Bị cao huyết áp uống trà đường được không?

Trà là loại đồ uống có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, kể cả bệnh nhân cao huyết áp. Tuy nhiên, khi thêm đường vào trà thì có tốt không? Bệnh nhân cao huyết áp uống trà đường được không? Hãy theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời.

1. Người bị cao huyết áp uống trà đường được không?

Để biết cao huyết áp uống đường được không, người bệnh cần hiểu rõ ảnh hưởng của đường tới huyết áp. Theo các bằng chứng khoa học, đường đóng vai trò chính trong tình trạng tăng huyết áp. Khi lượng đường được nạp vào cơ thể nhiều thì sẽ làm tăng huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Có 2 loại đường là: Fructose và glucose. Cơ thể con người có thể sản xuất ra glucose nhưng không tự sản xuất được fructose. Mọi tế bào trong cơ thể đều có thể sử dụng glucose. Tuy nhiên, chỉ có gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa được 1 lượng fructose nhất định. Việc ăn quá nhiều thực phẩm có chứa đường fructose có thể dẫn tới tăng nhịp tim, tăng nồng độ muối trong thận,... Tình trạng này tạo ra sự tương tác dẫn tới tăng huyết áp và tăng nhu cầu về oxy cơ tim.

Vậy cao huyết áp uống trà đường được không? Câu trả lời là: Không. Trà đường có thể gây tăng huyết áp rất nhanh. Nếu người bệnh đang bị tăng huyết áp mà uống trà đường thì sẽ càng làm huyết áp bị đẩy lên cao hơn. Huyết áp tăng cao có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,...

Với bệnh nhân cao huyết áp, không nên cho người bệnh dùng trà đường. Thay vào đó, hãy cho bệnh nhân nằm nghỉ khoảng 15 - 20 phút, dùng máy đo huyết áp để theo dõi huyết áp của bệnh nhân. Đồng thời, có thể cho người bệnh sử dụng thuốc do bác sĩ kê toa (nếu có). Trường hợp huyết áp không có dấu hiệu giảm xuống, nên đưa người bệnh nhập viện để tránh những diễn biến nguy hiểm.

Mặt khác, trà đường chỉ nên sử dụng cho những bệnh nhân bị hạ huyết áp do hạ đường huyết. Mục đích của việc này là sơ cứu, làm tăng lượng đường trong cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu hạ đường huyết do nguyên nhân khác thì việc uống trà đường hoặc nước đường sẽ không hiệu quả, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

2. Bị cao huyết áp uống trà được không?

Mặc dù trà đường là đồ uống kiêng kỵ đối với bệnh nhân cao huyết áp nhưng trà không thêm đường lại rất phù hợp với nhóm người bệnh này. Việc sử dụng các loại trà hằng ngày một cách hợp lý, kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập phù hợp có thể góp phần hạ huyết áp.

2.1 Lợi ích của trà đối với bệnh nhân cao huyết áp

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại trà như trà xanh, trà đen, trà ô long,... có tác dụng giảm huyết áp. Lợi ích này đến từ các hợp chất trong nhóm catechin có trong trà. Tuy nhiên, hàm lượng catechin trong trà xanh cao hơn so với trà đen và trà ô long (do trà đen và trà ô long được lên men nhiều hơn - làm giảm hàm lượng catechin).

Khi uống trà, catechin và các chất chống oxy hóa khác trong trà sẽ làm giãn mạch máu, hỗ trợ hạ huyết áp. Các chất chống oxy hóa này kích thích 1 loại protein có trong cơ trơn cấu thành mạch máu. Khi protein bị kích hoạt, mạch máu sẽ giãn ra, máu lưu thông tốt hơn, làm giảm huyết áp.

Đồng thời, trà còn chứa L-theanine - 1 loại axit amin có tác dụng làm giảm huyết áp ở người bị căng thẳng. Nó giúp giảm bớt lo âu, stress, hỗ trợ giảm huyết áp hiệu quả.

2.2 Cách sử dụng các loại trà giảm huyết áp

Trà xanh

Trong trà xanh có tới hơn 4.000 chất hóa học, đặc biệt là flavonoid có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tim và đột quỵ - 2 biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp.

Tuy nhiên, trà xanh không phải là loại thức uống phù hợp với mọi đối tượng. Cụ thể, phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh hoặc sử dụng trà xanh một cách cẩn thận. Nếu muốn uống, không uống quá 6 cốc (tương đương 200mg caffeine) mỗi ngày. Đồng thời, người bệnh tăng huyết áp cũng không nên uống trà xanh thay thế cho nước lọc hằng ngày. Bệnh nhân chỉ nên uống 1 - 2 cốc/ngày. Việc quá lạm dụng trà xanh có thể dẫn đến táo bón; nam giới dễ bị mệt mỏi hoặc liệt dương.

Ngoài ra, khi dùng trà xanh để ổn định huyết áp, nên chọn búp chè non, còn tươi; không nên sử dụng lá trà hoặc đã phơi khô. Nên pha trà vừa đủ lượng, không quá đặc để tránh gây mất ngủ hoặc ảnh hưởng tới tim mạch. Thời điểm lý tưởng để uống trà xanh là sau khi ăn khoảng 1 giờ, trước khi đi ngủ khoảng 4 - 5 giờ.

Trà đen

Trà đen được sản xuất từ lá cây Camellia sinensis. Loại trà này có chứa caffeine, các chất kích thích và nhiều chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa trong trà đen có tác dụng làm giảm cholesterol xấu, cải thiện sức khỏe tim mạch và làm giảm lượng đường trong máu. Đồng thời, L-theanine trong trà đen cũng giúp cải thiện sự tập trung, nâng cao sức khỏe tinh thần của người bị tăng huyết áp.

1 nghiên cứu của Thụy Điển trên 74.961 người trong hơn 10,2 năm cho thấy: Việc tiêu thụ 4 tách trà đen trở lên mỗi ngày giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Tuy nhiên, trà đen cũng chứa caffeine. Do vậy, người dùng không nên uống quá nhiều, không uống quá 8 tách trà/ngày để duy trì lượng caffeine an toàn nạp vào cơ thể. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên sử dụng trà đen ít hơn, theo khuyến nghị của bác sĩ.

Trà ô long

Trà ô long là 1 loại trà truyền thống của Trung Quốc. Loại trà này được sản xuất từ lá cây trà - loại cây dùng làm trà xanh và trà đen. Trà ô long có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Uống trà ô long thường xuyên có tác dụng hỗ trợ giảm huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 61%.

Catechin có trong trà ô long còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, đốt cháy lượng calo, giảm mỡ thừa và giảm nguy cơ béo phì. Ngoài ra, L-Theanine, EGCG và caffeine trong trà ô long cũng có tác dụng giúp người sử dụng thư giãn đầu óc, tinh thần hưng phấn, minh mẫn và tập trung hơn.

Khi uống trà ô long, người dùng nên uống sau khi ăn khoảng 1 giờ. Không nên uống trà trong khi ăn, không uống trước khi ăn sáng (bụng đói) vì các chất trong trà có thể gây kích thích ruột non.

Như vậy, đáp án cho câu hỏi cao huyết áp uống trà đường được không chính là: Không. Tuy nhiên, người bệnh cao huyết áp có thể uống trà không pha đường. Đây là thói quen lành mạnh giúp giảm huyết áp (khi kết hợp với việc thay đổi lối sống, tập thể dục và dùng thuốc). Người bệnh chỉ cần chú ý thưởng thức loại đồ uống này với lượng phù hợp để tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan