là nghĩa vụ của phụ huynh với tư cách là một thành viên trong xã hội.

Có bao giờ bạn tự hỏi việc phụ huynh dạy cho trẻ cách vẽ của người lớn dẫn đến kết quả như thế nào không? Đối với những trẻ mới 2-3 tuổi , khi được người lớn hướng dẫn cho cách vẽ tranh thì thoạt nhiên, chúng sẽ tỏ vẻ vui mừng và thích thú. Nhưng khi bạn bảo trẻ tự vẽ một bức tranh của riêng mình, chúng chỉ đơn giản là bắt chước theo cách vẽ đã được hướng dẫn.

Tranh vốn là phương tiện để thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của trẻ, nhưng giờ đây lại bị bó hẹp bởi cách vẽ của người lớn. Theo đó, người lớn vô tình áp đặt lối vẽ tranh “ phải như thế này mới đúng”. Vậy là trẻ không thể tự do thể hiện suy nghĩ riêng của mình được nữa. Không dừng lại ở đó, quá trình phát triển tình cảm cũng như khả năng sáng tạo của một con người được thông qua việc vẽ tranh cũng sẽ bị cản trở.

Chúng ta định nghĩa việc vẽ tranh đơn giản là “hoạt động vẽ tranh” hay “ hoạt động nghệ thuật”, nhưng mặt khác cũng có thể gọi đây là “hoạt động thể hiện” hay “hoạt động sáng tạo”. Vẽ tranh vốn là hoạt động phụ thuộc rất lớn vào khả năng sáng tạo của con người, các kỹ năng được trau dồi qua việc vẽ tranh chính là năng lực diễn đạt và biểu hiện khả năng sáng tạo. Chính vì vậy, việc một đứa trẻ 2-3 tuổi vẽ những nét nguệch ngoạc mà người lớn nhìn mãi, phân tích mãi cũng chưa thể hình dung được một hình ảnh gì thì đây cũng là chuyện hiển nhiên của một phần trong giai đoạn phát triển năng lực diễn đạt, khả năng vận động tinh, tình cảm yêu thích và sáng tạo của trẻ. Hãy động viên và khích lệ chúng một cách tích cực, hãy để chúng đi đúng trình tự trong quá trình phát triển, được tự do sáng tạo trong thế giới của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: “Đọc vị trẻ qua nét vẽ “ của tác giả Akiyoshi Torii

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan