Khớp cắn hở là gì? Điều trị khớp cắn hở như thế nào?

Khớp cắn hở là một trong những tình trạng vô cùng nghiêm trọng và khó điều trị trong những dạng sai khớp cắn. Tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu, phương án điều trị các trường hợp khớp cắn hở sẽ giúp bạn giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe răng miệng của bản thân.

1. Khớp cắn hở là gì?

Khớp cắn hở có tên gọi tiếng Anh là Open bite malocclusion, đây là một dạng đặc biệt thuộc nhóm sai lệch khớp cắn, loại khớp này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tính thẩm mỹ và đặc biệt là chức năng của hàm răng.

Khi khớp cắn bị hở, những nhóm răng cửa bị hở sẽ khiến chúng ta có thể nhìn thấy được lưỡi ngay cả lúc đang khép miệng trong trạng thái nghỉ bình thường, vì nhóm răng của hàm trên và hàm dưới không thể chạm đến nhau được.

Một số đặc điểm nổi bật của khớp cắn hở bao gồm:

  • Nhóm răng thuộc cả hai hàm (gồm có răng cửa chính, cửa phụ, răng nanh) đều không thể chạm đến nhau được, tạo nên những khoảng hở ở phía trước.
  • Cung răng cửa hàm trên thường sẽ có dạng chữ V.
  • Nhóm răng sau như răng tiền hàm, răng hàm vẫn có thể tiếp xúc được với nhau tại mặt nhai.
  • Nhìn chung, tương quan của 3 phần trên khuôn mặt là trán-mũi và cằm vẫn có thể bình thường, cùng nằm trên một đường thẳng mà không bị gấp khúc. Tuy nhiên, nếu như khớp cắn hở bị biến dạng thành dạng răng vẩu thì mối tương quan trên sẽ không được như ban đầu, xuất hiện những điểm gấp khúc.
Lệch khớp cắn
Khớp cắn bị hở khiến nhìn thấy cả lưỡi khi miệng ở trạng thái nghỉ

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng khớp cắn hở là gì?

Khớp cắn hở hoàn toàn có thể do di truyền bẩm sinh hoặc hình thành bởi các thói quen xấu hàng ngày như mút tay, cắn bút, đẩy lưỡi, ngậm ti giả lúc còn nhỏ.

Để khắc phục các tình trạng do thói quen sống gây ra, để cải thiện những thói quen xấu này, bạn chỉ cần thường xuyên sửa đổi cho bé và xây dựng những thói quen lành mạnh, tốt cho răng miệng.

Nhưng nếu như nguyên nhân chính dẫn đến khớp cắn hở là do di truyền từ gia đình thì gần như không thể ngăn chặn, do đó sau khi cấu trúc răng đã hoàn thiện, bạn có thể tiến hành một số phác đồ điều trị phù hợp để làm lại hàm răng của mình.

3. Điều trị khớp cắn hở như thế nào?

3.1. Điều trị tại giai đoạn phát triển

Trong giai đoạn đầu hình thành khớp cắn hở, bác sĩ có thể phân tích những nguyên nhân hình thành từ thói quen hàng ngày như đẩy lưỡi, mút tay để đưa ra hướng điều trị thích hợp, giúp trẻ dừng lại những thói quen này bằng các khí cụ chuyên dụng, ví dụ như máng nhựa duy trì.

Nếu như nguyên nhân chính là do xương của hàm trên bị hẹp hoặc lõm thì bệnh nhân có thể được đeo hàm nới rộng cung hàm để đưa được cung hàm ra đồng thời có thể đóng khít được cắn hở.

Niềng răng bằng mắc cài trong suốt
Sử dụng máng nhựa duy trì để điều trị hở khớp cắn ở giai đoạn phát triển

3.2. Điều trị tại giai đoạn ngừng phát triển

Trong giai đoạn này thì lựa chọn dịch chuyển nhóm răng cửa trên được đều đặn và cân đối với nhóm răng thuộc cửa dưới bằng các phương pháp hàm chỉnh nha cơ bản được đánh giá là không mang lại hiệu quả.

Khi đó, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng thực tế cùng với nguyên nhân dẫn đến tình trạng khớp cắn hở của người bệnh để có thể lựa chọn một trong 3 phương pháp điều trị sau:

Phương án 1: Áp dụng niềng răng mắc cài bằng kim loại

Phương pháp này tập trung vào 3 mục tiêu cơ bản nhất chính là:

  • Làm lún răng cối
  • Làm trồi phần răng cửa của hai hàm
  • Nới rộng cung răng cửa hàm trên

Để đạt được tất cả 3 mục tiêu này thì bác sĩ áp dụng các kỹ thuật chỉnh nha chuyên sâu với những dụng cụ điển hình như cung môi, dây thun, nẹp vít, và minivis niềng răng,... cuối cùng chính là hệ thống mắc cài.

Nhờ việc sử dụng những mắc cài kim loại cùng với dây cung có lực siết siêu chặt mà khả năng căn chỉnh các răng cắn hở vô cùng hoàn hảo, có thể dịch chuyển răng về các vị trí mong muốn, tạo nên những khớp cắn hài hòa mà không gây tác động xấu đến cấu trúc của răng thật.

Phương án 2: Làm răng sứ để tạo hình cho hàm răng

Đây là phương pháp thay đổi được diện mạo và cấu trúc của nhóm răng cửa, có thể điều trị khớp cắn hở nhanh chóng, mang lại tính thẩm mỹ cao, thời gian điều trị cũng vô cùng nhanh chóng, chỉ mất 2-3 ngày.

Để thực hiện được kỹ thuật này, bác sĩ cần kiểm tra lại tình trạng hở khớp cắn của bệnh nhân để đưa ra phương án mài chỉnh bên ngoài của những chiếc răng, sau đó mới bọc lên một lớp mão sứ mới, cân đối và thẩm mỹ với những chiếc răng khác.

Có nên mài răng làm răng sứ?
Mài răng bọc răng sứ để khắc phục tình trạng hở khớp cắn

Quá trình mài răng sứ phải được kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt và chặt chẽ bởi những chuyên gia có tay nghề cao để đảm bảo tỷ lệ cần phải mài răng ở mức thấp nhất nhưng vẫn phải đảm bảo về tính khoa học và mang lại cho bệnh nhân một nụ cười rạng rỡ, hài hòa và cân đối sau khi điều trị.

Tuy nhiên, thời gian niềng răng của phương pháp này thường kéo dài tương đối lâu (12-24 tháng), khiến mắc cài không được vệ sinh tỉ mỉ có thể gây ra nhiều phiền toái cho người sử dụng.

Phương án 3: Phẫu thuật xương hàm

Phương pháp này thường được thực hiện cho những trường hợp khớp cắn hở là do xương gây ra, nhằm điều chỉnh lại sự tương quan của những khớp cắn.

Mỗi phương pháp đều có mức chi phí và thời gian thực hiện khác nhau, nhưng đặc điểm chung là có thể giải quyết được tình trạng khớp cắn hở, mang đến cho bạn một nụ cười rạng rỡ, sự tự tin khi giao tiếp, góp phần thay đổi tích cực cho cuộc sống của bạn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan