Vị trí và tác dụng huyệt Âm Khích

Theo tài liệu Y Học Cổ Truyền, huyệt Âm Khích có công dụng thanh hư nhiệt, chỉ hãn, điều hòa tâm huyết, chỉ thống, an thần... Nhờ những đặc tính này mà Âm Khích huyệt được đánh giá cao trong chữa bệnh hồi hộp, đau vùng tim, đau ngực, tim đập mạnh, ra mồ hôi trộm, chảy máu mũi, nôn ra máu.

1. Vị trí huyệt Âm Khích

Huyệt Âm Khích (Yìn xì) còn có các tên gọi khác là Âm Ky, Thạch Cung, Thủ Thiếu Âm, Thiếu Âm Khích. Gọi là huyệt Âm Khích vì đây là huyệt thứ 6 của đường kinh Thủ Thiếu Âm Tâm, là Khích huyệt của đường kinh này.

Về vị trí, huyệt nằm ở mặt trước và trong cẳng tay, trên nếp gấp cổ tay 0,5 thốn. Để lấy huyệt, người bệnh hơi co khuỷu tay, đo từ huyệt Thông Lý xuống 0,5 thốn, từ huyệt Thần Môn lên 0,5 thốn. Nắm ngón tay và gấp bàn tay vào cẳng tay sẽ nổi rõ khe cổ tay, dễ nhận biết vị trí huyệt Âm Khích hơn.

huyệt âm khích
Âm Khích huyệt được đánh giá cao trong chữa bệnh hồi hộp, đau vùng tim

2. Huyệt Âm Khích tác dụng gì? Cách tác động huyệt Âm Khích

Huyệt Âm Khích đã được ghi nhận là có hiệu quả trong việc điều hoà hoạt động quá mức của tim và hoạt động tinh thần:

  • Chủ trị tình trạng đau vùng tim (tâm thống), tim đau nhói dữ dội, nặng tức ngực, hồi hộp, hoảng sợ, khí nghịch loạn do kinh sợ, loạn nhịp tim đột ngột kèm đau ngực, động kinh;
  • Ra mồ hôi trộm, chảy máu mũi, nôn ra máu (thổ huyết), khí nghịch
  • Đau nhức trong xương (chứng cốt chưng);
  • Áp dụng trong một số trường hợp mất tiếng do viêm thanh quản, phải nói nhiều hoặc do các nguyên nhân khác đều cho kết quả khả quan.

Cách tác động vào huyệt Âm Khích

  • Khi day bấm huyệt Âm Khích cần dùng ngón trỏ của tay nọ day ấn nhẹ vào huyệt của của tay kia. Khi bấm vào thấy tê tê, hơi tức tức là đúng huyệt. Có thể day tròn và kết hợp bấm từ 1-3 phút;
  • Khi châm cứu cần châm thẳng kim, sâu 0,5-0,8 thốn. Còn khi cứu thì khoảng 1-3 tráng, ôn cứu 3-5 phút.

Ngoài ra, thầy thuốc cũng có thể phối kết hợp Âm Khích huyệt với các huyệt đạo khác để tăng hiệu quả chữa trị bệnh, ví dụ như:

  • Kết hợp với huyệt Hậu Khê để trị chứng ra mồ hôi đêm;
  • Kết hợp với huyệt Gian Sử, Nhị Gian và Lệ Đoài giúp trị chứng hoảng sợ quá mức;
  • Kết hợp với huyệt Tâm Du, Túc Tam Lý, Tỳ Du trị tâm tỳ hao tổn, mất ngủ, khó ngủ;
  • Kết hợp với huyệt Trung Xung giúp trị đau vùng tim, tức ngực, cứng lưới;
  • Kết hợp với huyệt Hành Gian giúp điều trị đau vùng tim.

Huyệt Âm Khích là huyệt đạo dễ tìm và có thể tự day bấm tại nhà. Tuy nhiên khi thực hiện người bệnh cần chú ý xác định đúng vị trí huyệt vị và tốt nhất nên có sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn. Nếu định chữa bệnh bằng châm cứu, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở Y Học Cổ Truyền uy tín để được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan