Cách chăm sóc và dạy trẻ bị tăng động, chậm nói

Trẻ tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao hơn đáng kể khi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và những khó khăn này có thể ảnh hưởng đến kết quả giáo dục, xã hội và thậm chí cả nghề nghiệp của trẻ. Do đó, cha mẹ khi phát hiện trẻ tăng động giảm chú ý chậm nói thì cần sớm đến gặp các nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ để có thể giúp xác định những khó khăn và hỗ trợ trẻ phát triển tương đối hoàn thiện hơn.

1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý là 1 tình trạng phổ biến khi các vùng não chịu trách nhiệm về sự chú ý và chức năng điều hành của trẻ bị gián đoạn - dẫn đến mất chú ý, tăng động và bốc đồng.

Khoảng 10% trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn thế giới bị rối loạn tăng động giảm chú ý và ảnh hưởng đến số trẻ em trai nhiều gấp đôi trẻ em gái. Tình trạng này có thể xảy ra trong gia đình và KHÔNG phải là kết quả của việc nuôi dạy con cái kém. Đó là 1 tình trạng sinh học thần kinh hợp lệ thường tồn tại cùng với các rối loạn khác như:

  • Rối loạn phản đối chống đối: Tái diễn hành vi tiêu cực, thách thức, thù địch và không vâng lời.
  • Rối loạn hành vi/ Hung dữ: Vi phạm nhiều lần các quyền cơ bản của người khác hoặc các chuẩn mực xã hội phù hợp với lứa tuổi, gây hấn nhiều lần, nói dối, ăn cắp và trốn học.
  • Khiếm khuyết trong học tập: Suy giảm khả năng phối hợp vận động-cảm giác, chữ viết tay kém và các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn.
  • Trầm cảm: Khó chịu, khó ngủ, tâm trạng tiêu cực nhất quán và không có khả năng tận hưởng những trải nghiệm thú vị.
  • Lo lắng: Lòng tự trọng thấp, thường xuyên lo lắng và ám ảnh.
  • Rối loạn phối hợp phát triển: Vụng về, kém thành tích thể thao và chậm trễ rõ rệt trong việc đạt được các mốc vận động theo tuổi.
  • Rối loạn giọng nói và ngôn ngữ: Các mốc phát triển ngôn ngữ rất chậm, ngôn ngữ diễn đạt đơn giản quá mức, lỗi phát âm và khả năng đọc chậm.

2. Dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý như thế nào?

Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý khác nhau khi trẻ phát triển nhưng có 3 triệu chứng cốt lõi của tình trạng này:

2.1. Không chú ý

  • Gây ra những sai lầm bất cẩn;
  • Không chú ý đến chi tiết;
  • Dường như không làm theo hướng dẫn;
  • Không hoàn thành bài tập ở trường và việc nhà;
  • Dễ mất vật dụng cá nhân;
  • Dễ bị phân tâm;
  • Hay quên trong các hoạt động hàng ngày.

2.2. Tăng động

  • Liên tục sử dụng tay và chân một cách vô thức;
  • Rời khỏi chỗ ngồi khi ở trong lớp học;
  • Chạy nhảy và leo trèo trong các tình huống không thích hợp;
  • Gặp khó khăn khi chơi các trò chơi cần yên lặng;
  • Nói chuyện nhiều quá mức.

2.3. Tính bốc đồng

  • Đổi ý đột ngột trước khi câu nói được hoàn thành;
  • Gặp khó khăn khi chờ đến lượt;
  • Làm gián đoạn hoặc xâm nhập vào quyền riêng tư của người khác.

3. Tác động của rối loạn tăng động giảm chú ý đối với khả năng ngôn ngữ

Trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn tăng động giảm chú ý gặp những khó khăn trong giao tiếp sẽ có nguy cơ cao bị kém tiến bộ trong học tập, dễ bị bắt nạt và có các vấn đề về hành vi. Các trẻ này, đặc biệt là trẻ em trai, thường có ít bạn bè hơn và gặp khó khăn trong xã hội, khi so sánh với trẻ không mắc bệnh. Những thách thức xã hội và học tập có thể ảnh hưởng đến những năm sau của trẻ với bằng chứng cho thấy trẻ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn và có thể khó đạt được công việc có lợi.

Là cha mẹ, cải thiện tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý chậm nói có thể khá khó khăn. Nếu trẻ được đưa đến các trường học chuyên biệt, các trẻ này cần được hỗ trợ kỹ năng giao tiếp cơ bản để vượt qua các thách thức khi cần sử dụng lời nói, từ đó mới có thể xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa và đạt được thành công trong học tập, xã hội về sau. Để thực hiện được mục tiêu này, các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ sẽ cung cấp các kỹ năng và sự hỗ trợ có thể làm giảm bớt tác động của những khó khăn này trong việc thực hiện khả năng ngôn ngữ.

4. Cách chăm sóc và dạy trẻ bị tăng động, chậm nói

Điều tốt nhất đầu tiên mà cha mẹ có thể làm để giúp con mình nếu nghi ngờ chúng bị rối loạn tăng động giảm chú ý là phải đảm bảo rằng trẻ đã được chẩn đoán chính xác. Không có một bài kiểm tra nào có thể chẩn đoán tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý mà nó đòi hỏi một quá trình phức tạp. Việc chẩn đoán yêu cầu phải có bằng chứng rõ ràng về sự suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong hoạt động xã hội, học tập và / hoặc nghề nghiệp.

Nếu bác sĩ đã xác định trẻ tăng động giảm chú ý chậm nói, cha mẹ cần phải áp dụng các trị liệu về ngôn ngữ và lời nói sớm hơn sẽ giúp đạt được nhiều hiệu quả hơn là muộn hơn. Đồng thời, cha mẹ cũng có thể điều chỉnh phong cách giao tiếp của mình để giúp khuyến khích trẻ giao tiếp phản hồi và làm cho quá trình này trở nên dễ dàng hơn cho trẻ.

Ngoài ra, để hỗ trợ trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý và cả gia đình, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho trẻ để giúp chúng kiểm soát hành vi và tâm trạng thành công. Các thuốc này thường được kê đơn như một phần của kế hoạch điều trị để giải quyết các nhu cầu về tâm lý, hành vi và giáo dục của trẻ và phương pháp tiếp cận theo nhóm thường được yêu cầu để trẻ nhận được tất cả sự hỗ trợ mà chúng cần.

5. Các cách cha mẹ hỗ trợ kỹ năng giao tiếp cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý tại nhà

  • 1. Điều trị sớm: Một kế hoạch can thiệp toàn diện cho rối loạn tăng động giảm chú ý có thể bao gồm thuốc, liệu pháp hành vi và các hỗ trợ khác - sẽ giúp giải quyết các vấn đề về giao tiếp ở mức độ cơ bản.
  • 2. Cho trẻ tầm soát chứng chậm phát triển ngôn ngữ. Tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ, chúng có thể đủ điều kiện để tham gia liệu pháp ngôn ngữ ở trường hay các trung tâm giao tiếp chuyên nghiệp.
  • 3. Nói chuyện với trẻ thật nhiều. Sự tương tác bằng lời giữa cha mẹ và con cái và một môi trường ngôn ngữ phong phú là rất quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ tăng động giảm chú ý chậm nói.
  • 4. Cho trẻ đọc sách. Đọc sách từ khi trẻ còn nhỏ sẽ giúp hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết về sau. Tất nhiên, đọc sách cũng có liên quan đến khả năng trẻ tăng động chậm nói thành công hơn trong học tập.
  • 5. Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Các nghiên cứu cho thấy rằng thời gian sử dụng thiết bị có thể làm gián đoạn các kỹ năng ngôn ngữ và đọc viết ở trẻ em nói chung. Trong thời đại ngày nay, điều quan trọng là phải đặt ra giới hạn sử dụng thiết bị đủ nghiêm ngặt để cho phép trẻ em có thời gian và không gian phát triển kỹ năng giao tiếp toàn diện.
  • 6. Thu hút sự chú ý của trẻ để bắt đầu cuộc trò chuyện. Đừng to tiếng hoặc cố đặt câu hỏi khi trẻ tăng động giảm chú ý đang tập trung vào việc khác, vì điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn và hiểu lầm. Rối loạn chức năng điều hành trong bệnh lý này sẽ gây khó khăn cho việc điều chỉnh sự tập trung, vì vậy hãy cho con có thời gian để hướng sự chú ý của chúng đến mục tiêu đặt ra.
  • 7. Nói ngắn gọn và thường xuyên tạm dừng để trẻ tăng động giảm chú ý chậm nói xử lý thông tin, thu thập suy nghĩ của chúng và giao tiếp lại bằng lời.
  • 8. Chia yêu cầu và thông tin thành các phần nhỏ hơn. Làm theo hướng dẫn nhiều bước yêu cầu bộ nhớ phải rộng và bộ xử lý phải tinh vi. Do đó, việc giữ các bước đơn giản, dễ thực hiện sẽ hạn chế sự thất vọng ở tất cả các bên.
  • 9. Yêu cầu trẻ lặp lại những gì cha mẹ đã nói để đánh giá khả năng hiểu và củng cố trí nhớ hoạt động; từ đó giúp trẻ bình tĩnh lựa chọn, sắp xếp câu chữ hồi đáp.
  • 10. Tập trung vào các mối liên kết cơ bản. Mối quan hệ cha mẹ - con cái tích cực có thể giảm xung đột và tạo điều kiện giao tiếp cởi mở, tôn trọng hơn. Do đó, cha mẹ cần thể hiện sự quan tâm đến sở thích của con và tìm kiếm những trải nghiệm dễ dàng, vui vẻ với chúng. Có mặt và chăm chú lắng nghe khi con nói với mình. Sự quan tâm là động lực và trẻ tăng động giảm chú ý chậm nói sẽ có xu hướng chia sẻ nhiều hơn nếu chúng cảm thấy được lắng nghe.

Tóm lại, thay vì lo lắng trẻ tăng động giảm chú ý có chữa được không, cha mẹ cần sớm áp dụng các biện pháp cải thiện khả năng giao tiếp cho trẻ càng sớm càng tốt. Bên cạnh thời gian trong các trung tâm cùng chuyên gia trị liệu ngôn ngữ chuyên nghiệp, cha mẹ và người chăm sóc cũng có thể tạo môi trường giao tiếp lý tưởng cho trẻ khi ở nhà. Đây là những điều kiện cơ bản giúp trẻ tăng động chậm nói có kỹ năng dùng lời nói tương đối hoàn thiện, có thể đáp ứng cho quá trình phát triển về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: additudemag.com, journals.sagepub.com, agrowingunderstanding.com.au

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan