Uống nước dừa đun nóng có tác dụng gì?

Uống nước dừa đun nóng có thể cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất cần thiết, đồng thời ngăn ngừa và hỗ trợ đẩy lùi một số nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích sức khỏe tối ưu và tránh gây phản tác dụng, bạn nên uống nước dừa đun nóng đúng cách với liều lượng hợp lý.

1. Uống nước dừa đun nóng có tác dụng gì?

Uống nước dừa đun nóng được nghiên cứu chứng minh có tác dụng giải khát và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp đẩy lùi nhiều vấn đề sức khỏe. Trong nước dừa có chứa một lượng lớn cytokinin – thuộc nhóm hormone thực vật (bao gồm dihydrozeatin, kinetin, trans-zeatin, gibberellins). Những chất này có khả năng chống oxy hoá, chống đông máu, làm chậm quá trình lão hoá và ngăn ngừa đáng kể các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư.

Ngoài ra, uống nước dừa đun sôi dùng ngay khi ấm còn cung cấp một loạt các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như natri, kali, magne, canxi, đồng, kẽm và selen. Do đó, đây được xem là một thức uống bù nước hiệu quả, giúp bổ sung các chất điện giải bị mất đi khi duy trì các chức năng trong cơ thể cũng như bài tiết qua mồ hôi. Uống nước dừa nóng cũng được nhiều bác sĩ và chuyên gia khuyên dùng đối với người đang có thể trạng yếu, đặc biệt là bệnh nhân mắc COVID – 19.

Không những thế, trong nước dừa còn cung cấp một hàm lượng lớn acid amin, chất béo, đường, các enzyme, vitamin C và vitamin nhóm B. Đây đều là những chất có vai trò vô cùng thiết yếu đối với quá trình xúc tác của một số phản ứng hoá sinh, đồng thời giúp duy trì các chức năng sinh lý bình thường diễn ra trong cơ thể.

Bên cạnh đó, uống nước dừa nóng thường xuyên cũng giúp bạn trị sỏi thận, hạ cholesterol, kích thích sinh sản, kích thích miễn dịch và bù nước trong trường hợp tập luyện thể thao hoặc bị tiêu chảy. Nhờ công dụng trên mà nước dừa đang dần được nhiều người ưa chuộng sử dụng như một phương thuốc giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng tăng huyết áp, từ đó dự phòng được nguy cơ nhồi máu cơ tim.

2. Uống nước dừa đường phèn gừng mang lại tác dụng gì?

Vậy uống nước dừa kết hợp với gừng và đường phèn mang lại những lợi ích gì cho sức khỏe? Như đã đề cập ở trên, nước dừa có chứa nhiều thành phần dưỡng chất quan trọng, giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện làn da, đẩy lùi các vấn đề tiêu hoá và thanh nhiệt hiệu quả.

Đối với gừng, đây vừa là một loại gia vị vừa đóng vai trò là vị thuốc quý trong Đông y. Gừng có tính ấm và vị cay do chứa hợp chất shogaol, zingerone và gingerol. Ngoài ra, gừng tươi cũng chứa các thành phần dễ bay hơi trong tinh dầu, bao gồm curcumene, zingiberenol, zingiberene, geraniol (chiếm 1 – 3% trọng lượng của gừng tươi). Gừng thường được sử dụng trong những bài thuốc dân gian với nhiều công dụng như chống dị ứng, kháng viêm, hạ đường huyết, kháng khuẩn, ngăn ngừa ung thư và điều hoà hệ miễn dịch.

Trong Y học cổ truyền, gừng tươi được xem là một vị thuốc quý, có khả năng làm ấm cơ thể, giảm đau, chữa cảm lạnh, kích thích tiêu hoá, chống nôn và trị đau bụng do hàn rất hữu hiệu. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng gừng với lượng vừa phải, tránh tiêu thụ quá 6g / ngày vì có thể dẫn đến các tác dụng phụ như nóng ngực, tiêu chảy nhẹ, dị ứng bụi gừng hoặc khó chịu ở dạ dày. Ngoài ra, dùng gừng liều cao có thể dẫn đến phản ứng tương tác với thuốc chống đông, chẳng hạn như warfarin.

Để tăng cường sức đề kháng chống lại nhiều bệnh tật, bạn có thể uống nước dừa kết hợp với gừng và đường phèn. Theo nghiên cứu cho biết, đường phèn là loại đường được điều chế và kết tinh từ đường mía, với thành phần chủ đạo là saccarose. Loại đường này được sử dụng chủ yếu để chế biến món ăn, nấu chè và làm thuốc chữa viêm họng, chữa ho. Tuy nhiên, thành phần saccarose trong đường phèn cũng tương tự như đường tinh luyện thông thường, do đó việc tiêu thụ nhiều có thể dẫn đến các vấn đề sức khoẻ như tiểu đường, béo phì, tim mạch hoặc một số bệnh về răng miệng.

Từ những phân tích trên có thể thấy, việc uống nước dừa đường phèn gừng có thể tạo nên một công thức đặc biệt, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch nói chung tương tự như những loại thức uống bổ dưỡng khác. Tuy vậy, trong quá trình sử dụng bài thuốc phối hợp này, bạn cần chú ý dùng với liều lượng vừa phải, tránh lạm dụng hoặc dùng quá liều.

Ngoài ra, để nâng cao mức độ hiệu quả trong việc cải thiện sức khoẻ cũng như đẩy lùi bệnh tật của phương pháp uống nước dừa đường phèn gừng, bạn cũng nên tuân theo một lối sống lành mạnh, cân bằng giữa nghỉ ngơi – làm việc – hoạt động thể chất. Trong thời kỳ đại dịch COVID – 19 bùng phát như hiện nay, việc sống khoẻ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch kết hợp với bổ sung các thức uống hỗ trợ là điều vô cùng cần thiết.

3. Cách làm nước dừa gừng đường phèn nâng cao sức khoẻ

3.1 Chuẩn bị nguyên liệu

Để chế biến thành công thức uống nước dừa gừng đường phèn, bạn cần chuẩn bị sẵn các nguyên liệu sau đây:

  • Dừa: Một trái
  • Gừng: 20gr
  • Đường phèn: 20gr

Mẹo chọn dừa chuẩn: Bạn nên chọn loại dừa có vỏ màu xanh đều, không quá non / già, không bị dập và trọng lượng chỉ từ 1 – 1,5kg (dừa to thường có nước nhạt). Tránh chọn dừa có vỏ màu vàng hoặc nâu vì khả năng cao chúng đã được để lâu. Tốt nhất, bạn nên dùng dừa xiêm để nấu nước dừa gừng đường phèn vì vị sẽ ngon và ngọt hơn.

Mẹo chọn gừng chuẩn: Khi chọn mua gừng, bạn nên lựa những củ có nhiều đường vân, da sần sùi và chia thành nhiều nhánh nhỏ. Đây là loại gừng Việt Nam, thường có vị cay đặc trưng và mùi thơm hơn. Tránh mua loại gừng có vỏ trơn láng, ít vân và dễ bóc, bởi đây là gừng của Trung Quốc.

Mẹo chọn đường phèn chuẩn: Đường phèn thường bao gồm đường phèn vàng và đường phèn trắng. Bạn nên chọn loại đường phèn vàng bởi nó có vị ngọt tự nhiên, hơn nữa còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và tốc độ tan cũng nhanh hơn so với đường phèn trắng.

3.2. Cách làm nước dừa gừng đường phèn tốt cho sức khỏe

Dưới đây là các bước giúp bạn chế biến thành công nước dừa gừng kết hợp với đường phèn để nâng cao sức đề kháng, đồng thời ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh. Cụ thể:

  • Bước 1: Vạt nắp gáo dừa để lấy nước, sau đó rửa sạch gừng, đem đi cạo vỏ và thái thành lát mỏng.
  • Bước 2: Đổ phần nước dừa vào nồi, sau đó cho gừng thái lát và thêm 20gr đường phèn để đun trên bếp trong vòng 5 – 10 phút. Khi nước sôi, bạn tắt bếp và sử dụng ngay khi nước còn ấm.

4. Nên uống nước dừa đường phèn gừng như thế nào cho hợp lý?

Mặc dù uống nước dừa đun nóng cùng đường phèn và gừng có thể cung cấp cho cơ thể các chất điện giải, khoáng chất và tăng cường hệ miễn dịch, tuy nhiên bạn không nên tiêu thụ quá mức cần thiết. Theo khuyến cáo từ chuyên gia dinh dưỡng, lượng nước dừa cho người có sức khoẻ bình thường là từ 1 – 2 cốc / ngày. Đối với người có thể trạng yếu hoặc mắc các bệnh lý như đái tháo đường, huyết áp thấp, rối loạn điện giải hoặc suy thận nên trao đổi kỹ với bác sĩ về lượng nước dừa phù hợp.

Dưới đây là một số trường hợp không nên uống nước dừa đường phèn gừng, bao gồm:

  • Người mắc COVID – 19 có các biểu hiện như khó thở, lạnh nhiều, đờm loãng / đặc, mệt mỏi, bùng đầy chậm tiêu, sợ gió...
  • Người mắc COVID – 19 có triệu chứng sốt cao, ra nhiều mồ hôi, hạ huyết áp hoặc tay chân lạnh.
  • Người béo phì mắc COVID – 19 có biểu hiện đầy bụng, tiêu hoá kém hoặc mệt mỏi sau khi ăn.
  • Người có chỉ số đường huyết cao, người già yếu hoặc hư nhược.

Hy vọng với những chia sẻ trên đã mang đến cho bạn biết thêm thông tin về 1 loại nước uống an toàn và tốt cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

61.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan