Phẫu thuật tịt lỗ mũi sau bẩm sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Tuấn - Bác sĩ Tai mũi họng - Phẫu thuật đầu cổ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tịt lỗ mũi sau bẩm sinh có thể khiến trẻ bị tím tái, suy hô hấp gây tử vong. Vì vậy, cần phẫu thuật tịt lỗ mũi sau bẩm sinh cho trẻ. Phương pháp tốt là ứng dụng nội soi mũi, dùng microdebrider tạo hình mũi sau cho trẻ.

1. Tổng quan về tình trạng tịt lỗ mũi sau bẩm sinh

Tịt lỗ mũi sau bẩm sinh là một bất thường ở trẻ sơ sinh, đặc trưng bởi tình trạng tồn tại một màng chắn ở cửa mũi sau. Đó có thể là màng trong, sụn hoặc xương, khiến không khí không thể đi từ cửa mũi trước tới cửa mũi sau.

Tịt lỗ mũi sau bẩm sinh có thể khiến trẻ bị tím tái, suy hô hấp gây tử vong. Nếu trẻ không tử vong ngay sau khi sinh thì về sau trẻ vẫn có nguy cơ bị sặc sữa, sặc thức ăn vào phổi, dẫn tới tử vong. Hoặc trẻ cũng có thể bị ngưng thở gây tử vong trong khi ngủ do tụt lưỡi ra sau, gây tắc đường hô hấp.

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định nhằm mở lỗ mũi sau bị tịt, tạo đường lưu thông không khí qua mũi. Hiện có nhiều phương pháp phẫu thuật tạo hình cho trẻ bị tịt mũi sau. Trong đó, phương pháp tốt là ứng dụng nội soi mũi, sử dụng microdebrider để tạo hình mũi sau cho trẻ.

Một số lưu ý trước khi phẫu thuật:

  • Thời điểm thực hiện phẫu thuật an toàn là khi trẻ được 2 tháng tuổi;
  • Nếu trẻ bị suy hô hấp lúc sinh ra, đi kèm dị tật tim thì nên mở khí quản trước rồi đợi tới khi trẻ được 2 tháng tuổi sẽ tạo hình;
  • Trẻ bị tịt mũi sau thường đi kèm dị tật vách ngăn. Cần chỉnh sửa dị tật này để lấy đường vào cho phẫu thuật tạo hình mũi sau. Việc này có thể gây tắc mũi do mô hạt. Vì vậy, bác sĩ cần đặt stent mũi 10 - 15 ngày sau phẫu thuật;
  • Phương pháp nội soi giúp bác sĩ xác định được điểm cần khoan để không khoan vào đáy sọ hoặc xoang bướm. Khoan bằng microdebrider sẽ an toàn.
Tịt lỗ mũi sau bẩm sinh có thể khiến trẻ bị tím tái, suy hô hấp gây tử vong
Tịt lỗ mũi sau bẩm sinh khiến trẻ có nguy cơ bị sặc sữa, sặc thức ăn vào phổi, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

2. Phương pháp phẫu thuật tịt lỗ mũi sau bẩm sinh

2.1 Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Mọi trường hợp tịt lỗ mũi sau bẩm sinh đều cần phẫu thuật;
  • Nếu bị tịt 1 bên mũi thì có thể trì hoãn phẫu thuật.

Chống chỉ định

  • Trẻ có những dị tật đi kèm như sa màng não vào hốc mũi;
  • Trẻ có bệnh về máu như bệnh máu chậm đông, chảy máu kéo dài,...;
  • Trẻ đang bị nhiễm khuẩn cấp với triệu chứng ho, sốt hoặc mắc 1 bệnh cấp tính như viêm màng não, tiêu chảy;
  • Thận trọng khi phẫu thuật cho trẻ có dị tật tim mạch hoặc thần kinh kèm theo.

2.2 Chuẩn bị phẫu thuật

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng;
  • Phương tiện kỹ thuật: Soi mũi có cán, ống thông Itard, bộ nội soi phóng đại, búa và đục nhỏ thẳng (các cỡ 2mm, 4mm và 6mm), kim chọc, ống thông Nelaton, ống nong, giũa Rasp, máy khoan, lưỡi khoan, bộ dao cắt - hút;
  • Bệnh nhân: Trẻ đã được khám tỉ mỉ về lâm sàng và cận lâm sàng để có chẩn đoán xác định là tịt cửa mũi sau và độ dày của màng chắn. Đồng thời, phải loại trừ màng não sa vào hốc mũi, đánh giá đúng vị trí bị tịt, bản chất màng tịt là màng mỏng, sụn hay xương. Ngoài ra, nên khám toàn thân cho trẻ, chú ý tới vấn đề hồi sức kiểm tra tim phổi phải chuẩn bị thật tốt nếu phải gây mê;
  • Hồ sơ bệnh án: Theo quy định.

2.3 Thực hiện phẫu thuật

Trường hợp màng bịt mỏng

  • Bác sĩ lấy ống thông Nelaton hoặc ống thông Engom, chọc mạnh qua màng bịt lỗ mũi sau;
  • Hoặc sử dụng ống thông Itard để chọc thủng màng bịt lỗ mũi sau;
  • Hoặc cắt màng chắn bằng dao cắt hút qua nội soi (microdebrider).

Trường hợp là sụn hoặc xương

  • Gây mê nội khí quản cho trẻ;
  • Đặt ephedrin 1% hoặc adrenalin 1/3000 - 1/5000;
  • Dùng kim chọc dò thử, nếu không xuyên qua được thì dùng đục, đục từ trước ra sau với kích thước từ 2mm trở lên tùy theo tuổi hoặc sử dụng khoan mở rộng lỗ tịt xương, sụn;
  • Đặt nong bằng 1 ống nhỏ vòng qua cửa mũi sau, giữ cho đường vừa mở được thông;
  • Cố định ống nong;
  • Giữ ống nong trong 6 tháng.
Cắt cụt chi dưới là phẫu thuật cắt bỏ phần chi đã bị tổn thương và không thể phục hồi
Mọi trường hợp tịt lỗ mũi sau bẩm sinh đều cần phẫu thuật

2.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Ống nong cần phải thông, không bị nhiễm khuẩn;
  • Nhỏ 1 - 2 giọt adrenalin 0,1% để phòng ngừa hội chứng xanh sốt;
  • Theo dõi tình trạng chảy máu của trẻ;
  • Sử dụng kháng sinh phòng ngừa nhiễm khuẩn cho trẻ;
  • Phòng ngừa phù nề niêm mạc;
  • Kiểm tra ống nong hàng tháng;
  • Rút ống nong sau 6 tháng;
  • Theo dõi trẻ, đề phòng tịt mũi sau trở lại;
  • Chú ý tới chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

2.5 Tai biến và cách xử trí

  • Chảy máu: Cần nhét bấc cầm máu cho trẻ;
  • Dự phòng nguy cơ nhiễm khuẩn bằng cách dùng thuốc kháng sinh;
  • Tai biến vỡ thành trên sọ tổn thương đáy sọ: Phòng ngừa bằng cách không đục quá sâu;
  • Tai biến vỡ sàn mũi tổn thương hàm ếch: Cách xử lý là khâu lại;
  • Tổn thương vách ngăn hoặc các cuốn mũi: Cần xử trí, sửa lại.

Tịt lỗ mũi sau bẩm sinh cần được can thiệp, xử trí sớm bằng phương pháp phẫu thuật để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh, tránh nguy cơ tử vong. Khi trẻ được chỉ định phẫu thuật, phụ huynh cần tuyệt đối phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan