Răng cối là răng nào?

"Cái răng cái tóc là góc con người" là câu nói thể hiện lên sự quan trọng của hàm răng. Trong đó việc bảo vệ răng cối, nhóm răng đóng vai trò nhai nghiền thức ăn, là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết răng cối là răng gì và có vai trò như thế nào.

1. Răng cối là răng gì?

Răng cối là tên gọi rất quen thuộc, tuy nhiên nhiều người vẫn không biết răng cối là răng gì. Răng cối là cách gọi khác của răng hàm và là những răng mọc ở trong cùng của hàm. Tác dụng của răng cối là bảo vệ xương hàm và thực hiện chức năng nhai.

Để hình dung rõ hơn về vị trí của răng cối, chúng ta hãy tưởng tượng có một đường thẳng dọc giữa, đi qua giữa khuôn mặt và chia bộ răng thành 2 nửa đối xứng bằng nhau. Từ đường giữa đi về phía bất kỳ, các răng sẽ được đánh vị trí từ 1 đến cuối cùng (thường là 8). Làm tương tự với các cung hàm còn lại cho cả hàm trên và hàm dưới ta sẽ được các răng như sau:

  • Răng cửa giữa: Bao gồm 4 răng, được đánh số 1;
  • Răng cửa bên: Nằm cạnh răng cửa giữa, bao gồm 4 răng được đánh vị trí số 2;
  • Răng nanh: Mỗi cung hàm có 1 răng nanh, do đó con người sẽ có tất cả 4 răng nanh và được đánh số 3;
  • Răng cối nhỏ được đánh số 4 và 5, gọi là răng cối nhỏ thứ nhất và răng cối nhỏ thứ hai. Vị trí đứng ngay sau răng nanh. Mỗi cung hàm có 2 và tổng cộng sẽ có tất cả 8 răng cối nhỏ (hay những tên gọi khác như răng tiền cối, răng tiền hàm). Răng cối nhỏ là răng chuyển tiếp giữa nhóm răng trước và nhóm răng sau, do đó chúng có cấu tạo và chức năng hỗn hợp;

Răng cối lớn hay còn gọi là răng hàm, thuộc nhóm răng, bao gồm tổng cộng 12 chiếc, được đánh số từ 6 đến 8. Răng số 8, còn được gọi là răng khôn hay răng cối lớn thứ ba, có thể tồn tại hoặc không trên mỗi cung hàm tùy cơ địa mỗi người. Thông thường, răng khôn không tham gia vào chức năng nhai, do đó việc loại bỏ chúng sẽ không ảnh hưởng đến chức năng hàm răng. Răng số 6 và số 7 (hay răng cối lớn thứ nhất và thứ hai) có kích thước lớn nhất, mặt nhai rộng và đóng vai trò rất quan trọng trên mỗi cung hàm. Thức ăn được tiêu hóa và hấp thu dễ dàng đa phần là nhờ khả năng nhai nghiền của răng cối lớn. Tuy nhiên, do cấu tạo có nhiều múi rãnh nên răng cối lớn thường khó vệ sinh và rất dễ bị sâu răng.

2. Đặc điểm của răng cối nhỏ

Trong tiếng Anh, răng cối nhỏ được gọi là Bicuspid, dịch ra nghĩa là răng 2 múi. Tuy nhiên, bản chất không phải tất cả răng cối nhỏ đều cấu tạo gồm 2 múi nên tên gọi này không được phổ biến. Răng cối nhỏ có tên tiếng Pháp là Premolar hay Premolaire, dịch ra có nghĩa là tiền hàm hay tiền cối.

Mỗi người bình thường sẽ có 8 răng cối nhỏ, tương ứng mỗi cung răng có 2 chiếc. Chúng sẽ mọc thay thế răng cối sữa trong giai đoạn 9-11 tuổi (trước thời điểm mọc các răng cối lớn thứ hai). Các răng cối hàm trên và hàm dưới mọc tương đối đồng đều, răng thứ nhất mọc lúc 9 tuổi và răng thứ 2 mọc khoảng 11 tuổi.

Răng cối nhỏ nằm ở giữa răng nanh và răng cối lớn trên mỗi cung răng. Về mặt hình thái học, răng cối nhỏ được xem là sự chuyển tiếp giữa 2 nhóm răng trên. Cấu tạo răng cối nhỏ có ít nhất 1 múi lớn sắc hoặc 2-3 múi với mặt nhai nhỏ hơn răng cối lớn để phù hợp với nhiệm vụ làm dập nát thức ăn.

2.1. Răng cối nhỏ hàm trên

Những đặc điểm nổi bật của răng cối hàm trên:

  • Răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai ở hàm trên có hình dạng giống nhau nhiều hơn so với hàm dưới;
  • Các răng cối nhỏ hàm trên thường có 2 múi lớn, nhô cao với kích thước bằng nhau và khác hoàn toàn so với răng cối nhỏ hàm dưới;
  • Nếu nhìn từ mặt nhai, các răng cối nhỏ hàm trên có kích thước trong ngoài lớn hơn kích thước gần xa;
  • Nhìn từ mặt bên, các răng cối nhỏ hàm trên có đường viền phía ngoài hơi nghiêng nhẹ vào phía trong, tính từ điểm lồi tối đa ngoài đến đỉnh múi ngoài;
  • Nhìn từ phía trên, các răng cối nhỏ hàm trên sẽ có điểm lồi tối đa tại vị trí 1⁄3 giữa.

2.2. Răng cối nhỏ hàm dưới

Răng cối nhỏ hàm dưới thứ nhất (tương ứng răng số 4) được xem như một chiếc răng nanh thứ hai, trong khi răng cối nhỏ hàm dưới thứ 2 lại trông giống như một răng cối lớn thu nhỏ.

Những đặc điểm nổi bật của răng cối nhỏ hàm dưới:

  • Kích thước múi ngoài lớn hơn múi trong khá nhiều;
  • Thân răng có kích thước trong ngoài xấp xỉ gần bằng kích thước gần xa;
  • Nhìn từ mặt bên, đường viền ngoài nghiêng hơn bên trong rất nhiều;
  • Điểm lồi tối đa trong ở khoảng phần ba nhai;
  • Rãnh giữa thường cong lồi vào trong.

3. Đặc điểm của răng cối lớn

Khi tìm hiểu về răng cối là răng gì, chúng ta cần phải nắm được số lượng của răng cối lớn. Theo đó, cấu tạo bình thường ở một người trưởng thành sẽ bao gồm 12 chiếc răng cối lớn (hay còn gọi là răng hàm), 6 cái ở hàm trên, 6 cái ở hàm dưới và mỗi bên tương ứng sẽ có 3 răng. Nhóm răng này không mọc để thay thế cho răng sữa mà chúng được gọi là nhóm răng kế tiếp.

Răng cối lớn thứ nhất thường mọc lúc 6 tuổi và là chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên mọc trong khoang miệng. Răng cối lớn thứ hai mọc khi chúng ta được khoảng 12 tuổi, còn răng cối lớn thứ ba (hay còn gọi là răng khôn) sẽ mọc ở các thời điểm khác nhau tùy cơ địa mỗi người.

Răng cối lớn hay răng hàm sẽ đảm nhiệm chức năng chính là nhai nghiền thức thức ăn, đồng thời giữ kích thước dọc của tầng dưới mặt. Chính vị trí của răng cối lớn so với khớp thái dương hàm đã giúp chúng thực hiện chức năng nghiền đồ ăn một cách tốt nhất.

Những đặc điểm nhận biết răng cối lớn:

  • Mặt nhai lớn nhất trên cung răng, do đó mới được gọi là răng cối lớn;
  • Mỗi chiếc răng có từ 3-5 múi lớn và là nhóm răng duy nhất mà mỗi răng có ít nhất 2 múi ngoài;
  • Bao gồm 2 hoặc 3 chân lớn, đồng thời vị trí và hướng của chân răng rất đặc trưng;

Chính những cấu tạo đặc biệt này giúp răng cối lớn rất vững chắc.

3.1. Đặc điểm răng cối hàm trên

Đặc điểm của nhóm răng cối lớn hàm trên như sau:

  • Thường có 3 chân, cụ thể là 2 chân ngoài và 1 chân trong;
  • Thường có 3 múi lớn và 1 múi nhỏ hơn;
  • Thân răng có kích thước ngoài trong lớn hơn kích thước gần xa;
  • Múi gần trong và múi xa ngoài của răng cối hàm trên có các gờ tam giác, khi nối lại với nhau sẽ tạo thành gờ chéo;
  • Các múi gần ngoài, xa ngoài và gần trong của răng cối lớn hàm trên sẽ tạo thành mẫu tam giác có 3 múi;
  • 2 múi ngoài có kích thước không tương đương, thường múi gần ngoài lớn hơn múi xa ngoài;
  • Múi xa trong của răng cối lớn hàm trên thường có kích thước nhỏ hoặc rất nhỏ, thậm chí có người còn không có.

3.2. Đặc điểm răng cối lớn hàm dưới

Răng cối lớn hàm dưới chiếm phần sau của mỗi bên, tương tự răng cối lớn hàm trên thì kích thước của chúng sẽ giảm dần.

Một số đặc điểm riêng biệt của răng cối lớn hàm dưới như sau:

  • Cấu tạo có 2 chân, là 1 chân gần và 1 chân xa;
  • Cấu tạo có 4 múi lớn và múi thứ 5 kích thước sẽ nhỏ hơn;
  • Thân răng có kích thước gần xa lớn hơn kích thước ngoài trong;
  • Răng cối lớn hàm dưới là những chiếc răng có 2 múi lớn ở phía trong với kích thước tương đương nhau;
  • Các múi gần ngoài và xa ngoài cũng có kích thước tương đương nhau;

Răng cối lớn thứ nhất của cả hàm trên và hàm dưới đều là những chiếc răng vĩnh viễn mọc lên từ năm 6 tuổi, vị trí ở ngay phía sau răng cối sữa thứ 2. Đồng thời, sự hình thành của chúng cũng đánh dấu cho sự khởi đầu của cột mốc bộ răng hỗn hợp, nghĩa là có sự góp mặt đồng thời của cả răng sữa lẫn răng viễn viễn trên cùng một cung răng.

4. Hướng dẫn vệ sinh răng cối đúng cách

Răng cối khi đã mất đi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhai thức ăn lẫn thẩm mỹ. Vì thế, việc bảo vệ và phòng ngừa nguy cơ tổn thương răng cối, như sâu răng, viêm nha chu..., là vô cùng cần thiết. Để làm được điều này, chúng ta cần lưu ý một số phương pháp vệ sinh răng cối như sau:

  • Thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách, trong đó cần đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày;
  • Sử dụng thêm chỉ nha khoa hoặc tăm nước để góp phần làm sạch kẽ răng hoàn hảo nhất;
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, đặc biệt là việc đảm bảo cung cấp đầy đủ canxi;
  • Hạn chế sử dụng thức ăn chứa nhiều đường, vì nguy cơ ảnh hưởng đến men răng và nướu;
  • Hạn chế tối đa những thói quen xấu như nghiến răng, hút thuốc lá, sử dụng bia rượu...;
  • Duy trì thói quen khám răng và cạo vôi định kỳ.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về răng cối là răng nào để biết cách nhận dạng và vệ sinh đúng cách, đảm bảo chức năng nhai và thẩm mỹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan